Đêm quê

Chớm đông, ở cái vùng quê hẻo lánh này màn đêm dường như đặc hơn, sền sệt, quánh lại, đen sì và hoang lạnh. Tôi nằm mà không sao chợp mắt được, lạ nhà ư? lạ giường hay lạ cảnh? cũng không phân biệt được.
chim-cuoc-1630863413.jpg
 

Bên ngoài xa, phía dãy núi Ngàn Nưa gió thổi vù vù, rít từng cơn nghe ghê rợn cả người, khiến cho chốn rừng núi đã hoang vu lại càng thêm heo hút ma mị. Thỉnh thoảng có cơn gió lạc vào vườn sau làm cành cây va quệt vào tường nhà sàn sạt, sau đó lại chìm vào yên ắng đến lạnh lùng.

Cả buổi ròng rã trên xe mệt nhoài, hơn ba trăm cây số chứ ít đâu, chuyển qua mấy lần xe đò, cứ ngỡ mệt là đặt lưng xuống có thể ngủ ngay được. Thế mà... hoang vắng quá, yên ắng quá, lại đúng vào đêm cuối tháng, mất điện, buồn hiu hắt. Cái giống không ngủ được thì đêm nó dài lắm, thao thức, trằn trọc rồi lại nghĩ mông lung và sợ, một nỗi sợ hãi mơ hồ vây quanh. Sợ cái màn đêm đen kịt kinh khủng ám ảnh suốt tuổi thơ mà mấy mươi năm, nay mới gặp lại, sợ cái sự yên ắng thái quá chỉ hơi cựa mình cũng làm kinh động cả một vùng không gian rộng. Chỉ có tiếng dế duy trì thường xuyên hòa với tiếng gió như bản tạp âm cổ điển bền bỉ và dai dẳng không dứt.

Đêm về khuya không gian càng trở nên tĩnh mịch, vẫn không sao ngủ được mặc dù tôi đã phải dậy bồi thêm hai viên thuốc xoa dịu thần kinh (thứ thuốc dùng chống say tàu xe). Bỗng giật mình có tiếng con gì kêu quen lắm, nghe như tiếng con chim Cuốc, văng vẳng theo gió đưa lúc xa, lúc gần. Phải rồi đúng là tiếng con chim Cuốc, Cuốc kêu mùa hè là đương nhiên nhưng kêu vào mùa đông thì lần đầu tiên tôi được chứng kiến, cái âm thanh vẫn như xưa, quen thuộc day dứt, não lòng, không lẫn đi đâu được, nó không có sự phân biệt vùng miền, trong nước hay ngoài nước. Nó được lưu giữ trong ký ức con người và thời đại mà bụi thời gian năm tháng không thể nào xóa nhòa phai nhạt. Một quá khứ ùa về cùng tiếng chim, cái âm thanh quen thuộc da diết lắm, lúc xa, lúc gần đã lặn vào tâm hồn tuổi thơ tôi kể từ khi rời chốn quê lên thành phố mang theo cùng bao kỷ niệm thuở ấu thơ trong sáng.

 

Theo Chuyện quê