Xác định chủ trương biện pháp đúng đắn
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đặng Hoàng Nam – Chủ tịch UBND huyện Đăk Tô cho biết: “ Để thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng bộ các cấp, Huyện Đăk Tô đã chú trọng triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy đảng và hệ thống chính quyền các cấp. Cùng với đó, huyện chú trọng phát huy tinh thần đoàn kết trong Nhân dân, nỗ lực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn. Là địa phương giàu tiềm năng về đất đai, tài nguyên, khoáng sản, du lịch và thủy điện…Ba năm qua Huyện ủy, UBND huyện Đăk Tô đã xác định nhiều chủ trương, giải pháp vừa phù hợp, sáng tạo lại tập trung đột phá vào những thế mạnh, triển khai điều hành hiệu quả về phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo mục tiêu vừa phát triển sản xuất, vừa nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả quan trọng; sự đoàn kết thống nhất, phối hợp đồng bộ của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính - trị xã hội từ huyện đến cơ sở được đẩy mạnh. Cùng với đó, Đăk Tô “trãi thảm đỏ” kêu gọi đầu tư, gắn phát triển kinh tế với du lịch, đồng thời tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; triển khai xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết giá trị; tập trung thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và đẩy mạnh thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ…”.
Để phát triển kinh tế bền vững và tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Đăk Tô đề ra các giải pháp mang tính cấp bách và lâu dài; đó là vừa bảo đảm hoàn thành kế hoạch xây dựng nông thôn mới năm 2023, vừa từng bước nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới trên địa bàn nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân sống ở khu vực nông thôn. Với sự vào cuộc tích cực của cán bộ và nhân dân trên địa bàn, đến nay UBND tỉnh Kon Tum đã công nhận 3 xã của huyện Đăk Tô (gồm Diên Bình, Tân Cảnh, Kon Đào) đạt chuẩn nông thôn mới. Kết quả đó đã minh chứng hướng đi đúng đắn, phù hợp đó Huyện ủy – UBND huyện Đăk Tô đã biết trung ưu tiên nguồn lực hoàn thành các tiêu chí đảm bảo chất lượng và chiều sâu; quan tâm lĩnh vực phát triển sản xuất, văn hóa, xã hội, cảnh quan, môi trường nông thôn, đảm bảo an ninh trật tự, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và thay đổi diện mạo khu vực nông thôn. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn; trọng tâm là liên kết sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và phát triển thị trường tiêu thụ. Đồng thời, tiếp tục vận động hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác và nâng cao chất lượng hoạt động để tạo mối liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp bền vững; triển khai có hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để nâng tầm thương hiệu và giá trị nông sản của bà con nhân dân.
Trên cơ sở các nhiệm vụ và các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 do UBND tỉnh Kon Tum giao, Nghị quyết của HĐND huyện đầu năm, phát huy sức mạnh đoàn kết và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp, Đăk Tô đã đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động hiệu quả cơ sở hạ tầng : Điện, đường, trường, trạm và tập trung thực hiện các giải pháp đột phá trong nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, dần hình thành những cánh đồng lớn ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ và lựa chọn một số sản phẩm chủ lực của địa phương để tập trung đầu tư, hình thành các sản phẩm đặc trưng của huyện. Tiến hành rà soát, đẩy mạnh dồn đổi, tích tụ đất, hình thành, phát triển một số vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ tại thị trấn Đăk Tô, các xã Tân Cảnh, Diên Bình, Kon Đào và những địa phương có điều kiện thuận lợi.
Phát huy thế mạnh của địa phương
Để thực hiện đạt mục tiêu mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, Huyện ủy, UBND huyện Đăk Tô đã tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế, huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, ban ngành chức năng, tổ chức khảo sát đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hình thành các chuỗi liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm gắn với phát triển các loại hình kinh tế tập thể; xây dựng, duy trì và phát triển sản phẩm OCOP của huyện.
Các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng- an ninh, dự toán ngân sách được triển khai chặt chẽ, hợp lý, cung ứng và hỗ trợ kịp thời các điều kiện sản xuất cho bà con nhân dân. Tốc độ tăng giá trị sản xuất được cơ bản đảm bảo đúng theo kế hoạch đề ra, cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch phù hợp, đúng hướng, các công trình, dự án được triển khai thực hiện theo đúng tiến độ, hiệu quả, nên thu ngân sách đạt cao. Trong đó, tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt kế hoạch đề ra.
Quán triệt và thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Chỉ đạo triển khai cho các cơ quan chức năng bám sát thôn làng, về với người dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số để tuyên truyền, vận động người dân tận dụng thế mạnh về đất đai, các loại cây công nghiệp có giá trị cao như Cà phê, cao su, bời lời…để phát triển kinh tế hộ gia đình, thoát nghèo bền vững. Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo định hướng của địa phương; đẩy mạnh ứng dụng khoa học vào sản xuất nông nghiệp và cơ giới hóa nông nghiệp gắn với liên kết theo chuỗi giá trị; hướng dẫn người dân, nhất là các hộ đồng bào DTTS vay vốn, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay để đầu tư phát triển sản xuất; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã. Bằng sự nỗ lực chỉ đạo, điều hành của hệ thống chính trị các cấp, đến hiện tại, huyện Đăk Tô đã đạt những kết quả nổi bật: Tính đến đầu năm 2023, tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm đạt 19.157ha (tăng 5,4% so với năm 2021); trồng mới 469,6ha rừng (đạt 104,4% so với kế hoạch,) 60.490 cây xanh phân tán (đạt 121% so với kế hoạch). Tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 890 tỷ đồng (đạt 104,7% so với kế hoạch). Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn 11,83% (giảm 3,24% so với năm 2021). Bên cạnh đó, cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” đã đạt được những kết quả quan trọng. Đến nay đã có 1.305 hộ đồng bào DTTS nghèo và cận nghèo biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; 261 hộ biết tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã; 776 hộ có đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện.
Trong chuyển đổi cây trồng để nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích, huyện Đăk Tô đã xác định phát triển cây mắc ca là một trong những cây trồng sản xuất hàng hóa đi vào chiều sâu, gắn thị trường tiêu thụ. Đến nay, tổng diện tích cây mắc ca trên địa bàn huyện Đăk Tô khoảng 591ha, trong đó có khoảng 232 ha diện tích cây mắc ca liên kết chuỗi giá trị, tập trung vào các dòng mắc ca là QN1, 800, A 38, 816; 842, 246. Đến nay, diện tích trồng mới mắc ca trên địa bàn huyện trên 350 ha, đạt 103,1% kế hoạch đề ra, diện tích chủ yếu trồng xen ghép trong vườn cà phê vối và trồng trong vườn nhà. Để phát triển được diện tích cây mắc ca đảm bảo theo kế hoạch, huyện Đăk Tô đã ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển, ưu tiên lồng ghép nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia và bố trí ngân sách huyện hỗ trợ phát triển cây mắc ca trên địa bàn. Đặc biệt, để hỗ trợ cho người dân trồng mắc ca, huyện đã xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm mắc ca đã mở ra hướng đi mới trong công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2023 huyện sẽ trồng mới 361ha mắc ca.
Ông Nguyễn Văn Quyết ở thôn 3, xã Kon Đào, huyện Đắk Tô(Kon Tum) cho biết: “Nghe cán bộ khuyến nông của huyện tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ cây giống, năm 2015 gia đình ông bắt đầu trồng 1.000 cây mắc ca, sau 3 năm trồng thì cây mắc ca sẽ cho quả. Cây mắc ca phù hợp với Đăk Tô và Kon Tum-Tây Nguyên, dễ chăm sóc, vì vậy nơi nào trồng được cà phê thì trồng được mắc ca. Đến nay ông Quyết đã trồng cây mắc ca xen trong 10ha cà phê. Giá hạt mắc ca tại vườn 100.000 đồng/kg, mỗi năm ông thu về 400 triệu đồng. Để cây mắc ca phát triển trờ thành cây “ xóa đói giảm nghèo” cho bà con đại phương, UBND huyện Đăk Tô đã trích ngân sách hỗ trợ 100% giống cho hộ nghèo khó; đồng bào DTTS hỗ trợ 70% giống, các đối tượng còn lại hỗ trợ 50%; đồng thời khuyến cáo người dân nên liên kết chuỗi sản xuất, thành lập HTX , tổ hợp tác, để hình thành vùng sản xuất mắc ca tập trung theo hướng bền vững.
Thực hiện phương châm “ Bám sát thực tiễn địa phương, tập trung lãnh đạo, triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trong vùng đồng bào DTTS, góp phần đẩy nhanh công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở các địa phương”, từ năm 2022 đến nay huyện Đăk Tô đã sử dụng đúng, hiệu quả nguồn vốn đầu tư của cấp trên. Tập trung triển khai đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân ở vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS, chăm lo và phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn, người uy tín trong công cuộc phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn. Thực hiện tốt việc giải quyết đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt tại vùng đồng bào DTTS; tiếp tục phối hợp mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các DTTS. Bám sát cơ sở, vận động các hộ đồng bào DTTS chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích cực lao động, sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ để vươn lên làm giàu chính đáng. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo của 5 xã đặc biệt khó khăn (Pô Kô, Đăk Trăm, Văn Lem, Ngọk Tụ, Đăk Rơ Nga) giảm 6,65% .
Anh A Thiếu ở thôn Đăk Tông, xã Ngọc Tụ (Đăk Tô) chia sẻ: Gia đình thuộc diện hộ nghèo, năm 2022 thực hiện chương trình hỗ trợ sinh kế, huyện đã hỗ trợ 1 còn bò sinh sản và 100 cây giống mắc ca để trồng xen với cây dứa. Đến nay gia đình anh đã có thêm một con bê, cây mắc ca xanh tốt hứa hẹn bội thu, thế là từ nay nhà mình có thêm thu nhập, sẽ sớm thoát nghèo…Nói rồi anh Thiếu cười rất vui.
Cùng với đầu tư phát triển sản xuất, những năm qua huyện Đăk Tô còn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất không ngừng đổi mới, sáng tạo trong quản lý, dạy và học, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học, ngành học nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục. Hiện nay, huyện Đăk Tô có 30 trường với 538 lớp, hơn 14.900 học sinh. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, chỉ đạo; cơ sở vật chất trường lớp ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, tỷ lệ phòng học kiên cố, phòng bộ môn, thư viện đạt chuẩn tăng; trang thiết bị giáo dục ngày càng đáp ứng tốt hơn.
Về Đăk Tô hôm nay, điều dễ nhận thấy nhất là diện mạo một vùng đất bom đạn xác xơ sau chiến tranh nay đã phủ đầy màu xanh của sự sống, nhất là ở các làng đồng bào DTTS; đời sống vật chất, tinh thần của bà con được nâng cao. Toàn huyện đã có 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 06 xã đạt 13 đến 17/19 tiêu chí. Năm 2022, toàn huyện còn 1.527 hộ nghèo, chiếm 11,83% dân số toàn huyện (giảm 3,24% so với cuối năm 2021). Để có được kết quả đó, UBND huyện Đăk Tô đã xác định nhiều chính sách ưu tiên thu hút và ưu tiên các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, điểm du lịch sinh thái; khu vui chơi, giải trí, khách sạn, nghỉ dưỡng…sản xuất hàng hóa tiểu thủ công nghiệp phục vụ du lịch; sản phẩm đặc sản của địa phương. Đẩy mạnh quảng bá, kêu gọi đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch, khai thác tối đa lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa, di tích lịch sử để thu hút khách du lịch. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc nói chung, văn hóa của bà con dân tộc thiểu số địa phương nói riêng, đã đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của nhân dân.
Một Đăk Tô đang hồi sinh, một Đăk Tô đang vươn mình phát triển bền vững ở cửa ngõ bắc Tây Nguyên của Tổ quốc.