Dì ghẻ

Mẹ tôi là một bác sĩ ở bệnh viện. Bố là kĩ sư làm bên ngành xây dựng. Bố và mẹ yêu nhau từ thời sinh viên. Kết quả của mối tình đó chính là tôi ra đời trong sự hân hoan chào đón của hai họ. Khi tôi lên 5 tuổi, mẹ sinh thêm em Hoài. Gia đình tôi lúc nào cũng nhộn nhịp tiếng cười. Kí ức của tôi đó là quãng thời gian hạnh phúc, êm đềm mà tôi không bao giờ quên.
di-ghe-1640679178.jpg
Ảnh minh hoạ: Sưu tầm

Khi em Hoài lên hai, sức khoẻ của mẹ giảm sút. Bố đưa mẹ về bệnh viện trung ương mới biết mẹ bị bệnh hiểm nghèo. Chỉ nhớ những buổi tối mẹ thường chơi với hai anh em, hay ôm hai đứa và khen. Mẹ thường nói với tôi:

- Con nhớ là phải yêu thương em, chăm sóc em thật chu đáo khi vắng mẹ nhé.

Mẹ quay mặt đi, giấu những giọt nước mắt lặng lẽ lăn trên gò má.

Rồi một ngày, hai anh em tôi phải xa mẹ mãi mãi. Tính từ ngày mẹ đi khám bệnh đến lúc mất chỉ có vẻn vẹn sáu tháng rưỡi. Bác Tâm ( chị gái của bố tôi) ôm hai anh em rồi khóc sụt sùi. Có lẽ bác rất thương hai đứa cháu của mình còn quá nhỏ đã mất mẹ. Căn nhà trở nên trống vắng. Bố buồn rầu, ít nói. Em Hoài khóc ngằn ngặt khi tối đến vì vắng mẹ. Mấy tháng đầu, bác Tâm lên trông hai đứa chúng tôi vào buổi tối. Do bác bận công tác nên bố phải lo toan hết mọi việc như một bà mẹ. Từ việc nấu nướng, tắm giặt, cho các con ăn uống đi học, ru em Hoài ngủ nữa…

Một hôm bố hỏi tôi:

- Con có muốn nhà mình có thêm mẹ không?

Trái tim non nớt của tôi rất sợ gặp phải mẹ ghẻ độc ác như trong truyện Tấm Cám. Vì khi đó, tôi còn rất trẻ con chưa hiểu được hết mọi chuyện.

Ba năm sau, bố cưới vợ mới. Mẹ dì của tôi là cô giáo dạy cấp I, bạn học cùng phổ thông với bố. Những ngày đầu tiên, mẹ mới về nhà, tôi rất e dè. Nói đúng hơn là tôi không thể cởi mở được khi mấy đứa học cùng lớp xôn xao:

- Bố thằng Quân lớp mình cưới vợ đấy! – Thằng Chí Chuột bé tí teo cạnh nhà khoe với cả lớp.

Tôi giận lắm, không nói câu nào mà nước mắt cứ chực trào ra. Hình như cô Liên chủ nhiệm biết nên an ủi tôi. Tan học, tôi lững thững ra về. Cất cặp sách, tôi lên giường trùm chăn khóc thút thít.

Mẹ dì không hiểu chuyện gì, ngỡ tôi bị ai bắt nạt nên dỗ dành. Tôi quay mặt vào tường và trả lời:

- Cháu không sao ạ!

Mẹ dì tôi buồn lắm vì sự xa lánh, mặc cảm với mẹ của tôi. Ngày đó, tôi cũng không hề biết gia đình nhà mẹ phản đối không muốn cho mẹ lấy bố tôi. Sợ mẹ sẽ khổ. Nhưng mẹ nhất quyết theo ý của mình... Về làm bạn với bố.

Bố đi làm về, nghe chuyện cũng ngầm hiểu nên tâm sự với tôi rất lâu. Theo bố, tôi cứ thử mở lòng trò chuyện với dì như một người thân.

Hằng ngày, mẹ dì chăm sóc hai anh em chu đáo từ ăn uống tới học hành. Tối đến, mẹ dì dạy tôi học bài. Rồi kể cho em Hoài nghe những câu chuyện cổ tích. Con bé hòa nhập rất nhanh, tỏ ra rất quý mẹ mới của mình.

Một hôm, đi học về, tôi nghe thấy bố và mẹ dì đang nói chuyện, tiếng bố hỏi giọng hơi gắt:

- Em không muốn mình có thêm đứa nữa à?

- Em có muốn nhưng giờ chưa phải lúc. Con gái còn quá nhỏ.

- Em biết là mình bao nhiêu tuổi rồi không? Sắp 40 tuổi rồi đấy!

- Nhưng em chưa muốn…

Những ngày sau đó, mẹ vẫn chăm sóc chúng tôi như bà mẹ thật sự. Nhất là lúc hai anh em ốm đau, mẹ đều thức trắng. Mẹ chưa bao giờ đánh mắng chúng tôi mà chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo. Có điều gì mà không thể tâm sự được mẹ đều viết ra giấy. Chúng tôi cũng làm như thế. Một lần mẹ rủ hai anh em về quê ngoại chơi. Lúc đi xuống đầm sen ngắm cảnh, tôi nói với mẹ dì:

- Mẹ sinh thêm em bé cũng được ạ.

Mẹ dì tôi rơm rớm nước mắt:

- Cảm ơn con!

Hơn một năm sau, nhà tôi có thêm một em gái. Bố đặt tên em là Thương. Mẹ dì tôi cười cười nói với bố:

- Em chỉ sinh một đứa thôi. Nhà mình ba đứa là đủ rồi.

Chúng tôi lớn dần trong vòng tay của bố và mẹ dì. Đến khi tôi đi học chuyên nghiệp, mẹ vẫn lo lắng cho tôi như thế. Vẫn tâm sự qua tin nhắn trên điện thoại. Rồi mẹ còn biết nhắn tin trên cả phây búc nữa. Lần đầu tiên tôi nhận được tin nhắn giữa trang cá nhân:

- Quân ơi, hiểu cho mẹ nhé!

Ôi trời, mẹ của con ơi, mới sử dụng fe, chưa biết cách nhắn vào tin nhắn…Nhưng con cảm ơn mẹ thật nhiều!...Người mẹ đáng kính của tôi.

 

Theo Chuyện Làng Quê