Nhiều doanh nghiệp, cơ quan trên thế giới đang có xu hướng đảm bảo thực hành tôn giáo tại nơi làm việc để phát triển nguồn nhân lực bền vững trong bối cảnh đa tôn giáo.
Qua khảo sát quy định về tôn trọng niềm tin tôn giáo trong môi trường làm việc và thực tiễn thực hiện tại một số doanh nghiệp, tổ chức trên thế giới và tại Việt Nam, có thể nhận thấy các mô hình thực hành tôn giáo tại nơi làm việc trên thế giới đã có quy định rõ ràng và được áp dụng rộng rãi. Tuy nhiên, tại Việt Nam, vấn đề này chưa được các doanh nghiệp, tổ chức chú trọng và coi là cấp thiết. Việt Nam cần kịp thời lưu ý vấn đề đa dạng văn hóa, tôn giáo nếu muốn mở rộng quy mô, thu hút đầu tư và nhân sự trong tương lai.
Trong bối cảnh đa văn hóa, đa tôn giáo hiện nay, việc đảm bảo các cá nhân từ nhiều tôn giáo khác nhau có thể sinh sống hòa hợp, cùng phát triển bền vững là yếu tố quan trọng và cấp thiết. Do một bộ phận lớn trên thế giới ở trong độ tuổi lao động, những người lao động lại dành phần lớn thời gian trong ngày tại nơi công sở, việc đảm bảo sự hòa hợp, tôn trọng thực hành tôn giáo tại địa điểm làm việc là vô cùng cần thiết.
Tôn trọng thực hành tín ngưỡng, tôn giáo ở nơi làm việc là việc các chủ doanh nghiệp và đội ngũ nhân viên thấu hiểu, tôn trọng sự đa dạng tôn giáo của các nhân sự, tạo điều kiện các thực hành tôn giáo diễn ra ngay tại nơi làm việc. Điều này thể hiện qua chính sách của doanh nghiệp cho phép nhân viên nghỉ lễ theo ngày lễ tôn giáo; lịch làm việc linh hoạt phù hợp với hoạt động tôn giáo; cung cấp thời gian và địa điểm để thiền hoặc cầu nguyện giữa giờ làm việc; đưa ra các ngoại lệ đối với quy định về trang phục tiêu chuẩn tại cơ quan, cho phép mặc trang phục tôn giáo; tôn trọng các yêu cầu về chế độ ăn uống phù hợp với niềm tin tôn giáo như ăn chay, ăn Halal...[1]
Trên thực tế, trên thế giới đã có nhiều công ty, doanh nghiệp thực hiện mô hình đảm bảo thực hành tôn giáo tại nơi làm việc. Tại Việt Nam, các mô hình này vẫn còn khá mới mẻ, chưa được thực hiện nhiều do không phải là khu vực đa tôn giáo lớn. Tuy nhiên, việc nhận thức đúng và chuẩn bị khuôn khổ pháp lý, đưa ra biện pháp thực hiện là cần thiết nếu Việt Nam muốn thu hút nhiều nhà đầu tư và nguồn nhân sự từ nhiều nền văn hóa trong thời gian tới.
Đến thời điểm Tổng điều tra năm 2019, có 16 tôn giáo được phép hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Tổng số có 13,2 triệu người theo tôn giáo, chiếm 13,7% tổng dân số cả nước. Trong số đó, tín đồ “Công giáo” chiếm 44,6% tổng số người theo tôn giáo với 5,9 triệu người và chiếm 6,1% tổng dân số cả nước. Bên cạnh đó số tín đồ “Phật giáo” là 4,6 triệu người, chiếm 35,0% trên tổng số người theo tôn giáo và chiếm 4,8% dân số cả nước. Còn lại các tôn giáo khác chiếm tỷ trọng nhỏ. [2]
Kể từ năm 2003 cả nước có 06 tôn giáo 15 tổ chức, với 17 triệu tín đồ, khoảng 20 nghìn cơ sở thờ tự; 34 nghìn chức sắc, 78 nghìn chức việc. Nhưng đến năm nay 2022, 43 tổ chức đã được chính quyền công nhận, bao gồm 16 tôn giáo khác nhau, với hơn 26,7 triệu tín đồ, trên 55 nghìn chức sắc, với khoảng 135 nghìn chức việc và số lượng cơ sở thờ tự lên đến hơn 29 nghìn… [3]
Ngoài ra, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, người nước ngoài đến Việt Nam làm ăn, sinh sống, học tập, công tác ngày càng nhiều, trong số đó một bộ phận không nhỏ là người theo tôn giáo. Trong những năm gần đây số lượng người nước ngoài đến Việt Nam lao động đang ngày càng tăng lên. Từ năm 2005, số lượng lao động nước ngoài (LĐNN) ở Việt Nam mới có 12 nghìn người, năm 2010 là 55,4 nghìn người, năm 2015 lên tới 83,6 nghìn người và đến năm 2019 đạt 117,8 nghìn người. Chỉ sau 15 năm, số lao động nước ngoài tăng gấp gần 10 lần so với năm 2005.[4]
Các số liệu trên cho thấy, số lượng các tín đồ từ trong và ngoài nước làm việc tại Việt Nam ngày càng nhiều. Điều này đặt ra yêu cầu cho Việt Nam trong việc chú ý xây dựng môi trường làm việc đa văn hóa, tôn trọng niềm tin, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo để đảm bảo môi trường làm việc bền vững, có sự hòa hợp về tôn giáo, văn hóa, tạo điều kiện tốt nhất cho nhân sự phát triển.
Việc tạo dựng môi trường làm việc thân thiện, tôn trọng các thực hành tôn giáo sẽ giúp thu hút nhân sự chất lượng từ nhiều khu vực trên thế giới, gia tăng mức độ hài lòng, thỏa mãn với công việc từ người lao động, đồng thời nâng cao sự thấu hiểu và tôn trọng giữa nhân sự từ nhiều tôn giáo khác nhau, đặt nền móng cho sự hòa hợp về tôn giáo, văn hóa. Điều này về lâu dài sẽ giúp phát triển bền vững nguồn nhân sự.
Các khu vực đa tôn giáo trên thế giới làm gì để đảm bảo nhu cầu thực hành tôn giáo cho người lao động?
Trên thế giới, đặc biệt tại những khu vực đa tôn giáo, việc đảm bảo tôn trọng niềm tin, tín ngưỡng của nhân sự là vấn đề cấp thiết để phát triển bền vững. Điều này được bao gồm trong luật lao động tại nhiều nước; đồng thời được thực hiện rộng rãi tại nhiều tập đoàn đa quốc gia, đa khu vực trên thế giới.
Điều VII, Đạo luật Dân quyền Mỹ 1964[5] cấm sự phân biệt đối với người lao động dựa trên sắc tộc, màu da, tôn giáo, giới tính và nguồn gốc. Ủy Ban Cơ Hội Việc Làm Công Bằng Hoa Kỳ (EEOC) chịu trách nhiệm thực thi các luật dựa theo đạo luật để đảm bảo môi trường làm việc bình đẳng. Cơ quan này đã thúc đẩy thực thi quy định nghiêm cấm các hình thức phân biệt đối xử trên cơ sở tôn giáo tại nơi làm việc. Chẳng hạn, một số tôn giáo yêu cầu tín đồ phải mặc trang phục đặc trưng của hay hạn chế một số loại trang phục; người sử dụng lao động không được phép cấm điều này hay bắt buộc họ phải mặc trang phục không phù hợp.
Theo Hội đồng Bình đẳng và Nhân quyền, tại châu Âu, có hai cơ chế pháp lý chính để bảo vệ niềm tin tôn giáo tại nơi làm việc: một là điều khoản được quy định trong khung pháp lý nhân quyền, hai là trong khung pháp lý về bình đẳng[6]. Hội đồng cho rằng việc hạn chế về việc thực hiện quyền tự do tôn giáo của một nhân sự có thể được coi là bước đầu của sự vi phạm nhân quyền.
Hướng dẫn áp dụng quy định liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng[7] tại châu Âu nêu rõ đề mục cần lưu ý và các trường hợp cụ thể đối với nhà tuyển dụng để đảm bảo tôn trọng tôn giáo, tín ngưỡng tại nơi làm việc. Chẳng hạn, nhà tuyển dụng không được phép phân biệt các ứng viên do tôn giáo của họ. Trong trường hợp nhà tuyển dụng bắt buộc nhân viên phải làm việc trong ngày Chủ nhật nhưng có nhân sự yêu cầu không làm việc trong ngày này vì lý do tín ngưỡng, nhà tuyển dụng sẽ cần cân nhắc tác động và đề ra giải pháp linh hoạt.
Ngân hàng Kuveyt Turk (KT) là ngân hàng Islam giáo đầu tiên ở Đức. Nó được coi là một công ty đa tôn giáo khi đội ngũ lãnh đạo và nhân viên bao gồm người Islam giáo, người thuộc tín ngưỡng khác và cả những cá nhân không theo một đức tin nào. Chính vì vậy, ngân hàng KT là một trong những công ty sở hữu mô hình tốt nhất để đảm bảo đa dạng tôn giáo cho nhân viên nơi làm việc. Cụ thể:
Ngân hàng KT đã tinh tế sử dụng những hình ảnh, hoa văn mang biểu tượng Islam giáo trên lịch và các sản phẩm của họ, đồng thời nhấn mạnh đức tin tôn giáo ở logo với hình tượng cây vàng trên nền xanh lá cây (màu của Islam giáo)[8]. Đối với người theo đạo Islam, họ sẽ ngay lập tức nhìn thấy nội hàm tôn giáo trong các hình ảnh đó và liên kết với sự nuôi dưỡng của thần. Đối với những người khác, chúng có thể gợi lên các giá trị nghệ thuật, văn hóa đặc biệt.
Bên cạnh đó, ngân hàng còn cung cấp không gian riêng biệt như phòng thiền, cũng như hỗ trợ sắp xếp lịch làm việc linh hoạt để nhân viên có thể tự do thực hành đức tin của họ mà không ảnh hưởng đến các nhân viên khác. Phòng thiền của KT không giới hạn về cách sử dụng và mở cửa cho tất cả các thực hành tín ngưỡng hiện có trong công ty. Tại đây, nhân viên sẽ được tạm thời thoát ly khỏi công việc và thoải mái hoạt động tôn giáo theo nhu cầu, vào bất cứ khoảng thời gian nào trong ngày làm việc.
Các nhân viên của KT cũng bày tỏ sự mãn nguyện và biết ơn đối với công ty khi đã chuẩn bị một không gian riêng cho việc thực hành tôn giáo tại nơi làm việc của họ.
Một trong 04 giá trị cốt lõi[9] của tập đoàn tài chính lớn thứ hai ở Anh HSBC là tôn trọng sự khác biệt. Quan điểm của Ngân hàng là “Sự đồng cảm và sự đa dạng càng lớn, chúng ta càng phản ánh thế giới một cách rõ hơn - và chúng ta càng có thể phục vụ khách hàng và cộng đồng tốt hơn.” Vì vậy, họ luôn lắng nghe, loại bỏ các rào cản và tìm kiếm những quan điểm khác với quan điểm thường thấy.
Việc tôn trọng tín ngưỡng và lòng tin tôn giáo của nhân viên là một trong những mục tiêu phát triển bền vững về nhân sự của tập đoàn này. Điều này được thể hiện ở cả hai chính sách làm việc và chính sách hỗ trợ của công ty.
Về chính sách làm việc, các ngày nghỉ cố định của nhân viên ngoại quốc bao gồm ngày nghỉ công của nước sở tại và ngày nghỉ theo tôn giáo của từng cá nhân. Chẳng hạn, một nhân viên quốc tịch Ấn Độ theo Hindu giáo, đang làm việc tại HSBC Vương quốc Anh, được hưởng ngày phép có lương dựa trên ngày nghỉ công của Vương quốc Anh và các ngày lễ thuộc Hindu giáo.
Về chính sách hỗ trợ, ngân hàng tạo điều kiện cho nhân viên cũ trở về làm việc trong trường hợp họ nghỉ việc để thực hành tôn giáo. Trường hợp của Emma Slade là một ví dụ điển hình trong việc tôn trọng tự do tín ngưỡng và thực hành tôn giáo tại nơi làm việc.
Emma Slade – cựu nhân viên HSBC, đã từ bỏ công việc đầy hứa hẹn để xuất gia sau một vụ cướp bằng súng trong chuyến công tác Indonesia. Sư cô thành lập một quỹ từ thiện cho trẻ em tại Bhutan, viết và phát hành tự truyện của cô về những niềm tin, giá trị tốt đẹp của Phật giáo. HSBC đã mời Emma Slade trở lại và tham gia vào các hoạt động của cựu nhân viên và khuyến khích sư cô trở thành diễn giả cho những buổi tọa đàm, phát biểu về đa dạng văn hoá và đa dạng tôn giáo tại nơi làm việc.
Việt Nam tạo điều kiện tự do sinh hoạt tôn giáo nói chung và trong môi trường làm việc nói riêng
Ở Việt Nam, vấn đề tôn trọng tôn giáo và sinh hoạt tín ngưỡng nằm trong quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo của nhân dân, được Pháp luật Việt Nam quy định là một trong những quyền cơ bản của con người, thuộc nhóm quyền dân sự và chính trị. Ghi nhận tại Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, số 02/2016/QH14, được thông qua kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV ngày 18/11/2016 với 9 chương, 8 mục và 68 điều quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; tổ chức tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo. [10]
Cụ thể, theo Điều 6 Chương II: “Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo”[11]. Bên cạnh đó, Điều 3 Chương I khẳng định trách nhiệm của cơ quản lý nhà nước: “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật”[12].
Làm rõ về quyền tự do thực hành tín ngưỡng và tôn giáo tại nơi làm việc, luật cũng cho phép công dân được đăng ký sinh hoạt tập trung tôn giáo tại các cấp theo Chương IV, cụ thể theo Khoản 1 và 2 Điều 16, tổ chức tôn giáo đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho tín đồ cần đáp ứng các điều kiện về địa điểm hợp pháp, nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung có người đại diện là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không có án tích hay bị cáo buộc liên quan đến tố tụng hình sự, với nội dung sinh hoạt tôn giáo không thuộc hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 5, có giáo lý giáo luật và đáp ứng quy định chi tiết về tên nhóm sinh hoạt tôn giáo.
Cơ quan quản lý nhà nước cũng sẵn sàng tạo điều kiện cho các hoạt động tôn giáo chính đáng, đúng pháp luật nếu đáp ứng được các trình tự, thủ tục, thẩm quyền chấp thuận và chứng đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. Chi tiết về các hoạt động có tại Điều 20, như tổ chức lễ tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo, giảng đạo, bổ nhiệm, hoạt động từ thiện,... với điều kiện tổ chức phải tuân thủ quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan.
Với các đường lối, chính sách, chủ trương rõ ràng, nhất quán của Đảng và Nhà nước, các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam được quy định phải tuân thủ nghiêm ngặt các điều lệ ban hành liên quan tới tôn giáo, đặc biệt là tránh tình trạng kỳ thị tôn giáo ngay trong môi trường làm việc.
Thực tế là tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã áp dụng và thực hiện các chính sách bình đẳng trên khía cạnh tôn giáo của Việt Nam đối với người lao động. Công ty Cổ phần Sữa Vinamilk, doanh nghiệp chế biến sữa hàng đầu Việt Nam, luôn luôn khẳng định sự nhất quán trong quan điểm tôn trọng và đối xử bình đẳng đối với nhân viên, không phân biệt đối xử về giới tính, vùng miền, tôn giáo. “Mỗi người, dù ở lĩnh vực hay trình độ nào đều được tạo điều kiện để thể hiện giá trị của mình và là một phần trong thành công chung của tổ chức.”[13]
Tập đoàn Samsung tại Việt Nam cũng luôn cam kết sứ mệnh “tôn trọng nhân quyền cơ bản của tất cả mọi người.” Trong đó quy định rõ: “Lao động cưỡng bức, bóc lột lương và nô lệ trẻ em không được phép xảy ra trong bất kỳ trường hợp nào.” Đồng thời, Samsung cũng khẳng định họ sẽ không phân biệt đối xử khách hàng hay nhân viên theo quốc tịch, chủng tộc, giới tính, tôn giáo, v.v. [14]
Một số trường đại học quốc tế như trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, trường Quốc tế Singapore,... cho phép học sinh được nghỉ phép trong dịp lễ Giáng sinh. Trường Đại học RMIT Việt Nam còn cho phép nhân viên được nghỉ 05 ngày (có lương) trong kỳ nghỉ lễ Giáng Sinh vào mỗi năm.[15]
Một số công ty lớn tại Việt Nam cũng có chính sách đãi ngộ cho nhân viên vào dịp lễ Giáng sinh. Bắt đầu từ năm nay, Deloitte, một trong bốn công ty Big Four chuyên cung cấp dịch vụ kiểm toán và tư vấn lớn nhất thế giới, đã cho phép nhân viên làm việc tại cơ sở Việt Nam nghỉ làm có lương vào dịp lễ Giáng sinh.
Một số doanh nghiệp Việt Nam đã có các hoạt động nhằm tổ chức các ngày lễ tôn giáo cho nhân viên, trong đó đáng chú ý nhất là các hoạt động ăn mừng ngày lễ Giáng sinh, ngày lễ trọng đại nhất trong năm của người Thiên chúa giáo.
Xây dựng môi trường thực hành tôn giáo - điều kiện cần để đảm bảo nguồn nhân lực bền vững
Hiện nay, Việt Nam chưa phải là khu vực đa tôn giáo và chưa giàu lực lượng lao động ngoại quốc nên vấn đề phổ biến môi trường thực hành tôn giáo nơi công sở chưa hẳn cấp thiết. Song, đây vẫn là mục tiêu nên được triển khai nhằm hướng tới môi trường làm việc hấp dẫn, thu hút nhân lực là tín đồ tôn giáo ở trong và ngoài nước.
Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng tiến đến sự đa dạng văn hóa, các công ty, doanh nghiệp Việt Nam nên chú trọng xây dựng môi trường làm việc đề cao sự tôn trọng niềm tin, thực hành tôn giáo nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng môi trường lao động, đáp ứng nhu cầu về tinh thần cho nhân sự.
Trước hết, việc xây dựng môi trường tôn trọng đa dạng tôn giáo góp phần tạo dựng không gian làm việc lý tưởng, thân thiện, tạo sự hấp dẫn và thu hút nhân sự chất lượng cao ở trong, ngoài nước từ đó tăng số lượng và chất lượng nhân sự.
Ngoài ra, nguồn nhân lực luôn là nhân tố quan trọng, cốt lõi, để giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Khi đã có được sự hài lòng đối với môi trường, người lao động sẽ có động lực làm việc tích cực hơn, từ đó dẫn đến hiệu suất và hiệu quả công việc cao hơn. Không gian thực hành tôn giáo giúp gia tăng mức độ hài lòng, thỏa mãn với đức tin của người lao động, từ đó họ có tâm lý tốt hơn dẫn đến sự gia tăng về chất lượng và hiệu suất công việc.
Hơn nữa, môi trường đa dạng tôn giáo, tôn trọng tôn giáo cũng góp phần xây dựng đội ngũ nhân viên vững mạnh, đoàn kết - là nền móng cho một công ty thịnh vượng, phát đạt. Môi trường đề cao giá trị tôn giáo làm gia tăng sự thấu hiểu và gắn giữa nhân sự đa tôn giáo khác nhau, là tiền đề cho sự hòa hợp giữa người lao động.
Như vậy, việc xây dựng môi trường làm việc đa tôn giáo, hướng tới các giá trị tinh thần có thể được coi là nền tảng cho một doanh nghiệp phát triển bền vững, là điều kiện sẵn sàng để hòa nhập với thị trường lao động toàn cầu hướng tới tiêu chuẩn quốc tế.
Đảm bảo tôn trọng tôn giáo trong môi trường làm việc tại Việt Nam: Những thách thức đang chờ
Xây dựng môi trường làm việc đảm bảo đa dạng tôn giáo đặt ra yêu cầu đối với doanh nghiệp trong vấn đề quản lý: giải quyết kịp thời việc đăng ký, quản lý hoạt động của các tôn giáo để bảo đảm hành lang pháp lý cho sinh hoạt tôn giáo và một môi trường tôn giáo lành mạnh. Doanh nghiệp cũng cần phải chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và đáp ứng được những nhu cầu riêng biệt của từng tôn giáo: nghỉ lễ, khẩu phần ăn, cúng bái…
Hiện nay, ở Việt Nam có tới 16 tôn giáo khác nhau. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung đã và đang gặp khó khăn trong vấn đề quản lý nhân sự và tài chính. Thiếu hụt nguồn vốn và dòng tiền kinh doanh là tình trạng phổ biến ở các doanh nghiệp tư nhân. Rất khó để các doanh nghiệp có thể tạo điều kiện cho lao động thực hành tôn giáo ngay tại nơi làm việc cũng như đảm bảo công bằng, bình đẳng cho tất cả các tôn giáo về điều kiện thực hành tôn giáo.
Không những vậy, nếu nhà quản lý doanh nghiệp không có đủ kiến thức về tất cả tôn giáo, khi xây dựng môi trường làm việc đa tôn giáo rất dễ khiến tôn giáo không đúng nguyên bản, gây ra tình trạng nhiều phong tục, tập quán truyền thống được dung chứa trong sinh hoạt tôn giáo dần trở nên biến dạng, sai lệch.
Việc xây dựng môi trường làm việc đảm bảo đa dạng tôn giáo tạo điều kiện du nhập các tôn giáo ngoại sinh và các giá trị văn hóa nước ngoài trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập góp phần làm giàu thêm truyền thống văn hóa, tôn giáo Việt Nam. Cơ hội này mặt khác tạo ra thách thức lớn trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa Việt Nam khỏi sự xâm lấn của các giá trị văn hóa ngoại lai không phù hợp trong môi trường làm việc
Nghiêm trọng hơn, với môi trường làm việc đa tôn giáo, rất dễ xảy ra xung đột tôn giáo. Từ những khác biệt nhỏ trong niềm tin tôn giáo dẫn đến những bất đồng quan điểm trong công việc. Nếu không xử lý tốt có thể gây ra xung đột sắc tộc, thậm chí là bạo động.
Tập đoàn Golden Gate (Công Ty CP Thương Mại Dịch Vụ Cổng Vàng) - đơn vị F&B tiên phong tại Việt Nam, sở hữu lượng nhân sự lớn - hiện chưa chính thức cung cấp môi trường sinh hoạt, thực đơn phục vụ tôn giáo cho nhân viên do đây không phải yếu tố cấp thiết cần dành ngân sách. Đây là mẫu số chung của các doanh nghiệp tại Việt Nam, nơi thị trường lao động chưa thực sự đa dạng về tôn giáo. Trong tương lai, nếu Golden Gate muốn mở rộng mô hình ra các quốc gia trong khu vực với nhiều khác biệt văn hóa và tôn giáo, tập đoàn sẽ cần cân nhắc đáp ứng nhu cầu này.
Trước những nhu cầu và thách thức trên, doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao nhận thức, thống nhất quan điểm, trách nhiệm của hệ thống chính trị, quan tâm, tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động theo đúng tôn chỉ, pháp luật. Trong bối cảnh đa tôn giáo, đa văn hóa, Việt Nam cần chuẩn bị nâng cao nhận thức và triển khai các giải pháp trên quy mô cả nước, quy mô doanh nghiệp và cả cá nhân để có thể thực hiện mục tiêu phát triển bền vững nguồn nhân lực.
Tài liệu tham khảo
- Ali Aslan Gümüsay, Michael Smets, Tim Morris (2020). Tạo môi trường đa dạng tôn giáo tại nơi làm việc, Harvard Business Review | Creating Space for Religious Diversity at Work
- Hội đồng Bình đẳng và Nhân quyền châu Âu (2015). Báo cáo nghiên cứu 97 - Rà soát luật bình đẳng và nhân quyền liên quan đến tôn giáo hoặc tín ngưỡng | Equality and Human Rights Commission (2015). Research report 97 - Review of equality and human rights law relating to religion or belief
- Hội đồng Bình đẳng và Nhân quyền châu Âu (2016). Hướng dẫn áp dụng quy định liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng | Equality and Human Rights Commission (2016). Religion or belief: a guide to the law
- HSBC, Giá trị cốt lõi
- Luật số 02/2016/QH14 của Quốc hội: LUẬT TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO. Văn bản chính phủ nước Cộng hoà - Xã hội - Chủ Nghĩa Việt Nam.
- Tập đoàn Samsung, Khung chính sách lao động và nhân quyền
- Tập đoàn Vinamilk, Báo cáo phát triển bền vững 2021
- Thành Chung (2019). Công bố kết quả chính thức và tổng kết tổng điều tra dân số, nhà ở năm 2019, xem tại: https://baochinhphu.vn/cong-bo-ket-qua-chinh-thuc-va-tong-ket-tong-dieu-tra-dan-so-nha-o-nam-2019-102265875.htm#:~:text=%C4%90%E1%BA%BFn%20th%E1%BB%9Di%20%C4%91i%E1%BB%83m%20T%E1%BB%95ng%20%C4%91i%E1%BB%81u,t%E1%BB%95ng%20d%C3%A2n%20s%E1%BB%91%20c%E1%BA%A3%20n%C6%B0%E1%BB%9Bc
- Traliant (2022). 6 Steps to Respecting and Accommodating Religion in the Workplace, xem tại: https://www.traliant.com/blog/6-steps-to-respecting-and-accommodating-religion-in-the-workplace/
- Ủy Ban Cơ Hội Việc Làm Công Bằng Hoa Kỳ, Mục VII, Đạo luật Dân quyền 1964 | U.S. Equal Employment Opportunity Commission, Title VII of the Civil Rights Act of 1964
[1] Traliant (2022). 6 Steps to Respecting and Accommodating Religion in the Workplace, xem tại: https://www.traliant.com/blog/6-steps-to-respecting-and-accommodating-religion-in-the-workplace/
[2] Thành Chung (2019). Công bố kết quả chính thức và tổng kết tổng điều tra dân số, nhà ở năm 2019, xem tại:
[3] Vũ Chiến Thắng (2022). Không thể xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam, xem tại: https://moha.gov.vn/tin-tuc-su-kien/diem-tin/khong-the-xuyen-tac-tinh-hinh-tu-do-ton-giao-o-viet-nam-48068.html
[4] Vũ Thanh Liêm (2021). Lao động nước ngoài ở Việt Nam qua con số thống kê, xem tại: https://consosukien.vn/lao-dong-nuoc-ngoai-o-viet-nam-qua-con-so-thong-k.htm
[5] Ủy Ban Cơ Hội Việc Làm Công Bằng Hoa Kỳ, Mục VII, Đạo luật Dân quyền 1964
[6] Hội đồng Bình đẳng và Nhân quyền châu Âu (2015). Báo cáo nghiên cứu 97 - Rà soát luật bình đẳng và nhân quyền liên quan đến tôn giáo hoặc tín ngưỡng
[7] Hội đồng Bình đẳng và Nhân quyền châu Âu (2016). Hướng dẫn áp dụng quy định liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng
[8] Ali Aslan Gümüsay, Michael Smets, Tim Morris (2020). Tạo môi trường đa dạng tôn giáo tại nơi làm việc, Harvard Business Review | Creating Space for Religious Diversity at Work
[9] HSBC, Giá trị cốt lõi
[10] Luật số 02/2016/QH14 của Quốc hội: LUẬT TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO. Văn bản chính phủ nước Cộng hoà - Xã hội - Chủ Nghĩa Việt Nam.
[11] Luật số 02/2016/QH14 của Quốc hội: LUẬT TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO. Văn bản chính phủ nước Cộng hoà - Xã hội - Chủ Nghĩa Việt Nam.
[12] Luật số 02/2016/QH14 của Quốc hội: LUẬT TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO. Văn bản chính phủ nước Cộng hoà - Xã hội - Chủ Nghĩa Việt Nam.
[13] Tập đoàn Vinamilk. Báo cáo phát triển bền vững 2021. Truy cập tại vinamilk.com.vn/baocaophattrienbenvung2021/ ngày 26/11/2022.
[14] Tập đoàn Samsung. Khung chính sách lao động và nhân quyền. Truy cập tại samsung.com/vn/business/sustainability/labor-and-human-rights/ ngày 26/11/2022.
[15] Trường Đại học RMIT. Phúc lợi nhân viên. Truy cập tại rmit.edu.vn/vi/gioi-thieu-chung/lam-viec-tai-rmit/phuc-loi-nhan-vien ngày 26/11/2022.