Dãy núi mờ xa

CCB Dương Công Bắc

07/09/2021 21:56

Theo dõi trên

Anh đừng lấy làm đường đột nếu đọc thư này. Từ ngày anh lên thăm vợ chồng em, không ngờ lại làm cho em sống lại những kỷ niệm tưởng đã được chôn vùi từ bấy lâu. Thực ra, ngay từ lúc anh chưa lên, qua anh Tân kể, em đã có linh tính là anh, nên ngay từ đầu em đã để ý quan sát anh rất kỹ. Anh khác trước nhiều quá, chỉ có giọng nói, nụ cười và ánh mắt là còn giữ lại. Anh biết không, cả một thời gian dài em đã chờ đợi anh quay lại...

day-nui-1631025763.jpg

 

Chuyện có thể là hư cấu thêm, tên người và địa danh đã được thay đổi.

Một

 Chiếc xe lao vun vút trên đường Láng Hòa lạc, đã lâu lắm Quân không lái nó với tốc độ 100 Km. Trên xe đang bật một bản hòa tấu Ghi ta nhạc Nga quen thuộc và anh đã lẩm nhẩm hát theo từ  lúc nào. Hôm nay Quân đến thăm một người bạn, nhân tiện dự luôn tân gia. Hơn 60 tuổi mới cất được ngôi nhà tử tế để ở nên bạn anh khoái chí lắm: “Ông nhất định phải đến với vợ chồng tôi đấy nhé”, “OK! Tôi nhất  định đến”, Quân đã đáp trả lời bạn qua điện thoại.

 Người bạn quen tận hồi còn ở Nga. Lúc ấy Tân, bạn anh đang làm Đội trưởng ở một Ôp người Việt ở thành phố Cảng Ođetsa, tận Ucraina. Hàng năm, đều như vắt chanh, Quân phải nằm dưới cảng này 1 tháng để làm nhiệm vụ kiểm hàng cho đơn  vị. Kiểm hàng tức là những thùng hàng của anh chị em trong Đơn vị chuyển xuống Cảng Ođetsa, Hải quan sẽ khui ra kiểm tra lại xem có phù hợp với quy định của Nhà Nước Liên Bang, những thứ thuộc về “hàng cấm” sẽ bị thu giữ, hàng “không  phù hợp” sẽ bị “Nazat” tức là trả ngược về người gửi. Người đi kiểm hàng phải thay mặt anh em chứng kiến Hải Quan kiểm, ký giấy xác nhận và đóng gói đầy đủ số hàng “Nazat” gửi tàu hỏa ngược về Đơn vị cho anh em.

  Vì đến một nơi xa lạ, không muốn tốn tiền Khách sạn nên ban đầu các anh tạm dạt vào 1 Ôp lao động để tá túc. Tân là Đội trưởng Ôp ấy, thế là  quen nhau, những năm sau cũng vậy. Từ đó anh thân với Tân và thư từ đều đặn. Thỉnh thoảng cũng “tắc” hàng xuống cho và thường là những “của độc” khó kiếm.

Có lần, Tân đã lùng mua hộ anh con xe tay ga của Nhật của bọn đi tàu Viễn dương để anh “lẳng trộm” vào thùng hàng của mình lúc Hải quan nghỉ giải lao (Hồi ấy xe máy nước mình còn nghèo nàn lắm, con xe Nhật cũ này về VN bán còn đắt gấp đôi con Minkhơ). Ngược lại anh cũng “tắc” cho Tân những kiện hàng đồng hồ và máy tính đắt tiền.

Tân về nước sau anh. Sau khi Liên Xô tan rã, Ucraina lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Tân cũng như một số đông  người Việt cùng chung cảnh ngộ, số tiền gom góp mãi vẫn chưa được bao nhiêu. Mãi cho đến khi Nga chiếm Crưm, Tân mới quyết định về nước với số  vốn cũng không được dày lắm.

  Hóa ra nhà Tân ở sát chân núi Ba vì nhưng đường đi bây giờ cũng dễ. Sau một hồi hỏi thăm loanh quanh, rồi anh cũng tìm đến được. Phóng xe vào tận sân, bước xuống là 2 người đã ôm nhau thật chặt, điều mà ở bên kia dường như không có. Lúc này khách khứa chưa đông lắm nên anh và Tân còn rảnh rang trò chuyện. Đưa anh đi thăm quan các phòng ở từng tầng, Tân say sưa kể rằng anh đã dày công nghiên cứu để đưa kiến trúc Ucraina vào ngôi nhà như thế nào. Bỗng dưng Tân vỗ trán kêu:

 - Ô, tôi chưa giới thiệu vợ con với ông nhỉ, xuống đây!

 Quả thực chơi với nhau đã lâu nhưng Tân rất ít nói về vợ con, mà Quân cũng không hỏi. Xuống nhà, Tân gọi đám con cháu ra chào khách, thì ra anh đã có đủ nội, ngoại. Anh giục con dâu:

 - Ra làm thay mẹ và bảo mẹ vào đây chào khách.

 Đứa con dâu “Dạ” một tiếng rồi chạy đi.

  Lát sau, một người phụ nữ bước vào. Vợ Tân không còn trẻ nhưng khuôn mặt thật ưa nhìn, các đường nét hài hòa, đó đây vẫn là dấu vết còn lại của một thời xuân sắc. Vóc dáng vẫn mảnh mai chứ không xồ xề như đàn bà đã lên chức nội ngoại, đặc biệt là cặp mắt rất trẻ trung và sáng. Chị ta nhìn Quân hơi lâu vẻ như vừa nhìn vừa nghĩ ngợi. Anh tươi cười gật đầu chào và quay sang hỏi Tân:

  - Đố ông làm cái nhà to thế này thì ai phải là người vui nhất?

 Chưa để cho Tân kịp trả lời, anh đã nói ngay:

 - Là bà ấy đấy! Các cụ đã bảo “đàn ông được ngày cưới vợ, đàn bà được bữa làm nhà”, nếu chưa hiểu thì hỏi bà ấy xem. Nói xong anh cất tiếng cười vang.

 Chị vợ đon đả:

 - Bác nói đúng đấy! cái ngày ở cái nhà cũ, mỗi khi mưa gió đều phải che đậy, hứng giột khổ lắm. Ai lại mang tiếng có chồng đi Tây mà sống khổ quá, thông gia người ta cũng kêu. Từ hôm làm xong nhà đến giờ, em cứ bâng khuâng, không tin là mình có ngày lại được ở cái nhà to lại vững chãi như thế này. Đàn ông các anh thế nào cũng được nhưng đàn bà chúng em cứ phải nắm trong tay thì mới yên tâm. Thôi bác ngồi nói chuyện, em xin phép ra làm tiếp kẻo không kịp.

Nói xong chị ta lại nhìn thẳng vào anh rồi quay người trở ra.

 Lúc này anh mới trách Tân sao nỡ để vợ con ở khổ lâu thế? Tân phân trần công việc làm ăn không thuận lợi. Quả thực hồi bên ấy, Tân cũng không làm ăn được mấy, phải có hàng “tắc”  từ Moscow về thì mới có cái bán. Thời Liên Xô mọi thứ đều phải lấy từ Moscow. Sau này Liên Xô tan rã rồi còn khó khăn hơn. Tân nói, giọng buồn buồn:

 -  Lúc tôi lấy bà ấy thì khổ lắm! Tôi là dân ngụ cư, quê ở Ứng Hòa, đi bộ đội đóng quân ở đây, rồi gặp và lấy bà ấy. Nói thật với ông, lúc lấy tôi, bà ấy đã có một đời chồng, đúng hơn là bị lỡ làng. Một thằng cha lâm nghiệp đã lừa bà ấy rồi có thai. Tôi gặp lúc bà ấy đang tính quẩn, định tự tử. Chúng  tôi lấy nhau cũng chẳng cưới xin gì, mãi sau mới đi đăng ký.

 Anh chỉ đưa mắt nhìn Tân ái ngại.

 - Bà ấy đảm đang tháo vát lắm, người dân tộc Mường đấy, tôi ở bên ấy bao nhiêu năm, thế mà ở nhà một tay chèo chống.

  Anh im lặng ngồi nghe, mắt nhìn ra ngoài sân nơi có người đàn bà đang lúi húi mà cảm thấy đã gặp người này ở đâu rồi.

 Cỗ bàn được dọn lên, Tân cứ ép anh uống và bảo “Tối nay ngủ lại đây, nếu lên dịp trước thì không dám vì nhà cửa lúi xùi, nhưng lần này dứt  khoát phải ngủ lại”. Vợ Tân đưa bát rượu lên ngang chân mày nói:

 - Em xin mời bác bát rượu của người Mường, ông ấy có nói chuyện nhiều về bác nhưng lần này mới được bác lên chơi.

 Quân đỡ lấy bát rượu và cạn một hơi, ngạc nhiên không hiểu sao mình lại uống giỏi thế!

  Anh nói với Tân:

 - Ngày xưa tôi cũng từng đóng quân ở vùng đồng bào Mường dưới chân núi Ba Vì, hình như là Bản Cam. Đã mấy chục năm rồi không quay lại.

 - Thì Bản Cam chính là đây, đó là tên cũ, giờ tên mới là Quyết Thắng. Chị Vợ Tân reo lên

-  Thế là bác đóng quân ở đây rồi, mà năm nào?

 - 1976, hồi ấy tôi ở Đội Mẫu của Trường sỹ quan, chúng tôi thường xuyên lên đây tập trận.

  Chị vợ Tân thoáng giật mình và kể từ đó không thấy nhìn về phía anh nữa. Vừa may anh cũng chuyển đề tài.

 Lúc ra bể nước ngoài sân rửa mặt, anh có nghe thấy một giọng hỏi từ phía sau:

 - Thế anh có nhớ con bé Ao không?

 Buông cái khăn mặt, quay lại phía người hỏi thì chỉ còn thấy bóng người đã khuất nhanh sau giàn su su. Anh giật mình, trống ngực đổ hồi "Liệu  mình có nghe nhầm không nhỉ". Phải hồi lâu trấn tĩnh, anh mới vào lại được trong nhà để uống nước. Lát sau anh hỏi Tân:

 - Bà ấy tên gì nhỉ?

 - Ao, cái Ao ấy, tên dân tộc mà!

 Một cơn gió thoảng qua, anh rùng mình. Tân tưởng anh mệt nên giục vào phòng nghỉ. Chiều bạn, anh ngả lưng, định bụng chỉ chốc lát, không ngờ đã thiếp đi, trong mơ anh thấy như được trở lại 4 chục năm trước.

Thuở đó Quân là 1 trong số những người lính sinh viên được Nhà trường giải quyết theo nguyện vọng cho phép quay về trường Đại học. Trong khi chờ đợi được ra quân, các anh ở lại trường làm đủ các công tác phục vụ. Thời gian cuối, Quân được sung vào Đội Mẫu, 1 năm 2 lần vào xóm Cam để diễn tập các khoa mục.

Các sĩ quan đều biết, khi học trong trường, phải qua các khoa mục quân sự và chính Đội Mẫu phải thể hiện để minh họa bài giảng của Giáo viên trên thực địa. Muốn vậy các anh phải tập dượt các khoa mục một cách thành thạo, thuộc từng khóm cây, bụi cỏ cùng các địa hình địa vật và các kỹ thuật chiến đấu một cách nhuần nhuyễn. Khó nhất là những lần phải thể hiện đánh giáp la cà với lưỡi lê và "đạn giấy". Không ít lần, thương tích đã xẩy ra do khi "lâm trận" nghe súng nổ, các chiến sỹ hăng quá mà quên rằng đây chỉ là diễn tập. Đội Mẫu như một đơn vị độc lập. Khi đóng quân ở trong bản, các anh cứ 2 hoặc 3 người vào ở 1 nhà, vừa là tá túc vừa là “3 cùng” với dân.

Ba Vì ngày đó còn hoang sơ lắm, nơi ấy chỉ có dấu chân của đồng bào dân tộc. Nhớ những lần cùng các Giáo viên đi khảo sát địa hình để thiết kế bài giảng, lội qua những con suối nước trong vắt, nhìn thấy cả đàn cá bơi. Hay đi qua những ngọn thác đẹp mê hồn (có lẽ bây giờ có thể là Ao Vua hay Khoang Xanh gì đó). Có lúc còn gặp cả lợn rừng hay hoẵng nữa. Nhưng vắt thì nhiều vô kể, chỉ cần huơ tay lên một tảng đá đầy rêu thôi thì đã thấy lũ vắt nhất loạt ngỏm đầu dậy, hướng về phía tay người. Bọn vắt có tài đánh hơi người một cách kỳ lạ, xà cạp đi rừng thắt đến tận đầu gối, nếu lỏng một chút thì về nhà lúc tháo giầy ra, nhất định phải có hơn chục chú vắt no kềnh nằm trong, máu sũng cả giầy. Thỉnh thoảng lại bắt gặp mấy cây vải rừng, cây bứa hoặc khế thì lúc ấy bao nhiêu loại túi đều được mang ra trưng dụng hết. Một lần gặp được ổ nấm trứng mọc trong bãi phân trâu thật là to, một cậu đã tụt ngay quần, túm 2 ống lại, hốt cả ổ nấm khoác về nấu canh ăn được mấy bữa mới hết. Cái giống nấm trứng nấu canh không cần mì chính mà sao ngọt lạ, chỉ thương cậu ấy về đến nhà đùi bê bết máu do vắt cắn, rất may là chúng đã không bò ngược lên chút nữa!

Cái đói luôn rình rập theo lính một cách dai dẳng, lấy cơm ở Bếp ăn về vẫn cứ phải hái rau rừng ăn độn vào, thường là rau tàu bay, có lúc hái trộm được mớ lá sắn trên nương của đồng bào mang về ngâm ủ chua rồi nấu. Có người cho bọn anh mấy chục viên thuốc an thần mà thành phần chính là Natri Glutamat giống như mì chính, cho vào nồi canh cải thiện nấu từ rau rừng, ăn cũng ngon đáo để.

Dân bản cũng nghèo lắm, lúa trên nương ít ỏi, còn chủ yếu là sắn. Các anh ở trong nhà một gia đình người Mường, bố mẹ và cô gái lớn suốt ngày trên nương, đến tối mới về. Ở nhà chỉ có lũ trẻ 1 trai, 1 gái tự học và nấu ăn với nhau. Một hôm bà chủ bảo:

- Nhà có mấy chum xu hào muối, các chú cứ lấy mà ăn, cải trên nương cũng nhiều, nhà ăn không hết đâu, chú nào lên nương mà cắt về, chứ cứ ăn mãi rau tầu bay hại máu lắm.

Hóa ra đồng bào trồng xen xu hào và cải trên nương, cuối vụ ăn không hết nên muối vào chum cả củ (để nguyên cả vỏ) còn cải thì muối cả cây, nén để ăn dần. Mở chum ra, xu hào già đầy xơ, dưa cải thì mặn chát nhưng sao ăn vẫn ngon thế! Chỉ có chủ nhật được nghỉ thì các anh lên nương giúp nhà chủ, nhân tiện cắt rau cải về nấu với sắn, xì xụp suốt buổi tối. Đôi khi cũng rủ nhau đi thật xa để săn lợn rừng, lợn thì không bắn được nhưng gà rừng thì có. Đạn AK tương trúng có khi chỉ còn lại đám thịt rách nát dính đầy lông, chịu khó mót lại cũng được nồi cháo.

Tỏ là Cô con gái lớn, khỏe mạnh và khá xinh. Quân với 1 thằng nữa cũng là lính sinh viên cứ phải để mắt canh chừng cậu lính ở cùng, cậu này lính Hà Nội, còn trẻ, bị kỷ luật vì can tội trả phép chậm 1 tuần nên bị đưa vào Đội Mẫucho đủ đội hình. Cậu ta cứ mắt la mày lém cô con gái lớn. “Phải đề phòng thằng này, kẻo mấy tháng sau rút đi mà để lại cái bụng thì khốn cả lút” các anh đã nói với nhau như vậy!

Ban ngày đi tập, chỉ buổi tối ở nhà, Quân lại mang sách Bàì tập Giải tích của Berman ra giải, chủ yếu là giết thời gian cho đỡ nhớ nhà. Bọn trẻ thấy thế bảo “Chú dạy bọn cháu học với”. Thế là tối tối anh dạy bọn trẻ học, anh kia học Tổng hợp Sử nên chẳng biết dạy gì thì canh chứng cậu lính Hà nội. Ông bà chủ thấy thế quý lắm!

Cậu anh thì rất chăm, các bài tập Quân giao đều làm đủ, không làm được thì chủ động hỏi, nhưng cô em nhỏ tên là Ao thì lười học lắm, chỉ thích hóng các anh nói chuyện. Những lúc ấy cặp mắt mở to, mơ màng. Nhiều lần Quân đã phải nghiêm giọng nói “Nếu Ao mà không chịu học thì chú mách bố mẹ, riêng chú sẽ không dạy cho Ao nữa”. Ao buồn lắm nhưng chỉ được mấy bữa rồi đâu lại hoàn đấy. Ao bảo “Học làm gì, lớn lên như chị Tỏ là Ao đi lấy chồng thôi”. Quân bảo “Ao phải khác chị Tỏ, phải học giỏi rồi ra thành phố đi thoát ly, đừng lấy trai bản”.

Thằng Thoỏng là con ông Trưởng Bản, nó chừng 15, 16 tuổi nhưng cao lớn lắm, ria mép lún phún và bắp chân bắp tay đã mập mạp. Bỏ học từ lâu nhưng nó vẫn ko chịu lên nương làm rẫy, suốt ngày lêu lổng cùng bọn trẻ con. Có lần, Quân thấy nó đứng nép bụi cây nhìn Ao đi học với ánh mắt khác lạ. Một hôm nó gọi Ao ra đầu nhà nói chuyện. Lúc trở vào, Quân thấy cô bé có vẻ hoảng sợ. Gặng hỏi mãi, Ao mới kể lại là thằng Thoỏng sẽ theo chú nó lên Lai Châu để buôn trâu, nó hứa khi nào các ngón tay nó không còn chỗ để đeo nhẫn nữa thì nó sẽ quay về cưới Ao làm vợ. Lần đầu tiên có người nói chuyện chồng vợ với mình nên cô bé vô cùng sợ hãi. Quân trêu:

- Làm vợ Thoỏng, Ao có muốn không?

- Không biết nữa nhưng Ao sợ lắm, ở đây ai cũng sợ bố con nhà nó.

- Ao còn bé lắm, lớn lên Ao sẽ biết nếu không thích lấy Thoỏng thì sẽ phải làm gì. Còn bây giờ thì phải học chữ cho thật giỏi đã.

Nhưng từ hôm đấy, cô bé chểnh mảng học hành. Các bài tập Quân ra, Ao đều không ngó tới, anh chính thức không dạy cô bé học nữa và ra mặt giận thật sự.

Hai

Một lần, Đoàn chiếu bóng trường sĩ quan vào chiếu phục vụ đúng vào lúc anh đang giận Ao. Đã 2 hôm rồi anh không buồn nói chuyện. Từ lúc trời còn sớm đã thấy Ao háo hức. Anh trai lớn đã đi với chúng bạn từ lúc nhá nhem mà sao vẫn thấy Ao quanh quẩn ở nhà. Biết Ao có ý chùng chình để chờ mình nhưng Quân cứ mặc kệ “phải kiên quyết cho cô bé này bài học mới được”. Lát sau ko thấy Ao đâu, anh mới xách đèn pin đi. Ra khỏi nhà được mấy chục mét, nghe thấy tiếng bước chân rất nhẹ đằng sau, anh quay ngược đèn pin chiếu lại thấy Ao đang rón rén đi ngay phía sau. Thì ra cô bé nấp một chỗ để lừa anh. Bực quá, anh vùng chạy thật nhanh, Ao cũng chạy theo nhưng không kịp và òa ra khóc làm anh phải đứng lại để chờ. Ao thút thít “chú ác với Ao lắm”nhưng anh vẫn im lặng. Đi được một quãng, Ao thỏ thẻ

- Chú ơi, lớn lên em không lấy trai bản đâu, không lấy Thoỏng đâu. Chị Tỏ sang năm là lấy chồng, nhà chồng ở phía bên kia núi, bên Hòa Bình ấy.

Thấy anh không nói gì, Ao lại tiếp

- Nhà chồng chị nhiều trâu lắm, sau này chị ấy suốt ngày phải đi vào rừng chăn trâu khổ lắm!

- Thế sau này không chăn trâu như chị Tỏ thì Ao làm gì?

- Ao muốn làm cô giáo

- Cô giáo dạy những học sinh lười học à?

Anh bụm miệng để khỏi bật ra tiếng cười. Ao đấm anh thùm thụp rồi nũng nịu:

- Ao biết là chú luôn ác với Ao!

- Muốn làm cô giáo thì ngay bây giờ Ao phải chăm học, để chú không phải nhắc, nghe chưa?

- Vâng ạ!

Ao lí nhí trong miệng không thành tiếng, kéo tay anh, vung vẩy đi.

Sau bữa ấy, Ao ngoan hẳn, không lười làm bài nữa nhưng hình như Ao giận anh, năm ấy Ao mới 13 tuổi.

Khi Đại đội học viên cuối cùng kết thúc khóa tập, rút về trường thì Quân và một số anh em cũng được lệnh quay lại đơn vị để chuẩn bị ra quân quay về trường Đại học. Không thể nói hết nỗi vui sướng của các anh sau bao tháng ngày nén lòng chờ đợi. Đi chào tạm biệt dân bản, thấy mọi người lưu luyến, lòng cũng cảm thấy bâng khuâng!

Buổi chiều các anh chung tiền mua gà làm cơm chia tay chủ nhà. Ông bà chủ cảm động lắm, nói đại ý “trước đây cũng có nhiều chú đến ở nhưng chỉ có các chú là để lại cho gia đình nhiều kỷ niệm, mong sau này các chú còn có dịp quay lại”. Riêng bọn trẻ thì lăng xăng quấn quýt, hết bê hộ cái nọ lại chạy đi tìm cái kia, giúp các anh xắp xếp đồ đạc.

Lúc anh dặn dò bọn chúng phải chăm học và chăm làm nương giúp đỡ gia đình, từ nay anh không còn được giúp bọn chúng học nữa thì cả 2 đều khóc, chúng hỏi liệu anh còn quay lại nữa không? Để yên lòng bọn chúng, anh hứa là sẽ quay trở lại vào đầu năm sau, khi mùa Xuân tới. Lúc đó Ao mở to cặp mắt nhìn anh rất lạ. Anh kéo Ao lại, vừa vuốt tóc cô bé vừa nói:

- Ao nghe lời chú dặn, phải chăm học và học thật giỏi để sau này đi thoát ly ra thành phố làm việc. Lớn lên Ao sẽ là một cô gái đẹp, nhớ là đừng lấy trai bản.

Anh nói mà lòng thầm nghĩ  “Cô bé này có một nhan sắc đầy hứa hẹn, với vóc dáng mảnh mai, làn da trắng, khuôn mặt trái xoan, cằm xinh, môi đỏ, nụ cười tươi, hàm răng trắng muốt và đặc biệt là cặp mắt sáng luôn mở to, thì chỉ dăm năm nữa thôi, người ta sẽ phải nhắc đến nhan sắc của cô bé này. Mình không muốn một nhan sắc như thế lại bị chôn vùi ở chốn đây”.

Sáng sớm hôm sau, cả bản đều như bị đánh thức bởi tiếng chó sủa và tiếng bước chân người đi rầm rập. Đại đội học viên lên đường, Đội Mẫu đi cuối hàng quân. Ra khỏi bản, Quân dừng lại ngoái nhìn lần nữa ngôi bản nhỏ, nơi lưu giữ những dấu chân cuối cùng của một thời binh nghiệp. Một cảm giác bâng khuâng xâm chiếm. Bỗng từ xa có một bóng nhỏ đang chạy đuổi theo đoàn quân, anh buột miệng kêu lên:

- Ao! Có phải Ao không?

Còn đang thở hổn hển, Ao nói không ra hơi:

- Ao đi tiễn các chú, có phải chú hứa vào mùa Xuân tới sẽ quay lại đây, đúng không?

- Phải, chú sẽ quay lại, nhất định sẽ quay lại. Anh xúc động nói “chỉ cần Ao ngoan và học giỏi”.

- Ao sẽ ngoan và nhớ lời chú dặn, nhưng chú đừng quên Ao nhé!

- Không, chú không quên, không quên! Quân đã bắt đầu lắp bắp

- Đầu năm sau, Ao ngày nào cũng ra đây để chờ chú quay lại .

- Không cần như thế đâu, chú hứa là chú sẽ đến, chú đến để xem Ao của chú có ngoan không, lớn bằng đâu rồi.

- Ao sẽ chăm chỉ để về Hà Nội học, lúc đấy chú có đợi được Ao không?

- Chú đợi, chú nhất định đợi. Chú muốn đợi để chứng kiến Ao của chú tiến bộ. Thôi quay về trường học đi!

Quân phải nói thêm mấy lần, cô bé mới chịu quay về.

Anh xốc lại ba lô, hối hả đuổi theo đoàn quân và lắc đầu mỉm cười,  “Ôi cô bé, sao lại có thể ngây thơ thế, chả lẽ bé không thấy ta nói thế là chỉ để yên lòng bé thôi sao? Mọi việc đang còn ngổn ngang ở phía trước, làm sao có thể biết sẽ trở lại như ta hứa được. Thôi không sao, rồi cô bé sẽ quên ngay thôi”. Trong lòng anh lúc này chỉ có một khát khao cháy bỏng là được quay về tựu trường và có lẽ chỉ có điều này là còn làm cho anh bận tâm. Trong phút chốc Quân đã bỏ lại phía sau mọi hình ảnh của bản Mường nhỏ bé cùng bóng dáng cô bạn nhỏ xinh đẹp!

Nhưng rồi mùa xuân năm sau Quân đã không quay lại như đã hứa, mấy mùa xuân sau cũng thế. Một phần do phải dồn hết tâm trí và sức lực vào học tập, phần vì anh cũng đã lãng quên. Mà thời bao cấp, khi cả nước chìm ngập trong nghèo đói, buộc người ta phải quên nhiều thứ quan trọng lắm. Nên phải mãi đến 5 năm sau anh mới có dịp quay lại đất Sơn Tây để thăm một người bạn lính đã lấy vợ và định cư ở đó. Chợt nhớ tới bản Mường và một nhan sắc chắc giờ đã đến tuổi lấy chồng, anh liền mượn xe đạp của bạn thẳng đường vào xóm núi.

 Trời bất chợt đổ mưa, cơn mưa tầm tã non một giờ mới tạnh. May mà anh đã tạt vào được một quán nước ven đường để trú, không thì cũng bị cảm lạnh dọc đường. Bà chủ quán hỏi chuyện ông khách, biết anh vào bản Cam liền hỏi:

- Thế chú vào nhà ai trong đấy? Tôi cũng là người ở trong ấy đây!

Gãi đầu gãi tai mà vẫn không nhớ tên ông bà chủ nhà ngày xưa bèn nói tên cô bé Ao, chủ quán kêu:

-  Chú vào ăn cưới nó à, ngày mai nó về nhà chồng đấy!

Anh nghe mà chán hẳn, thấy mình có vào bây giờ cũng thành vô duyên, cộng với trận mưa này làm nhão hết bùn đất, có cậy hết đất bùn dắt vào vành bánh thì cũng phải tối mới đến nơi. Nên trời vừa tạnh, anh liền quay xe trở về và từ đấy không bao giờ nhắc đến chuyện quay lại đó nữa.

Rồi ngày tháng lại trôi đi, số mệnh đã đưa anh đến hết quãng đời này lại đến quãng đời khác, anh đã phải làm đủ mọi nghề để mưu sinh, đã gặt hái đủ cả ngọt bùi và cay đắng. Nay đã trở thành một ông lão về hưu mà vẫn chưa một lần trở về cái bản Mường nằm dưới chân dãy núi Ba Vì xanh thẳm, nơi đã ghi những dấu chân cuối cùng của cuộc đời lính, nơi có cô bạn nhỏ xinh xinh. Thậm chí chỉ cần nhớ tới thôi cũng chưa một lần. Nếu không có dịp đến tân gia nhà bạn hôm nay thì có lẽ anh cũng đã vĩnh viễn xóa chúng ra khỏi bộ nhớ.

Nhưng còn Ao? Có đúng cô vợ Tân đã nhận ra và đã hỏi anh về con bé Ao ngày nào? “Không lẽ Ao bây giờ lại là vợ Tân” Nếu thế thì quả đất này tròn thật!

* *

Trời đã ngả sang chiều từ lúc nào. Bước ra khỏi phòng mà người Quân cứ như hâm hấp sốt. Ngồi trao đổi với Tân về chuyện làm ăn một lát rồi anh cáo từ, Tân nài ép thế nào anh cũng không chịu.

Lúc ra đến sân thì Tân chợt nhớ ra quên chưa biếu anh chai rượu ngâm nên quay vào lấy. Anh nói nhỏ chỉ đủ vợ Tân nghe thấy:

- Cho anh xin lỗi, Ao nhé, anh đã quên hẳn em cùng với cái bản này, nhưng ông Trời đã cho anh gặp được Tân để anh còn có dịp mà quay trở lại, mặc dù đã quá muộn. Anh mừng cho em đã trưởng thành và gặp được Tân, sống bên một người chồng như Tân anh tin là em đã tìm thấy hạnh phúc, dẫu có phải trải qua bao cay đắng. Hãy tha lỗi cho anh về những lời hứa vu vơ năm xưa!

Không hiểu sao anh lại không muốn kể cho Ao về chuyến trở về trong cơn mưa cùng câu chuyện nghe được ở quán nước năm nao.

Tân trở ra với chai rượu trên tay, miệng hể hả:

- Biết nhà rồi thì năng lên chơi, ở đây thỉnh thoảng tôi vẫn bắn được lợn rừng đấy. Khi nào bắn được, tôi sẽ báo để ông lên. Chai rượu này uống thấy hợp thì tôi sẽ chuyển xuống cho ông cả vò.

Hai người lại ôm nhau từ biệt, anh nói nhỏ vào tai Tân:

- Chúc mừng vợ chồng ông có nhà mới, hãy chăm sóc và bù trì cho Ao thật nhiều, cô ấy đã chịu nhiều khổ cực và cay đắng rồi. Tôi sẽ sớm trở lại.

Một tháng sau, anh nhận được một lá thư do Bưu điện chuyển đến. Lúc đầu anh lấy làm lạ vì gần 2 chục năm qua từ khi điện thoại phát triển thì người ta đã không còn giữ thói quen viết thư cho nhau nữa. Thỉnh thoảng Bưu tá cũng có chuyển tới anh những chiếc phong bì nhưng toàn là Thư mời họp cổ đông. Lần này phong bì dán tem nhưng không đề tên người gửi, nét chữ phụ nữ nắn nót. Bóc thư, anh liếc nhanh phần cuối và không khỏi giật mình “Ao đã gửi thư cho mình”. Bức thư như sau:

“Anh Quân!

Anh đừng lấy làm đường đột nếu đọc thư này. Từ ngày anh lên thăm vợ chồng em, không ngờ lại làm cho em sống lại những kỷ niệm tưởng đã được chôn vùi từ bấy lâu. Thực ra, ngay từ lúc anh chưa lên, qua anh Tân kể, em đã có linh tính là anh, nên ngay từ đầu em đã để ý quan sát anh rất kỹ. Anh khác trước nhiều quá, chỉ có giọng nói, nụ cười và ánh mắt là còn giữ lại.  Anh biết không, cả một thời gian dài em đã chờ đợi anh quay lại, cứ vào dịp đầu năm, vào mùa Xuân thì em lại ra đầu con dốc, nơi em đứng tiễn anh lần cuối để ngóng chợ anh. Nhưng năm này qua năm khác vẫn bặt bóng anh. Lẽ nào anh đã lừa dối em, lừa dối một cô bé dân tộc cả tin như em. Em đã không quên lời dặn của anh nhưng chính anh lại quên lời hứa của mình, em đã mất lòng tin vào cuộc đời chính là lỗi của anh đấy!

Em đã cố gắng thực hiện lời dặn của anh. Mấy năm về sau, em học rất chăm và giỏi. Đúng cái lúc em học xong phổ thông, được chọn ra thành phố học để có cơ hội gặp được anh thì mẹ em ốm nặng rồi mất, chị Tỏ đi lấy chồng xa, anh của em đã đi bộ đội, nên em phải gác dự định của mình để ở nhà chăm sóc bố và thế là em biết là đã không thể thực hiện được lời anh dặn. Rồi đến ngày bố bắt em lấy chồng. Thoỏng đã sang Lào buôn hàng cấm, chắc lúc ấy các ngón tay của nó vẫn còn chỗ đeo nhẫn. Trai bản sợ Thoỏng nên không ai dám yêu em và em lại cũng không để ý một ai. Sau này khi biết Thoỏng đã bị giết trong một chuyến đụng độ với Bộ đội Biên phòng. Bố em lại bí mật nhận lễ của người ở bản xa và định ngày đón dâu. Đến lúc nhà trai đến em mới biết. Mặc cho em kêu khóc, van xin thế nào bố em cũng không chuyển ý buộc lòng em phải dọa sẽ tự tử nếu mọi người cưỡng ép. Đám cưới buộc phải hủy. Sau đấy vẫn có rất nhiều người đến với em vì người ta vẫn đồn  là em đẹp nhất bản, nhưng họ đều nhận được ở em sự thờ ơ lạnh lùng vì em vẫn nhớ lời anh dặn là đừng lấy trai bản.

Anh biết không, trái tim em từ lâu đã chỉ còn giành cho 1 người, người đó chính là anh. Từ ngày anh đi em mới biết rằng mình đã yêu anh từ lúc nào và tình yêu ấy càng ngày càng rõ rệt, một thứ tình yêu có thể là rất trẻ con, ngây thơ và vụng về mà chính anh cũng không thể ngờ tới? Người con gái dân tộc một khi đã yêu ai thì luôn hết mình và giành trọn trái tim cho người ấy. Những năm đấy, Em định nếu anh trở lại thì sẽ nói hết lòng mình với anh, thế mà anh đã không trở lại như đã hứa. Năm này qua năm khác, khiến em phải hiểu rằng mình đã đợi chờ trong vô vọng. Đúng vào lúc em buồn khổ nhất thì có một tay kỹ sư Trồng rừng đến tán tỉnh em và trong một phút yếu lòng, em đã trao thân cho hắn. Anh biết vì sao không? Chính là vì hắn cũng có đôi mắt rất giống anh, thông minh, buồn và nghiêm nghị. Những lúc đó em cứ tưởng tượng như được nằm trong vòng tay anh… Nhưng em đã lầm, hắn đã có vợ và lợi dụng sự cả tin của người con gái dân tộc, hắn đã để lại một cái thai rồi biến mất. Em xấu hổ vô cùng, dân bản chê cười, đòi phạt vạ. Thật ê chề và tuyệt vọng! Đúng lúc em định làm cái việc rồ dại nhất là quyên sinh (Với em dù có quyên sinh lần nữa cũng chẳng có gì làm em sợ hãi) thì có một anh bộ đội nhìn thấy và kịp ngăn em lại, người đó chính là Tân. Anh Tân đã thuyết phục em và gặp dân bản thú nhận cái thai đấy là của mình và xin được cưới em. Dân bản chấp nhận, không đòi phạt vạ nữa nhưng đuổi vợ chồng em phải ra ven bản ở. Anh Tân tốt lắm, anh chấp nhận tất cả và thật lạ kỳ anh ấy lại rất thương yêu mẹ con em. Những ngày đầu thật khó khăn, em phải đi làm nương cho đến tận ngày sinh nở. Anh thấy cháu gái đầu có giống em không? Anh Tân đã thương yêu cháu như con ruột, cả đến bây giờ cũng vậy. Thế rồi anh Tân xin phục viên. Anh ấy là lính chuyên nghiệp có trình độ trung cấp kỹ thuật. Vợ chồng dựa vào nhau xoay xở cho đến khi có thằng cháu thứ 2 thì anh ấy xin đi Quản lý lao động ở Liên Xô, có về phép đôi ba lần. Anh thật thà, hiền lành mặc dù rất chịu khó nhưng cũng không thể giàu bằng người ta. Làm xong cái nhà, rồi vốn liếng cũng chả còn là bao.

