Đi trên cánh đồng di sản

Đứng trên cánh đồng lúa ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, người ta có thể thấy phía Nam là những dãy núi trải dài, sừng sững, có dải trông như một con rồng uốn lượn. Nơi khác, căn cứ theo dáng núi, người ta sẽ đặt tên cho những dãy núi như thế là núi Rồng. Nhưng ở đây thì không phải. Người ta gọi nôm na là Núi Đá Miếu Môn. Có thể nó thuộc dãy Hương Ngái (hay còn còn là dãy núi Rạng), là ranh giới tự nhiên của các huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình và Chương Mỹ, Mỹ Đức thành phố Hà Nội. Dưới chân dải núi ấy là một vùng đá ong rộng lớn được phủ bởi màu mỡ đất đai, cây cối xanh tươi và cư dân trù phú.

           

1-di-tren-canh-dong-di-san-1686221951.jpg

Ông Nguyễn Bá Thúy và cụ bà Trần Thị Minh – người trực tiếp chở chiếc trống đồng Miếu Môn II được tìm thấy trong quá trình đào giếng giao nộp cho chính quyền - Ảnh: Quang Thanh

 

Ở Hà Nội, các vùng Ba Vì, Thạch Thất được coi là “thủ phủ của đá ong”. Những vỉa đá ong tồn tại cùng triệu triệu năm lịch sử trái đất, theo đó là những nền văn minh phát triển từ thượng cổ. Một khối lượng lớn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý báu ở Hà Nội như đình, chùa, đền miếu, và cả ngôi làng cổ Mông Phụ ở Đường Lâm có kiến trúc từ đá ong. Thế nên, sẽ không ngạc nhiên khi nói vùng đất Thượng Lâm – Đồng Tâm ở Mỹ Đức là xứ sở đá ong, bởi loại nguyên liệu tự nhiên và thông minh này hiện diện rất rõ nét trong đời sống của người dân qua những ngôi nhà, những bờ tường bao quanh xóm làng.

Vì thế, khi chúng tôi đặt câu hỏi: “Tại sao những cổ vật là trống đồng Miếu Môn I, trống đồng Miếu Môn II được tìm thấy ở ngôi làng này hơn 70 năm về trước lại bị vùi trong lòng đất, liệu có phải do sự sụt lún địa chất hay không?” Ông Nguyễn Bá Thúy, người đã nhiệt tình đưa chúng tôi đến thăm và tìm hiểu về mảnh đất mà chúng tôi tự đặt tên là “cánh đồng di sản” này nói: Chỉ cần đào sâu chừng 60 đến 70 cm từ mặt đất xuống là ta có thể gặp đá ong rồi, khó có thể do sụt lún địa chất, chỉ có thể do lũ lụt, một trận lụt lớn nào đó trong lịch sử ngàn năm qua đã vùi chôn cổ vật, những bảo vật đã tìm thấy và có thể sẽ còn tìm thấy. 

Tôi muốn gọi nơi này là “Cánh đồng di sản”, bởi nơi đây người ta có thể… vấp phải di sản khi ra đồng, có thể nhặt được cổ vật chỉ sau một cơn mưa. Trống đồng Miếu Môn (còn gọi là trống Thượng Lâm) ngày nay luôn đứng trong top đầu những trống đồng cổ xưa nổi tiếng nhất. Là một trong những trống đồng lớn và còn vẹn nguyên khi được khai quật, trống đồng Miếu Môn I được coi là kiệt tác của nền văn minh Việt cổ. Ấy vậy, lại không nhiều thông tin về trống đồng Miếu Môn trên internet, ngoài vài dòng sơ sài: "Còn về di tích khảo cổ thì chính tại vùng này đã khai quật hai trống đồng loại 1 Hê-gơ, tuổi dư hai ngàn năm, được đặt tên là trống Miếu Môn I và Miếu Môn II.”(quansuvn.net) Hay: “Viện bảo tàng Lịch sử Việt Nam mua tại thôn Hoành (Miếu Môn) (Mỹ Đức, Hà Tây) tháng 12 năm 1961. Hiện đang được trưng bày tại Viện bảo tàng Lịch sử Việt Nam” (kienthuc.net.vn).

Trống đồng Miếu Môn I chính là đã được người ta …vấp phải khi đi làm đồng. Vào khoảng những năm từ 1946 đến 1956, một người nông dân, (theo ông Nguyễn Bá Thúy, thì tên người nông dân đó là Tư Nghệ) trên đường ra đồng đã vấp phải một vật cứng. Tiện cây cuốc trên vai, ông định nẫy bỏ vật cứng đó để người khác không vấp phải nó nữa. Nhưng ông đã phát hiện ra “nó” rất lạ và lớn, nên về làng gọi người ra đào. Trống đồng Miếu Môn I đã được khai quật. Về sau, nhà nước mang đi, trả lại cho dân làng một trống khác, phiên bản thạch cao. Trống đồng Miếu Môn I phiên bản thạch cao đó ngày nay đang được lưu giữ tại đình làng Hoành. Gần đây, một người dân làm ăn xa đã cung tiến đình làng một trống đồng, được lấy mẫu là bản thạch cao này.

Thật bâng khuâng khi đứng ở con ngõ, xưa có tên là ngõ Quần Long, nơi chiếc trống đồng đầu tiên được phát hiện hơn 70 năm trước. Và cũng chỉ cách vị trí này chừng 40m, trống đồng Miếu Môn II được tìm thấy.

Lần theo trí nhớ của cụ bà Trần Thị Minh năm nay đã 96 tuổi, thì khoảng năm 1965 – 1966, gia đình bà đào một cái giếng để lấy nước sinh hoạt. Hai người thợ đào giếng là Nguyễn Văn Xuyên và Lê Đình Nhung…đã “đào” phải chiếc trống đồng. Trống nằm dưới một khóm chuối, chỉ cách mặt đất một lớp mỏng. Ngay lập tức, người làng đã báo chính quyền và chính quyền đã yêu cầu gia đình bà mang chiếc trống ra ủy ban nhân dân xã. Bà nói: Khi nhà tôi đào được trống đồng, rất đông bà con dân làng đến xem, có thể nói là nô nức.

Nhưng khác với những tò mò háo hức ban đầu của dân làng, số phận của trống đồng thứ hai được tìm thấy ở đây có phần ...kém may hơn chiếc đầu tiên. Ông Nguyễn Bá Thúy cho biết: Khi người làng phát hiện chiếc trống đồng thứ nhất, tôi chưa được sinh ra, nên chỉ nghe các cụ trong làng kể lại. Nhưng chiếc trống đồng thứ hai thì chính tôi đã thấy nó. Khi đó tôi chừng 9, 10 tuổi, đang là học sinh, thường đi học qua ủy ban xã. Mặt trên của chiếc trống đã bị hỏng, nó được để ở trong sân ủy ban xã rất lâu, không ai để ý, không ai quan tâm. Về sau thì người của nhà nước đến mang đi.

2-di-tren-canh-dong-di-san-1686221989.jpg

Ảnh: Quang Thanh

 

 

Cả hai chiếc trống được tìm thấy đều được đặt tên là “Trống đồng Miếu Môn”, dù nơi phát hiện ra chúng không phải ở Miếu Môn. Chỉ có điều, chiếc trống đồng Miếu Môn II hiện không rõ ở đâu, ông Thúy bảo nghe nói được trưng bày ở bảo tàng nào đó tận trong miền Nam.

Sẽ là không đủ cơ sở khi tôi gọi mảnh đất này là cánh đồng di sản, nếu không được nghe câu chuyện về việc một nhóm “trẻ trâu” cách đây gần 50 năm đã nhặt được cổ vật sau một đêm mưa.

Chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Mạnh, và ông vui vẻ kể: Tôi không sợ, cũng không giấu giếm, vì khi đó chúng tôi chỉ là những đứa trẻ, hoàn toàn không hay biết gì về cổ vật. Đó là khoảng những năm 1973, 1974. Hôm ấy, trên con đường trục (ngày nay là đường tỉnh 429, khi đó diện tích mặt đường chỉ khoảng 5m và chưa được đổ nhựa), ông và nhóm bạn chăn trâu chừng 10 người thấy một vật lạ trồi trên mặt đất. Vốn hôm trước công nhân đường bộ đã dọn dẹp con mương ven đường, hất đất dưới lòng mương lên. Đêm đó một trận mưa rất lớn đổ xuống, và một vật lạ giống như một sợi dây xích với những mắt xích to, dài cỡ sải tay người lớn, đường kính mỗi sợi to bằng chiếc đũa ăn cơm đã lộ trên mặt đất. Cùng với sợi dây còn có một vật hình trụ, thân tròn, hai đầu phẳng, có hoa văn và chữ Nho, màu đen, trong khi tò mò nghịch ngợm, nhóm trẻ làm nứt lớp vỏ đen, bên trong lại là lớp kim loại màu trắng.

Khi nhặt được những vật trên, ý nghĩ đầu tiên của những “trẻ trâu” là …đem đi đổi kẹo. Họ mang tất cả ra Miếu Môn để đổi kẹo ở một quán quen. Nhưng bà chủ quán khi đó từ chối đổi, nói chúng không có giá trị gì. Vì không đổi kẹo được, nhóm trẻ đã chia nhỏ “chiến lợi phẩm” ra, mỗi người giữ chừng 6, 7 cái mắt xích như thế. Còn vật lạ hình trụ có hoa văn và chữ Nho thì dùng để...ném nhau. Ném nhau chán thì lẳng xuống hồ Đồng Sương. Khi đó đang là mùa khô, lòng hồ rút xuống rất sâu. Ngay cả những mắt xích được tách ra khỏi sợi to được chia cũng không mấy ai mang về, có người đã vứt hết đi, có người vứt đi phần lớn, để rồi vài năm sau, họ mới biết đó là ...vàng.

Cổ vật bằng vàng đó là gì? Vật tròn hình trụ có hoa văn và chữ viết kia là gì? Vì sao lại ở trong lòng đất? Và trống đồng nữa. Vì sao trống đồng lại có mặt ở nơi này?

Trong các công trình nghiên cứu về trống đồng, nhiều nhà khoa học cho rằng trống đồng xưa thường do các thủ lĩnh bộ lạc sở hữu. Hoặc vật mà các thủ lĩnh ban thưởng cho các tướng lĩnh, những người có công lớn với cộng đồng. Trống đồng có thể được táng theo chủ nhân khi qua đời. 

Người dân nơi đây tin trống đồng đến từ thời Hai Bà Trưng. Mặc dù một số người cho rằng cuối thế kỷ XIX, chiến tranh với giặc Cờ Vàng Hoàng Sùng Anh ở nơi này, những kẻ thua trận đã bỏ lại vũ khí và trống đồng.

Nói đến cuộc chiến của nhân dân nước Việt ta với giặc Cờ Đen và giặc Cờ Vàng cuối thế kỷ XIX, ngay tại mảnh đất này xuất hiện một người anh hùng. Theo ông Nguyễn Bá Thúy, vị anh hùng này là cháu trai cụ tổ dòng họ Nguyễn Bá, tên là Nguyễn Bá Thoan. Khi giặc Cờ Vàng Hoàng Sùng Anh đem quân quấy nhiễu dân ta, cụ đã chiêu binh đi đánh giặc. Về sau, cụ được triều đình nhà Nguyễn phong quan và mất tại kinh thành Huế. Hiện ở thôn Trung Tiến, xã Trần Phú, Chương Mỹ, Hà Nội có ngôi đình thờ cụ, gọi là Đình Hậu, người dân cung kính gọi cụ là Tôn Thần Hậu. Theo họ, cụ Nguyễn Bá Thoan đúng là một vị quan, “danh thơm ngũ tỉnh” nhưng không rõ chức danh của cụ, chỉ biết cụ đã cấp đất, cấp lương cho dân làng để lập Hậu. Cùng với hai ngôi đình thờ hai vị thành hoàng làng là hai vị tướng chống giặc Thục phương Bắc, làng Trung Tiến là ngôi làng đặc biệt ở Hà Nội có tới ba ngôi đình.

Lại nói, trống đồng có mặt trên mảnh đất này từ cuối thế kỷ XIX có lẽ không hợp lý. Bởi nếu tuổi của trống Miếu Môn là trên hai ngàn năm, thì giả thuyết về thời Hai Bà Trưng có vẻ thuyết phục hơn cả. Cũng ngay trên mảnh đất này có đền thờ công chúa Vĩnh Hoa, một nữ tướng của Hai Bà.

Tác giả Hồng Châu trong bài “Di tích Đền Mẫu Quán Trại Sở” trên báo Nhân Dân năm 2021 viết: “Lần theo các thư tịch cổ hiện được lưu trữ tại Viện Thông tin Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), ở Tài liệu FQ0418-Thần tích/Thần sắc xã Thượng Lâm Trang, tổng Viên Nội, phủ Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông (trước đây), chép: Thượng Lâm Trang thờ 5 vị tôn thần: Sơn Tinh Đại Vương-thần núi; Cao Sơn Đại Vương và Quý Minh Đại Vương đều là tướng thời Hùng Duệ Vương; Uy Đức Công-Tướng thời Lý Anh Tông; Vĩnh Hoa Công chúa-Tướng thời Hai Bà Trưng. Bốn vị thần tướng được thờ làm Thành Hoàng Làng tại đình làng, riêng Vĩnh Hoa Công chúa được thờ tại Đền Mẫu Quán Trại Sở.”

Về thành lũy thời Hai Bà Trưng ở địa phận Chương Mỹ, Mỹ Đức, thì người ta còn nhắc tới Lũy Bà Chu Tước (còn gọi là thành Miếu Môn).

Gần đền thờ Vĩnh Hoa công chúa còn dấu vết một thành lũy mà nhân dân địa phương gọi là Lũy Bà Chu Tước. Theo truyền thuyết, bà Chu Tước và em gái là Vân Mộng thông minh mưu trí, sức khỏe phi thường. Thuở ấy nước nhà bị giặc Hán đô hộ, nhân dân rất cực khổ. Hai chị em bà Chu Tước theo Hai Bà Trưng mưu việc lớn. Cũng theo truyền thuyết, Mã Viện từng đánh tới đây, dân lành bị tàn sát, xương chất thành đống, nay còn các xứ đồng: đồng Xương, đồng Tàn...

Đồng Xương, có thể sau này được viết là Đồng Sương, và hồ Đồng Sương, nơi mà ông Mạnh mấy chục năm trước đã ném cổ vật hình trụ xuống nước. Không biết cổ vật đó là gì, tốt hay xấu, song có thể nói một lần nữa vô tình chôn vùi một bí mật về lịch sử vùng đất này.

 Rất nhiều câu hỏi được đặt ra quanh cổ vật vô tình bị phá hủy kia. Song, câu trả lời được cho là có lý hơn cả, thì đó là “nhạc voi”. Nếu căn cứ theo những gì đã được lịch sử lưu lại, bà Chu Tước cùng em gái và Vĩnh Hoa công chúa là tướng của Hai Bà Trưng, thì khi ra trận, họ có thể mang theo voi chiến. Cổ vật hình sợi xích bằng vàng kia không thể là trang sức cho người đeo được, vì chúng rất nặng, chỉ có thể là trang sức của voi chiến, mà là voi của chủ tướng. Trống đồng, theo đó, có thể cũng được những nữ tướng này mang ra trận.

Có lẽ, không chỉ hai trống đồng đã được tìm thấy và được trưng bày ở bảo tàng. Theo lời kể của người dân nơi đây, ngoài hai trống đồng Miếu Môn thì còn hơn hai trống đồng nữa đã được khai quật, tiếc là họ không được tận mắt nhìn thấy, nên không thể coi như một sự xác thực. Song việc có những người mang máy dò kim loại tìm về dò tìm, có dấu vết đào bới, mà họ nghĩ là đám người lạ kia đang “dò giun”, nên họ tin rằng mảnh đất họ đang sống chứa một quần thể trống đồng. Hay nói họ đang sống trên một cánh đồng di sản cũng không phải quá lời.

Vùng đất đá ong cổ này, nơi hơn 100 năm trước trong rừng còn có mãnh hổ sinh sống, thời kháng chiến chống Pháp đã ghi dấu chiến thắng đầu tiên mở đầu Chiến dịch Thu Đông của Đại đoàn Đồng Bằng 320... nay là một vùng cư dân trù phú. Một ngày nào đó những huyền tích xa xưa, những bảo vật quốc gia có thể tiếp tục được tìm hiểu, khai phá, để kể cho muôn đời sau những câu chuyện về giá trị văn hóa lịch sử dựng và giữ nước của người Việt.