Điện Biên Phủ - Bản hùng ca chiến thắng (Tiểu thuyết lịch sử) - Tập  (Kỳ 8)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử  “Điện Biên Phủ - Bản hùng ca chiến thắng” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 8.

  Lê Trọng Tấn uống một ngụm nước và nói tiếp:

-Các đồng chí nhìn lên bản đồ thấy Trung tâm đề kháng Him Lam có ba cứ điểm ở ba quả đồi, tạo thành ba đỉnh của một tam giác. Cứ điểm 1 (đỉnh 1 của tam giác) ở về phía Bắc, cứ điểm 2 (đỉnh 2) nằm ở phía Nam, cứ điểm 3 (đỉnh 3) chếch về phía Tây. Him Lam có vị trí quan trọng chặn con đường từ Tuần Giáo đi Điện Biên, án ngữ con đường 41. Him Lam cách Phân khu Trung tâm 2,5km sẽ chặn cuộc tấn công của quân ta ở vòng ngoài, bảo vệ Phân khu Trung tâm từ xa. Him Lam còn là đài quan sát của pháo binh và máy bay địch ở Mường Thanh.

-Về hệ thống phòng ngự, Him Lam có hệ thống chiến hào ngang dọc với những hầm ngầm xi măng cốt thép, lưới lửa dày đặc, bố trí nhiều tầng, nhiều lớp với súng trung liên, trọng liên, bazoka, súng không giật, súng phóng lựu, súng cối, súng phun lửa, súng có kính ngắm bắn ban đêm. Bên ngoài cứ điểm là bãi mìn, dây thép gai rộng 100m đến 200m.

chdbp1e-1661170686.jpg
Chiều 13/3/1954, quân ta tấn công tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam - Ảnh: Tư liệu

 

-Lực lượng bảo vệ Him Lam là Tiểu đoàn lê dương 3 thuộc bán Lữ đoàn lê dương số 13 (3/13eDBE), chỉ huy Tiểu đoàn là Tiểu đoàn trưởng Paulpegot. Ngoài hỏa lực của Him Lam, nếu bị tấn công còn được toàn bộ hỏa lực của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ chi viện gồm máy bay, 50 pháo cối ở Mường Thanh, Hồng Cúm và các căn cứ gần kề chi viện. Lực lượng phản kích của De Castơries cách 2,5 km sẽ phản kích, thậm chí huy động cả máy bay ở Hà Nội lên ứng cứu.

-Căn cứ vào đó, chúng ta sẽ tấn công ban đêm để loại trừ khả năng tăng viện của địch. Tập trung lực lượng đông nhiều gấp 3 lần đến 5 lần để tấn công, phải tập trung sức mạnh trong giờ phút quyết định. Căn cứ vào yêu cầu của trận đánh,  tôi giao nhiệm vụ cụ thể cho các Trung đoàn như sau:

-Đồng chí Quang Tuyến, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 141 nhận lệnh.

-Có tôi, thưa Đại tá.

-Đồng chí cho một tiểu đoàn đánh cứ điểm số 1, một tiểu đoàn đánh cứ điểm số 2.

-Tuân lệnh Đại tá.

-Đồng chí Hoàng Cầm, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209 nhận lệnh.

-Có tôi, thưa Đại tá.

-Đồng chí cho một Tiểu đoàn tiêu diệt cứ điểm số 3, một tiểu đoàn làm nhiệm vụ dự bị, một tiểu đoàn đánh địch phản kích trên đường 41.

-Tuân lệnh, thưa Đại tá.

-Đồng chí Lê Thùy, Trung đoàn trưởng trung đoàn 156 nhận lệnh.

-Có tôi, thưa Đại tá.

-Trung đoàn của đồng chí có nhiệm vụ hỗ trợ cho hai Trung đoàn 141 và 209 tiêu diệt địch.

-Tuân lệnh, thưa Đại tá.

  15 giờ ngày 13 tháng 3 năm 1954, các chiến sĩ của Đại đoàn 312 bao gồm Trung đoàn 141,Trung đoàn 165, Trung đoàn 209 đã tới trận địa xuất phát. Trung đoàn 141 gồm các Tiểu đoàn 11, 16 và 428 do Trung đoàn trưởng Quang Tuyến chỉ huy. Trung đoàn 165 do Trung đoàn trưởng Lê Thùy chỉ huy gồm các Tiểu đoàn 115, 542, 564. Trung đoàn 209 do Trung đoàn trưởng Hoàng Cầm chỉ huy gồm các Tiểu đoàn 130, 154, 166. Cuối mùa xuân trời trong veo, vài đám mây trắng theo gió bay lang thang trên các đỉnh đồi. Nắng nhạt rải loang lổ. Không khí và không gian yên tĩnh lạ thường. Tiếng máy bay thám thính của Pháp ì ì trên không trung. Không khí  như nén xuống trước giờ bùng nổ một trận  huyết chiến kịch liệt nhất trong cuộc chiến tranh Đông Dương.

  Đúng 15 giờ ngày 13 tháng 3 năm 1954, điện thoại Sở chỉ huy Đại đoàn công binh, pháo binh vang lên. Đại đoàn trường Đào Văn Trường cầm máy:

-A lô, tôi Đào Văn Trường đây ạ, xin chào Đại tướng.

  Bên kia đầu dây:

-Sau 5 phút nữa, các đồng chí phải dội pháo xuống đầu địch ở Him Lam, vào Mường Thanh và vào trận địa pháo địch để hỗ trợ cho Đại đoan 312 của đồng chí Lê Trọng Tấn tấn công tiêu diệt Him Lam.

-Rõ, tuân lệnh Đại tướng.

  Đúng 17 giờ 5 phút, pháo binh Việt Nam phát hỏa, 40 khẩu pháo 75 ly, cối 120 ly đồng loạt nhả đạn. Không gian Điện Biên Phủ rung lên bởi những tiếng gầm thét của sấm sét. Cơn mưa của bão lửa ụp xuống sân bay Mường Thanh, Hồng Cúm, nhiều chiếc máy bay biến thành những bó đuốc nát vụn bay lên trời, những cụm pháo của Pháp bị đạn phá tan tành bay theo lửa khói trước sự kinh hoàng của Piroht, Tư lệnh pháo binh của Pháp ở Điện Biên Phủ, người luôn miệng nói Việt Minh không thể mang pháo hạng nặng vào Điện Biên Phủ vì đường sá hiểm trở khó khăn. Nhiều lô cốt, hầm hào của quân Pháp bị xơi tung lên tan thành đất vụn. Lính lê dương chết hoặc bị thương nằm la liệt, máu chảy đầm đìa, lô cốt hầm hào sụp đổ chôn  vùi người và vũ khí. Trận pháo kích dữ dội, dày đặc trúng đích tạo nên sự khiếp sợ kinh hoàng đối với quân Pháp tại Điện Biên Phủ. Dưới làn đạn pháo của Việt Minh, không một vật gì, không một kẻ nào được loại trừ. Pháo của Việt Minh bắn trúng ở khu Trung tâm, vào sở chỉ huy các cứ điểm vì trên nóc hầm cắm nhiều ăng ten để liên lạc, pháo binh Việt Nam rất dễ nhận ra. Sân bay và các bãi đỗ của các máy bay khu trục Bear cũng trúng pháo. Trong các hầm, bộ binh Pháp co rúm người khiếp sợ. Đại đội súng cối hạng nặng của Béc gô bị tan nát trong loạt đạn đầu. Một hạ sĩ cùng 6 pháo thủ bị hất tung lên, nhiều binh sĩ khác bỏ mạng. Một quả đạn pháo xuyên qua hầm và làm nổ 5000 quả đạn cối trong hầm nổ theo làm hầm rung như động đất, một nửa quân số thiệt mạng cùng ba khẩu cối 120 ly và toàn bộ hầm đạn.

  Tại Him Lam, một quả đạn cối rơi xuyên hầm sở chỉ huy làm Tiểu đoàn trưởng Pegot và 3 sĩ quan khác tan xác cùng chiếc điện đài. Cả khu Trung tâm rung bần bật dưới đạn pháo, 7 chiếc máy bay đậu ở sân bay Mường Thanh tan xác, một kho xăng bốc cháy, khỏi lửa ngùn ngùn ngút trời. Các trận địa pháo của Pháp ở Mường Thanh tê liệt, 12 khẩu trọng pháo và súng cối thành sắt vụn bay lên không trung. Đạn chui cả vào sở chỉ huy của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, phó Tư lệnh Langole Langcle may mắn thoát chết, lúc 17 giờ 50’, một quả đạn pháo chui nóc hầm Sở chỉ huy trung tâm, Trung tá Gaucher là phó Tư lệnh của De Castơries cùng một trung úy và cả bộ tham mưu tử nạn. De Castories gọi điện cho Piroth, chỉ huy phó của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và là Tư lệnh pháo binh:

-Ngài có phát hiện ra các cụm pháo của Việt Minh ở đâu không? Nếu có sao không bắn trả?

  Piroth trả lời run rẩy:

-Thưa Đại tá, tôi không phát hiện được, vả lại nhiều pháo của ta bị trúng đạn hỏng hết rồi.

  De Castories tức giận:

- Sao anh nói nếu có pháo Việt Minh, chỉ trong 3 phút anh sẽ khóa họng chúng ngay tức khắc.

  Lại nói tại cứ điểm 3 Him Lam, để hỗ trợ bộ binh tấn công vào cứ điểm, sơn pháo bắn vào các lô cốt, đến lượt bộ phận mở cửa xông lên dưới làn đạn, dùng bộc phá cho nổ tan tành hàng rào dây thép gai và bãi mìn. Sau những tiếng nổ vang trời của bộc phá, dây thép gai tan ra và mìn nổ theo, một trận mưa mảnh dây thép và mìn mù mịt không trung, 100 m bãi giây thép gai và mìn thành bãi trống. Đến lượt bộ binh xông lên. Đại đội trưởng Trần Can hô:

-Xung phong.

  Rồi anh cầm lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” lên trước, cả đại đội 366 xông lên dưới làn đạn của Pháp. Đại đội chia thành 2 mũi tiến công vào cứ điểm. Quân Pháp dựa vào lô côt bắn ra dữ dội. Trần Can ra lệnh:

-Áp sát lô cốt ném bộc phá.

  Một chiến sĩ ôm gói bộc phá 10 kg ném vào lô cốt. Tiếng nổ vang lên, lô cốt tan tành, tên quan ba chỉ huy tan xác cùng lính. Trần Can lao lên cắm lá cờ “Quyết Chiến quyết thắng”. Cứ điểm số 3 bị tiêu diệt sau một giờ chiến đấu ác liệt. Tiểu đoàn 130 thuộc Trung đoàn 209 do Trung Đoàn trưởng Hoàng Cầm chỉ huy đã tiêu diệt tiểu đoàn lê dương số 11.

  Trong khi đó, Tiểu đoàn 428 của Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 do Trung đoàn trưởng Quang Tuyến chỉ huy đánh cứ điểm số 2 phía Nam đồi số 1. Cửa hàng rào cuối cùng gần 200m dây thép gai và bãi mìn được mở, Đại đội xung phong nhưng bị đạn địch từ các lô cốt cản lại. Đại đội trưởng hô to:

-Dùng hỏa lực bắn vào lô cốt.

-Tuân lệnh.

  Hỏa lực của Đại đội dội vào lô cốt như mưa, Đại đội xông lên nhưng hỏa lực Pháp chưa bị diệt lại bắn trả xối xả. Tiểu đội trưởng Phan Đình Giót bò trườn lên đồi dưới làn đạn, bắn và ném lựu đạn vào lô cốt nhưng lựu đạn và bộc phá đã hết, anh hô to:

-Việt Nam muôn năm.

  Sau tiếng hô, anh lao cả thân mình dùng ngực bịt lỗ châu mai. Họng súng địch tạm thời ngừng bắn. Nhân cơ hội đó, Đại đội trưởng hô:

-Xung phong, trả thù cho anh hùng Phan Đình Giót.

  Cả đại đội xông lên dùng súng, lựu đạn, lưỡi lê đánh nhau giáp lá cà với địch, 22 giờ 30’, Tiểu đoàn 428 đánh chiếm được cao điểm số 2.

  Tại cao điểm số 1, Đại đội 243, Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 tấn công cao điểm thuộc phía Tây bị thương vong nhiều. Khi xung phong lên là lúc pháo binh Pháp hoàn hồn bắn chặn dữ dội, đạn trong cứ điểm cũng bắn xuống như mưa. Trung đội bộc phá của Đại đội 243 phá được 7 hàng rào day thép gai và mìn. Đại đội hy sinh gần hết. Trung đoàn trưởng ra lệnh:

-Trung đội bộc phá dự bị vào trận.

-Tuận lệnh.

  Trung đoàn 141 dùng DKZ bắn sập lô cốt phát hỏa. Bộ đội xung kích xông lên nhưng bất ngờ lại bị hỏa lực ở một nơi bí mật chặn lại. Cuộc chiến đấu giằng co 4 giờ liền. Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn ra lệnh:

-Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209 đánh sang đồn số 1 cùng Trung đoàn 141.

  Hoàng Cầm đáp:

-Tuân lệnh Đại tá.

  Lê Trọng tấn ra lệnh tiếp:

-Tiểu đoàn 428 cùng Tiểu đoàn 16 đánh sang cao điểm số 1.

-Tuân lệnh Đại tá.

  Trong khi đó sĩ quan tham mưu báo cho De Castơries:

-Báo cáo Đại tá, mất liên lạc với Him Lam nhưng quân báo báo về hai cứ điểm 2 và 3 đã mất, cao điểm 1 đang giằng co với Việt Minh.

  De Castories gọi cho Piroth.

-Ngài hãy nã pháo mạnh vào Him Lam.

-Dạ, tuân lệnh Đại tá.

  Piroth ra lệnh:

-Bắn 6.000 quả đạn pháo vào Him Lam ngay.

-Tuân lệnh Trung tá.

Pháo 105 ly của Pháp còn lại ở Mường Thanh bắn vào Him Lam không tiếc đạn. Hai tiểu đoàn 130 của Trung đoàn 209 và tiểu đoàn 428 của Trung đoàn 141 không thể nào tiến vào tiếp cận cao điểm số 1. Tại Sở chỉ huy Đại đoàn 312, chuông điện thoại hối hả rung lên, Lê Trọng Tấn cầm máy:

-A lô, xin chào Đại tướng.

(Còn nữa)

CVL