Phần 1: Võ lâm ...
* A Sầm con chú Sáu Xí Xồi bán hủ tíu tướng đẹp như một lực sĩ. Sầm học võ lâm của Thầy Hai Sự trong Rạch vồn, thầy còn luyện một số Bùa phép khác đôi khi người ta đến nhờ thầy "Xên" phép vào chai dầu thơm để xức khi nói chuyện buôn bán hay làm ăn gì đó.
A Sầm học võ lâm nên thập bát ban võ nghệ anh ta môn nào cũng làu thông. Đánh được những bài côn, quyền, đao, kiếm kể cả thương và siêu. A Sầm mỗi khi gánh nước từ sông lên ghé chỗ bán dừa tươi trước nhà Cậu Hai Lồi biểu diễn dùng bàn tay vận công chặt trái dừa ta to đùng bể làm hai mảnh và hai tay bưng trái dừa đã bể làm đôi uống tại chỗ, người nào muốn xem A Sầm biểu diễn thì chỉ cần trả tiền trái dừa. Tụi thanh niên trong khu chợ Cái Vồn thời đó đứa nào cũng ớn A Sầm, vậy mà một lần A Sầm gặp một cao thủ thứ thiệt...
Dượng Út tôi (Út Lình) là một thợ máy theo tàu Hàng hải đi khắp Đông Nam Á. Năm 1974, có lần tàu đậu ở Cảng Sài gòn nên tranh thủ Dượng về nhà thăm gia đình. Lần đó có một anh chàng thủy thủ người Hồng Kông xin theo dượng. Anh chàng giống như một tài tử xi nê (dáng vẻ của anh ta hao hao như diễn viên Thành Long) tôi được Dượng Út phân công dẫn anh chàng đi chơi, tuy ngôn ngữ bất đồng vì vốn liếng chữ Tiếng Hoa của tôi chưa đầy cái lá mít. Nhưng khi giao tiếp chịu khó ra dấu thì từ từ anh chàng cũng hiểu. Khi thấy A Sầm biểu diễn dùng tay chặt trái dừa anh chàng Hồng kông lắc đầu và cười một cách bí hiểm. Tôi hỏi anh:
- Anh có làm được như vậy không mà cười? (vừa nói vừa ra dấu nên anh ta có vẻ hiểu)
Anh kêu tôi lấy một trái dừa, vừa cầm trái dừa lên tay anh ta xuống tấn vận công, cái ngón tay trỏ huơ như vẽ bùa, ai cũng tưởng anh ấy giỡn chơi, nhưng thình lình anh dùng ngón tay trỏ chọc vào trái dừa nghe "cái bụp"... rút ngón tay ra nước trong trái dừa xịt ra như vòi nước... anh đưa mời tôi uống trước sự ngỡ ngàng của mấy người đang có mặt đang tròn xoe đôi mắt nhìn anh ta. Như muốn chứng minh cái võ công "Nhứt dương Chỉ" của mình là có thật anh sẵn tay chọc dừa mời mỗi người một trái... ai cũng bất ngờ khi chứng kiến cái võ công chỉ có trong tiểu thuyết của Kim Dung. Từng tràng pháo tay nổi lên và khi anh Hồng Kông rút bóp trả tiền mấy trái dừa chị chủ dừa lắc đầu cười cương quyết không lấy tiền. Nghe tiếng ồn ào Dượng Út bước ra biết chuyện Dượng nói bằng cái giọng lơ lớ:
- Thằng này võ công cao cường lắm, bên Hồng kông nhiều hãng phim mời nó đóng nhưng nó không chịu, chỉ thích làm thủy thủ thôi. Nó là Thiếu lâm tự thứ thiệt đó.
Lúc đó nhìn lại thì A Sầm đã lĩnh đi từ lúc nào... Thật ra môn công phu Nhất dương chỉ thầy Hai không dạy cho A Sầm mà dạy cho Út Hoàng một người đồng môn. Nhưng dù có tập nhưng dùng ngón tay để chọt trái dừa thì Út Hoàng lắc đầu.
* Anh Be nhà trong Rạch vồn học võ ở lò võ lâm của Thầy Tham mưu Sanh, tên Thầy là Lâm Trường Sanh võ đường PHI MÃ, anh Be tướng tá hơi thấp nhưng rất lỳ đòn.(thầy làm chức Tham mưu trong quân đội HH)
Chuyện Anh Be đánh hạ bốn anh chàng cao bồi vườn lúc đi làm Thủy lợi ở Trà Cú thì nhiều người biết. Số là sau 1975 vừa ăn Tết xong thanh niên phải bị tập trung đi Lao động đào kinh Tuổi trẻ dưới Trà cú (Ngang 60 m mặt trên, mặt dưới 40m, cạnh 16m và mỗi người 0,5m tới) mỗi đội 40 người thì nhận 20 mét, làm luôn ban đêm thì chừng ba tuần là có thể bàn giao. Còn làm tà tà thì có khi hơn tháng...
Một buổi chiều vừa sụp tối khi tắm rửa xong dân đào kinh hay kéo đi kiếm mấy quán nhậu dã chiến. Bàn ghế thì lèo tèo có khi phải ngồi dưới mấy tấm đệm hay ny lon vì hết chỗ ngồi. Anh Be vốn trầm tính nên tối nào anh cũng đi nhậu một mình, một đêm anh tới quán Ba cô (quán có ba cô gái bán) kêu một tô cháo vịt và một chai rượu, quán đang có khách lai rai thì bỗng có bốn anh chàng địa phương đen thui như cột nhà cháy cặp cổ ngả nghiêng bước vô quán tới bàn nào có khách tụi "cao bồi vườn" đều kiếm chuyện đuổi đi... chỉ còn bàn Anh Be, anh ngồi làm thinh không nói gì một tên bước lại hỏi:
- Ê! sao mày còn ngồi đây?
Anh Be cười hiền:
- Mấy anh thông cảm, tôi uống rượu ghiền, cho phép tôi uống vài ly nữa là xong.
Thấy anh nói nhẹ hều nên anh chàng kia nói:
- Tụi tao cho mày năm phút.
Chút quay sang nhìn vẫn thấy anh còn ngồi nhậu tỉnh bơ nên một tên bước qua đạp ngả cái bàn nhậu của anh và quát to:
- Thằng kia mày cút ngay chưa?
Anh Be không nói gì chỉ lắc đầu mấy cái rồi bước ra khỏi quán mấy cô gái cũng e ngại cho anh vì anh ngày nào cũng uống rượu ở quán, nhìn cái tướng thấp bé của anh như vầy thế nào anh cũng bị tụi cao bồi này đánh chẳng chơi. Ra khỏi cái quán anh quay lại nói nhẹ hều:
- Bốn đứa bây ra đây và nhớ ra đúng 4 thằng.
Chỉ với hai cú đá hai tên đầu tiên dính đòn gục tại chỗ, hai tên còn lại tính bỏ chạy anh nói:
- Hai đứa bây nhớ đưa hai thằng bạn bây về, muốn trả thù thì trở lại kiếm tao. Chiều nào tao cũng nhậu ở đây.
Xong anh bước vô quán kêu mồi nhậu tiếp, mấy anh thanh niên đào kinh ở chợ Cái Vồn khi nghe tin anh Be bị mấy tên cao bồi vườn kiếm chuyện sợ anh đánh không lại nên người cầm len người cầm gậy kéo lại thì thấy anh ngồi nhậu tỉnh bơ như chưa hề đánh đấm gì. Mấy cô trong quán khen:
- Hồi nãy xem ảnh đá mấy thằng cà chớn như Lý tiểu Long vậy.
* Cùng thời với anh Be còn có Anh Lê Hồng Chương một võ sĩ chuyên đánh thắng trên các võ đài. Thời đó với cú đá gót độc nhất vô nhị hạ gục bao đối thủ được người ta gọi cú đá của anh là "HỒNG CƯỚC THIẾU LÂM". Cú đá bằng gót chân khi nhập nội, đá thốc từ dưới lên trúng hàm hạ địch thủ nốc ao mà khi tỉnh lại cũng không biết mình trúng đòn nào mà thua. Tôi nhớ anh anh Chương học ở võ đường HẮC LONG của Thầy Mười Cùi, tuy vậy anh Chương mỗi khi đấu với ngưởi đàn anh đồng môn là anh Nguyễn Thành Tây (thầy giáo Tây) anh đánh cách nào cũng không thắng được. Và anh Chương thường trúng đòn của thầy giáo Tây. (Anh Chương bây giờ bị tai biến và nhà ở Cần Thơ)
* Khúc phía sau Huyện đội Bình Minh ngày xưa còn có Võ sư TÔ HỒNG SAN (thầy chỉ có một con mắt) cũng thuộc Võ lâm cổ truyền thầy có nhiều đệ tử nhưng tôi chỉ nhớ anh Sáng con chú Bảy Đinh nhà cũng ở khóm 3 lò heo Bình minh là đệ tử ruột của Thầy.
* Gần nhà Cậu Mười Ở trước còn có một võ sư tên Mạnh (Mạnh Lùn) cô mấy cô con gái rất đẹp sau võ sư Mạnh bán nhà về An giang mất tin.
* Ngoài cầu Bắc Cần thơ (Bờ Bình Minh) có Võ Sư BẢY LÒ, ông nổi tiếng với đường roi như Phượng múa Rồng bay, khi loan cây côn người bên ngoài tạt ca nước vào bộ đồ không dính nước. Võ sư Bảy Lò có anh con trai là Võ sư Minh Hùng nhưng Minh Hùng không học võ của cha mình mà học của Võ sư NB ở Vĩnh long. Sau mấy chuyến vượt biên không thành, Minh Hùng bỏ nhà theo cô vợ mới trong một gánh Sơn Đông chuyên nghề nhổ răng và bán Cao đơn hoàn tán. Bây giờ anh Minh Hùng cũng đang ở Vĩnh Long dạy võ thuật và anh cũng 72 tuổi rồi.
Năm tụi tôi lên lớp bảy, nhà trường mở lớp Võ thuật Vovinam do thầy Nguyễn văn Vang và thầy Nguyễn văn Lộc phụ trách lớp võ thuật cho học sinh. Hai thầy cũng đang dạy võ thuật cho Trung tâm huấn luyện Cái vồn, các đệ tử của hai thầy trong khóa đầu tiên là các Anh:
- Anh Việt, Anh Thắng, Anh Tiền.. Anh nào cũng đủ thứ võ và lớp võ thuật Vovinam năm đó là khóa học đầu tiên chuyển đổi cho các Huấn luyện viên võ thuật thời đó phải đổi qua học và dạy Vovinam. Nhằm phát huy môn võ thuật của người Việt nam. Anh Nguyễn Anh Việt (Người Bắc, dáng anh cao to như diễn viên Bình Minh) anh có Tam đẳng Taekwondo, Hapkido, Judo rồi cả võ Thiếu lâm... nên anh hay lơ là trong việc học võ. Hai thầy thấy vậy nói:
- Các bạn không xem chúng tôi là thầy cũng không sao. Các bạn có thể xem như tôi là một người anh đi trước hướng dẫn cho những người em đi sau. Nhưng trong giờ học thì phải nghiêm túc, ai không muốn học có thể đứng lên bước ra. Anh Việt là người đứng lên sau lời nói của Thầy Lộc. Thầy hỏi:
- Lý do em đứng dậy?
Anh Việt trả lời:
- Em muốn đấu với thầy. Nếu thầy thắng em sẽ vô lớp học, nếu thầy thua em xin đi về .
Thầy Lộc đồng ý. Vừa bái tổ chào nhau thì Anh Việt đã chủ động bay tới áp sát tung những cú đá như trời giáng. Anh ra những cú đá sấm sét, tới tấp mà thầy Lộc vẫn tỉnh bơ luồn lách, gạt đở né đòn của người học trò ngổ ngáo, và chỉ một cú nhập nội thầy ra đòn đấm múc (một thế võ xem như rất bình thường nhưng rất hiểm của Vovinam) vào ngực đứa học trò. Trúng đòn Anh Việt bật ngửa ra bất tỉnh. Sau lần đó anh ngoan ngoản là một đệ tử ruột của hai thầy như một con ngựa hoang bị thuần phục. Thầy Lộc thì trước khi về Việt Nam Thầy là một thành viên trong đội cận vệ của Ông Hoàng Si Hanukkah khi loạn lạc, thầy về Việt nam chuyển qua học và dạy Vovinam, thầy còn đóng phim chung với Hùng cường, Nguyễn Long trong phim OK, OK, OK (Khi người áo đen trở lại) sau 1975 nghe nói thầy qua Pháp và nổi tiếng với vai trò cảnh sát trưởng Nguyễn văn Lộc và thầy được mời đóng bộ phim về chính mình. Thầy Vang thì cũng có thành tích khi một lần thầy nhảy lên sân Tinh Võ sau một lời thách đấu của một võ sĩ nước ngoài khi anh ta đoạt chức vô địch rồi nghênh ngang tuyên chiến với tất cả võ sư võ sĩ Việt Nam. Thầy Vang nhảy lên võ đài nhận lời thách đấu. Trận thắng đó Thầy nói thầy bị giam đai nhiều năm?.
Thầy Vang và Thầy Lộc còn một chuyện để đời mà các môn sinh Vovinam ở Bình minh đều biết là chuyện hai thầy đụng với đám cao bồi Cống xã tàu. Trước 1975 Cống xã tàu có quán nhậu tên Lan. Một quán dạng đèn mờ có em út nên rất đông khách. Vô tình anh"Thắng đen"( là một đệ tử ruột của 2 thầy) dẫn mấy anh môn sinh Vovinam ghé quán nhậu. Đang uống bia thì bị mấy tay du côn ở xóm bước tới tịch thu gói thuốc 555 và cái quẹt Zippo. Anh Thắng suy nghĩ nếu đánh nhau anh thì không sợ nhưng mấy anh em mới nhập môn có thể khó thoát nên chịu nhịn mà đi về... Chuyện tới tay hai thầy, hôm sau thầy Vang và Thầy Lộc chạy chiếc xe Honda 67 tới quán Lan nhậu. Nhìn tướng tá của hai thầy bọn du côn im re. Ngang quán có bàn Bi da hai thầy qua chơi bi da, trong lúc cao bồi vườn Cống xã tàu kéo tới càng lúc càng đông. Hai thầy chê bàn Bi da bị đổ nên hai thầy nói với chủ bàn sao không cân cái bàn lại. Cô chủ bàn than:
- Làm sao tụi tui khiêng nổi mấy anh ơi. Cái sàn này nó bị lún muốn sửa lại phải có người khiêng cái bàn ra ngoài mà có ai khiêng nổi đâu.
Hai thầy nghe vậy nói:
- Vậy để hai đứa tui khiêng giùm chị nha.
Rồi hai thầy xuống tấn vận công khiêng cái bàn Bi da bỏ ngoài đường bọn cao bồi vườn xanh mặt im re dọt lẹ.
* Một võ sư tên tuổi ai cũng biết là võ sư kiêm diễn viên điện ảnh LÝ HUỲNH ông sinh năm 1942 tại Đông Thành xóm lò tương ngay bến đò ngang chợ nhưng ông học võ và nổi tiếng trên Sài Gòn nên dân Bình Minh ít ai biết. Sau này khi Lý Huỳnh nổi tiếng rồi báo chí đăng lên người ta mới biết ông ở Đông Thành - Bình Minh.
Môn phái nào cũng có cái hay, ai học võ cũng với mục đích rèn luyện thân thể và cũng có lúc sử dụng đến võ thuật để bảo vệ lẽ phải. Học võ với mục đích là rèn luyện thân thể, tự vệ và giúp người cô thế chứ nếu lạm dụng sức mạnh, ỷ vào cái võ nghệ của mình hoc được để hiếp đáp người thì có ngày sẽ trả giá phải không các bạn?
Xứ Bình Minh của mình ngày xưa có nhiều chuyện thú vị là vậy đó. Tuy nhiều môn phái, nhiều võ đường nhưng không có sự gây hấn đánh nhau. Chỉ tỷ võ tranh cao thấp khi được sự đồng ý của sư phụ đôi bên. Bây giờ không biết những thế hệ tiếp theo còn duy trì được những tinh anh võ nghệ của ngày xưa không nhỉ?
Ôi nhớ lắm Bình Minh ơi.
Theo Chuyện Làng quê