Đêm nhà sàn, đếm nhịp sương rơi

Tản văn của Phạm Thị Phương Thảo

20/01/2022 17:13

Theo dõi trên

Kỷ niệm những ngày tháng chạp cuối năm ở bản Nà Đông, Lâm Bình, Tuyên Quang tháng 1/2022.

phuong-thao-nha-san2-1642673477.jpg
 

 

Đêm đầu tiên đã trôi qua rất nhanh ở bản Nà Đông! Những ngày cuối tháng chạp, mùa đông Covid thứ hai, những ngày cuối năm 2022 thật đáng nhớ! Tiếng gà gáy gọi sáng trong bản Nà Đông đã cất lên lanh lảnh. Thế là đã trôi qua một đêm dài không ngủ. Tôi đã thức trọn vẹn suốt một đêm trắng, cảm nhận đủ thứ cảm xúc và lắng nghe những thanh âm của đêm vắng trong một bản làng người Tày của xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang.

Đoàn chúng tôi đã đến LÂM BÌNH vào một ngày cuối đông. Bản Nà Đông thật duyên dáng và rất đỗi yên bình đang hiện ra trước mặt. Trời đã về chiều. Những vệt khói xanh thấp thoáng bay lên. Những nếp nhà sàn nằm ẩn hiện, náu mình được chân núi hoặc khuất sau vườn cây trong thung. Cánh đồng trải rộng, được những thế núi non kỳ vĩ bao quanh. Những rặng núi xanh thẫm hay xanh mờ, mang hình răng cưa lởm chởm nhìn thật lạ và đẹp. Núi quây tròn, núi như đang ôm ấp lấy bản làng. Sự sum vầy không chỉ dành cho còn người!Chẳng còn mấy ngày nữa là đến Tết âm lịch. Mùa Xuân xinh đẹp đang ngấp nghé gõ cửa từng nhà , chờ đón năm con hổ Nhâm Dần 2022!

Chúng tôi nghỉ trong một ngôi nhà sàn có nhiều giường, kiểu nhà sàn du lịch sinh thái Homestay dành cho đoàn đi đông người. Đoàn văn nghệ sĩ chúng tôi gồm 28 người, xuất phát lên đây từ 7 h sáng tại Hà Nội, để cùng nhau dự trại sáng tácVHNT. Chúng tôi đi thực tế, viết văn, làm thơ, vẽ tranh và góp phần quảng bá cho du lịch của huyện Lâm Bình- Tuyên Quang. Một miền đất mới về địa giới hành chính được hình thành từ một phần đất của Na Hang và Chiêm Hoá. Nơi đây có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, nơi có những con đường nhỏ mềm mại, uốn lượn sát phía chân núi. Nhà sàn cũng đẹp, được dựa lưng vào núi cao, phía trước là cánh đồng đang trải rộng. Ngôi nhà sàn chúng tôi ở nhìn khá rộng rãi, khang trang, có đầy đủ chăn ấm đệm êm, giường đệm nhìn khá sạch sẽ và rộng rãi. Đó là một khu nghỉ nhà sàn trong bản Nà Đông nhìn yên bình, khá đẹp, lãng mạn, mang tên Thảo Nguyên!

Đêm Lâm Bình dâng lên vẻ đẹp hoang sơ và thuần khiết. Sự gần gũi khi người  ta được cận kề với núi non và cả một khung cảnh thiên nhiên trong lành làm tôi mãi vẫn còn thao thức. Sương buông xuống trắng mờ cả không gian và phủ dày lên cây cối. Cái lạnh giá ở nơi cao nguyên, nơi cách xa thủ đô đến mấy trăm cây số đường rừng núi đã làm cho người ta hưng phấn hơn. Ai cũng thấy có chút gì lạ lẫm và ngỡ ngàng. Nhất là sau nhiều ngày dài mọi người phải cách ly xã hội vì đại dịch Covid. Đặc biệt ấn tượng là không khí ấm nồng của thứ rượu men lá lần tỏa và dư âm tưng bừng sau buổi gặp gỡ giao lưu văn nghệ chiều tối nay với bà con huyện Lâm Bình. Cho tới lúc này, tôi vẫn làm cho tôi còn rưng rưng xao xuyến.

Tôi nằm im lặng, lắng nghe từng cơn gió hoang thổi xiên qua vách nhà sàn. Gió réo từng cơn vù vù như ngựa phi. Gió từ đỉnh núi tràn xuống. Gió bay ngang lưng núi, thốc sát vào lưng ngôi nhà sàn. Gió rít từng cơn, gió đang đuổi nhau từng hồi từ núi tràn xuống như đàn ngựa hoang . Cảm giác “Quờ tay chạm ngực núi /Rừng chiều nhấp nhô xanh / Ta say trong giấc lá / Lâm Bình đêm ngọt lành” (thơ của tôi) là có thật! Chà, tôi sẽ thức cùng Lâm Bình đêm nay!

phuong-thao-nha-san3-1642673477.jpg
 

Quá nửa đêm từ lâu. Không khí im lặng hơn khi mọi người chìm sâu vào giấc ngủ sau một ngày dài phải di chuyển trên những con đường đèo dốc núi. Tôi vẫn còn đang thao thức nằm nghe núi thở. Như thể ta được trở lại tít nơi non xa của một thời thơ bé. Ngày ấy, ta còn thơ ngây, hồn nhiên, non trẻ đến thế. Quê hương nơi miền biên viễn tuổi thơ tôi cũng đẹp hoang sơ và man mác buồn như thế. Đã hơn bốn mươi nhăm năm rồi, tôi xa vùng đất hoang vu thuở mới  lên 5-6 tuổi. Nhiều năm đi xa, tôi không có được cái cảm giác với đêm sương rơi như thế này. Nghe tiếng sương đêm rơi, sương khua lộp độp, sương gõ nhịp thời gian và vang ngân da diết trên mái nhà sàn .

Tôi vẫn thao thức không hề ngủ. Nằm nhớ miên man đến vùng đất xưa. Nhớ thời nghèo khổ,  phải đi sơ tán những năm 1964-1968 ở Lào Cai, nơi một miền biên viễn hoang sơ,  xa xôi và nghèo khó. Con đường núi đi đến trường ngày chúng tôi còn thơ bé tại khu sơ tán Nam  Cường, phải đi qua Vỹ Kim, đi qua những thôn bản người Dáy và người Dao (ngày nhỏ tôi nghe nhiều người vẫn gọi dân giã là người Nhắng và người Mán). Những nếp nhà sàn nơi chân núi, nơi có những thửa ruộng lúa cứ nhấp nhô như sóng lượn. Núi rừng, sông suối, ngôi trường đơn sơ vẫn luôn đẹp trong ký ức tôi. Bởi ngày ấy, lũ trẻ con chừng  6-7 tuổi như chúng tôi phải tự đi bộ chân đất tới lớp, có khi đi hàng mấy cây số là chuyện rất bình thường.

Trên con đường nhỏ, chân ta đi vòng qua những núi với đồi, ta sẽ tha hồ mà nghe tiếng chim rừng hót vang, có tiếng “bắt cô trói cột “ vang lên. Còn mắt ta thì được dịp thả sức bay lượn để ngắm nghía cỏ cây hoa lá. Ngay từ khi còn nhỏ, trong tâm hồn thơ ngây của tôi đã ngập tràn những tiếng chim rừng, tim tôi ngạo tràn tiếng sông tiếng suối róc rách chảy và trí tưởng tượng luôn được khai mở bởi muôn sắc màu của nhiều thứ hoa cỏ dại! Mỗi khi trời mưa gió bão bùng thì con đường đến trường trở nên rất trơn và lầy lội.

Trẻ con ở miền núi sớm trải nghiệm với khó khăn, luôn có tình yêu thiên nhiên thuần khiết, yêu đất trời và yêu con người. Có lẽ vì thế khi lớn lên chúng thường trở nên phóng khoáng, thích bươn chải, đặc biệt là không ngại gian khổ. Nhớ mãi vùng đất Nam Cường, những con đường tới trường, lối vào bản làng người dân tộc với bao núi đồi, sông suối, sương mù và cỏ hoa. Nhớ một vùng đất thiêng, nơi có những vạt  rừng đẹp như cổ tích ngay trong khu sơ tán của chúng tôi! Núi đồi và những cánh rừng xanh ở đây có vẻ đẹp khác lạ hơn ngày ấy. Có lẽ bởi địa hình chia cắt nhiều, thiên nhiên được kiến tạo nhiều hình thù phong phú từ những dãy núi đá vôi.

Lâu lắm rồi tôi mới được nằm im để lắng nghe tiếng sương đêm và đếm từng nhịp sương rơi trong suốt một đêm dài. Đêm cũng không quá dài với tôi, bởi tôi đang được thả trôi miên man trong miền ký ức. Chỉ khác, nơi đây là một bản làng của người Tày! Lâu lắm rồi tôi mới có được cái cảm giác  gần gũi với những ngọn núi và sương đêm như thế này. Tiếng đêm vẫn ngân lên trong tôi vào chính lúc này, ngay tại đây!

phuong-thao-nha-san1-1642673477.jpg
 

Đêm Thảo Nguyên chơi vơi! Điệu xoè Tây Bắc chiều nay cùng với các anh chị Tày, Dao, Mông, Pà Thẻn, Kinh vẫn còn dư âm mãi không thôi. Lên đây toàn đồng bào dân tộc nên những người Kinh bỗng trở thành thiểu số! Niềm vui  náo nức của bà con nơi đây trong đêm giao lưu hôm qua thật là ấn tượng. Cô gái Tày xinh tươi, trẻ trung trong bộ váy áo váy Tày bó sát người. Cô vừa múa và hát đôi cùng một “chàng trai Mông” là họa sĩ trong đoàn cùng điệu múa khèn. Ánh mắt họ liếc nhau vẫn tình tứ, vẫn sáng long lanh. Tiếng gà gáy đầu tiên canh hai, canh ba…trong bản chợt vang lên. Đêm cuối đông khi ta nằm đây sẽ còn được nghe thêm nhiều tiếng gà gáy sáng. Khỏe khoắn và lanh lảnh. Cô đơn và mạnh mẽ! Trời sáng dần. Ta mau dậy thôi nào!

Nà Đông là một bản làng xinh đẹp, một miền quê thiên nhiên thuần phác vẫn còn mang đầy vẻ đẹp hoang sơ. Nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc ở nơi đây thật là quyến rũ du khách.Đến với Thượng Lâm, bạn  sẽ có cơ hội được biết thêm về bản sắc văn hóa các dân tộc và được thưởng thức những món ăn mang đặc trưng của các dân tộc Tày, Pa Thẻn, Dao, Mông. Đến với Thượng Lâm , du khách sẽ rất ấn tượng với những bản làng xinh đẹp, những nếp nhà sàn, nơi có những làn khói trắng xanh mờ ảo bay lên trong chiều. Vẻ đẹp thanh bình ấy luôn ẩn hiện thấp thoáng dưới những nếp nhà sàn, đời những vòm cây cổ thụ sát triền núi.

Nhớ mãi đêm nhà sàn đầu tiên ở Nà Đông! Nơi bạn có thể thức trắng để đếm từng nhịp sương rơi lộp độp trên mái nhà sàn và nghe thấy cuộc sống ngoài kia đang trôi chảy từng ngày! Tiếng đêm da diết ấy vẫn còn vang vọng trong tôi và xao xuyến ngân lên!

phuong-thao-nha-san5-1642673477.jpg
 
phuong-thao-nha-san4-1642673477.jpg
 

 

Bạn đang đọc bài viết "Đêm nhà sàn, đếm nhịp sương rơi" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn