Điệp viên anh hùng Phạm Xuân Ẩn (kỳ 5): California rộng mở

Phạm Thúy Hậu

05/04/2022 07:19

Theo dõi trên

“Trong cuộc đời, tôi thực sự được hưởng trọn hai năm yên bình khi tôi ở California.” Phạm Xuân Ẩn viết thư riêng cho Rosann và Rich Martin ngày 13/12/1969.

Tối thứ Bảy ngày 12/10/1957, chàng trai 30 tuổi Phạm Xuân Ẩn đặt chân xuống California. Ông thật may mắn vì hồ sơ hộ chiếu, visa của ông từng bị kẹt do bệnh quan liêu giấy tờ rất nặng nề tồn tại trong cơ quan xuất nhập cảnh của miền Nam Việt Nam.

xuan-an-1649117935.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Trong tuyệt vọng, Phạm Xuân Ẩn phải điện thoại tới người anh họ làm việc cho ông em út của anh em họ Ngô là Ngô Đình Cẩn - lãnh chúa miền Trung Việt Nam, để xem có giúp được gì không. Hồ sơ của Phạm Xuân Ẩn khi đó được chuyển tới ông bác sĩ Trần Kim Tuyến với chỉ thị phải kiểm tra với phía Mỹ về tính cách và lòng trung thành của Phạm Xuân Ẩn. Chỉ riêng lời khuyến nghị của Lansdale thôi cũng đủ hiệu quả cho Trần Kim Tuyến duyệt ngay mọi giấy tờ thủ tục của Phạm Xuân Ẩn, giúp ông kịp thực hiện được chuyến đi Mỹ. Từ giờ phút này trở đi, cuộc đời của điệp viên cộng sản Phạm Xuân Ẩn và cuộc đời của kẻ chống cộng khét tiếng Trần Kim Tuyến được đan dệt vào nhau mãi mãi.

Bác sĩ Trần Kim Tuyến (1925 - 1995)

Trần Kim Tuyến là Trưởng Phòng nghiên cứu chính trị - xã hội, được gọi tắt là SEPES (viết tắt của các từ Service d’Etudes Politiques ét Sociales). Làm việc tại toà nhà phụ bên trong khuôn viên Phủ Tổng thống và báo cáo trực tiếp cho em trai của Tổng thống Diệm là Ngô Đình Nhu, cư quan này có quan hệ chặt chẽ với CIA và chỉ sử dụng các nhân viên là những người trung thành với Ngô Đình Nhu và Trần Kim Tuyến. Cơ quan an ninh và tình báo Phủ Tổng thống này là một đơn vị cảnh sát mật có thể vươn vòi bạch tuộc ra mọi ngóc ngách của xã hội Nam Việt Nam để thực hiện thành công mọi dự án dù to hay nhỏ.

Nếu có chút gì trục trặc khiến Phạm Xuân Ẩn phải lùi ngày lên đường thì chính là việc ông phải về nhà vào ngày 24/9/1957, tức là ngày mồng 1 tháng 8 âm lịch. Đó chính là ngày cha của Phạm Xuân Ẩn qua đời trên tay ông ở tuổi 57. Cha mất đi, mọi gánh nặng trút hết lên vai Phạm Xuân Ẩn, bởi vì ông là con trưởng nên phải có trách nhiệm với gia đình, đặc biệt là trong những ngày Tết của ba năm chịu tang cha. Khi cha qua đời, Phạm Xuân Ẩn không nghĩ mình có thể được đi học đại học ở Mỹ.

Tại ngã rẽ đầu tiên trong cuộc đời Phạm Xuân Ẩn, nhiệm vụ công tác được ông đặt lên trên hết. Ông Mai Chí Thọ, một người em của ông Lê Đức Thọ đã tham gia một cách tích cực vào việc chuẩn bị cho chuyến đi của ông Ẩn. Ông Mai Chí Thọ kể với tôi:

"Khi đó chúng tôi vẫn còn hoạt động trong bí mật. Tôi phải kín đáo gom góp tiền bằng cách một phần sử dụng quĩ hoạt động tình báo, số còn lại đi vay mượn thêm".

Tôi hỏi ông Mai Chí Thọ :

- Vì sao ông Phạm Xuân Ẩn lại được lựa chọn để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này?.

Ông Mai Chí Thọ đáp:

- Vì ông ấy nói được tiếng Anh tốt hơn những người khác, đồng thời ông có năng khiếu nghề nghiệp. Một trong những sức mạnh lớn nhất của người điệp viên là luôn bình tĩnh và có nhiều bạn bè; phải luôn chơi được với mọi người để không gây sự chú ý nào. Phạm Xuân Ẩn là người làm được điều ấy đối với mọi người và đó chính là lý do vì sao tôi coi ông Ẩn là một trong những nhà tình báo vĩ đại nhất trong lịch sừ đất nước tôi.

