Bài 3: Xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức, tận tụy phục vụ nhân dân
Để góp phần vào thực hiện thành công Nghị quyết lần thứ XIII của Đảng, đạt mục tiêu tổng quát 05 năm, tầm nhìn đến năm 2030, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI đã đề ra hệ thống các nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển nguồn nhân lực chủ động, sáng tạo và xác định công tác xây dựng đội ngũ cán bộ là một trong những nhân tố chủ quan quan trọng.
Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI khẳng định: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị, năng lực, uy tín, tính chuyên nghiệp cao, tận tụy phục vụ nhân dân. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đối với tạo môi trường, điều kiện để cán bộ, công chức phát huy tính năng động, sáng tạo phục vụ phát triển, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Thực hiện tốt cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, đạo đức công vụ, không có uy tín đối với nhân dân”.
Theo ThS. Hình Nhật Tân, Khoa Nhà nước và Pháp luật, Trường Chính trị Kiên Giang, để xây dựng được một đội ngũ cán bộ của tỉnh Kiên Giang đạt chất, đủ lượng, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay thì các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể cần quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc việc bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm. Bởi lẽ, đội ngũ cán bộ là nhân tố quan trọng mang lại sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực cho xã hội, góp phần không nhỏ vào việc thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XI của tỉnh.
Đồng thời cấp có thẩm quyền phải có cơ chế khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đổi mới tư duy, có điều kiện sáng tạo, tìm ra cách làm đột phá, đem hiệu quả trong công việc gắn với tình hình thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị. Cấp có thẩm quyền cần chủ động phát hiện những vấn đề phát sinh, kịp thời động viên, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế đối với những đề xuất mới, cách làm hay, giải pháp có tính đột phá và nhân rộng, phát triển các đề xuất đổi mới, sáng tạo này trên phạm vi rộng hơn.
Tỉnh Kiên Giang cần nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu, khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Quan tâm khuyến khích cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cánbộ dân tộc thiểu số phát huy tính năng động sáng tạo, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm được giao. Phê bình nghiêm khắc những cán bộ bảo thủ, trì trệ, chỉ muốn nhiệm kỳ của mình an toàn, không dám thực hiện thí điểm đổi mới, sáng tạo.
Tỉnh cần có chính sách biểu dương, khen thưởng kịp thời những những tập thể, cá nhân thực hiện tốt cơ chế khuyến khích và bảo vệ được cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung ở cơ quan đơn vị, địa phương mình. Mỗi lĩnh vực, việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung sẽ có một số nét khác biệt, thậm chí trái với quy định hiện hành, nên cần xem xét để đưa ra cơ chế phù hợp, thay vì áp dụng cứng nhắc. Các cơ chế đó phải đồng bộ trong hệ thống chính sách, được áp dụng, vận dụng thường xuyên, liên tục và nhất quán và người có hành vi cản trở, gây khó khăn cho cán bộ trong quá trình thực hiện đề xuất, thực hiện đổi mới, sáng tạo, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Ông Bùi Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Lạc, TP Rạch Giá, cho rằng, để tạo môi trường làm việc lý tưởng nhằm làm tăng tính năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, tỉnh Kiên Giang cần có cơ chế chính sách phù hợp để cán bộ công chức có thể đảm bảo đời sống cho bản thân và gia đình; cũng như có những quy định hết sức rõ ràng, cụ thể, công khai minh bạch trong phân công nhiệm vụ, đánh giá để tạo tâm lý thoải mái trong hoạt động công vụ. Khi người lao động cảm thấy an tâm, cảm thấy những cống hiến của mình đối cơ quan được lãnh đạo, được tập thể công nhận, những gì mình nhận được là đúng với công sức bỏ ra, không có sự ưu ái, thiên vị thì mới cống hiến hết sức mình, từ đó mỗi cán bộ sẽ tự chủ động công việc, sẽ suy nghĩ làm như thế đạt hiệu quả cao nhất trong công việc.
Theo ThS. Nguyễn Tấn Kiệt, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Kiên Giang, các cấp, các ngành cần kịp thời chấn chỉnh và đổi mới phương pháp xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức thông qua đổi mới công tác cán bộ, viên chức theo hướng: đồng bộ, liên thông, nhất quán trong hệ thống chính trị và phù hợp với thực tế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ràng buộc trách nhiệm và kiểm soát chặt chẽ quyền lực; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; bảo vệ cán bộ, viên chức dám nghĩ dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Tỉnh Kiên Giang cần quan tâm công tác đào tạo, kết hợp giữa đào tạo khoa học tri thức với đào tạo đạo đức, tư tưởng; giữa đào tạo lý luận với đào tạo thực tiễn nhằm nâng cao trình độ, năng lực, uy tín cho đội ngũ cán bộ các cấp. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, trang bị kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đạt hiệu quả; kiên quyết xử lý kỷ luật những cán bộ, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ được giao, vi phạm đạo đức chính trị; loại bỏ những cán bộ, viên chức không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra trong tình hình hiện nay.
ThS. Thái Châu Báu, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Kiên Giang nhấn mạnh, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng của toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho”. Đội ngũ cán bộ dân vận có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến rộng rãi trong Nhân dân, không ngừng nâng cao trình độ dân trí, sự hiểu biết của Nhân dân; tạo sự thống nhất trong nhận thức, đồng thuận trong hành động của mọi người dân về thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương. Người làm công tác dân vận phải nắm chắc chủ trương, nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước và phải biết lắng nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin.
Do đó, để hoàn thành tốt nhiệm vụ dân vận của mình, mỗi cán bộ dân vận phải tăng cường nâng cao trình độ nhận thức, hiểu biết của mình để vận dụng sát đúng nghị quyết của các cấp ủy đảng vào thực tiễn; kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng của Nhân dân, dư luận quần chúng quan tâm, bức xúc để có phương án phối hợp giải quyết kịp thời, hợp tình, có lý.
Cán bộ dân vận phải nhiệt tình, tâm huyết với công việc, không quản ngại khó khăn, thường xuyên đi đến tận nơi để trao đổi, chia sẻ với Nhân dân. Đặc biệt là với người dân ở vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo để vận động, thuyết phục Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của chính quyền các cấp.
Kiên Giang cần đẩy mạnh đầu tư đầy đủ nguồn lực tài chính để triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng và cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị. Xây dựng chương trình đào tạo và bồi dưỡng phù hợp, đảm bảo rằng các chương trình được thiết kế dựa trên nhu cầu và yêu cầu thực tế của công việc cán bộ công chức. Đồng thời, cần tăng cường sự liên kết và hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức chuyên ngành nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
Cán bộ quản lý cần có tinh thần đổi mới, định hướng và tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ công chức có thể tiếp cận các khóa đào tạo, bồi dưỡng và trau dồi kỹ năng chuyên môn; có các chính sách khuyến khích, thưởng phạt và định kỳ tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ, kiến thức và kỹ năng cho cán bộ công chức.
Tạo ra một môi trường làm việc khuyến khích học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và phát triển nghề nghiệp. Khuyến khích cán bộ công chức tham gia các hoạt động học tập, nghiên cứu và tham gia các diễn đàn, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm. Đánh giá và đổi mới chính sách để đảm bảo tính công bằng và hiệu quả trong công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cán bộ công chức. Điều này có thể bao gồm việc xem xét và điều chỉnh quy định về tuyển dụng, đào tạo, đánh giá và thăng tiến cán bộ công chức.
Tỉnh cũng cần phải xây dựng mạng lưới hợp tác mạnh mẽ giữa các đơn vị đào tạo, cơ quan quản lý và doanh nghiệp để đảm bảo chương trình đào tạo và bồi dưỡng đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu thực tế của công việc. Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và đánh giá hiệu quả để đảm bảo rằng quá trình đào tạo và bồi dưỡng cán bộ công chức đạt được kết quả mong muốn. Đồng thời, liên tục cải thiện chất lượng quá trình đào tạo thông qua việc thu thập phản hồi từ cán bộ và áp dụng các biện pháp khắc phục. Tạo ra các chính sách thúc đẩy sự phát triển và thăng tiến nghề nghiệp để đảm bảo rằng cán bộ công chức được đánh giá và thăng tiến dựa trên năng lực, thành tích làm việc và khả năng phát triển nghề nghiệp. Khuyến khích các cơ chế và chính sách thúc đẩy sự phát triển cá nhân và sự nghiệp của cán bộ công chức.
Từ đó cho thấy, việc đẩy mạnh triển khai các chủ trương, giải pháp nâng cao tính chủ động, sáng tạo của nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Kiên Giang sẽ tạo động lực thúc đẩy đội ngũ cán bộ của tỉnh năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, quyết liệt trong hành động, dám đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung, giúp mỗi cán bộ, đảng viên có nhiều cơ hội để cống hiến cho nhân dân, cho đất nước, góp phần xây dựng tỉnh Kiên Giang ngày càng phát triển phồn vinh, thịnh vượng.