Điện Biên Phủ - Bản hùng ca chiến thắng (Kỳ 4)

Hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử “Điện Biên – Bản hùng ca chiến thắng” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2022.

Kỳ 4.

 Mọi người bê những bát nước chè xanh nóng hổi thơm lừng nhấp từng ngụm. Chủ Tịch Hồ Chí Minh nói tiếp:

-Hôm nay chúng ta họp hội nghị quan trọng đề ra kế hoạch tác chiến Đông –Xuân 1953-1954, cũng là phương án đập tan kế hoạch quân sự của H. Navarre. Mời chú Võ Nguyễn Giáp trình Tổng Quân ủy Trung ương kế hoạch.

  Đại tướng Võ Nguyên Giáp đứng dậy nói:

-Kính thưa Bác, thưa các đồng chí, sau tám năm chiến tranh, thực dân Pháp đã thất bại lớn trong các chiến dịch Việt Bắc 1947, chiến dịch Biến Giới tháng 10 năm 1950, Trung Du tháng 12 năm 1950, chiến dịch Hòa Bình cuối 1951 đầu 1952, chiến dịch Tây Bắc thu đông 1952, chiến dịch Tây Bắc Thượng Lào 1953. Quân Pháp ngày càng lún sâu vào thế phòng ngự bị động. Tháng 5 năm 1953, Chính phủ Pháp được Mỹ đồng ý đã cử Trung tướng H. Navarre làm Tổng chỉ huy quân đội liên hiệp Pháp ở Đông Dương. Tháng 7 vừa qua, H.Navarre đã đề ra kế hoạch quân sự mang tên ông ta. Navarre cho rằng Pháp thất bại là do không giải quyết được mâu thuẫn giữa phân tán và tập trung, không phân tán thì không có quân giữ đất đai đã chiếm được, nhưng phân tán thì không có khối quân cơ động để tấn công tiêu diệt ta. Cho nên mấu chốt của kế hoạch Navarre là kiên quyết xây dựng bằng được khối quân cơ động mạnh. Sau đó sẽ hành động theo hai bước. Bước 1: Thu đông năm 1953 và xuân 1954, phòng ngự ở miền Bắc, dựa vào khối quân cơ động ở đồng bằng Bắc Bộ và tấn công chiến lược ở miền Nam. Bước 2: Thu đông 1954, tấn công trên chiến trường miền Bắc, giành thắng lợi quân sự quyết định, đàm phán trên thế mạnh, buộc ta phải chấp nhận những điều kiện của Pháp, nếu ta không chấp nhận thì Pháp sẽ tấn công tiêu diệt.

  Đại tướng dừng lại uống ngụm nước và nói tiếp:

-Kính thưa Bác, thưa các đồng chí, cho đến nay tổng số quân Pháp trên chiến trường Đông Dương là 445.000 quân, trong đó quân Âu Phi chiếm 33%, 299.000 quân ngụy (Quân đội quốc gia Việt Nam). Cụ thể Pháp có 267 tiểu đoàn, 8 tiểu đoàn quân ngụy. Về pháo binh, Pháp có 25 tiểu đoàn, về cơ giới, Pháp có 10 trung đoàn, về không quân, Pháp có 580 máy bay, quân ngụy có 25 máy bay do thám và liên lạc, Pháp có 391 tàu chiến các loại, ngụy quân có 104 tàu nhỏ và 8 tàu ngư lôi.

  Về phía chúng ta, tổng quân số chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam là 252.000 người (Pháp đông hơn 193.000 người). Gọi theo biên chế, chúng ta có 6 đại đoàn bộ binh (tương đương 6 sư đoàn), 18 trung đoàn và trong đó có 127 tiểu đoàn, (Pháp có 267 tiểu đoàn). Về pháo binh ta có 2 trung đoàn, trong đó  có 8 tiểu đoàn.  Biên chế tiểu đoàn bộ binh của ta là 635 người, biên chế tiểu đoàn của Pháp là 1.000 lính.

  Như vậy, cho đến bây giờ, mặc dù ở vào thế bị động nhưng Pháp vẫn có ưu thế vượt trội về quân số, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại. Nhưng thế trận chiến tranh nhân dân và chiến tranh du kích  của ta khiến Pháp phải phân tán lực lượng khắp các chiến trường. Pháp không thể tập trung lực lượng và ưu thế đó vào một trận đánh quyết định, cũng không thể có lực lượng cơ động mạnh để tấn công các đại đoàn chủ lực của ta ở miền Bắc. Trong số 267 tiểu đoàn của Pháp thì Pháp phải dùng 185 tiểu đoàn làm nhiệm vụ chiếm đóng, chỉ còn 82 tiểu đoàn làm nhiệm vụ cơ động chiến đấu chiến thuật và chiến lược.

  Hiện nay do cố gắng của H.Navarre mà ở đồng bằng Bắc Bộ đã có 44 tiểu đoàn cơ động. Tính riêng trên chiến trường chính Bắc Bộ, lực lương ta chỉ bằng 2/3 lực lượng Pháp, 76 tiểu đoàn trên 112 tiểu đoàn. Nhưng tính riêng lực lượng cơ động chiến lược thì Quân đội nhân dân Việt Nam vượt trội về số tiểu đoàn.

-Kính thưa Bác, thưa các đồng chí, tôi đã nói là mấu chốt của kế hoạch quân sự Navarre là tạo ra một khối quân cơ động chiến lược, cho nên muốn phá tan kế hoạch Navarre thì phải phá tan mấu chốt này, tức là buộc Navarre phải phân tán lực lượng. Muốn vậy ta phải tấn công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà Pháp không thể để mất, buộc Navarre không thể không cứu, không thể bỏ được, lại phải điều quân ứng cứu, buộc H.Navarre phải phân tán lực lượng. Cho nên kế hoạch của ta là:

 1. Trên chiến trường chính Bắc Bộ, ta mở cuộc tấn công lên hướng Tây Bắc, tấn công Thượng Lào, buộc Navarre phải điều quân lên Thượng Lào.

2. Ta tấn công Trung Lào buộc Navarre phải phân tán quân lên Trung Lào.

3. Ta tấn công Hạ Lào, phối hợp với quân đội Pa Thét Lào, tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai, buộc Navarre phải phân tán quân lên Hạ Lào.

4. Ta tấn công Tây Nguyên buộc Navarre phải phân tán quân cứu Tây Nguyên.

  Như vậy khối quan cơ động của Navarre sẽ bị phá vỡ, sẽ bị phân tán khắp các chiến trường Đông Dương, lại quay về thế bị động, bị ta tấn công và tiêu diệt. Phân tán và tập trung là mâu thuẫn cơ bản của một cuộc chiến tranh xâm lược mà không một tướng lĩnh tài năng nào có thể khắc phục và giải quyết được, kể cả H. Navarre.

  Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày xong, ngồi xuống uống nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi:

-Chú Giáp đã trình bày xong “ Kế hoạch tác chiến đông xuân 1953-1954” để đập tan kế hoạch Navarre, có chú nào bổ sung không?

  Tướng Hoàng Văn Thái đứng dậy nói:

-Kính thưa Bác, thưa Đại tướng, thưa các đồng chí, tôi hoàn toàn tán thành kế hoạch của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi chỉ bổ sung thêm, thứ nhất, Liên khu 5 sẽ là trọng điểm tấn công của kế hoạch Navarre nên ta phải ra lệnh cho quân dân tại đó sẵn sàng chiến đấu chống địch. Thứ hai phải đẩy mạnh chiến tranh du kích hơn nữa ở vùng tạm bị chiếm để hỗ trợ cho quân chủ lực, tăng thêm sự phân tán binh lực của Pháp, tiêu hao binh lực của chúng, giải phóng thêm đất đai.

  Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi tiếp:

-Còn chú nào có ý kiến thêm không?

  Im lặng một lát, Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận:

-Bác tán thành kế hoạch tác chiến đông-xuân năm 1953-1954 của Bộ Quốc phòng và Bộ tổng Tham mưu do chú Võ Nguyên Giáp trình bày trước Tổng Quân ủy hôm nay. Bác sẽ sớm họp Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến này.

  Tất cả đều đáp:

-Dạ cảm ơn Bác.

-Chúc các chú thắng lợi.

(Còn nữa)

CVL