Cả khóa chỉ vọn vẹn có 6 sinh viên tốt nghiệp nhưng thực sự đã khiến cho những người tham dự không khỏi trầm trồ và kinh ngạc với những sản phẩm các em tạo ra. Lần đầu tiên, khán giả được chiêm ngưỡng những nhân vật hư cấu từ những bộ phim “Siêu anh hùng” hay “ Khoa học viễn tưởng” được thực hiện ngay tại chỗ với những kỹ thuật và chất liệu chưa từng thấy tại Việt Nam trước đây.
Cùng hỗ trợ thực hiện với các sinh viên khóa 38 là các em sinh viên đến từ những khóa sau nhưng vô cùng thành thạo tay nghề dưới sự chỉ đạo tài tình của “ Nhạc trưởng” Đào Thùy đã khiến sân khấu Nhà hát Tài năng trẻ bùng nổ bằng lòng đam mê nhiệt huyết và sức sáng tạo không giới hạn của cả cô lẫn trò, khiến chúng tôi thực sự bị thuyết phục.
Phóng viên tạp chí Văn hóa và Phát triển đã có buổi phỏng vấn với “Nhạc trưởng” Đào Thùy, để giúp quý độc giả hiểu rõ hơn về Nghệ thuật hóa trang tại Việt Nam.
Pv: Được biết Đào Thùy vốn là một diễn viên đầy triển vọng của Nhà hát Kịch Việt Nam nhiều năm trước đây, vậy cơ duyên nào khiến chị rẽ ngang để trở thành một giảng viên đào tạo chuyên ngành mới tinh tại Việt Nam như vậy?
ĐT: ( Cười) Vâng, chuyên ngành này chỉ “mới tinh” tại Việt Nam mà thôi. Trên thế giới chúng ta đã thấy kĩ xảo tạo hình trong hóa trang cho nhân vật xuất hiện ở những tác phẩm nghệ thuật lâu rồi. Điển hình như bộ phim khoa học viễn tưởng của Mỹ Avatar do James Cameron viết kịch bản và đạo diễn năm 2009. Bộ phim đã sử dụng ứng dụng này trong tạo hình nhân vật kết hợp với quay phim bằng công nghệ 3D tối tân khiến nó trở thành một bộ phim bom tấn có doanh thu đứng đầu trong lịch sử điện ảnh và đem về 2,788tỷ USD.. Cũng cần nói thêm rằng đạo diễn James Cameron viết kịch bản này từ năm 1995 và ông đã phải chờ công công nghệ điện ảnh, hóa trang phát triển trong hơn 10 năm để biến ý tưởng của mình thành bộ phim không gian ba chiều hoành tráng.. Trở lại câu chuyện của mình, tôi lựa chọn hướng đi này vì xu thế hiện thực nhu cầu xã hội cũng như các ngành nghề thuộc khối Nghệ thuật đang rất thiếu và yếu.
Pv: Đào Thùy đã bắt đầu như thế nào cho hướng đi mới này?
ĐT: Ngay từ khi còn là diễn viên, mỗi lần nhận vai là một lần tôi trăn trở để hóa thân vào nhân vật và luôn tưởng tượng ra xem dung nhan, hình hàinhân vật đó ra sao. Và dường như với những gì nghệ thuật hóa trang lúc bấy giờ đối với tôi là không đủ nên ngay sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ với chuyên ngành Nghệ thuật Sân khấu, tôi đã quyết tâm theo học khóa “ Thiết kế tạo hình Hoá trang kỹ xảo” tại Bắc Kinh năm 2017. Sau khi trở về nước, tôi lại khăn gói vào Sài Gòn để theo học thầy Minh Chính về Hóa trang râu, tóc...
Pv: Có vẻ như Đào Thùy là người rất thức thời và biết rõ hướng đi của mình như thế nào.
ĐT: Có câu là “ Đường là do đi nhiều mà thành”, bên cạnh những khát vọng nghề và những nỗ lực của bản thân thì Đào Thùy luôn cho rằng mình là người may mắn khi mọi bước đi của mình đều có những người Thầy, bạn bè và đồng nghiệp luôn giúp đỡ và tạo điều kiện tối đa nhất có thể. Chính điều đó đã tạo động lực và thúc đẩy tôi mạnh dạn chọn lối đi này với mong muốn chuẩn hoá nguồn lực chất lượng người làm chuyên môn chuyên sâu tạo hình, hóa trang các nhân vật trong lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, truyền hình.
Pv: Trong suốt quá trình thực hiện những ước mơ của mình, chị chưa từng thất bại?
ĐT: ( cười lớn) Có chứ, có một thực tế là : khi bạn làm càng nhiều thì nguy có thất bại lại càng lớn. Nhất là trong công việc sáng tạo, và nhờ có thất bại tôi mới có được những kinh nghiệm quý báu dành cho những sinh viên của mình. Tôi vẫn thường nói với học trò của mình rằng: Khi làm đừng lo thất bại, chỉ là đừng lặp lại lỗi cũ. Nếu không muốn thất bại...thì đừng làm gì cả!
Pv: Xem ra Đào Thùy có vẻ như là người châm ngòi, kích hoạt cho các sinh viên của mình cũng say nghề chẳng kém gì cô giáo cả.
ĐT: Vâng, chị cũng thấy đấy, mặc dù là chuyên ngành mới mở nhưng cũng đã gây được tiếng vang trong nghề nên từ khóa 2 trở đi, lượng thí sinh tham gia tuyển sinh đông hơn hẳn, nhưng mỗi khóa cũng chỉ nhận đúng chỉ tiêu tuyển sinh là 30 em. Hiện nay, không chỉ một mình tôi mà các thầy cô trong khoa Mỹ thuật cũng đều rất chăm chút cho chuyên ngành mới này với số lượng hơn 90 em. Với phương châm đào tạo “ học đi đôi với hành” nên ngoài những giờ lên lớp với các thầy cô thì các em còn được tiếp cận với các vở diễn lớn của các nhà hát, liên hoan, hội diễn và các đoàn làm phim... để đảm bảo tính ứng dụng cao triệt để từ những kiến thức mà các em được truyền dạy vào công việc sáng tạo thực tế. Những gì ngày hôm nay chị thấy, mới chỉ là sản phẩm của 6 em sinh viên ở lứa đầu tiên.
Pv: Với chương trình tốt nghiệp rất hoành tráng ngày hôm nay, tôi tin chắc Đào Thùy đang rất tự hào về các học trò của mình.
ĐT: Tôi thấy mình được cống hiến và tự hào vì được đóng góp một phần công sức trong những thành quả mà các học trò của mình có được trong lễ tốt nghiệp thật đặc biệt này. Cũng như mỗi khi có được một thiết kế tạo hình nhân vật được sản xuất, thi công mang vào ứng dụng trong các tác phẩm nghệ thuật, tôi thấy mình như được tặng một món quà nhiều giá trị.
Tôi hy vọng sau này, với đội ngũ thiết kế thi công ứng dụng kỹ xảo hoá trang cao cấp sẽ mở ra nhiều dự án và thực hiện hóa mọi phương diện sáng tạo của các nhà đạo diễn. Đặc biệt khai thác thực hiện những dòng phim cũ trên thế giới nhưng lại rất mới tại Việt Nam như những thể loại phim siêu anh hùng, phim khoa học viễn tưởng….mà bấy lâu nay khó có thể thực hiện được vì việc thiết kế tạo hình nhân vật hoá trang bằng công nghệ mới dựa trên chất liệu silicon, hợp chất tổng hợp là không có.
Pv: Đây chính là tín hiệu rất đáng mừng cho sự phát triển công nghệ trong quá trình thực hiện các tác phẩm nghệ thuật nhằm đáp ứng được đòi hỏi và nhu cầu từ thực tiễn.
Xin chúc cho Đào Thùy thành công và phát triển con đường mình đã chọn.
Người Thực hiện: Đạo diễn Huyền Nga