Điệp vên anh hùng Phạm Xuân Ẩn (Kỳ 21): Những vai trò mập mờ tháng 4/1975

22/05/2022 17:07

Theo dõi trên

Ngày 7/1/1975 toàn bộ tỉnh Phước Long đã hoàn toàn do Cộng sản kiểm soát. Quân đội Việt Nam Cộng hoà và lực lượng đặc biệt đã chiến đấu tốt, nhưng họ đã gặp phải vô vàn điều bất lợi.

Trong trận tấn công của Cộng sản được vạch kế hoạch rất khéo này, phía Quân đội Việt Nam Cộng hoà chỉ còn 850 người sống sót trong tổng số 5.400 quân tham chiến. Dân số của tỉnh Phước Long khoảng 30.000 người nhưng chỉ có 3.000 thường dân chạy khỏi địa phương. Các quan chức tỉnh, thôn ấp bị tiêu diệt. Đại tá Harry Summers đã nói ngắn gọn về trận Phước Long trong vài lời như sau:

- Trận đánh nhỏ ít được biết đến ở Phước Long là một trong những trận đánh mang tính chất quyết định nhất, vì nó đánh dấu việc Mỹ từ bỏ đồng minh cũ của mình… trước sự vi phạm trắng trợn Hiệp định Paris này - và nó được thiết kế một cách có tính toán kỹ lưỡng để vi phạm một cách trắng trợn như vậy rõ ràng là nhằm thăm dò thái độ của Mỹ - Tổng thống Gerald Ford giới hạn một cách nhu nhược sự phản ứng của mình chỉ trong một công hàm ngoại giao. Miền Bắc Việt Nam đã được bật đèn xanh cho việc chinh phục miền Nam Việt Nam.

pham-xuan-an-ky-21-1653213575.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Phạm Xuân Ẩn nói với tôi rằng sau trận Phước Long, có một lần duy nhất cấp trên còn nghi ngờ đánh giá của ông về tình hình. Hà Nội nhận được các tin tình báo nói rằng tàu sân bay USS Enterpnse của Mỹ và các lực lượng hộ tống đã rời Philippines tiến gần tới Việt Nam và sư đoàn lính thuỷ đánh bộ Mỹ ở Okinawa đã được đặt trong tình trạng báo động. Có một số hoạt động tại căn cứ hải quân Mỹ ở Vịnh Subic (Philippines), có thể là dấu hiệu người Mỹ quay trở lại.

Phạm Xuân Ẩn sau này nói:

- Tôi đã nói rằng người Mỹ sẽ không đánh đâu. Mặc dù người Mỹ có một vài hành động, nhưng đó là những hành động trống rỗng. Tôi đã báo cáo với Hà Nội rằng người Mỹ sẽ không bao giờ trở lại nữa, thế nhưng vẫn có những hoài nghi. Hà Nội lại cho thử một trận đánh nữa ở Ban Mê Thuột để xem người Mỹ có can thiệp hay không. Chỉ đến khi đó, Hà Nội mới tin điều tôi đã nói là đúng. Tôi gửi cho cấp trên của mình những báo cáo về việc hiện nay các tướng lĩnh của Nguyễn Văn Thiệu đang suy nghĩ đến những điều gì. Sau đó, tôi lên gặp và nói chuyện với Tỉnh trưởng Ban Mê Thuột. Ông Tỉnh trưởng này chỉ có thể nói rằng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã từ chối bảo vệ cho tỉnh của ông. Vị Tỉnh trưởng Ban Mê Thuột đang mất hết nhuệ khí vì biết rằng mọi chuyện đang đến hồi kết, người Mỹ đã ra đi. Khi đó, tôi biết họ đã kết thúc rồi. Tổng thống Thiệu khi đó nghĩ rằng, cứ để mất một tỉnh đi để rồi xem Mỹ sẽ phản ứng thế nào. Nhưng tôi đã hiểu rằng tính khí người Mỹ giờ đã mệt mỏi về chiến tranh. Máy bay ném bom B-52 sẽ không trở lại.

Vào thời gian này, nhà báo Australia Denis Warner chạy đến tìm gặp Phạm Xuân Ẩn tại phòng giải lao của Khách sạn Continental. Warner vừa đi miền Trung Việt Nam về. Trong chuyến đi này, Warner trực tiếp được thấy hiệu quả từ chương trình cắt giảm viện trợ quân sự của Mỹ. Quân đội Việt Nam Cộng hoà thiếu đạn dược, xăng dầu, và tiền lương. Tinh thần đã suy sụp. Các đơn vị pháo binh buộc phải sử dụng đạn một cách hạn chế, ngặt nghèo và để tiết kiệm xăng dầu, các máy bay trực thăng cũng hạn chế cất cánh và chỉ được bay khi phải vận chuyển y tế.

Phạm Xuân Ẩn hỏi Warner:

- Cậu thấy tình hình ở miền Trung thế nào?.

"Tôi đã nói với ông ấy là tôi nghĩ rằng, miền Trung Việt Nam mặc dù có năm sư đoàn của Quân đội Việt Nam Cộng hoà đóng quân ở đó, nhưng vẫn có thể bị chọc thủng nếu miền Bắc tấn công".

Mười tám năm sau, Phạm Xuân Ẩn và Warner hồi tưởng lại cuộc nói chuyện hôm đó của họ.

Phạm Xuân Ẩn nói:

- Tôi vừa gửi một chuyến thư cho Trung ương Cục miền Nam xong thì gặp ông. Trong chuyến thư đó có một thông điệp nói rằng, tôi nghĩ vẫn còn quá sớm để mở một cuộc tổng tấn công qui mô lớn và rằng cuộc tổng tấn công như vậy nên để chậm lại vào cuối năm.

Khi tôi hỏi Phạm Xuân Ẩn rằng, vậy ông đã làm gì sau khi gặp được Warner, ông cho biết:

- Tôi luôn nghĩ Warner khi đó đang làm việc cho tình báo Australia. Do vậy mà tôi tin ở báo cáo của Warner và vì thế mà tôi đã gửi ngay một báo cáo mới cho Trung ương Cục miền Nam dựa vào đánh giá của Warner. Sau này, tôi đã cám ơn Warner vì thực tế chứng tỏ những thông tin ông ấy nói với tôi là rất giá trị.

Phạm Xuân Ẩn được thưởng Huân chương chiến công vì đã có bản báo cáo về Phước Long đề ngày 30/11/1974. Các sách lịch sử Việt Nam so sánh những đóng góp của Phạm Xuân Ẩn trong giai đoạn này ngang với báo cáo nổi tiếng của trùm tình báo Liên xô Richard Sorge, trong đó ông Sorge khẳng định rằng :

"Nhật Bản sẽ không mở mặt trận phía đông".

Nhờ báo cáo này của Richard Sorge mà Liên Xô đã yên tâm chuyển các lực lượng quân sự của mình sang phía tây để chặn đứng cuộc tiến quân của quân đội Đức trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Phạm Xuân Ẩn cũng lấy được bản báo cáo bí mật "Nghiên cứu Chiến lược" trong đó nói rằng Quân đội Việt Nam Cộng hoà đang trong tình trạng cả tinh thần lẫn vật chất đều thấp và rằng máy bay B-52 của Mỹ sẽ không trở lại. Tác giả của bản báo cáo mật này chính là tướng Nguyễn Xuân Triển, Giám đốc Viện nghiên cứu Chiến lược quân đội đã xác định Ban Mê Thuột là điểm mong manh dễ chọc thủng nhất trong hệ thống phòng thủ của Việt Nam Cộng hoà.

Phạm Xuân Ẩn rất hay chỉ trích Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Bằng chứng rõ nhất về điều này có thể tìm thấy trong sổ tay ghi chép của Shaplen, tại đó ông Ẩn so sánh sự lãnh đạo của Tổng thống Thiệu như một con khỉ làm xiếc nghiện thuốc phiện. Sổ ghi chép của Shaplen:

"Ẩn: Thiệu, chúng ta đã dựng ông ta lên như vậy, và nếu chúng ta để ông ta tự đi, ông ta sẽ chết chìm. Nhiều người Hoa và người Sài Gòn nuôi khỉ, cho khỉ ăn thuốc phiện, thức ăn ngon, dạy làm trò, đội mũ lên đầu, xiếc. Nhưng khi chủ gánh xiếc quay mặt đi chỉ trong ba phút, chú khỉ sẽ trở lại bản năng gốc của nó, lại bốc phân ăn ngay, giống như Nguyễn Văn Thiệu vậy. Vì thế, nếu chúng ta chỉ cần chậm trễ hỗ trợ trong năm phút, Quân đội Việt Nam Cộng hoà sẽ bị nuốt chửng ngay. Chúng ta đã tạo ra một bầu khí hậu con khỉ ở đây".

Phạm Xuân Ẩn giải thích cho Shaplen rằng sự khủng hoảng lãnh đạo ở Sài Gòn là kết quả trực tiếp của việc Hoa Kỳ chẳng làm gì để đào tạo một thế hệ lãnh đạo mới ở miền Nam Việt Nam.

"Máu và đô la đã đổ vào đây, nhưng thử hỏi chúng ta đã làm được gì cho người Việt Nam và cho Sài Gòn? Hầu hết mọi người Mỹ đều chỉ tiếp xúc với những con khỉ và chẳng bao lâu nữa, chúng ta sẽ rút đi. Chúng ta chỉ biết có những con khỉ. Khi chúng ta tới đây, chúng ta đã sử dụng những người Việt Nam do Pháp đào tạo và một đám đông quan lại và rồi chúng ta biến họ thành những viên tướng mới, đô la, v.v, và những con khỉ không biết sử dụng những thứ đó như thế nào. Đám người Việt đó chẳng có học thuyết, người Mỹ cũng chẳng có học thuyết gì cả. Chúng ta xây dựng nên những toà nhà trường học, nhưng không có giáo viên. Chúng ta xây dựng đường bộ và mở những con kênh, nhưng đám người Việt đó không biết sử dụng nó. Chưa bao giờ có sự huấn luyện lãnh đạo thực sự". Phạm Xuân Ẩn dự đoán rằng một khi Hoa Kỳ rút đi, Chính quyền Sài Gòn sẽ chỉ còn là "một cái xác khô".

Sau khi Phước Long thất thủ, Đại tướng Văn Tiến Dũng và các đồng sự của ông theo dõi mọi phản ứng từ phía Mỹ, nhưng chẳng thấy gì. Tướng Trần Văn Trà nhớ lại lời Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc đó đã nói:

- Mỹ đã rút quân phù hợp với Hiệp định Paris - một hiệp định mà Mỹ coi là một sự thắng lợi sau khi đã chịu nhiều thất bại và không tìm được lối ra. Giờ đây Mỹ không còn có thể lại can thiệp bằng cách đưa quân vào miền Nam Việt Nam được nữa. Mỹ có thể hỗ trợ Chính quyền Sài Gòn bằng không quân, hải quân, nhưng điều đó không thể quyết định được vấn đề thắng, bại.

Tướng Trần Văn Trà cười và nói rằng:

- Nói cho vui vậy thôi. Tôi nói thật nhé, bây giờ có cho kẹo người Mỹ cũng không dám trở lại nữa.

Nghị quyết kết thúc hội nghị ở Hà Nội nhận định:

“Chưa bao giờ chúng ta có được các điều kiện chính trị và quân sự thuận lợi như vậy, cũng như chưa bao giờ chúng ta có được lợi thế chiến lược to lớn như hiện nay: Hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam và tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc…".

Đại tướng Văn Tiến Dũng tạm dừng chân ở Ban Mê Thuột vào đêm giao thừa Tết năm Ất Mão 1975. Ông vui Tết cổ truyền cùng với những người lính của mình tại chỉ huy sở Sư đoàn 470. Bữa sáng có bánh chưng và thịt. Chặng cuối cùng trong hành trình đã đưa Đại tướng Văn Tiến Dũng đến một thung lũng đầy sương mù, và cây rừng rậm rạp ở phía tây Ban Mê Thuột.

Tại đây, ông đặt đại bản doanh cho chiến dịch sắp tới "Chúng tôi ở trong khu rừng rậm gần với rừng cây khộp, một loại cây vào mùa khô lá rụng rơi dầy dưới mặt đất giống như một tấm thảm vàng. Mục tiêu tấn công là thành phố Ban Mê Thuột - thủ phủ tỉnh Đắk Lắk. "Đây là một thành phố cao nguyên có phong cảnh đẹp nhất. Nơi đây có người dân tộc Ba Na, Ê Đê mặc trang phục thêu sặc sỡ đi bộ trên các đường phố. Nơi đây vẫn còn lâu đài đi săn đổ nát của cựu hoàng Bảo Đại, gợi lại những ngày thanh bình khi vua Bảo Đại và các đại thần tới đây săn bắn lợn lòi, hươu, hổ ở những quả núi xung quanh".

Trong những tuần tiếp theo, Đại tướng Văn Tiến Dũng dành để thảo luận về việc phối hợp và kết thúc các kế hoạch tác chiến. Trong những năm qua, tướng Văn Tiến Dũng đã trở thành nhân vật chủ yếu trong việc đổi mới quân đội miền Bắc Việt Nam thành một cỗ máy chiến tranh hiện đại. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, tướng Văn Tiến Dũng chịu trách nhiệm xây dựng lại lực lượng quân sự của miền Bắc và mở rộng mạng lưới đường bộ dọc đường mòn Hồ Chí Minh. Sản phẩm từ các nỗ lực của ông là miền Bắc đã xây dựng được một lực lượng dân quân 200.000 người để bảo vệ miền Bắc và một lực lượng gồm 22 sư đoàn quân chính qui được hỗ trợ của hàng trăm xe tăng do Liên Xô và Trung Quốc chế tạo, trọng pháo tầm xa, pháo phòng không cỡ lớn, và nhiều loại tên lửa. Nhưng có lẽ điều quan trọng hơn cả những cỗ hoả lực đơn thuần và những con số về sức mạnh là tính cơ động của lực lượng. Quân đội Bắc Việt Nam có thể đánh bất cứ nơi nào ở miền Nam chỉ trong vòng vài tuần, thậm chí vài ngày.

Đêm 25/2/1975, tướng Văn Tiến Dũng ký giao nhiệm vụ phác thảo trên bản đồ về bố trí lực lượng, đường tấn công vào Ban Mê Thuột. Chỉ trong một vài ngày tiếp theo, Đại tướng Văn Tiến Dũng và các nhà chỉ huy quân sự của ông đã chuẩn bị xong lực lượng, sẵn sàng lâm trận. Ngày 9/3, "Tuấn" đã gửi một bức điện được mã hoá cho "Chiến" ở ngoài Hà Nội nói rằng:

"Ngày 10/3, chúng tôi sẽ tấn công Ban Mê Thuột".

Bốn mươi tám giờ sau, quân đội Bắc Việt Nam đã kiểm soát được Ban Mê Thuột. Lúc này, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu không thể ngồi yên được nữa. Ông ta ra lệnh phải chiếm lại, chỉ thị cho tất cả các lực lượng triển khai để hỗ trợ cho việc chiếm lại Ban Mê Thuột. Kế hoạch này của Nguyễn Văn Thiệu được đưa ra thực hiện mà không hề tham vấn Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn hay bất kỳ ai khác. Tổng thống Thiệu đã thực hiện một hành động nguy hiểm là triển khai lại lực lượng quân đội của mình giữa lúc đang giao tranh với đối phương. Khi những người dân địa phương nhìn thấy quân đội Sài Gòn từ trong thành phố kéo quân đi ra, họ đã hiểu lầm rằng quân đội Sài Gòn đang tháo chạy chứ không phải là đang triển khai lại lực lượng. Ngay lập tức, dân chúng trở nên hoảng loạn ùn ùn như sóng thuỷ triều chen nhau bỏ chạy về hướng bờ biển.

Ngày 11/3/1975, "Tuấn" lại gửi tiếp một bức điện được mã hoá khác cho đồng chí "Chiến":

"Chúng tôi đã hoàn toàn kiểm soát được Ban Mê Thuột. Chúng tôi đang tiến tới quét sạch các mục tiêu xung quanh".

Ngày hôm sau, "Chiến" đáp lại bằng một bức điện chỉ thị của Bộ Chính trị:

"Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, và Võ Nguyên Giáp đồng ý rằng chúng ta phải nhanh chóng quét sạch những đơn vị tàn quân địch ở Ban Mê Thuột" và tiến sang hướng Pleiku. Quân đội Việt Nam Cộng hoà đã hoàn toàn thiếu gắn kết khi lực lượng tham chiến đang giao tranh.

Bắc Việt Nam đã công khai đưa các sư đoàn quân chính qui vào tham chiến ở miền Nam. Tổng thống Mỹ Gerald Ford từng cả đời làm nghị sĩ Quốc hội nên hiểu rằng, Quốc hội sẽ không duyệt chi khoản ngân sách bổ sung theo đề nghị để cung cấp các thiết bị mà Sài Gòn cần để ngăn chặn các cuộc tấn công của đối phương. Tổng thống Gerald Ford phái Đại tướng Tham mưu trưởng Fred Weyand sang Nam Việt Nam để đánh giá tình hình, nhằm đưa ra khuyến nghị cho các hành động tương lai. Weyand đến thăm Nam Việt Nam từ ngày 27/8 đến ngày 4/4/1975, nên được chứng kiến sự thất thủ của Đà Nẵng ngày 30/3. Trở về Mỹ, Weyand đã đến gặp ngay Tổng thống Gerald Ford tại Palm Springs ngày 5/4. Tướng Weyand tán thành rằng, Mỹ còn nợ Chính quyền Nam Việt Nam lời hứa làm tất cả mọi điều có thể để giúp họ bổ sung nguồn lực nhằm đối phó với cuộc tổng tấn công hiện nay.

- Chúng ta đến miền Nam Việt Nam để giúp đỡ nhân dân Nam Việt Nam, chứ không phải để đánh bại quân đội Bắc Việt Nam. Chúng ta chìa tay ra với người miền Nam Việt Nam và họ đã nắm lấy. Bây giờ là lúc hơn bao giờ hết, họ cần một bàn tay giúp đỡ - Weyand nói.

Tướng Weyand còn khuyến nghị một khoản viện trợ bổ sung 722 triệu USD giúp Chính quyền Sài Gòn đáp ứng sự tự vệ tối thiểu khi phải đối phó với tình hình hiện tại. Weyand nói:

- Bổ sung viện trợ Mỹ là điều có trong cả tinh thần lẫn lời văn của Hiệp định Paris trong khi Hiệp định này vẫn còn khuôn khổ thực tế cho một giải pháp hoà bình ở miền Nam Việt Nam.

Cuối cùng, Weyand kết luận:

- Tình hình quân sự là rất nguy kịch và khả năng tồn tại của Nam Việt Nam là rất khó.

Trong lần cầu viện cuối cùng, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu viết một lá thư tay gửi riêng cho người mà ông ta chưa từng gặp mặt bao giờ, đó chính là Tổng thống Mỹ Gerald Ford. Tổng thống Thiệu viết:

"Ý định của Hà Nội là sử dụng Hiệp định Paris để chiếm miền Nam Việt Nam bằng quân sự là điều chúng tôi đã biết rõ trong suốt quá trình đàm phán về Hiệp định Paris… Sau đó chúng tôi được hứa một cách chắc chắn rằng Mỹ sẽ trả đũa một cách nhanh chóng và mạnh mẽ đối với bất kỳ sự vi phạm nào về Hiệp định… Chúng tôi coi những lời hứa đó là sự đảm bảo quan trọng nhất đối với Hiệp định Paris; những lời hứa đó giờ đây trở nên những lời hứa quan trọng nhất đối với sự sống còn của chúng tôi".

Theo Trái tim người lính/ nguồn:" Điệp viên hoàn hảo " của giáo sư Larry Berman

Bạn đang đọc bài viết "Điệp vên anh hùng Phạm Xuân Ẩn (Kỳ 21): Những vai trò mập mờ tháng 4/1975" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn