Điệnh Biên Phủ - Bản hùng ca chiến thắng (Tiểu thuyết lịch sử) - (Kỳ 2)

PGS TS Cao Văn Liên

17/08/2022 06:18

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử  “Điệnh Biên Phủ - Bản hùng ca chiến thắng” của PGS TS Cao Văn Liên.

dbphu-1660657661.jpg
Tháng 12/1953, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở mặt trận chiến lược tiêu diệt tập đoàn cứ điểm quân tinh nhuệ Pháp tại Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu

 

Kỳ 2.
  Thủ tướng Laniel với mái tóc bồng bềnh vàng hoe bước lên và nói:

-Thưa các ngài, các ngài vừa nghe bản báo cảo của Bộ Quốc phòng do ngài Tổng thống trình bày tình hình chiến tranh Đông Dương từ 1945 đến nay. Tôi chỉ nói thêm một điều là, cuộc chiến tranh này kéo dài tốn gần chục vạn sinh mạng của thanh niên Pháp và thanh niên bản xứ, chiến tranh đã ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội, chính trị và tài chính. Riêng chi phí cho chiến tranh tới nay, giữa năm 1953, 73% chiến phí của chiến tranh Đông Dương là vay của Hoa Kỳ, chưa tính số vũ khí họ viện trợ cho Pháp là 200 triệu Franc cho cuộc chiến này. Tổng cộng Hoa Kỳ đã viện trợ cho Pháp trên 400.000 tấn vũ khí các loại. Tổng cộng cả kinh tế và quân sự, chúng ta đã vay của Hoa Kỳ lên đến gần 3 tỉ USD, riêng quân sự đã lên đến 1,7 tỉ USD, dự kiến sang năm 1954 sẽ lên 1,3 tỉ USD nữa. Hiện nay, ở Đông Dương, trong tất cả các cấp độ của quân đội Liên hiệp Pháp đều có hệ thống cố vấn Mỹ. Những cố vấn Mỹ có thể đến kiểm tra bất cứ đơn vị nào và ở đâu của quân đội Pháp mà không cần thông qua Tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương. Nếu không có giải pháp quân sự và chính trị để chiến thắng, chúng ta đã và đang trở thành người đánh thuê cho Mỹ. Tham vọng của Mỹ trong chiến lược toàn cầu và ở Đông Nam Á không nhỏ và đang lộ rõ.

-Thất bại về quân sự trong chiến tranh Đông Dương đã ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội và chính trị Pháp, phong trào phản đối chiến tranh Đông Dương ngày càng gia tăng khiến xã hội bất ổn. Nhiều Chính phủ của Đệ tứ cộng hòa lung lay, thậm chí sụp đổ bởi sức ép của dư luận và cử tri.

  Thủ tướng Pháp dừng lại uống một ly trà và nói tiếp:

-Giải pháp của chính phủ Pháp với cuộc chiến tranh này là ra khỏi chiến tranh bằng cách ký một hiệp ước trên thế mạnh, bảo vệ được những quyền lợi của Pháp ở Đông Dương. Muốn vậy, chúng ta cần phải có một chiến thắng về quân sự để áp đảo đối phương trong đàm phán, buộc họ phải ký một hiệp định theo ý muốn của chúng ta. Mấu chốt của chiến thắng này là phải có một tướng tài ở Đông Dương. Mong các ngài đề cử cho một Tổng chỉ huy quân đội Liên hiệp Pháp khả dĩ mang lại chiến thắng để chúng ta nhanh chóng ra khỏi cuộc chiến tranh này trong danh dự và bảo vệ được quyền lợi không chỉ ở Đông Dương mà còn các xứ thuộc địa châu Phi của Đế quốc Pháp.

  Thống chế Alphonse Juin đứng dậy nói:

-Thưa các ngài, tôi xin đề cử một tướng lĩnh của quân đội Pháp có thể xoay chuyển được cục diện chiến tranh, mang lại chiến thắng quân sự đáp ứng sự mong mỏi của Chính phủ và các vị. Đó là tướng Henri Eugene Navarre. Navarre sinh ngày 31 tháng 7 năm 1898, năm nay mới 55 tuổi, từng tham gia chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) và tham gia chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945). Đây là một vị tướng dầy dạn kinh nghiệm qua hai cuộc đại chiến. Tôi tin tưởng tướng Navarre có thể đánh bại quân đội nhân dân Việt Nam, đem lại chiến thắng mà chúng ta đang mong đợi.

  Sau ý kiến của Thống chế Juni, Tổng thống V.Auriol hỏi một vài ý kiến nữa trong Chính phủ, cuối cùng Tổng thống kết luận:

-Vậy Chính phủ đã nhất trí bổ nhiệm tướng Henri Navarre làm Tổng chỉ huy quân đội Liên hiệp Pháp ở Đông Dương thay cho tướng Raul Salan. Cuộc họp của chúng ta kết thúc, xin cảm ơn các ngài.

  Đó là ngày 7 tháng 5 năm 1953.

                                                    *      *

   *

  Ngày 19 tháng 5 năm 1953, H. Navarre bay sang Sài Gòn, ở lại Đông Dương nghiên cứu tình hình chiến sự đến đầu tháng 7 năm 1953. Ngày 3 tháng 7 năm 1953 trở lại Pháp, sau đó cũng tại điện Lyvoro, trong một căn phòng sang trọng, những chùm đèn pha lê trên trần chiếu sáng rực rỡ, nền phòng trải thảm đỏ, những chiếc bàn ghế màu gụ bằng gỗ quý chạm khắc tinh vi hoa văn kiểu La Mã. Có mặt trong phòng là Tổng thống Vincent Auriol, Thủ tướng mới nhậm chức Joseph Laniel, Thống chế A.Juin và các quan chức quân sự, trong đó có Navarre vừa từ Đông Dương về. Trên bàn đặt nhiều cốc rượu sampanho đã được rót đầy. Tổng thống V. Auriol nói:

-Thưa các ngài, sau khi được cử làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp, ngài H. Navarre đã sang Đông Dương nghiên cứu thực tế tình hình quân sự của ta và của đối phương. Hôm nay, chúng ta tới đây để nghe ngài H.Navarre trình bày kế hoạch tác chiến trong thời gian tới để mang lại chiến thắng quân sự cho quân đội Pháp, khả dĩ giúp nước Pháp ra khỏi cuộc chiến tranh hao người tốn của trên thế mạnh, vẫn giữ được những quyền lợi của ta ở thuộc địa này. Nào, xin mời các ngài nâng chén mừng ngài H. Navarre vừa từ Đông Dương xa xôi trở về.

  Tất cả đứng dậy nâng cốc và nói:

-Cảm ơn Tổng thống, chúc mừng ngài H. Navarre.

  Các chính khách và giới quân sự cao cấp Pháp chạm, cạn cốc và ngồi xuống. Tổng thống V. Auriol nói:

-Xin mời ngài V. Navarre.

  H.Navarre đứng dậy. Đó là một người cao lớn, mặt vuông mũi dài, mày rậm, mắt sáng, dáng nhanh nhẹn hoạt bát trong quân phục ka ki vàng, quân hàm trung tướng. Đó là một vị tướng nhìn là biết thông minh, dày kinh nghiệm trận mạc nhất của nước Pháp còn lại trong thế chiến thứ nhất và thế chiến thứ hai. H. Navarre nói rõ ràng, rành mạch:

-Kính thưa ngài Tổng thống Vincent Auriol, ngài Thủ tướng Joseph Laniel, Thống chế A. Juin và các ngài trong Chính phủ. Sau hai tháng nghiên cứu tình hình quân sự Pháp và đối phương ở Đông Dương, tình hình chiến tranh của ta đúng là ảm đạm như báo cáo của Bộ quốc phòng mà ngài Tổng thống đã trình bày trong cuộc họp Chính phủ ngày 7 tháng 5 năm 1953 khi nói về tình hình quân sự Đông Dương. Sau khi tới Đông Dương, tôi nhận thấy nguyên nhân thất bại của ta có nhiều, nhưng nguyên nhân cơ bản nhất là chúng ta thiếu một khối quân cơ động để chủ động mở các chiến dịch tiêu diệt lực lượng của đối phương. Vì thiếu khối quân cơ động mạnh nên trừ chiến dịch Việt Bắc năm 1947, còn từ đó cho đến nay, nhiều chiến dịch đều do quân đội Việt Minh chủ động tấn công chúng ta, chúng ta lâm vào thế bị động và thất bại. Lý do chúng ta thiếu lực lượng cơ động mạnh, thiếu quả đấm thép để tiêu diệt quân chủ lực Việt Minh vì chúng ta dùng quân cơ động để giữ những vùng đất đai rộng lớn đã chiếm được, giữ hậu phương nên không có quân ở tiền tuyến. Chúng ta đang sa vào mâu thuẫn lớn nhất là mâu thuẫn giữa phân tán và tập trung. Cho nên trọng điểm của kế hoạch của tôi là xây dựng được khối quân cơ động mạnh.

  Sau khi đã xây dựng được khối quân cơ động mạnh thì bắt đầu tấn công giành lại thế chủ động trên chiến trường. Cuộc tấn công của chúng ta chia làm hai bước:

Bước thứ nhất: Thu đông 1953 và xuân 1954, giữ thế chủ động ở miền Bắc, tập trung lực lượng cơ động ở đồng bằng Bắc Bộ để đối phó với các cuộc tấn công của Việt Minh. Thực hiện tấn công chiến lược ở miền Nam nhằm chiếm đóng ba tỉnh đồng bằng Liên Khu 5, đồng thời mở rộng quân đội quốc gia Việt Nam, dùng người Việt đánh người Việt.

  Bước thứ hai từ thu đông 1954, sau khi đã hoàn thành những mục tiêu trên thì chuyển sang tiến công chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ, giành thắng lợi quân sự, buộc Việt Minh phải chấp nhận những điều kiện của Pháp, và quân cơ động của quân đội Pháp sẽ tập trung mọi nổ lực loại trừ chủ lực của họ và kết thúc chiến tranh.

  H. Navarre dừng lại uống một hớp trà và nói tiếp:

-Để thực hiện kế hoạch này, Chính phủ cần cấp thêm cho 9 tiểu đoàn quân tinh nhuệ và tăng thêm 100 tỉ Frăng chiến phí, Bộ Ngoại giao Pháp phải đề nghị Mỹ tăng cường viện trợ suốt cuộc chiến thời kỳ thực hiện kế hoạch quân sự Navarre.

  Navarre đã trình bày xong kế hoạch quân sự mang tên ông ta. Tổng thống V. Auriol hỏi:

-Trung tướng Navarre đã trình bày xong kế hoạch quân sự ở Đông Dương, có ngài nào có ý kiến gì không?

  Bộ trưởng tài chính Edge Fanne nói:

-Thưa Tổng thống, thưa ngài Thủ tướng, cái khó của kế hoạch này là vấn đề tài chính. Thực hiện kế hoạch này theo ngài H.Navarre thì cần chí ít là 100 tỉ Fơrăng, chưa kể phát sinh phải nhiều hơn nữa thì thật là khó trong điều kiện tài chính eo hẹp hiện nay của Chính phủ Pháp.

  Thống chế A. Juin nói:

-Trong một cuộc hội đàm của Hội đồng Tham mưu trưởng cũng như Hội đồng Quốc phòng Mỹ có bàn Pháp nên giảm lực lượng bảo vệ Lào để giảm quân số và giảm chi tiêu. Nhưng tôi nghĩ chúng ta không thể để mất Lào được. Cho nên trong kế hoạch của ngài H. Navarre tôi đề nghị phải có dự kiến kiên quyết bảo vệ Lào.

  H. Navarre đáp:

-Tôi sẽ bổ sung vào kế hoạch làm thế nào để bảo vệ nước Lào, xin các ngài yên tâm.

  Tổng thống V. Auriol hỏi:

-Còn ai có ý kiến gì không?

  Im lặng.

-Không còn ai có ý kiến, vậy là Chúng ta đã thông qua kế hoạch quân sự của ngài H.Navarre. Chính phủ Pháp sẽ đáp ứng nhưng yêu cầu của ngài H. Navarre, tăng thêm cho Đông Dương 9 tiểu đoàn tinh nhuệ và 100 tỉ Frăng, ngoài ra còn yêu cầu Chính phủ Mỹ viện trợ thêm tài chính, vũ khí cho kế hoạch này. Ngài H. Navarre bổ sung vào kế hoạch bảo vệ nước Lào. Nào, xin mời các ngài nâng cốc chúc mừng thắng lợi sắp tới của ngài H. Navarre.

  Mọi người đứng dậy nâng cốc. H.Navarre nói:

-Cảm ơn ngài Tổng thống, ngài Thủ tướng, cảm ơn các ngài.

-Chúc ngài H. Navarre thắng lợi.

-Cảm ơn, cảm ơn.

  Mọi người chạm cốc. Tất cả dốc cạn. Một kế hoạch quân sự phiêu lưu mới của Pháp bắt đầu ở Paris nhưng biến thành xương máu ở Đông Dương và Điện Biên Phủ xa xôi, cách nước Pháp hàng vạn dặm.

II.

  Tháng 6 năm 1953, trời trong xanh, nắng chan hòa rải khắp vùng Định Hóa, Thái Nguyên, Thủ đô kháng chiến của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nắng rải xuống những đồi cao, thấp xanh mượt nhấp nhô, trập trùng mênh mông vô tận. Vài áng mây trắng trôi lững lờ, biến ảo thành muôn hình thù kỳ quái giữa không trung. Mùa đông, gió rét lạnh giá. Vài đàn chim tung cánh trên trời cao bay về phương Nam xa xôi. Núi Nản Chợ Chu uốn lượn nhấp nhô quấn trên mình giải lụa trắng của sương mù bao phủ.

  Sáng nay, một ngày cuối tháng 6, khu rừng đồi núi hiểm trở của An toàn khu (ATK) Định Hóa, Thái Nguyên, nắng và gió lạnh chan hòa, lá rừng rung xào xạc, nhiều nhất là rừng nứa, mai, giang làm cho căn cứ thêm kín đáo và xanh tươi huyền bí. Trong một mái nhà lợp lá cọ, vách nứa đan rộng rãi, sạch sẽ ở sườn đồi, trong nhà, bức vách gian giữa treo quốc kỳ cờ đỏ sao vàng và phía dưới cờ là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giữa nhà đặt bộ bàn ghế bằng gỗ đơn sơ, trên bàn đặt những bộ ấm nấu nước chè xanh và những bộ chén uống nước màu nâu. Đây chính là nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là Tổng hành dinh của Quân đội nhân dân Việt Nam.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Điệnh Biên Phủ - Bản hùng ca chiến thắng (Tiểu thuyết lịch sử) - (Kỳ 2)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn