Đằng sau tôi là quê mẹ

Mỗi khi nhớ quê, ta lại ngồi nhớ những vạt sương sâm xấp cỏ, những bờ tre sâm xấp gió, những cánh cò sâm xấp cánh đồng đang trĩu nhánh vàng hạt mẩy giọt mồ hôi của mẹ thấm tháp bao năm, cánh vạc của cha bao ngày qua ngân nga trong gió. Những lúc ấy lòng lại khe khẽ cất lên “quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày, quê hương là đường đi học, con về rợp bướm vàng ba…”.
que-nha-me-toi-1647348631.jpg

  Bạn biết không, khi ấy nỗi nhớ trong ta tăng lên gấp bội như con suối reo ca không biết mỏi, như áng mây là là mặt ruộng chẳng muốn ngừng, như con mương nhỏ bồng bềnh chiếc lá trôi xa ta âm thầm cuộn chặt, để một lúc nào đó vỡ òa trong cảm xúc…Những lúc như thế trong lòng thấy chống chếnh làm sao, ruột gan cồn cào ao ước, giá như có cánh rừng che phủ, có tiếng chim vờn quanh thì hay biết mấy. Lúc đó ngôi nhà lại trở về nguyên vẹn như xưa với những đêm trăng vằng vặc, bước chân rậm rịch của lũ trẻ chơi nín láu nơi đầu ngõ…

  Tôi còn nhớ như in, trong kí ức lấp lánh tím của mình- Ngôi nhà tôi ở giữa làng, buổi tối, nhất là những đêm trăng là hàng xóm xung quanh người già trẻ nhỏ lại tụ tập đến nhà tôi chơi. Tối nào căn nhà gỗ năm gian rộng mênh mông cũng đầy ắp tiếng cười. Người lớn thì ngồi trong nhà uống trà trò chuyện. Câu chuyện làm ăn nổ như ngô rang. Những năm đó tuy còn thiếu đói thường xuyên phải ăn cơm độn, nhưng khoai lang nhà tôi nhiều vô kể, cứ chất đầy gầm dường. giống khoai Hoàng Long càng để lâu càng ngọt. Tối hôm đó mẹ tôi luộc một rổ rồi chải chiếu ra giữa sân bảo chúng tôi vừa ngồi ngắm trăng vừa ăn. Khoai lang để lâu ngọt lừ, ăn không biết chán. Riêng tôi là chủ nhà cứ chạy lăng xăng khi thì trong nhà khi thì ngoài sân nô đùa ầm ĩ...

  Thế rồi đùng một cái bố mẹ tôi lại cho chuyển cả cái nhà to đầy tiếng cười ấy đi vào một quả đồi khác, với nguyên do ở giữa làng chật chội không chăn thả gia cầm cũng như vườn tược để cải thiện cuộc sống. Năm đó tôi lên năm tuổi bắt đầu đi học vỡ lòng. Tôi nhớ như in hôm chuyển nhà tôi cũng tong toe bê giúp bố mẹ được cái xoong con con, trong đó còn lõng bõng một ít canh rau. Dọc đường đi tôi phải nghỉ mấy lần mới tới được nhà mới. Hai cánh tay tuy mỏi nhưng mà vui. Ngày ngày bố mẹ đi làm, mình tôi cứ tha thẩn quanh nhà, lần đầu tiên tôi được hòa mình với thiên nhiên, với cỏ cây hoa lá, bàn chân nhỏ xíu khẽ áp lên má cỏ hình như cỏ cũng rung rinh xúc động. Những cây sim, cây mua mọc đầy, hoa nở tím ngát, ngắm nhìn không biết chán. Lúc đó tôi chợt nhận ra ở nhà cũ xung quanh toàn nhà là nhà, có bao giờ con mắt tôi được nhìn xa trông rộng như thế này đâu. Ngày ngày tôi cứ tha thẩn như thế với bạt ngàn cỏ hoa và cánh đồng, như lạc vào miền cổ tích và bất chợt tôi phát hiện ra phía bên kia là đồi cọ, là nương ngô của nhà tôi mà bố mẹ tôi đang khom lưng vun xới. Lần đầu tiên tôi chạy tắt qua cánh đồng sang với mẹ, hương lúa ngào ngạt quấn chân. Những lần sau đến với mẹ tôi không chạy nữa mà một mình tha thẩn ngắm những vạt cỏ bên bờ ruộng trổ đầy hoa li ti, những nhành cây bên đường mỡ màng xanh tốt, thấy cái tổ mối to đùng cao lêu ngêu có một khóm lau đã trổ bông trắng muốt. Tôi định bụng bẻ lấy một bông nhưng vừa trèo lên bỗng một con chim trong tán lá vụt bay ra kéo theo một tiếng kêu thật dài…, từ đó trở đi và cho đến tận bây giờ hình ảnh con đường ấy, vạt cỏ xanh ấy, những bông lau trắng muốt có con chim bay ra ấy và cả bóng dáng mẹ tôi đang khom lưng vun xới, cứ in đậm trong tâm trí tôi không bao giờ mờ phai. Ngày thì vậy còn buổi tối mặc dù trời tối đen như mực vậy mà dân làng vẫn kéo đến ngôi nhà mới rất đông, mặc dù nhiều hôm nhà tôi phải ăn cháo cám ngô ngán đết tận cổ nhưng khách đến mẹ tôi vẫn niềm nở tươi cười như chẳng có gì xảy ra. Tôi phục mẹ tôi lắm. Vậy mà hôm chuyển nhà tôi cứ nghĩ rằng nhà tôi rời đi chắc sẽ chẳng còn ai đến nhà tôi chơi nữa và bọn trẻ cũng sẽ quên tôi. Ngờ đâu lúc nào nhà tôi cũng đông vui nhộn nhịp nhất là khi mùa sim chín, bọn trẻ không những trong làng mà cả những làng bên cũng kéo nhau đến hái sim…

  Nhờ có những cuộc chơi như vậy mà tôi được nghe, được biết rất nhiều câu truyện cổ, trong đó có truyện cổ của người Tày. Cô tôi kể: “Hồi đó làng tôi có cái nghè rất thiêng. Cứ vào mùng ba tết dân làng lại ra khấn thỉnh ba hồi chiêng, sau đó ông thủ nhang cùng mấy người nữa đi vào rừng sâu tìm dây hèo, gặp dây nào dài nhất áng chừng vài ba chục mét thì dừng lại. Sau đó ông thầy đến bên gốc cây khấn làm phép nín hơi lấy mũi con dao kiếm khoét ba nhát xuống gốc cho dù dây hèo quấn chặt vào thân cây từ gốc đến ngọn, có khi vắt cả sang cây bên cạnh thì qua lời khấn của ông, dây hèo dài đến mấy cũng cứ thế tuồn tuột theo tay người mà trôi xuống, từ rừng về nhà, đi đến đâu là vỏ tự tách roàn roạt ra đến đó. Lúc bấy giờ dân làng mới tụ tập đông đủ để mở hội kéo co. Trước khi vào hội ông thầy đánh ba hồi chiêng sau đó mới bắt đầu. Dân làng cử ra khoảng ba chục người chia làm 2 hai đội, đội nào thắng thì được thưởng, còn đội thua thì năm sau phải làm công việc là đi vào rừng lấy dây hèo. Cứ như thế năm nọ nối tiếp năm kia tục kéo co được duy trì trong tiếng hò reo cổ vũ của dân làng..".  

 

Nông Thị Hưng

Nông Thị Hưng

08:40 17/03/2022

Em cảm ơn anh Sự và anh Nguyễn Chí Oanh nhiều ạ.

Lê Văn Sự

Lê Văn Sự

09:20 16/03/2022

Xin chúc mừng em. Tản văn về kỷ niệm quê hương, thời ấu thơ thật cảm động.

Nguyễn Chí Oanh

Nguyễn Chí Oanh

06:52 16/03/2022

TRÍ NHỚ TUYỆT VỜI VÀ LỐI VIẾT VĂN SÂU SẮC!