Dì tôi & đặc sản thời bao cấp

Phan Quang Phùng

20/10/2022 22:39

Theo dõi trên

Ngày ấy thời bao cấp cuộc sống thật cơ hàn. Gia đình tôi hồi đó nghèo lắm, mà không riêng gì nhà tôi, trong xóm tôi nhà nào hầu như cũng nghèo. Được bữa cơm no có lẽ là ước mơ xa xỉ của lũ trẻ chúng tôi hồi đó, hoạ hoằn lắm may ra ngày đó là ngày tết hay ngày giỗ chạp.

Giờ nghĩ lại chắc tôi là kẻ bất hiếu nhất trên đời, bởi vì tôi ước ngày nào nhà mình cũng có giỗ, đầu óc non trẻ của tôi chỉ thích đông vui lại được ăn no. Chứ đâu hiểu được, muốn ngày nào cũng có giỗ, thì nhà tôi ngày nào cũng có người chết. Chứ không có người chết thì lấy đâu ra giỗ bao giờ, thế nên tôi là kẻ bất hiếu còn gì. Giờ nghĩ lại thật buồn cười cho đầu óc con trẻ.

Năm đó giỗ ông ngoại tôi, cũng là năm tôi thi đỗ vào trường cấp 3 của huyện, nghe mẹ tôi bảo dì tôi ở Hà Nội cũng về, tôi mừng lắm. Phần vì ngày giỗ lại được ăn no lại được gặp dì tôi, mà bấy lâu nay nghe người ta nói dì tôi giống mẹ tôi, và dì tôi đẹp lắm, tôi chưa được gặp dì bao giờ, kể từ khi dì theo chồng định cư ở Hà Nội.

Nhà ngoại tôi năm cải cách ruộng đất họ quy cho là địa chủ, dì tôi là con út của ngoại tôi, dì là cành vàng lá ngọc của ngoại. Tôi nghe mẹ tôi kể lại, nếu ngày ấy mà có cuộc thi hoa hậu như bây giờ, thế nào dì tôi cũng được giải. Chả thế mà trai làng hàng đêm kéo đến nhà ngoại tôi nườm nượp. Hồi đó ngoại tôi có năm người con, hai trai ba gái. Con gái chỉ mình dì tôi là được học hành tử tế, còn mẹ tôi và người chị nữa thì ở nhà làm ruộng và lấy chồng.

Hôm dì tôi về giỗ ngoại, cả làng tôi nhộn nhịp cả lên. Vì ai cũng muốn xem cô Xoan một thời xinh nhất làng Dinh, bao nhiêu năm xa quê theo chồng giờ này ra sao, có đẹp như ngày xưa không? cuộc sống nơi chốn thị thành có làm cho dì thay đổi? Và rồi dì cũng về, và dì tôi đẹp thật. Những tiếng xuýt xoa của mọi người làm cho tôi hãnh diện vô cùng, mái tóc dài chấm gót, nước da trắng hồng và dáng người thướt tha thục nữ. Trách gì làm điêu đứng bao trai làng thời bấy giờ là phải. Mẹ tôi bảo chồng dì yêu dì đến cuồng si, hồi đó chồng dì công tác ở ty giáo dục tận thành phố Vinh, cách chỗ dì dạy học 60 cây số, mà chủ nhật nào cũng gò lưng đạp xe về thăm dì, cho mãi khi cưới rồi đem dì ra Hà Nội.

Hôm tôi đi coi điểm thi về cũng đã quá trưa, mẹ tôi làm cơm đãi dì. Tôi mừng lắm chắc hôm nay có khách là dì nên sẽ được ăn bữa cơm trắng không phải độn khoai. Chứ ngày nào cũng cơm hấp khoai chán đến tận cổ. Nói cơm hấp khoai chứ khoai hấp cơm thì đúng hơn, vì cơm thì ít mà khoai thì nhiều. Chả thế mà tôi làm mầy câu vè: tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm, trưa lại với khoai lang, tối ăn khoai đi ngủ. Hôm nay có khách là dì, gian bếp như nhộn nhịp cả lên. Mẹ sai tôi ra lấy mấy quả trứng ngoài ổ mà con gà mái mơ đang ấp, tôi hỏi mấy quả hả mẹ? Con lấy cho mẹ 3 quả thôi, tôi ấp úng nhưng nó đang ấp, mẹ làm hiệu đừng để dì biết rồi nói nhỏ đi đi. Phóc một cái tôi đã trèo lên chuồng trâu nơi con gà mái mơ đang ấp, con gà tôi cho ăn mọi ngày hiền là vậy. Như linh cảm được sự hy sinh mất mát sắp xảy ra với con mình, nó xù lông lên dữ tợn mỗi khi tôi thò tay vào lấy trứng của nó, tim tôi như quặn lại. Chỉ vì bữa cơm khách không có thức ăn, mà mày phải hy sinh gà nhé! Cầm 3 quả trứng còn nóng hổi, tụt xuống chuồng trâu lòng tôi nặng trĩu tội lỗi. Mang trứng vào cho mẹ, đập 3 quả trứng vào bát, vì trứng ấp được mấy ngày đã có những sợi máu, tim tôi như thắt lại, nhìn sang mẹ thấy mắt mẹ như ứa lệ, tay mẹ đánh đôi đũa thoăn thoắt như xua đi bao suy nghĩ dằn vặt trong đầu. Rồi mẹ lại bồ muối moi tận dưới sâu lên miếng mỡ lợn dấu từ đầu năm. Hôm nay có khách quí là dì, mới đem ra dùng. Suốt bữa ăn mẹ tôi cứ gắp thức ăn cho dì mẹ bảo: dì ăn đi! chứ các cháu ở nhà ăn suốt, trứng gà nhà nuôi được. Tôi định cãi nhưng mẹ lừ mắt lườm tôi, tôi lại thôi chứ tôi ức lắm. Trong câu nói của mẹ chỉ có gà nhà nuôi là đúng, chứ bảo chúng tôi ăn suốt là không đúng chút nào. Nhớ không sai thì bảy tháng rồi anh em chúng tôi chưa được ăn trứng, và không kể mấy quả trứng thối mà chúng tôi gọi là trứng ung của con gà mái mơ ấp lứa trước. Vì không nở nên chúng tôi mới được ăn, hôm luộc lên mấy anh em chúng tôi được mẹ chia cho mỗi người một quả, anh trai và em tôi thì vừa ăn vừa bịt mũi mà vẫn khen ngon. Còn tôi thì không nỡ ăn vì còn muốn khoe với mấy đứa bạn trong xóm. Thấy tôi có quả trứng luộc, bạn tôi lại đông hơn, mấy đứa hôm trước còn giận tôi, hôm nay cũng đến làm thân. Vì đứa nào cũng muốn có phần khi tôi chia trứng. Chúng tôi đang ngồi chơi vui vẻ thì có mùi gì thum thủm, thằng Thuận bảo, đứa nào ị ra quần rồi vì nghe mùi như mùi phân tươi. Thế là cả bọn nháo nhác cả lên. Chợt thằng Nam chỉ vào quần tôi vì nó thấy ướt, tôi thò tay vào lôi ra quả trứng đã bị vỡ. Đó là thủ phạm của mùi lạ phân tươi khó ngửi đó. Tôi lần lượt chia cho mỗi đứa một ít, đứa nào cũng có phần, bọn tôi vừa ăn vừa bịt mũi nhưng ai cũng khen ngon. Bởi món trứng thối là đặc sản bọn tôi thời bao cấp.

(còn nữa).

Nghệ An 16/10/2022

 

Chuyện Làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Dì tôi & đặc sản thời bao cấp" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn