Gà gáy sang canh mà Thư vẫn chưa chợp mắt được, tâm trạng buồn vui lẫn lộn đan xen, vì ngày mai cô lên đường đi dân công hỏa tuyến để phục vụ chiến trường B5, nơi người yêu của cô - Lê Viết Vinh - cũng đang chiến đấu ở đó… Xung phong đi hỏa tuyến lần này, Nguyễn Anh Thư chỉ nghĩ rất đơn giản: «vào đó để được gặp người yêu»… mãi đến gần sáng vừa chợp mắt một lúc đã nghe giọng sang sảng của bố:
- Con dậy sớm ăn uống mà đi tập trung chứ, nhiều người đi cả rồi
- Vâng con dậy đây…giọng Thư vẫn còn ngái ngủ, hai mắt cay lè
- Mà sáng nay ai chở con đi tập trung?
- Con nhờ cái Thắm nó đưa đi bố ạ
- Ừ thì nhờ nó có xe đạp đưa đi, còn bố chỉ có xe « hăng cải » thôi…
Bố Thư cười hóm hỉnh.
Tập trung ở thị trấn huyện được một ngày, đại đội dân công hỏa tuyến của Thư được lệnh hành quân vào tuyến lửa Quảng Bình, sau đó tiếp tục vào Vĩnh Linh, nơi đây được mệnh danh là «chảo lửa». Nhiệm vụ chính của đơn vị là vận chuyển lương thực, thực phẩm cho các đơn vị bộ đội ở phía trước và chuyển thương binh về phía sau. Lúc ở nhà Thư chưa thể hình dung nổi nhiệm vụ lại khó khăn và ác liệt đến thế, mà chỉ nghĩ như đi dân công đắp đê, đắp đường thôi…Và cô cũng nghĩ rằng vào chiến trường thì đồng hương sẽ gặp nhau… Ai ngờ vào được gần một năm mà cô chẳng gặp được ai… Nhiều đêm, cô nằm mê được gặp anh Vinh, hai người mừng mừng, tủi tủi kể cho nhau nghe những câu chuyện thầm kín sau bao ngày, tháng xa cách...
Thư biết anh Vinh từ hồi còn học chung trường cấp 3 của huyện, nhà Thư ở gần trường, còn Vinh xa trường 25 cây số nên phải ở trọ cùng với bạn bè. Vinh học đều các môn tự nhiên, nhưng rất giỏi môn toán. Nhà trọ của Vinh ở gần nhà Thư nên hai người nhanh chóng trở thành đôi bạn thân thiết, cùng học, cùng chơi, cùng chia công việc… ngay từ buổi đầu Vinh đến nghỉ trọ, Nguyễn Anh Thư dáng người nhỏ nhắn, làn da trắng mịn và hàm răng trắng nõn như hoa cau, đôi mắt bồ câu, mái tóc quăn tự nhiên, khiến nhiều chàng trai đắm say với vẻ đẹp dịu dàng của cô.Anh Thư học dưới Vinh hai lớp, nên mỗi khi có những bài toán khó, Thư đến nhờ Vinh hướng dẫn…Thế rồi, không biết từ khi nào men say tình yêu đã bén vào đôi bạn trẻ… Đêm trước lúc chia tay, Vinh lên đường nhập ngũ, hai người ngồi bên nhau dưới ánh trăng thượng tuần màu bàng bạc… gió lao xao trên những lũy tre làng… Thư gục đầu vào người Vinh khá lâu mới bật thành tiếng nói:
- Ngày mai anh đi, còn nhắc đến tên em không ?
- Thế ở nhà em có nhớ anh…? Vinh hỏi lại với giọng hơi buồn.
- Ứ, cái anh này, em hỏi thì trả lời nhanh lên chứ…
Rồi bất ngờ cô ôm choàng lấy cổ anh… Nụ hôn đầu tiên quyện vào hương lúa nồng nàn… Khi chia tay nhau, Thư trao cho Vinh tấm ảnh, phía sau có ghi dòng chữ viết bằng bút mực Cửu Long «Tặng anh tấm ảnh làm quà / Khi buồn nhìn ảnh như là nhìn em »… Nhận tấm ảnh của Thư tặng, Vinh vô cùng xúc động… cổ anh nghẹn ứ. Anh chỉ biết ôm chặt Thư vào lòng trong màn đêm hư ảo…
Huấn luyện xong tân binh, Vinh được biên chế vào binh chủng đặc công thuộc mặt trận B5, một chiến trường hết sức ác liệt trong những năm 1971-1972. Đơn vị của anh đóng quân ở Vĩnh Linh nhưng lại chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, vì vậy, lính ta thường nói vui «ăn cơm bờ Bắc, đánh giặc bờ Nam»… Trong nhiều trận chiến đấu ác liệt xạ thủ B41 Lê Viết Vinh đã rất gan dạ, dũng cảm tiêu diệt được nhiều xe cơ giới của địch. Trận đánh đáng nhớ nhất của anh là trận đánh ở Dốc Miếu, Quảng Trị… Hôm đó, trời vừa mờ sáng, sương mù còn che phủ… Chiến xa của địch từ bên kia Dốc Miếu ùn ùn kéo tới, đi đầu là những chiếc xe tăng mang nhãn hiệu USA, trên nóc pháo là mấy tên lính Mỹ lăm lăm khẩu đại liên sẵn sàng nhả đạn… Phía sau, một lũ lính đầu đội mũ sắt, súng đạn đầy người chạy theo đoàn xe tăng. Khi địch lọt vào tầm ngắm, ổ phục kích hỏa lực của ta, lập tức các chiến sĩ dội bão lửa vào đầu bọn chúng. Bị đánh bất ngờ, lính bộ binh bỏ chạy tán loạn. Từ dưới hầm băng lên, chiến sĩ Lê Viết Vinh nâng khẩu B41 ngắm vào chiếc xe tăng đi đầu nín thở bóp cò… chiếc xe tăng của địch khự lại và bốc cháy. Từ phía sau, hỏa lực địch cũng bắn trả như mưa. Vinh nằm dưới chiến hào tránh đạn địch và chuẩn bị quả đạn thứ hai. Lần này viên đạn của anh nhằm vào chiếc xe tăng đi sau, nhưng không trúng mục tiêu… anh bình tỉnh lại ngắm chiếc xe tăng đang chạy bên phải đội hình. Một tiếng nổ lớn làm anh rỉ máu tai. Anh sung sướng reo lên: Cháy… cháy rồi… đồng đội ơi! Chiếc xe bị trúng đạn bốc cháy ngùn ngụt, bọn lính trên xe bị thiêu rụi… Trong giây phút này, Vinh bị ngất đi, anh được đồng đội đưa xuống hầm cấp cứu… Do bị đánh bất ngờ nên địch bị tổn thất nặng nề. Sau trận chiến đấu đó, Lê Viết Vinh tiêu diệt hai xe tăng và nhiều tên địch, anh được đơn vị đề nghị Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công, danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và Dũng sĩ diệt xe cơ giới. Chiến công của anh làm nức lòng đồng đội.
Lại nói về Thư, sau gần một năm trời vào chiến trường mà vẫn không nhận được tin của Vinh, cô buồn lắm, nhiều đêm nằm một mình cô suy nghĩ mông lung… Hình ảnh Vinh, người chiến sĩ giải phóng quân với hình dáng to cao, da sạm đen đầu đội chiếc mũ tai bèo vai mang khẩu súng AK, vẫn luôn chập chờn trong giấc ngủ của cô... Một lần đi tải thương binh, Thư gặp Long, đồng hương huyện, nhập ngũ cùng đợt ở đơn vị với Vinh. Qua Long, Thư biết được Vinh cũng đóng gần đơn vị của cô, và chỉ đi bộ hết khoảng mấy tiếng đồng hồ… Có được địa chỉ của Vinh, Thư vội vàng biên thư gửi người yêu: «Anh thương yêu của em ! Cứ ngỡ vào chiến trường là được gặp anh, lúc lên đường em háo hức lắm…vậy mà sau gần một năm trời hỏi tin anh mà em vẫn « bặt vô âm tín». Hôm nay, sau nhiều ngày đợi chờ đằng đẳng em đã có địa chỉ của anh, em vội biên thư gửi anh ngay. Không biết giờ này anh đang làm gì? anh có nhớ em không? còn em từ khi xa anh không ngày nào là em không nghĩ tới anh…Nhận được thư em, là anh phải trả lời ngay để em yên tâm nhé »… Cuối thư, cô viết: «nghe nói từ chỗ anh đến đơn vị em cũng không quá xa, nếu có dịp em sẽ đến thăm anh… Hôn anh như đã từng hôn…
Nhận được thư của người yêu, Vinh vui mừng, đứng ngồi không yên, anh không ngờ Thư cũng đã vào mặt trận… rồi anh mang thư của người yêu chia sẻ niềm vui với những người đồng đội… Cuối năm 1971, khi mùa mưa ở giải đất miền Trung bắt đầu, đơn vị của Vinh được rút về hậu cứ để chuẩn bị lực lượng, nên Vinh đã báo cáo cấp trên xin đi thăm Thư… Được đơn vị đồng ý, suốt đêm Vinh trằn trọc chỉ mong trời sáng cho mau để băng rừng đến gặp Thư. Gần bốn tiếng đồng hồ trèo đèo, lội suối, đường đi rất nguy hiểm, nhưng anh không hề cảm thấy mệt nhọc mà chỉ thấy vui…
Vừa đến đơn vị của Thư, anh bàng hoàng khi thấy mấy cái lán vắng vẻ không một bóng người… «Không biết chuyện gì đã xảy ra»-Trong đầu Vinh chợt nghĩ và lo lắng: «Chẳng nhẽ, đơn vị của Thư đã chuyển đi rồi chăng, hay có chuyện chẳng lành?» anh lang thang dọc theo bờ suối mà chẳng gặp được ai để hỏi. Đến tận chiều, khi bụng đói, người đã thấm mệt, Vinh gặp một người đàn ông đi lấy củi, lúc này anh mới biết đơn vị Thư cũng vừa chuyển đi được mấy hôm. Vinh trở về đơn vị trong tâm trạng chán nản, mệt mỏi và thất vọng…
Một tháng sau, đơn vị của Vinh được lệnh hành quân vào huyện Phú lộc, Thừa Thiên Huế chiến đấu, lúc này trời đã vào Đông, những cơn gió mùa se lạnh thổi về cùng với nỗi nhớ Thư làm cho Vinh càng thêm tiếc nuối… Chân bước đi, nhưng tâm hồn cứ mơ tưởng về phương Bắc nơi có người yêu đang ở đó…
Tết năm 1972, trong không khí chuẩn bị đón xuân, mọi người đang vui mừng gói bánh chưng… Thư xin phép đơn vị đi thăm Vinh. Được đơn vị đồng ý và cử thêm một chiến sĩ nam đi cùng đề phòng bất trắc… Dọc đường đi, trong lòng Thư luôn khấp khởi nở nụ cười và chuyện trò liên miên. Cô nghĩ đến cảnh tượng được gặp anh Vinh, sà vào lòng, kề môi, hôn lên má cho bõ những ngày mong đợi… Nhưng khi đến nơi, Thư mới biết đơn vị của Vinh đã hành quân vào Thừa Thiên Huế… Nỗi buồn và thất vọng càng hiện rõ trên khuôn mặt của Thư rồi hai hàng nước mắt cứ chảy giàn giụa:
- Sao số em lại khổ vậy…
Người chiến sĩ đi cùng phải dỗ dành mãi cô mới chịu trở về đơn vị.
Cuối năm 1972, hết nghĩa vụ, Thư được về quê hương và thi đỗ vào Trường Trung cấp kế toán ở Hà Nội. Trường của cô cũng hứng chịu những đợt bom B52 rải thảm của đế quốc Mỹ và phải đi sơ tán… Lúc này, Vinh được đơn vị cử ra binh chủng để báo cáo thành tích và được tranh thủ nghỉ phép ba ngày. Tưởng rằng về quê Vinh sẽ được gặp Thư và bàn tính chuyện trăm năm, nào ngờ Thư đã đi học…Vinh ngồi bần thần và nghĩ cách ra Hà Nội gặp Thư… nhưng ý định của Vinh không thể đạt được, vì lúc này địch đang đánh phá Thủ đô rất ác liệt. Anh buồn bã tạm biệt gia đình trở về đơn vị trong nỗi nhớ Thư khôn xiết…
Ngày 30-4-1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước hòa bình thống nhất, Vinh xin phép đơn vị để về xây dựng gia đình. Được cấp trên đồng ý, Vinh đã vượt qua hơn ngàn cây số trên chiếc xe đò. Vừa về đến nhà, đặt ba lô xuống, Vinh định mượn xe đạp đến nhà Thư, nhưng bố anh ngăn lại và nói :
- Thôi con không phải đi nữa đâu, cái Thư nó đã lấy chồng…
Mới đầu nghe tin như sét đánh ngang tai, trời đất quay cuồng, anh choáng váng như sợ tai mình nghe nhầm nên hỏi lại:
- Sao lại thế hả bố ?
- Con cứ vào nhà rồi bố sẽ kể chuyện… Bằng cái giọng sang sảng như ngày xưa, đặc trưng của người dân vùng biển miền Trung, ông vỗ vào vai đứa con trai:
- Sau khi con trở lại đơn vị khoảng một tháng, tết năm đó cái Thư chạy vội đến nhà ta nước mắt cứ chảy ròng ròng, ân hận vì không gặp được con. Bố mẹ động viên nhiều nó mới vơi đi nỗi nhớ… một năm sau vẫn không nhận được tin con, có người dèm pha «thằng Vinh hy sinh», nó buồn cả tháng trời không nói câu nào. Thương nó «con gái có thì có lứa», bố mẹ động viên mãi: «Anh Vinh bây giờ không biết sống chết ra sao nên có ai thương thì con đến với họ». Lúc đầu có lẽ vì thương nhớ con nó không chịu, nhưng sau đó nghe nói có anh Long thương binh trước cùng ở đơn vị với con đã được nó đưa đi cấp cứu muốn ngõ lời…Thương gia đình anh Long hoàn cảnh : bố bị suy thận, mẹ bị ung thư vú đang điều trị nên nó đã lấy anh Long. Vừa rồi, Thư sinh bé gái bụ bẫm dễ thương, bố mẹ rất mừng và nó cũng chịu khó đi lại với gia đình nhà ta…
Nghe bố kể, trong lòng Vinh có chút nguôi ngoai, nhưng câu chuyện « tình xưa nghĩa cũ » vẫn không hề phai nhạt… Suốt đêm anh suy nghĩ nhiều lắm: có nên đến thăm vợ chồng Long Thư không nhỉ? Thôi, mình không nên đến, nhỡ đâu vô tình phá hoại hạnh phúc của họ, mà không đến cũng áy náy lắm… Thư là người yêu cũ của mình, Long lại là đồng đội… cứ thế Vinh miên man và chập chờn trong giấc ngủ... nghe đâu đây giai điệu của bài hát: «Miền xa thẳm» của nhạc sĩ Đức Trịnh được sáng tác ở rừng Trường Sơn khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở giai đoạn quyết liệt nhất, nơi đạn bom không thể chia lìa tình cảm lứa đôi: Đi tìm nhau suốt chiều dài đất nước/ Đi tìm nhau giữa hai đầu trận đánh/Đi tìm nhau mãi mãi không về/Hồn thiêng sông núi tạc nên tượng đài/Đi tìm nhau…tìm nhau…
Trong đợt nghỉ phép lần ấy, thương bố mẹ già neo đơn, nên anh đã đồng ý cưới vợ. Vinh được đứa em gái con cậu giới thiệu bạn đồng nghiệp của mình là cô giáo Thanh Loan, kém Vinh 5 tuổi. Sau mười ngày tìm hiểu, hai gia đình đã tổ chức đám cưới và một năm sau Loan đã sinh cho anh được một cậu con trai bụ bẫm, kháu khỉnh và đặt tên là Lê Vĩnh Linh.
Gần ba mươi năm sau, Lê Vĩnh Linh dẫn Hoàng Thị Mai, người yêu của anh từ khu công nghiệp Vũng Áng, Hà Tĩnh về ra mắt bố mẹ, Ông Vinh không còn tin nổi vào mắt mình… Hình bóng của Thư năm xưa hiện lên bằng da, bằng thịt… Vẫn dáng người nhỏ nhắn, làn da trắng mịn, nụ cười tỏa sáng, má lúm đồng tiền và cặp mắt nâu huyền… «Sao lại có sự trùng hợp ngẫu nhiên như vậy, chẳng nhẽ cháu Mai là con của Thư chăng! Cũng có thể, mà cũng không thể vì nhiều người giống nhau mà.» Ông Vinh chợt nghĩ vậy và quay sang hỏi Mai:
- Cháu quê ở đâu ?
- Dạ thưa bác, quê cháu cách đây 25 cây số ạ, đó là xã…. Mai vừa nói đến đây, Ông Vinh thốt lên:
- Thôi đúng rồi…
- Bác nói sao cơ à… À không… không, mà mẹ cháu tên gì ?
- Dạ thưa bác, bố cháu tên là Hoàng Hải Long và mẹ cháu là Nguyễn Anh Thư ạ…
Không còn nghi ngờ gì nữa, Ông Vinh vội nói:
- Cảm ơn cháu, bác biết rồi…
Trong lòng ông Vinh đã nhận được Mai là con gái của Thư, nhưng ông không tiết lộ cho mọi người, kể cả vợ mình, mà để dành sự bất ngờ này cho Thư…
Ngày hai gia đình đi chạm ngõ, Ông Vinh trong bộ quân phục mới tinh với quân hàm Thiếu tá, cùng vợ trong tà áo dài đi đến nhà gái… Khi nhà trai bước vào ngõ, bà Thư như không tin vào mắt mình và thốt lên: “Trời…Anh Vinh…phải không… ?”.
Niềm vui bất ngờ đến với hai gia đình, khi đôi bạn trẻ lại là con của người đồng đội, những người một thời sống chết có nhau… Bà Thư ấp úng nói:
- Ông trời có mắt, nỗi ân hận từ lâu cứ dày vò tôi. Nay đã được giải tỏa… Tôi không đền đáp được tình cảm cho anh Vinh, bây giờ con gái tôi sẽ bù lại sự mất mát quá khứ cho anh nhé…
Ông Vinh mỉm cười và nói :
- Bây giờ thì tôi mới hiểu được ý nghĩa sâu sắc của hai câu thơ em ghi sau tấm ảnh tặng anh trước lúc lên đường nhập ngũ. Suốt những năm dài chiến đấu, «quần nhau với giặc» tôi luôn mang nó bên mình, như hình với bóng. Phải chăng, đó là lá bùa hộ mệnh, bảo vệ cho tôi để hôm nay hai gia đình được sum họp trong ngày vui thống nhất…Nào ! Xin mời nâng cốc chúc mừng cho con chúng ta và mừng ngày đoàn tụ.
Vinh nhìn Thư, từ trong sâu thẳm đôi mắt ấy như có bao điều muốn nói…