Diễn đàn “Thúc đẩy phát triển bền vững khu công nghiệp Việt Nam” còn thiếu tham luận về công nghệ 5G

Đức Hoàng

28/03/2024 21:48

Theo dõi trên

Ngày 28/3/2024 tại Hà Nội đã diễn ra diễn đàn “Thúc đẩy phát triển bền vững khu công nghiệp Việt Nam” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì với sự thực hiện của Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp.

dien-dan-1711637261.jpg
 

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Chủ tịch VCCI cho biết, cả nước hiện đã có 418 khu công nghiệp (KCN) đã thành lập, bao gồm 371 KCN nằm ngoài các khu kinh tế (KKT), 39 KCN nằm trong các KKT ven biển, 8 KCN nằm trong các KKT cửa khẩu, với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 129,9 nghìn ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 89,2 nghìn ha.

Trong số các KCN đã được thành lập, có 298 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 92,2 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 63,1 nghìn ha và 120 KCN đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 37,5 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 26,1 nghìn ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN cả nước đạt khoảng 51,3 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 57,5%.

Nếu tính riêng các KCN đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 72,5%. Trong số 298 KCN đã đi vào hoạt động, đã có 272 KCN đã vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường (đạt tỷ lệ khoảng 91,3%), đáp ứng chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội giao. 

Theo Phó Chủ tịch VCCI, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đóng góp khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, góp phần vào việc chuyển cán cân thương mại của Việt Nam từ nhập siêu, đến cân bằng và sang xuất siêu, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách.

Tuy nhiên, phát triển bền vững (PTBV) đã là đang là vấn đề phải đặt ra một cách nghiêm túc với tất cả các KCN tại Việt Nam. Kết quả khảo sát của VCCI cho biết có tới 50% KCN chưa nghe đến khái niệm KCN PTBV, 30% có nghe hiểu về khái niệm KCN sinh thái và 20% hiểu rõ KCN PTBV cần bảo đảm cân đối về phát triển đồng thời.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy chỉ có 22% KCN có chứng chỉ hệ thống quản lý quốc tế, đáng lưu ý 77% KCN không có thông tin kiểm toán cấp doanh nghiệp về các mặt tài chính, xã hội và môi trường.

“Kết quả của nghiên cứu cũng phần nào chỉ ra một số “điểm nghẽn” trong các khía cạnh về nhận thức, xây dựng chính sách, quản trị của các KCN liên quan đến việc PTBV các KCN. Đây cũng có thể là những chỉ dấu cho các khuyến nghị về chính sách và hành động để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc xây dựng, vận hành các KCN bền vững tại Việt Nam”, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Đồng thời cho biết trước thực tế này, VCCI đã đồng hành cùng các cơ quan Bộ ngành liên quan xây dựng những bộ chỉ số có ý nghĩa hết sức quan trọng, như Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) ra mắt năm 2016.

Bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, mô hình khu công nghiệp truyền thống sẽ được thay đổi và phát triển theo hướng bền vững, tiệm cận với yêu cầu quốc tế. Nguyên lý của việc phát triển các khu công nghiệp bền vững bắt đầu từ sinh thái công nghiệp, chuyển đổi mô hình sản xuất theo nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn. Trong đó hệ sinh thái công nghiệp được phát triển như một hệ sinh thái tự nhiên và sản phẩm của quá trình sản xuất đầu ra này có thể là quá trình đầu vào của quá trình sản xuất khác. Tương tự, các sản phẩm phụ hay sản phẩm thải bỏ của một quá trình sản xuất cũng là nguyên liệu hữu ích đầu vào cho một quy trình sản xuất khác. Đương nhiên, các doanh nghiệp hoạt động trong các KCN phải hướng tới sản xuất sạch, sản xuất xanh, tiết kiệm năng lượng, tận dụng phế liệu…

Phát biểu tại Diễn đàn, bà Virginia Foote - thành viên Ban điều hành AmCham Hà Nội, CEO Bay Global Straegies chia sẻ: Hoa Kỳ - Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược; trong đó nhấn mạnh thúc đẩy hợp tác thương mại đầu tư giữa hai quốc gia. Một trong những nội dung chính được đề cập là Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao.

Bên cạnh đó, Việt Nam phải tính đến sự cạnh tranh từ các quốc gia trong khu vực cũng đang tích cực đón đầu sự thay đổi chuỗi cung ứng và nắm bắt xu hướng toàn cầu.Đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững khu công nghiệp, bà Virginia Foote cho rằng, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cần tiếp cận nguồn năng lượng tái tạo, không chỉ là điện mặt trời mái nhà mà còn đến từ nhà máy sản xuất năng lượng tái tạo công suất lớn. Thứ hai, khả năng tiếp cận nước sạch và công nghệ xử lý nước sạch hiệu quả.

Theo không ít các doanh nghiệp hoạt động tại các KCN, trong nền sản xuất hiện đại của họ thì muốn quản trị tốt đương nhiên phải ứng dụng CNTT, tự động hoá và đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh.

Đương nhiên, trong xu thế của thời đại 4.0, trong một tương lai gần của các KCN tại Việt Nam thì chắc chắn không thể thiếu việc phủ sóng công nghệ Internet không dây theo công nghệ 5G. Tuy nhiên đây là vấn đề có lẽ còn quá mới nên rất tiếc đã không có một báo cáo, tham luận nào tại diễn đàn về công nghệ 5G cho các các khu công nghiệp.

Vì thế, trao đổi riêng với báo chí, Ban tổ chức Diễn đàn đã thừa nhận thiếu sót này và bày tỏ mong muốn sẽ sớm tổ chức trong thời gian sớm nhất có thể về sự cần thiết của công nghệ 5G cho các KCN. Khi các KCN được phủ sóng 5G, chắc chắn hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động tại đây sẽ có được những bước chuyển nhảy vọt vì nhờ có 5G thì quá trình điểu khiển tự động trong sản xuất và thử nghiệm sản phẩm sẽ hiệu quả hơn. Tuy nhiên, điều này vẫn còn phải chờ sự tham gia của các nhà mạng viễn thông để cung cấp, phủ sóng công nghệ 5G cho các KCN do còn phải có thời gian bởi họ cũng chỉ mới hoàn thành việc đấu thầu khai thác tần số phù hợp với 5G cách đây không lâu.