Đầu năm đến thắp hương đền thờ nhà giáo Chu Văn An tại Phượng Hoàng Chí Linh, Hải Dương.

Tết năm nay tôi đến thắp hương đền thờ nhà giáo Chu Văn An tại chân núi Phượng Hoàng, xã Văn An, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, nơi đây cách đường quốc lộ 18 khoảng 11 km.
den-tho-cu-chu-1709038547.jpg
 

Cách chúng ta gần 700 năm, nơi đây là vùng rừng núi hoang vu, hẻo lánh, và u tịch nằm giữa hai dãy núi Phượng Hoàng thuộc vòng cung Đông Triều, xa xa như hai sải cánh chim Phượng hoàng linh ứng, cận minh đường là núi Ngọc, viễn minh đường là đền Cao An Lạc thờ Đức cha Trần Liễu linh thiêng và huyền bí, bộ lông đuôi xoè ra như những vì sao sáng, thế mới biết ngày xưa thầy CHU có con mắt tinh đời của một nhà giáo; giỏi cả Nho y lý số, trên thông Thiên văn dưới tường Địa lý, ông đã chọn nơi này làm nơi ẩn náu.

Sau khi dâng sớ, khuyến nghị nhà Vua chém bảy tên nịnh thần, vào cuối triều Trần, không được nhà Vua chấp thuận, thầy đã trút mũ áo từ quan, rời bỏ chốn quan trường, chọn nơi này làm nơi ẩn náu, người đời sau gọi là: “Tiểu ẩn cổ bích”.

Vì sợ liên lụy đến người bất đồng chính kiến với triều đình, nên người đời xưa hiếm ai dám lui tới nơi này. Lạnh lẽo và hoang vắng, kín đáo và u tịch là đặc trưng của vùng rừng núi huyền bí này.

Hôm nay đến dâng hương thầy, đã sau ngày rằm tháng giêng rồi, tôi vui mừng thấy dòng người đến viếng thăm Chu Tiên sinh vẫn còn đông nghịt. Thật hạnh phúc cho đất nước mình, ngày nay người dân đã dám chấp nhận sự thật. Trọng người hiền tài, thanh liêm và chính trực, thẳng thắn và cao thượng.

Năm 2004, khi khởi công xây dựng công trình này, anh em chúng tôi chủ trương xây sân bái đường có sức chứa khoảng 1000 người đã là cận đất, chỉ còn đủ để hai bên có một lối đi nhỏ, nhưng đến nay đã trở nên chật hẹp. Nhìn dòng người xuôi ngược dâng hương dâng hoa, lòng tôi tràn đầy cảm xúc.

Chiều muộn tôi thấy mấy vị khách, mũ cao áo dài, đem theo mấy ông thầy cúng xì xụp bên trong hậu cung, có mấy vị bảo vệ đứng chặn không cho khách vào.

Tôi hỏi nhỏ cụ thủ nhang, cụ bảo họ từ xa về cầu: “xin chức”. Hình như sắp có cuộc sắp xếp lại tổ chức ở cơ quan nọ.

"Khổ quá," cụ đã cáo quan về tận nơi rừng cao núi thẳm này ẩn náu thì làm gì còn chức mà xin...

Tôi bảo cụ thủ nhang: lần sau có ai về "Xin chữ" thì cụ cho vào, còn "Xin chức" thì mời đi cửa khác, trước khi vào hãy tự cúi đầu ngẫm mình có xứng đáng với nhân cách cao thượng của Thầy không? Rồi hãy cầu xin. Nên nhớ rằng cụ là: “Vạn thế sư biểu”.

Nhớ câu cụ Phan Huy Chú, bình: “Nghiệp học thuần túy và tiết tháo cao thượng, làng nho nước ta từ xưa đến nay có ông là một”, thật sâu sắc.

Trên cùng của Biểu mẫu