Báo chí và khán giả nói về “Bóng Rồi” như “một trải nghiệm nghệ thuật kịch độc đáo”, “mới mẻ và hấp dẫn”, “một vở kịch kì lạ”, “thổi một làn gió mới vào sân khấu kịch nói”, “thắp lửa sân khấu kịch Bắc”, “mạnh dạn bứt phá để hoà nhập vào dòng chảy chóng mặt về tương lai của kịch nghệ thế giới”. Góp phần lớn lao vào thành công của vở diễn là dàn diễn viên tâm huyết và tài năng “đẹp từ trong ra ngoài” với khả năng diễn xuất đầy nội lực, đem đến những cơn sóng cảm xúc mãnh liệt cho khán giả bởi những màn diễn xuất thần. Có được những đêm diễn thăng hoa như ngày hôm nay, mỗi diễn viên chính của “Bóng Rối” đã trải qua một chặng đường riêng vật vã đi tìm, không chỉ gặp nhân vật mà cả phần chưa biết trong chính mình.
Diễn viên Khuất Quỳnh Hoa (vai Hồng): Mở ra đường đi cho khán giả
Hồng là vai trọng tâm của vở kịch, người phụ nữ đẹp và đau khổ, mong manh nhưng mạnh mẽ. Hồng sống trong một thế giới nội tâm đầy uẩn khúc, với nỗi khắc khoải chờ chồng, với giấc mơ về chuyến vượt biển đến “Hòn đảo giải thoát”, nỗi lo lắng bảo vệ con trai, với tình yêu-tình bạn mờ nhòa ranh giới. Một vai diễn mà lời thoại không phải là lời sinh hoạt hàng ngày, mà là tiếng nói thoát từ sâu thẳm nội tâm. Một vai diễn đòi hỏi nội lực rất lớn, chỉ có thể thể hiện bằng “cái đầy ắp bên trong”, như đạo diễn Tạ Tuấn Minh luôn đòi hỏi, để mọi ẩn ức tích tụ âm ỉ trong Hồng sẽ có lúc phụt trào.
Một mình Hồng hiện ra với nhiều dung diện, nhiều tầng cảm xúc, nhiều chuyển dịch liên tục trong các không gian và thời gian. Một mình Hồng trải biết bao đau lòng đã lấy biết bao đêm trắng của Khuất Quỳnh Hoa , nhưng chị chỉ mỉm cười, giản dị: “Mình đúng là lực sỹ”. “Lực sỹ” vừa chạy vừa kéo rèm, vừa đẩy tượng vừa nói những câu làm thắt lòng khán giả. Hồng là một trong những vai diễn thử thách nhất và quyến rũ nhất. Khuất Quỳnh Hoa đã rực cháy như ngọn đuốc mãnh liệt trong vai cực khó, cực thơ cũng đầy bi kịch này.
Chị tâm sự, trong khi tính từ thời gian nhận vở, tập luyện rất gấp rút vì thế chị phải đặt toàn bộ tâm huyết vào vai diễn này. Chị đã không những tập trên sân khấu mà ở nhà, đi đường… cũng nhẩm lời thoại của nhân vật. Mỗi ngày chị luyện tập, tìm tòi đi sâu bên trong đời sống nội tâm của nhân vật, làm thế nào diễn ra hết sức bình thường mà trong lòng là “sóng ngầm” nội tâm để khán giả hiểu.
Điều tâm đắc nhất với Quỳnh Hoa là khi hoàn thành được vai diễn đã đón nhận được cảm tình và sự yêu thương của khán giả. Khi vở diễn kết thúc, nhiều khán giả đã lên sân khấu chia sẻ cảm nhận những suy nghĩ của họ về vai diễn này. Đa số khán giả đều đồng tình với quan điểm: “Mình “cởi trói” được tư duy của họ, muốn hạnh phúc không phải giữ chặt nó mà giải thoát cho mình và đối phương. Tôi may mắn được coi là người nghệ sĩ mở ra đường đi cho khán giả”.
Diễn viên Thanh Hường vai bà nội
Diễn viên La Thiên (vai Kiên): “Diễn như không diễn”
Khi được giao vai và nhận kịch bản, La Thiên thấy vai Kiên có nhiều điều tương đồng với mình là một cậu sinh viên mới tốt nghiệp đại học, được bố mẹ yêu chiều hết mực. Trong quá trình tập luyện, La Thiên gặp rất nhiều khó khăn để tìm ra “chìa khóa” cho vai diễn vì Kiên là một vai rất khác biệt. Kiên lội về quá khứ, liên tục di chuyển từ mảng này sang mảng khác của suy tưởng, từ không gian mơ sang hiện thực. Cậu là nhân vật lúc nào cũng có mặt trên sàn diễn, là người dẫn dắt câu chuyện, là người đang xem lại cuộc đời của chính mình. Kể cả lúc cậu ngồi dưới ghế khán giả, cậu cũng đang diễn.
Cái khó nhất là làm sao có mặt suốt thời gian ở trên sân khấu trong vị trí của một người quan sát mà không bị thừa. Cậu đang xem mình vui, buồn thế nào trong quá khứ, cậu gọi bố, gọi mẹ, cậu chơi đùa cũng chỉ là một mình với những hình ảnh quá khứ. Nhiều lúc cậu chỉ đứng im quan sát. Làm thế nào để diễn những đoạn không lời thoại như vậy. “Cảm xúc bên trong là quan trọng. Nếu bên trong đầy ắp thì đứng im khán giả cũng cảm nhận được những gì cháu muốn chuyển tải. Các kĩ năng diễn xuất đều là giả nếu không có được cảm xúc sâu xa bên trong”, đạo diễn Tạ Tuấn Minh bảo. “Cháu phải nuôi cảm xúc đầy ắp ở bên trong. Chỉ cần hoang mang. Không diễn bằng cái bên ngoài mà để hãy để nội tâm làm chuyển động. Diễn bằng kĩ năng là hỏng”. Phải chăng đạo diễn Tạ Tuấn Minh đã cùng phương châm biểu diễn của biên đạo Nguyễn Duy Thành. Múa là gì? Không phải bằng các kỹ năng mà là chuyển động điều khiển bằng cảm xúc bên trong. Chủ trương của đạo diễn Tạ Tuấn Minh về diễn xuất là không dùng các kỹ năng biểu diễn, người diễn viên không làm rung động được trái tim khán giả bằng những kỹ năng kỹ xảo mà bằng nội tâm đầy ắp cảm xúc.
La Thiên tâm sự những đêm thao thức về việc đóng, mở rèm. Cậu nghĩ suy về mỗi động tác của mình, mỗi chuyển động của rèm đều phải thấm đẫm tâm tư, cảm xúc của Kiên, đang hoang mang, lo âu, hay hân hoan lạc vào vùng tuổi thơ hạnh phúc. La Thiên phải tự quy định cho mình mỗi lần mở rèm mang một ý nghĩa riêng để thay đổi tiết tấu và cảm xúc. Mở rèm không chỉ là mở đơn thuần, vẫn phải có độ chính xác nhất định để không làm mất những ý đồ đằng sau. “Việc diễn và kéo rèm như chia đôi não mình ra nhưng không bên nào nghỉ ngơi mà phải tương tác với nhau”.
Là sinh viên vừa tốt nghiệp, La Thiên chưa có nhiều kinh nghiệm nên cậu phải mất nhiều thời gian hơn. Bù lại, vai diễn là nhân vật có ngoại hình và độ tuổi gần giống La Thiên. Rất may mắn là trong quá trình làm việc dù có khó khăn gì thì cậu cũng được sự quan tâm, nhắc nhở và điều chỉnh kỹ càng từ đạo diễn Tạ Tuấn Minh, trợ lý đạo diễn Bùi Phương Nga và các anh chị trong ekip…
Diễn viên Khuất Quỳnh Hoa vai Hồng
Diễn viên Ngô Thế Nguyên (vai Cedric): Ấn tượng với bộ ria mép
Diễn viên Ngô Thế Nguyên chia sẻ, khó nhất với anh ở vai Cderic là những điều ẩn sau vẻ ngoài lịch lãm, tinh tế. Khi thể hiện vai, Thế Nguyên luôn đau đáu tìm tòi để khi nhân vật xuất hiện không nhiều nhưng vẫn đạt được những hiệu quả của vai diễn và góp phần thành công của vở diễn. Và “chìa khóa” cho vai diễn của Nguyên là phải sống với nhân vật chứ không diễn, vì thế anh đã tìm hiểu lý lịch, tính cách nhân vật rồi bám sát vào những yếu tố đó để thể hiện vai diễn của mình. Còn với bộ ba Hồng - Duy - Cderic thì có vẻ Cderic hơi ít trường đoạn nhưng nếu tìm kĩ, đào sâu thì nhân vật Cedric chất chứa rất nhiều tâm trạng, xúc cảm mà luôn phải giấu kín sau ngoại hình đẹp thanh lịch, đáng yêu, có duyên mà nhân vật nào cũng phải thốt lên “số được yêu” và cô gái nào tiếp xúc cũng mê.
Với Nguyên, đây là đề tài không mới nhưng khá nhạy cảm. Để nhâp vai Cedric (một người đồng tính), anh phải tìm hiểu tâm lý, cách ứng xử và cuộc sống của họ thế nào. Trong quá trình tập luyện, anh đã phải tìm tòi, nói chuyện với tác giả để xem khi viết tác giả có ý gì gửi gắm vào nhân vật này không, rồi tìm hiểu trên mạng xem đời sống của những người giới tính thứ 3 ra sao để từ đó chắt lọc đưa vào nhân vật.
Khi nhận lời làm vai, Nguyên đã nghĩ ngay đến tạo hình nhân vật có bộ ria nhưng khi mới nuôi nên nó mọc không đều. Ai cũng bảo già xấu, lâu lâu về quê, bố của anh có nói “tí tuổi học đòi làm người lớn để râu ria…”. Nguyên đã phải đấu tranh với bản thân xem có nên để hay là cạo đi rồi làm ria giả nhưng rồi cuối cùng anh đã nuôi 3 tháng từ khi bắt đầu tập đến lúc ra vở.
Diễn viên Thanh Hường (vai bà nội): Khó khăn lớn nhất là diễn với cái rèm
Trong quá trình sáng tạo vai diễn này, Thanh Hường đã gặp nhiều trở ngại khi tìm đường cho vai diễn. Khó khăn lớn nhất với chị là diễn với cái rèm làm sao cho động tác kéo rèm cùng lời thoại, hành động của nhân vật để toát ra điều đạo diễn muốn truyền đạt. Vai của chị không dài nhưng có những cảnh đạo diễn gộp 2 cảnh làm một nên cùng một đoạn diễn chị phải làm rõ được nó là 2 thời gian, 2 tâm trạng khác nhau trong cùng một bối cảnh, một đoạn diễn. Tuy nhiên, vai diễn của chị cũng đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả: Một bà mẹ Việt với tư duy cổ truyền, truyền thống nhưng rất thương con.
Diễn viên Nguyễn Vũ (vai Duy): Khai phóng bản thân
Với diễn viên Nguyễn Vũ, vai Duy là một thử thách rất lớn khi lần đầu tiên có một cậu nhóc 23 tuổi vào Nhà hát được nhận một vai chính mà vai còn rất khó đối với cậu. Trong Vũ có quá nhiều sự tự ti, lo lắng và hành trình “giã đông” lần này thật khác biệt so với những lần khác. Vũ đã khai phóng bản thân và nhận ra được nhiều điều. Có những đêm mọi thứ trong Vũ va đập với nhau, nhiều luồng suy nghĩ đan nhau chằng chịt, cả về vai diễn cả về bản thân và đôi lúc Vũ cũng không đủ tỉnh táo để những thứ tiêu cực dẫn dắt vào miền tăm tối. Nhưng trong Vũ vẫn còn một niềm tin là hơi thở của cậu. Cái thứ kỳ diệu đó đã giúp cậu về gần với nguồn và chính niềm tin đó đã giúp cậu vực dậy kịp thời để bước tiếp.
Thủ vai Duy, Nguyễn Vũ thấy có ngoại hình khá giống, nội tâm cũng có phần tương đồng nhưng còn khá non nớt, tính nữ trong Vũ cũng cao nên cũng một phần chạm được vào Duy. Vũ là người nói nhiều nhưng hầu như không bao giờ moi móc hết những vấn đề thầm kín tận đáy lòng ra chia sẻ cùng mọi người mà cậu chọn cách tự trò chuyện với nó.
Diễn viên La Thiên vai Kiên
Khi đọc kịch bản, Vũ không hiểu ngay, nhiều ý cậu lờ mờ hiểu và mọi thứ đều không rõ ràng. Vũ đã phải ngồi suy nghĩ rất nhiều, có khi vài ngày mới vỡ ra được một ý. Vũ không đi tìm nhân vật mà cậu nghĩ mọi thứ đều có sẵn trong mình, chỉ là nó chưa gặp hoàn cảnh để mở ra và việc Vũ làm là xây nên những hoàn cảnh đó rồi mở hết cửa để nó chảy ra một cách tự nhiên. Trong thể hiện vai Duy, Vũ đã phải đào sâu đến tận cùng của mọi thứ bên trong và sống cùng với Duy trong một khoảng thời gian dài. Cũng phải mất một thời gian, Vũ và Duy mới thân nhau được. Để chuyển động hình thể được như trong vở diễn, Vũ nghĩ tất cả là do bản thân có được sự “tin”. Vũ tin vào những điều bản thân làm và Vũ cũng tin vào cảm xúc, động tác của mình.
Lúc Vũ cảm giác nhập được vai là những lúc cậu cảm giác không còn cái tôi cá nhân, cơ thể hoàn toàn bị điều khiển bằng cái “tôi” nhân vật. Về sự cách xa lứa tuổi cũng là một trở ngại rất lớn với Vũ về cả ngoại hình lẫn tâm hồn. Vũ thấy mình trưởng thành lên rất nhiều sau khi làm vai Duy. Cậu đã tự tin hơn về bản thân mình, tin tưởng bản thân nhiều hơn và cũng dần quen với cách làm việc của mọi người trong Nhà hát. Cậu cũng được học hỏi nhiều kinh nghiệm từ những người đi trước và sau vai diễn này, cậu dần củng cố về niềm tin cho ngôn ngữ nghệ thuật này.
Các diễn viên trẻ mới vào Nhà hát được thử mình trong các vai chính của vở “Bóng Rối” là phương châm của đạo diễn Tạ Tuấn Minh trao cho các bạn trẻ cơ hội. Các nhân vật hiện ra từ “bên trong đầy ắp” chứ không bằng kỹ năng kỹ xảo, “đừng diễn khôn thế!”, đạo diễn thường nói, “hãy nuôi cảm xúc thật đầy”, “không phải thoại sinh hoạt mà là tiếng nói từ sâu thẳm nội tâm”. Diễn viên “Bóng Rối” đã dâng hiến trọn vẹn bản thân trên sân khấu, những phút tận hiến làm nên những làn sóng cảm xúc mãnh liệt trong lòng khán giả, giao cảm thiêng liêng chỉ có ở sân khấu đích thực.
Diễn viên Ngô Thế Nguyên vai Cedric
Diễn viên Nguyễn Vũ vai Duy