Em chưa bao giờ kể cho anh ấy về anh và em cũng xin anh đừng nói gì thêm cho anh ấy. Với lá thư này coi như em đã trả hết cho anh những gì vẫn còn ở trong lòng. Kể từ nay con bé Ao ngày xưa đã chết! Anh thật đáng trách nhưng em cũng sẽ không trách anh nữa.

Cầu chúc cho anh mãi hạnh phúc !

Em gái của anh”!

Đọc xong thư, anh bàng hoàng! Không thể ngờ những lời hứa vu vơ, đãi bôi cốt để làm yên lòng ấy lại có thể gieo vào lòng cô bé một niềm tin vững chắc về một thứ tình yêu mơ hồ. “Hay là lời dặn của mình kèm theo câu đừng lấy trai bản lại khiến cô bé liên tưởng mà hiểu ra một lời gợi khơi về một sự hứa hẹn, đợi chờ”? Lúc dạy học cho cô bé, anh như một người thầy, một người chú và cũng có thể coi là một người anh nhưng Tình yêu thì thật lòng anh chưa bao giờ nghĩ tới. Không hẳn là anh hơn cô bé khá nhiều tuổi, mà chính là ở thời buổi đó, trong anh chỉ tồn tại một nỗi khát khao cháy bỏng là được quay về trường cũ để học tập. Từ trước đến giờ anh đã hết sức giữ gìn để khỏi bị vướng vào bất cứ hệ lụy gì mà ảnh hưởng đến sự ra quân. Giai đoạn cuối này thì càng phải quyết tâm nhiều hơn. Vì thế anh không nhận thấy những tình cảm của cô bé giành cho anh cũng là lẽ đương nhiên. Nhưng tác hại cho cô bé thì lại vô cùng lớn, nếu không gặp được Tân thì giờ này không biết số phận cô bé sẽ thế nào?

Mỗi một dòng thư như những thước phim về Một cô bé dân tộc, cứ vào năm mới lại đứng đầu dốc ngóng chờ một kẻ vô tình. Cũng là những thước phim về một thiếu nữ xinh đẹp, ngày đêm phải gồng mình chống đỡ sự hăm dọa của 1 kẻ du thủ du thực là Thoỏng, rồi sau đó là sự chòng ghẹo và tấn công của đám trai bản và những người đàn ông khác, mà chỉ để nhằm gìn giữ tấm lòng với một kẻ vô tình. Và chỉ vì mất lòng tin vào một kẻ vô tình mà đã rơi vào vòng tay của 1 gã họ Sở, thiếu chút nữa thì đã mất đi mạng sống của mình. Anh vô cùng đớn đau khi trước mắt hiển hiện cảnh gã kia đã thỏa sức dày vò em chỉ vì gã có cặp mắt giống anh.

Nếu không có trận mưa quái ác đã khiến anh phải bỏ dở hành trình trở lại sau đấy mấy năm và nhất là không nghe được tin em đi lấy chồng thì biết đâu sự thể bấy giờ có thể đã được hướng sang lối rẽ khác?

Nhưng nếu bây giờ anh giải thích cho Ao tất cả những điều ấy thì chính anh lại là kẻ độc ác, đã giết cô thêm một lần nữa. Rồi đây quan hệ của anh với vợ chồng Tân sẽ ra sao? Liệu anh có còn đến gặp họ nữa không? Và có thật “con bé Ao ngày xưa đã chết”?

“Thôi hãy cứ để thời gian trôi đi sẽ thanh lọc quá khứ, những gì xứng đáng còn thì sẽ ở lại”! Anh cứ lẩm nhẩm như vậy mỗi khi nhớ về Ao, nhớ về một bản Mường nhỏ bé ở chân dãy núi mờ xa./.

 

Theo Trái tim người lính

 

Bạn đang đọc bài viết "Dãy núi mờ xa" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn