Nhà ở ngay cái hẻm Chùa (gần lò heo Chánh Hưng, cách cầu chữ Y chừng 200m) cái hẻm nhỏ ngoằn ngoèo từ Hưng phú trổ ra tới Ba Đình tầm hơn 100m. Trong hẻm toàn là dân xăm mình mà những hình xăm Rồng, Phụng, Đại bàng, Cọp , Beo... được xăm từ "Thẩm mỹ viện" khám Chí Hòa.
Nơi này năm 1994 xảy ra một vụ đâm chém nhau long trời lỡ đất giữa băng Năm C.. từ Quận tư qua chiến đấu với của ông P... băng hẻm chùa, đêm đó bà con trong khu vực phải đóng chặt cửa và không ai dám ra đường...
Mỗi lần ra vô hẻm không dám nổ máy xe vì chiếc xe hiệu Suzuki đời 100 năm về trước của tôi nó nổ máy lên phành phành như tiếng xe tăng, chỉ sợ mấy ông xăm mình nổi quạu là khổ thân già.
Lúc đó thằng Út Lem mới 4 tuổi, ngang nhà là nhà của hai vợ chồng trẻ, người chồng tên M mình xăm trổ tùm lum làm nghề thợ hồ cũng có đứa con trai 4 tuổi nhưng tánh tình đứa nhỏ nó rất hung hăng. Mỗi lần nó gặp Út Lem là nó nhào tới cấu cào như gặp kẻ thù... Một lần Út Lem bị nó đánh đau nên đẩy nó một cái té ngửa xuống đất. Thế là nó giãy đành đạch nằm vạ, cha mẹ nó nhào tới chửi bới đủ thứ... Chỉ là chuyện con nít, nhưng dù mình năn nỉ hết lời ba đứa nhỏ vẫn làm tới và đòi đốt nhà vì tội không biết dạy con. Ngày nào nhậu xong rồi tên M cũng ngó qua chửi xiên chửi xéo, mà đám bạn của nó cũng xăm đủ thứ con trên lưng thấy mà ớn.
Lên Phường báo sự viêc cho anh đại uý CA khu vực. Ông đại uý người Bắc nghe tôi cầu cứu anh ta không giải quyết mà cười ha hả:
- Thằng này nó chửi vậy chứ nó chẳng dám làm gì chú đâu... Nó chửi một chút rồi nó ngủ chứ gì. Nó xăm mình nhưng nó nhát hít chú sợ gì nó cho nó lừng.
Thiệt là hết biết cầu cứu ai khi Công an mà nói cũng như không. Một người gần nhà biết chuyện hiến kế cho tôi:
- Tui chỉ hai vợ chồng anh cách này. Đi hết con hẻm xuống tới Ba Đình hỏi nhà anh Quyền là đại ca giang hồ xóm này, cầu cứu với ổng nhờ ổng giúp cho.
Bán tính bán nghi nhưng hết cách nên liều mình thử coi. Được thằng cháu rể dẫn tôi tìm tới nhà Đại ca Quyền gặp một anh chàng ốm nhách không có một hình xăm nào.
Nghe chuyện anh ta nói:
- Chú và thím cứ về nhà, chiều nay con lên thăm . Chú thím cứ gọi con là thằng Quyền nha.
Về nhà cứ nghi trong bụng... anh chàng được gọi là đại ca sao thấy ốm nhách hiền khô vậy? Nhưng lỡ nhờ cậy rồi biết làm sao? Thằng cháu rể trấn an:
- Dượng yên tâm đi thằng này nó nói như đinh đóng cột. Con từng giúp nó nhiều lần rồi. Nay nó đã hứa giúp là giúp dượng yên tâm đi.
Chiều là bên nhà anh chàng Minh đã bày tiệc nhậu mà nhậu xong chắc sẽ kiếm chuyện chửi nữa đây... Đang lo trong bụng thì "Đại ca"Quyền tới.
Vừa bước vô nhà anh ta giả lả:
- Mèn ơi con nghe nói chú và thím về xóm này ở mà con bận quá không lên thăm được. Thôi thì hôm nay con ghé thăm gia đình và mấy em vẫn khỏe hết chứ hả chú Sáu?
Bên kia anh chàng tên M hay tin qua mời Quyền và chú Sáu ( kêu tôi theo thứ của bà xã) qua uống rượu... hắn líu ríu nói:
- Anh khỏi lo chú thím Sáu ở gần nhà em ai mà đụng tới gia đình chú là không yên với tụi em đâu?
Vậy thôi... từ đó cả xóm ai gặp gia đình tôi cũng vui vẻ chào hỏi bởi vì nghe nói tôi là Chú của Đại ca Quyền. Từ đó tôi mới biết kẻ xăm mình chỉ là hạng tép riu.
Đất Sài Gòn làm gì ra tiền để nuôi con? Thôi thì sẵn có chiếc xe tuy cùi bắp nhưng tiền nào của đó, đem ông Su 100 năm này chạy xe ôm chắc cũng có người đi...
Ngày đầu chạy ba lông vòng vòng Sài gòn hết mấy lít xăng mà chẳng chạy được cuốc nào vì khi gặp khách mình ấm a ấm ớ không biết chạy đường nào thì ai mà chịu đi?
Hôm sau chạy lại góc ngã tư Nguyễn tri Phương - 3/2 (xéo bên góc đường là tiệm vàng Kim Tân) nơi trạm xe buýt, thấy một ông chạy xích lô với làn da rám nắng đầy dáng phong trần dáng sao mà quen dử vậy? Mình nhìn thì ông ấy cũng nhìn mình... Trời ơi !? ông Bầu đoàn Cải lương Quê Hương của tôi bây giờ về chạy xích lô?
Gặp tôi, anh mừng quá kéo vô nhà anh ngay cái hẻm 100, cặp bên Uỷ Ban quận 10.
Anh nói:
- Đoàn hát rả gánh bà xã cũng bỏ tui đi luôn rồi, bây giờ thỉnh thoảng vẫn đi làm quản lý xin bến bãi cho các Đoàn ca nhạc tạp kỷ, còn chiếc xích lô này chủ yếu là chở mối mấy người quen kiếm tiền mua rượu. Bây giờ mướn căn nhà nhỏ này chung quanh là hậu cứ của nghệ sỹ của đoàn sài gòn 2, ở gần anh em trong nghề có gì hú hí nhau cho vui, lỡ có chết bất tử cũng có người đưa..
Anh lấy vội ra mấy cái ly và chai rượu thuốc. Nâng ly lên anh ngâm khe khẽ mấy câu thơ trong tuồng Lửa hờn Đông Đô:
- Bồ đào Mai Quế hoặc Quỳnh tương.
- Đâu bằng men rượu của quê hương.
- Uống như uống cạn tình non nước.
- Ta uống cho đời đậm gió sương.
Dứt câu ngâm hình như anh rưng rưng muốn khóc. Anh kể cho tôi biết người vợ anh cũng là cô đào chánh ngày xưa anh lập đoàn hát cho vợ anh hát đào chánh vậy mà khi rả đoàn bà ấy bỏ anh ngay hôm đó...
Thấy anh có vẻ buồn tôi nói:
- Biết anh nhớ nghề, nhớ sân khấu để tôi hát cho anh nghe vài câu vọng cổ cho anh đỡ buồn nhe.
Anh cười :
- Chú mày làm sao hát vọng cổ được?
- Anh quên là tôi ngày xưa từng hát giàn bao cho anh hả. Bây giờ anh nghe tôi hát hai câu vai của phó tướng Trương kiếm Lâm trong tuồng Lửa hờn Đông Đô. Vai mà ngày xưa CT từng hát trong đoàn của anh với nghệ danh Tuấn K.
Ông Bầu có vẻ bất ngờ vì nghe nhắc tới CT một Tài danh ca hơi dài ngày xưa từng theo đoàn hát Quê hương của anh chỉ được phân công hát toàn vai phụ. Anh Bầu cũng chưa từng nghe tôi ca vọng cổ nên anh có vẻ ngạc nhiên lắm. Cầm ly rượu lên tay và nhắm mắt lại chắc đang hồi tưởng lại chuyện thời xưa...
Vai Trương kiếm Lâm... một phó tướng si tình yêu thầm Quận chúa Vương Mộc Kiều nhưng không được nàng Quận chúa đáp lại mối tình. Đến khi bảo vệ cho nàng vượt vòng vây của nghĩa quân Lam sơn lúc bị trọng thương sắp chết hắn mới dám tỏ tình:
Ngâm:
- Quận nương ơi tôi chỉ là loài cỏ dại.
Nằm say giấc ngủ bên đường sau một đêm dài mộng mị...
Người ta vội vàng vứt bỏ nó đi mà không một chút... Tiếc thương...
Trăng thu dạ khúc
Thân phận...
Khi trời tan bóng đêm...
Lữ khách vội vàng, Bỏ lại bên đàng.
Lời thương còn ấp ủ hơi sương.
Tiếc cho thân phận
Chỉ còn tìm nhau trong giấc mơ...
VMK (ca):
Lời người phân qua. Như oán như hờn.
Nếu duyên không trọn
Thôi đành hẹn nhau ở kiếp sau...
Vô vọng cổ:
Quận Nương ơi tôi muốn nói lên tâm sự cô đơn của một kẻ chắc chiu trên chuyến đò tình dang dở. Ôm nhớ, Ôm thương... rồi đặt bút đề thơ lên mảnh hoa tiên nhưng bút cùn nghiên loạn giữa chốn ba quân tôi muốn đoạt thành chém tướng nhưng người con gái ngày xưa đã rẻ thuyền sang lái thì còn tiếc nghĩ chi đâu một kẻ đứng bên.. Đường ....
(câu 1)
Tôi chỉ là tên chiến bại giữa sa trường...
Manh giáp tả tơi đầu rơi giáo gãy.
Nằm gục chết giữa trận tiền với muôn vạn tử thi.
Mưa chiều ơi đừng rơi rớt hạt phân ly.
Để tôi gom góp lá xây nấm mồ lạc lõng
Nén hương trầm trơ trọi mấy cành khô.
Quyện khói lam chiều nhà ai bay nghi ngút...
(Câu 2)
Quận nương ơi một trái chín ở tầm tay vừa vuột khỏi tôi nghe tâm tư mình như đang chấp chới bàng hoàng...
Bấy lâu nay tôi chỉ làm kiếp dã tràng.
Tháng ngày qua đâu quản chi bùn lầy mưa nắng chỉ mong xe cát vàng lấp cạn biển đông.
Tôi biết mình gắng sức chỉ hoài công vì những lượn sóng vô tình sẽ làm cho tan rã.
Biển tình yêu của nàng sao mà bao la quá.
Còn kiếp dã tràng chỉ là sợi yên ba..
Ca xong hai câu vọng cổ nhìn thấy Ông Bầu khóc... Tôi thấy mắt mình cũng cay cay.
Từ đó mỗi sáng tôi chạy được vài cuốc xe kiếm đủ tiền chợ là ghé đến thăm anh. Một ông Bầu cải lương hết thời, vất vả kiếm cái ăn, đang cô đơn lặng lẽ giữa Sài Gòn hoa lệ.
Theo Chuyện làng quê