Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Linh Nga Niê Kđăm, ở thành phố Buôn Ma Thuột, tham quan triển lãm đánh giá: "Hồn tre Tây Nguyên là một triển lãm rất có giá trị vì đã tôn vinh được một trong những nghề thủ công của các tộc người thiểu số Tây Nguyên. Thấy rằng họ không chỉ là tài hoa mà còn rất là sáng tạo. Có những dụng cụ, nhạc cụ rất nhỏ như kèn môi cho đến những cái gùi lớn, rồi cho đến cái đàn t’rưng nước, người ta đều không chỉ tạo ra những hình ảnh, những vật dụng mà còn cả âm thanh, cả hình dạng nữa và nó làm cho đời sống của con người phong phú thêm".
Theo ông Đinh Một - Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk, đây là hoạt động nhằm kỷ niệm 14 năm Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam và 47 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Lần đầu tiên Bảo tàng Đắk Lắk phối hợp với một bảo tàng tư nhân tổ chức trưng bày chuyên đề về văn hóa truyền thống, qua đó góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy các nét đẹp văn hóa các dân tộc tại chỗ.
Ông Đinh Một cho biết: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi phối hợp được với một bảo tàng tư nhân trong việc suy nghĩ, tìm ra một chủ đề chung và hiện vật hai bên đều rất phong phú. Những câu chuyện được kể liên hoàn với nhau, gắn với nhau và giúp cho du khách khi tham quan được nghe thuyết minh sẽ hiểu rất rõ. Đôi khi mình nhìn thấy cái gùi như thế nhưng không hình dung được tác dụng của nó. Nghe được những câu chuyện đấy, du khách sẽ cảm thấy có những điều rất thú vị khi đặt chân lên mảnh đất Tây Nguyên".