Đâu còn đáy nước tim trăng

Xã hội càng phát triển, đất làng lên phố cũng rũ bỏ cái áo cũ xưa mà khoác lên mình cái áo mới màu mè, hiện đại hơn. Làng không còn thích mặc cái áo bà ba rộng rãi, cũng chẳng còn nghĩ về cái áo tứ thân mớ ba mớ bảy.

Làng mặc áo bó chẽn hiện đại sát mình, muốn nghẹt thở, bức bối mắt ai. Đất làng nay không còn rộng rãi. Nhà nhà chẳng còn vườn tược, chuồng trâu, chẳng còn cái sân to phơi thóc ngày xưa. Nhất là, chẳng còn cái ao thân thuộc để mà "ta về ta tắm ao ta".

ch-q1q-1630976212.jpg
Ảnh minh họa do tác giả tuyển chọn.

Nhà tôi xưa có cái ao chạy dài ngang đất. Nhà có hướng đông nam, năm gian nhìn ra vườn qua một cái sân rộng dài. Cái sân phơi lúa, phơi ngô, thả gà, nuôi chó... Bước qua vườn là đến bờ ao. Cái ao hình chữ nhật bờ thoai thoải, chạy dài từ đầu bờ chuối phía tây nam sang bên kia là cây khế bên bờ đông bắc. Quanh năm ngày tháng, cái ao cung cấp nước tưới vườn, cho bò ăn, thả bèo, nuôi cá. Cái ao nhà đã gắn bó suốt một quãng dài thơ ấu của tôi.

Cái ao nhà tôi được đào mấy lần. Thực chất không phải ông bà, và sau này là bố mẹ tôi, chủ định đào ao. Khi cần làm nhà, ông bà bố mẹ phải tự mình, hoặc mượn anh em đến đóng gạch. Đất quê tôi làm gạch rất tốt. Đất được đào lên, trộn nhào với nước, bằng sức người giẫm đạp bằng chân, cho vào khuôn định hình viên gạch. Những viên gạch đất phơi khô, xếp tạo lò, đem nung thành những viên hồng. Cũng chính vì vậy, cái ao to dài là chỗ cung cấp đất xây tường, làm ngói cho nhà và bếp của ông bà (nhà tôi) và nhà các chú tôi.

Ao chủ yếu thả bèo cái, lẫn cả bèo cám dùng nấu cho lợn ăn. Sau nhà tôi có thả thêm bèo tây, các nơi người ta gọi là lục bình hay bèo Nhật Bản, bèo này ra hoa nhìn như cái đuôi công rất đẹp. Ngày ấy trẻ con chẳng biết ngứa, cứ thích "thân chinh" xuống tận ao vớt lên, thân và lá cho lợn ăn, rễ và lá già vứt ra vườn cho đàn gà canh cưi, thành phân luôn thể. Nhiều buổi trưa không chịu ngủ, tôi cứ thích đem cái rổ to, mắt dày hơn cái rổ xảo, hứng dưới chân bèo. Khi rũ bèo bỏ ra, những con cua "ngu ngốc" rơi ra rổ, chỉ việc nhặt bỏ vào chậu, chiều lại được một bữa canh cua.

Ao nhà tôi ốc nhiều vô kể. Chỉ cần đem chậu lại gần cầu ao kê bằng đá, vơ tay nhẹ một chút là được cả mớ. Ốc ao thích bám cả vào những cọc tre, cây tre ngăn bèo nên bơi đến đấy bắt cũng được nhiều. Tôi nhớ hồi ấy, chỉ cần thả mấy tàu lá chuối cho cá ăn, thế mà ốc cũng bám vào. Những con ốc to được để lại, ốc nhỏ được vứt lại ao. Thích nhất là bắt được những con ốc giấy (ốc nhồi), loại ốc này to, vỏ trơn, nhiều thịt, khi ăn cứ "sần sật". Dù ốc luộc, hay đem nấu om chuối... đều ngon cả.

Bơi ao cũng rất thích. Khi tập, tôi được bố với anh cho ôm thân chuối, thế mà sau bơi sấp rất tốt. Ao nhà tôi nông sâu hai lớp, cũng là do hai đợt đóng gạch khác nhau. Thành ra lúc tắm ao, tôi đứng chỗ phân chia nông sâu ấy, tay xoãi bơi bơi, lại tự tập được bơi ngữa. Bữa nào cũng bơi từ cầu ao ra tận cây dưới (cây duối) bên bờ kia, leo lên cành ngang, rồi nhảy ùm xuống. Trò này rất thích, thế mà bữa nào mẹ cũng quát, không cho chơi trò ấy.

Những hôm nhà đánh cá, "vui ơi là vui". Các chú, các anh xua cá khắp ao, bố tôi kéo vó lên, cá to nhảy nhảy. Tôi thường ở trên vườn, nhặt những con cá được các chú bắt từ lưới kéo ném lên. Những con cá "ngoan cố" chống trả, cuối cùng cũng "vào nồi". Ấy vậy mà thỉnh thoảng có con nhanh quá, trườn tuột được xuống ao, làm tôi "tiếc ơi là tiếc". Cá rán, cá kho, cá nấu giấm mùng...giúp cả đại gia đình được bữa liên hoan. Tất nhiên, nhà nào cũng được mẹ tôi chia phần cho đem về nấu ăn dần những buổi hôm sau.

Những trưa hè nóng nực, ngồi dưới gốc cây sung già giúp mẹ nhổ tóc sâu. Mẹ thường dùng cái quạt mo quạt cho tôi khỏi mồ hôi nhễ nhại. Bà tôi thì thích dùng cái vỉ tre đập những con ruồi đáng ghét. Phía đụn rơm, con bò nằm nhai lại, thỉnh thoảng "ợ lên" rồi nhe răng cười, kêu "ọ ọ", rất là điêu. Ngày ấy đâu rồi? Ngày ấy đã xa quá là xa.

Nay anh tôi làm nhà nới bên nhà bố mẹ, cái ao đã được lấp lại từ lâu. Nhà đã khang trang, đẹp đẽ với cảnh sắc hoàn toàn mới. Nhưng những khung cảnh ngày nào, nay chỉ còn trong hoài niệm mà thôi. Chẳng còn những đêm trăng chơi trò "chiến đấu" với lũ bạn quanh nhà. Núp bên đụn rơm hay bên bờ chuối góc vườn nhìn trăng vờn mây dưới ao trôi bóng. Muốn về lại kỷ niệm ngày nào nhưng cũng đâu còn đáy nước tìm trăng...

Theo Chuyện làng quê