Dịch bệnh năm 1820 tại Việt Nam

An An

14/09/2021 07:55

Theo dõi trên

Năm 1820, tại Việt Nam đã xảy ra một trận dịch lớn, sử sách ghi là dịch tả. Đại Thi hào Nguyễn Du mất trong đại dịch này.

trieu-nguyen-1631543135.jpg
Năm 1820, nước ta còn ở chế độ phong kiến, triều Nguyễn. ảnh internet

Vào thời phong kiến, khi hiểu biết về của con người về khoa học còn hạn chế, thì những gì gây ra đau khổ cho con người đều coi xuất phát từ quỷ thần. Kể cả đó là dịch bệnh, họ cho rằng, có bàn tay của ma quỷ gây ra.

Năm 1820, nước ta còn ở chế độ phong kiến, triều Nguyễn. Thời kỳ Nhà Nguyễn, Nho học được đề cao, thi cử ổn định. Ở thời kỳ này, văn học chữ Nôm phát triển và đạt được đỉnh cao, tiêu biểu có Nguyễn Du.

Trận dịch tả năm 1820 đã gây nên tổn thất lớn cho đất nước, kinh tế giảm sút, nhiều người bỏ mạng, trong đó có Đại Thi Hào Nguyễn Du.

Tác giả Phạm Hoàng Quân (báo Tuổi trẻ), viết: Năm 1820 (Minh Mạng năm đầu), tháng 6 dịch khởi phát ở các trấn Hà Tiên, Vĩnh Thanh, Định Tường (ứng với khu vực Tây Nam Bộ) rồi lan ra toàn quốc, đến tháng 12 mới ngưng, quân và dân đều mắc, số tử vong thống kê được là 206.835 người (dân số lúc này khoảng 7 triệu), triều đình phát chẩn đến 73 vạn quan tiền. Tuy không chép rõ tên dịch bệnh nhưng qua câu "Vua lấy bạch đậu khấu trong kho và phương thuốc chữa dịch sai người ban cấp", có thể biết đây là trận dịch tả. Thi hào Nguyễn Du chết trong trận dịch này.

Sau Việt Nam, Trung Quốc phải hứng chịu trận dịch này suốt năm 1821, phần "Chí", mục "Tai dị" trong Thanh sử cảo ghi nhận dịch phát vào tháng 3 tại huyện Nhâm Khâu (Hà Bắc), sau đó bùng phát ở khoảng 30 địa phương của nhiều tỉnh, tuy không ghi con số thống kê tử vong cụ thể nhưng mô tả các nơi đều là đại dịch, người chết vô số, không đếm xuể.

Trên bình diện quốc tế, theo giới nghiên cứu lịch sử bệnh truyền nhiễm Trung Quốc thì nguồn cơn trận dịch tả này khởi phát ở Ấn Độ vào năm 1817, sau đó theo các thuyền buôn lan về phía đông đến khắp Đông Nam Á rồi Trung Quốc, lan về phía tây đến các xứ ven Địa Trung Hải. 

Thực lục chép "dịch phát ở Hà Tiên rồi lan ra toàn quốc", và trong khi vua Minh Mạng còn đang lo cầu đảo với tâm trí rối bời bảo các quan: "Theo sách vở chép thì bệnh dịch chẳng qua chỉ một châu một huyện, chưa có bao giờ theo mặt đất lan khắp như ngày nay", thì Phạm Đăng Hưng tâu rằng "thần nghe dịch bệnh từ Tây dương sang". 

Lời tâu của Phạm Đăng Hưng cho thấy triều thần đã có người biết dịch bệnh truyền nhiễm từ xa, mà nay thấy khế hợp với vấn đề nguồn gốc lây truyền dịch bệnh qua các thuyền buôn đến từ Ấn Độ mà các học giả Trung Quốc nêu ra.

Như vậy, trận dịch năm 1820 đã làm cho đất nước ta khi ấy lao đao. Triều đình Nhà Nguyễn đã ban tiền cứu đói, và ban thuốc cứu chữa cho người dân. Sau cùng cũng vượt qua được đại dịch. Điều đó thể hiện tính đồng bào của người Việt Nam, dù ở bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, từ vua quan đều cùng nhân dân đoàn kết vượt qua.

 

Bạn đang đọc bài viết "Dịch bệnh năm 1820 tại Việt Nam" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn