Dịch COVID-19 tại TPHCM đã đạt đỉnh?

Trong vài ngày tới, tình hình dịch tại TPHCM có thể sẽ đi ngang hoặc đi lên một thời gian, sau đó sẽ giảm xuống. TPHCM đã qua 7 ngày áp dụng Chỉ thị 16 của Chính phủ về các biện pháp phòng chống dịch. Thành phố cũng đã bắt đầu thực hiện thí điểm trường hợp bệnh nhân F0 sau 10 ngày điều trị tại cơ sở y tế và 2 lần âm tính được xuất viện về nhà tiếp tục điều trị.
 
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn. Ảnh: VGP/Hiền Minh

Xung quanh những vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19 tại TPHCM.

Ông nhận định như thế nào về tình hình dịch tại TPHCM? Liệu trong những ngày tới, số ca mắc của TPHCM có tiếp tục tăng không?

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Với nỗ lực của TPHCM và các tỉnh, thành phố khu vực phía nam, trong công tác rà soát phát hiện sớm các đối tượng bị nhiễm COVID-19 tại các khu cách ly, khu phong tỏa, đặc biệt là trong cộng đồng, chúng tôi nhận thấy số lượng ca nhiễm COVID-19 trong thời gian qua, có xu hướng tăng, thậm chí tăng nhanh.

Chỉ tính riêng trong 24 giờ ngày 15/7, TPHCM đã ghi nhận hơn 3.000 ca nhiễm COVID-19. Đây là gánh nặng rất lớn, đồng nghĩa với việc Thành phố phải tổ chức các đơn vị để thu dung bệnh nhân điều trị ban đầu cũng như chuyển bệnh nhân nặng đến các cơ sở y tế theo mô hình tháp 4 tầng điều trị COVID-19.  

Bộ Y tế đã ban hành công văn số 5599 để hướng dẫn TPHCM và các tỉnh, thành phố về giảm bớt thời gian theo dõi, điều trị các bệnh nhân F0 không có triệu chứng và đã 2 lần âm tính, cũng như giảm bớt thời gian cách ly trong khu cách ly tập trung đối với F1.

Theo tôi, đây là những yếu tố rất cần thiết, vừa để những người ở khu cách ly tập trung, khu cách ly y tế có điều kiện trở về nhà, được chăm sóc tốt hơn, giảm gánh nặng về tâm lý, đồng thời cơ sở vật chất của chúng ta cũng luôn sẵn sàng để tiếp nhận thu dung bệnh nhân mới. Đội ngũ nhân viên y tế làm việc trong các khu cách ly, các bệnh viện, các khu trung tâm hồi sức cũng sẽ giảm bớt được gánh nặng.

Với số ca mắc tăng nhanh và nhiều trong những ngày gần đây, tình hình dịch tại TPHCM có phải đã tới đỉnh dịch, thưa ông? Trong hơn 1 tuần nữa, tức là hết 15 ngày thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, liệu TPHCM có thể khống chế được dịch không, thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Trong vài ngày tới, tình hình dịch tại TPHCM có thể sẽ đi ngang hoặc đi lên một thời gian nữa, sau đó sẽ giảm xuống. Hiện nay, TPHCM đã sàng lọc các trường hợp F0 tại những vùng có nguy cơ rất cao. Tuy nhiên, vẫn cần phải sàng lọc thêm lần nữa để phát hiện trường hợp F0 càng nhanh càng tốt.

 

Người dân TPHCM đến lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh: VGP/Diễm Hằng

Việc thực hiện Chỉ thị 16 trên một địa bàn rộng lớn như TPHCM có rất nhiều khó khăn. TPHCM cũng phải chuẩn bị các phương án, trong đó có cả phương án kéo dài một số nội dung theo Chỉ thị 16 trên địa bàn để đảm bảo phòng chống dịch thắng lợi. Tuy nhiên, qua theo dõi 1 tuần vừa rồi tại TPHCM, chúng tôi nhận thấy các biện pháp của chính quyền, hệ thống chính trị ở đây được tăng cường rất mạnh mẽ.

Bên cạnh đó,  nỗ lực của lực lượng y tế trong công tác xét nghiệm đối với các khu vực nguy cơ cao và công tác theo dõi F1, F0 bằng xét nghiệm real-time RT-PCR cũng đã được thực hiện nhanh hơn, với số lượng ngày càng tăng.

Với việc tham gia hỗ trợ TPHCM trong thời gian qua, chúng tôi hy vọng đỉnh dịch của TPHCM sẽ giảm dần. Khi bắt đầu giảm dần, chúng tôi cũng sẽ đề xuất Thành phố không nên dừng đột ngột Chỉ thị 16 mà phải giảm từng bước, để đưa về trạng thái bình thường mới.

Cũng trong giai đoạn này, không chỉ sàng lọc, truy vết, phát hiện sớm, khoanh vùng, dập dịch mà TPHCM còn phải tăng cường nguồn điều trị, khu thu dung bệnh nhân cũng như chuẩn bị các trang thiết bị đầy đủ. Đây là những nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Nếu tính đến phương án điều trị 30.000 bệnh nhân thì TPHCM vẫn có thể đáp ứng được, với điều kiện  có sự hỗ trợ về nhân lực, trang thiết bị vật tư của Trung ương. Tuy nhiên, Thành phố cũng đã chủ động xây dựng kịch bản điều trị cho khoảng 100.000 bệnh nhân. Đây là kịch bản hết sức khó khăn. Trong điều kiện này, không chỉ TPHCM mà Trung ương cũng cần có biện pháp cụ thể để hỗ trợ Thành phố.

Hiện nay, theo hướng dẫn thì mỗi ngày sẽ có nhân viên y tế đến kiểm tra, theo dõi sức khỏe cho bệnh nhân F0 về nhà điều trị tiếp. Vậy, với tình hình dịch bệnh cũng như nhân lực của TPHCM hiện nay, liệu có khả năng đáp ứng được việc theo dõi các trường hợp F0 về nhà điều trị  không, thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Việc đưa các ca F0 có đủ điều kiện (đã điều trị qua 10 ngày tại cơ sở y tế, 2 lần âm tính hoặc tải lượng virus thấp) để xuất viện và về nhà tiếp tục điều trị, được thực hiện dựa trên căn cứ khoa học thực tiễn.

Đó là, phần lớn bệnh nhân mắc COVID-19 thường diễn biến nặng ngay trong tuần đầu tiên sau khi mắc bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo mốc 10 ngày điều trị cho những bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng, được xuất viện, hoặc bệnh nhân có triệu chứng điều trị tại cơ sở y tế đến khi hết triệu chứng khoảng 3 ngày, có thể xuất viện.

Đúng là có khó khăn cho TPHCM cũng như các địa phương khác khi đưa những trường hợp F0 đủ điều kiện xuất viện, trở về nhà theo dõi bệnh. Các nhân viên y tế tuyến cơ sở sẽ phải kiểm tra các trường hợp F0 xuất viện về nhà theo dõi tiếp. Đồng thời, có hệ thống liên lạc thông qua đường dây nóng, hệ thống công nghệ để theo dõi quá trình điều trị và có thể kiểm soát, phát hiện những triệu chứng bất thường nhanh nhất.

Nói là khó, nhưng chúng ta vẫn phải tổ chức thực hiện để đảm bảo áp dụng thành công và an toàn cho những người mắc COVID-19 khi trở về nhà điều trị.

Hiện nay, TPHCM đã có trường hợp F0 nào về điều trị tại nhà chưa? Với những bệnh nhân đủ điều kiện xuất viện, về nhà tiếp tục điều trị, nếu không tuân thủ quy định của ngành y tế, thì có gây nguy hiểm cho cộng đồng không, thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Trong mấy ngày gần đây, TPHCM đã bắt đầu áp dụng với một số trường hợp thí điểm cách ly F1 tại nhà sau thời gian cách ly tập trung, cũng như áp dụng thí điểm cách ly trường hợp F0 đủ điều kiện xuất viện và cách ly tại nhà.

Là Bộ phận đặc biệt của Bộ Y tế công tác tại đây, chúng tôi  sẽ theo dõi việc áp dụng này và hỗ trợ kịp thời cho TPHCM. Nếu cần phải điều chỉnh chính sách cho phù hợp thực tế, chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch tại TPHCM thành công.

Trên nguyên tắc với tải lượng virus thấp hoặc xét nghiệm đã 2 lần âm tính thì khả năng những trường hợp F0 này lây sang những người trong cùng gia đình và cộng đồng được hạn chế ở mức thấp nhất.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng khuyến cáo người bệnh, mặc dù được xuất viện về nhà, nhưng cần phải nghiêm túc tuân thủ hướng dẫn của cán bộ y tế. Chúng tôi cũng đề nghị mỗi gia đình khi đón những người bệnh trở về điều trị tại nhà thì cần có sự hợp tác và động viên bệnh nhân, nhằm đảm bảo thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Y tế trong ăn uống, sinh hoạt, xử lý chất thải…

Tôi hy vọng, với sự hỗ trợ của hệ thống y tế cơ sở, chúng ta sẽ áp dụng thành  công và hiệu quả.

Hiện nay, có mô hình các bệnh nhân F0 tự chăm sóc cho nhau, Bộ Y tế có biết mô hình này chưa và theo Thứ trưởng, có nên thực hiện theo mô hình này để giảm bớt gánh nặng cho ngành y tế?

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Đối với các trường hợp F0, khi cách ly cùng phòng, cùng khu điều trị thì không còn sợ lây nhiễm chéo. Vì vậy, việc tổ chức các trường hợp F0 không triệu chứng chăm sóc sức khỏe cho nhau là hoàn toàn có thể. Tôi nghĩ đây là vấn đề nhân văn, nên được khuyến khích.

Tuy nhiên, đối với các trường hợp F0, dù có triệu chứng hay không thì một số dấu hiệu, triệu chứng, phải là nhân viên y tế mới phát hiện được.

Ví dụ, dấu hiệu về nhịp thở, nồng độ SO2 bằng máy đo kẹp ngón tay. Nếu không phải là người có chuyên môn thì khó phát hiện kịp thời. Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo việc tự theo dõi cho nhau là cần thiết, nhưng cần phải có sự theo dõi của nhân viên y tế.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!