
Đàn Xã Tắc được xây dưới thời vua Gia Long vào năm 1806 để tế cúng thần Đất và thần Lúa.
Khu di tích Đàn Xã Tắc nằm ở phía Tây Nam của Kinh thành Huế, cách Hoàng thành khoảng hơn 1km về phía Tây, nay thuộc địa phận phường Thuận Hòa, Thành phố Huế.
Đàn Xã Tắc được xây dưới thời vua Gia Long vào năm 1806 để tế cúng thần Đất (xã) và thần Lúa (tắc). Lễ tế Xã Tắc là nghi lễ cung đình triều Nguyễn, lễ tế thể hiện sự tôn kính của nhà vua đối với các vị thần có vai trò quan trọng trong nền nông nghiệp, đồng thời cũng là lời nguyện cầu cho sự ổn định của đất nước và đời sống ấm no của nhân dân.
Điều đặc biệt của Đàn Xã Tắc là khi xây dựng Đàn, Vua Gia Long đã ban chiếu cho tất cả các tỉnh, thành, dinh, trấn trên cả nước phải chuyên chở về Kinh đô một số đất sạch, chắc để đắp Đàn. Đất để đắp Đàn Xã Tắc là đất của cả nước, tượng trưng cho máu thịt của toàn quốc, vì vậy, Đàn Xã Tắc càng trở nên thiêng liêng và quý giá hơn.
Theo mô tả của sử sách, Đàn Xã Tắc là công trình kiến trúc nằm lộ thiên quay mặt về hướng Bắc, Đàn gồm hai tầng hình vuông. Tầng trên cao 1,60m, mỗi cạnh dài 28m. Mặt nền được tô 5 màu (Ở giữa màu vàng, phía Đông màu xanh, phía Tây màu trắng, Nam màu đỏ, Bắc màu đen). Lan can quét vôi vàng. Giữa 4 mặt có xây bậc để lên xuống. Tầng dưới cao 1,20m, mỗi cạnh dài 70m.
Mặt nền phía trước lát gạch, cao 1m có bổ trụ ở bốn góc và ở từng đoạn. Lan can quét vôi màu đỏ. Vòng tường thành hình chữ nhật bằng đá, cạnh Bắc - Nam dài 162m, cạnh Đông - Tây dài 202m. Tường cao gần 1,20m, dày 0,75m. Trổ 3 cửa ở mặt Bắc, các mặt còn lại mỗi mặt trổ 1 cửa. Ở mặt Nam có bức bình phong dài 10m, cao 3,70m, dày 0,85m. Ở mặt Bắc có hồ vuông, mỗi cạnh 57m.
Do sự biến động của thời gian, chiến tranh và sự phát triển đô thị, nhiều phần của di tích này đã bị hư hại hoặc mất đi. Hiện nay, dấu tích còn lại của Đàn Xã Tắc là một khoảng đất trống mỗi bề 30m, tương đương với mặt bằng tầng trên của Đàn cũ, một tấm bia bằng đá thanh, hồ ở phía Bắc và bình phong ở phía Nam. Đàn Xã Tắc vẫn là một điểm tham quan văn hóa quan trọng tại Huế, thu hút những người yêu thích lịch sử và văn hóa Việt Nam.

Sách "Đại Nam thực lục chính biên" phản ánh sự kiện vua Gia Long cho lập đàn Xã Tắc năm 1806.
Sách "Đại Nam thực lục chính biên - Đệ nhất kỷ", quyển 28 chép: Bính dần, Gia Long năm thứ 5 (1806). Tháng 3, ngày Đinh Tỵ, bắt đầu dựng đàn Xã Tắc (ở bên hữu Hoàng thành); sai các thành và dinh trấn đều phải cống đất địa phương để đắp. Đàn làm hai tầng (tầng thứ nhất cao 2 thước, vuông mỗi chiều 15 trượng; tầng thứ 2 cao 1 thước 5 tấc, vuông mỗi chiều 29 trượng. Chu vi hai tầng đều có lan can, ngoài trồng cây, xây tường chung quanh). Tầng thứ nhất để tế thần Thái xã Thái tắc (đều hướng về Bắc), bên hữu phối thờ thần Hậu thổ Câu Long thị, bên tả phối thờ Hậu Tắc thị (đông tây hướng vào nhau); tầng thứ hai thì phía tây bắc đặt sở Ế Khảm. Sai Chưởng quân Phạm Văn Nhân trông coi công việc. Rồi sai bộ Lễ bàn định về phép thờ tự, mỗi năm cứ ngày mậu về tháng trọng xuân và trọng thu thì tế. (Tháng trọng xuân thì ngày mậu sau ngày tế Nam giao, tháng trọng thu thì ngày mậu đầu tháng).
Sau khi đàn Xã Tắc được xây dựng xong, triều đình nhà Nguyễn rất chú trọng việc cúng tế ở đàn này. Ý nghĩa của việc tế lễ đàn Xã Tắc cũng quan trọng không kém việc tế ở đàn Nam Giao và cùng được xếp ở bậc đại tự (trong ba bậc đại tự, trung tự và quần tự).
Lễ tế đàn Xã Tắc được thuộc vào bậc Đại tự giống như lễ tế đàn Nam Giao và lễ tế ở các miếu thờ vua chúa nhà Nguyễn. Theo quy định, dưới thời Gia Long, vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu vua "ngự giá" làm lễ tế đàn Xã Tắc, những năm còn lại các ban đại thần thay nhau thực hiện công việc này. Từ thời Minh Mạng trở đi, triều đình tổ chức cúng tế đàn Xã Tắc 2 lần trong một năm, vào tháng 2 và tháng 8 âm lịch. Các vua Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức, Thiệu Trị đều thân hành đến làm chủ lễ ở đàn Xã Tắc. Dưới thời các vị vua kế tiếp, việc cúng tế ở đàn Xã Tắc vẫn được duy trì cho đến khi nhà Nguyễn cáo chung (1945).

Bắt đầu từ năm 2008, lễ tế Xã Tắc được phục dựng và tổ chức lễ tế hàng năm.
Từ sau khi triều Nguyễn cáo chung vào năm 1945 cho đến năm 2007, lễ tế này đã không còn xuất hiện, nhưng với sự chung tay của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cùng một số cơ quan ban ngành quản lý về văn hóa và của cộng đồng. Bắt đầu từ năm 2008, lễ tế Xã Tắc được phục dựng và tổ chức lễ tế hàng năm.
Các nghi thức truyền thống bao gồm: Lễ Quán tẩy (rửa tay tẩy trần), Lễ Thượng hương (dâng hương), Lễ Nghinh trần (rước thần đến dự), Lễ Hiến tước (dâng rượu), Lễ Truyền chúc (đọc chúc văn), Lễ Tống thần (đưa tiễn thần) và Lễ Tư chúc bạch soạn (đốt chúc văn, ngọc lụa, bài vị). Sau lễ tế, nhân dân và du khách có thể thắp hương cầu nguyện.
Đối với Huế, ngoài việc xây dựng hình ảnh thành phố lễ hội - thành phố Festival, lễ tế Xã Tắc được tổ chức thường niên ở Huế là dịp để giới thiệu và quảng bá các lễ nghi, các biểu hiện văn hóa cung đình Nguyễn đến đông đảo người dân và du khách thập phương.
Lễ tế Xã Tắc được phục hồi mang nhiều ý nghĩa quan trọng về văn hóa, lịch sử và tâm linh. Việc phục hồi lễ tế giúp nhắc nhở về một truyền thống lâu đời của dân tộc, khẳng định ý thức độc lập và tự chủ của Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử. Lễ tế còn là cơ hội để người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, hiểu hơn về lịch sử và văn hóa dân tộc, từ đó nâng cao lòng tự hào và trách nhiệm bảo vệ, phát huy giá trị truyền thống, góp phần giữ gìn bản sắc Việt Nam trong thời đại hội nhập.
Di tích Đàn Xã Tắc không chỉ thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu và những người yêu thích văn hóa, mà còn mang lại ý nghĩa sâu sắc trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử và văn hóa Huế nói riêng và Việt Nam nói chung. Dự án trùng tu và phục hồi di tích này, cùng với việc tổ chức lễ tế Xã Tắc hàng năm, giúp giữ gìn những giá trị văn hóa này sống mãi với thời gian.