Người chỉ đạo trực tiếp của Phạm Xuân Ẩn là ông Mười Hương. Chỉ có ông Mười Hương mới là người chịu trách nhiệm đưa ra quyết định liệu có hoãn chuyến đi Mỹ của Phạm Xuân Ẩn hay không. Nhận thấy rằng không ai khác sẵn sàng cho nhiệm vụ đặc biệt này, ông Mười Hương đã đảm bảo với ông Phạm Xuân Ẩn rằng Đảng sẽ chăm sóc gia đình cho ông.

Trần Quốc Hương – Mười Hương (1924 - 2020)

Phạm Xuân Ẩn nói:

- Lúc đó tôi biết mình sẽ đi Mỹ nhưng vẫn phải xin phép để giải thích lý do với mẹ vì vẫn còn trong thời gian chịu tang cha.

Bà Thu Nhàn, vợ ông Phạm Xuân Ẩn cho biết:

- Bà cụ hoàn toàn ủng hộ chồng tôi nhưng bà không hề can dự vào các công việc của anh Phạm Xuân Ẩn. Cụ biết anh ấy làm việc cho cách mạng, thế là đủ.

Được sự đồng ý của mẹ, Phạm Xuân Ẩn đáp chiếc máy bay bốn cánh quạt của Hãng hàng không Pan Am sang Mỹ vào tối ngày 10/10/1957, chậm vài tuần sau khi lớp học ở Orange Coast đã khai giảng.

Đại học Orange Coast được thành lập năm 1948 tại một căn cứ quân sự từ hồi chiến tranh thế giới thứ hai ở Costa Mesa. Ngày khai trường vào tháng 9/1948 có 500 sinh viên nhập học. Chín năm sau khi ông Phạm Xuân Ẩn đến học, nhà trường vẫn còn là một trường cao đẳng bé nhỏ. Ban Giám hiệu nhà trường cứ nghĩ rằng ông Ẩn không đến học nên đã lấy phòng dành cho ông ở ký túc xá bố trí cho sinh viên khác ở.

Người phụ trách ký túc xá là ông Henry Ledger tình cờ đi ra ngoài thì gặp Phạm Xuân Ẩn đến.

- Tôi đã chờ anh trong suốt một tháng. Anh ở chỗ quái nào thế? - Ledger hỏi.

Ký túc xá cũng chính là trại lính một thời phục vụ căn cứ không quân Santa Ana mới được sửa chữa lại. Vì tất cả các phòng của ký túc xá đã bố trí hết cho sinh viên, nên ông Ledger sửa chữa phòng kho vải cũ thành một phòng đơn cho Phạm Xuân Ẩn ở tạm. Nhưng đối với ông Ẩn, như thế cũng là quá tốt rồi. Phạm Xuân Ẩn nhanh chóng dỡ đồ, lấy ra 5 bộ quần áo và những đồ dùng cá nhân từ chiếc vali mà Mills Brandes đã mua cho ông. Ông Ledger hỏi:

- Anh có đói không?.

Không chờ Phạm Xuân Ẩn trả lời, ông ta mở ngay một hộp thịt bò kho. Lần đầu tiên, ông Ẩn được ăn thịt bò hộp. Dù không ngon đối với ông nhưng dẫu sao đây cũng là một kiểu đào tạo tại chức cần phải biết món ăn của người Mỹ vì nhiệm vụ của ông là phải học được văn hoá Mỹ.

Phạm Xuân Ẩn ở ký túc xá trường Orange Coast

Nguồn: Jim Carnett, trường Orange Coast

Là một cựu binh chiến tranh thế giới thứ hai lại xấp xỉ bằng tuổi cha ông Ẩn, ông Ledger ngay lập tức đặt Phạm Xuân Ẩn dưới sự che chở của mình. Ông Ledger thích chơi đàn guitar và ăn mặc như cao bồi. Thứ tư nào ông và Phạm Xuân Ẩn cũng ngồi xem đánh box trên tivi và tối chủ nhật nào hai bác cháu cũng xem đánh bowling. Ông Ledger có chiếc xe tải hạng nhẹ mui che, sau này ông đã dạy cho Phạm Xuân Ẩn biết lái ôtô. Phạm Xuân Ẩn cho biết:

- Tôi yêu quí và coi ông gần như một người cha. Ông đã giúp đỡ tôi khi tôi đang phải chịu đựng nỗi đau khủng khiếp là mất cha. Ông là một người tốt, luôn muốn tôi không cảm thấy lạ khi đến nơi ở mới của mình, muốn tôi là một phần của một gia đình mới. Lúc đầu những ngày mới đến, tôi thấy cô đơn nên ông đã cố làm cho tôi cảm thấy rằng mình được chào đón tại nơi ở mới này.

Ngày cuối tuần đầu tiên ở Trường Orange Coast (OCC) người ta tổ chức khiêu vũ. Ông Ledger cứ thúc ép Phạm Xuân Ẩn, khi ấy rất miễn cưỡng, tham dự buổi khiêu vũ để được gặp nhiều người. Khi Phạm Xuân Ẩn vừa bước vào phòng dancing, tất cả các cặp mắt đều đổ dồn vào anh chàng Việt Nam đầu tiên sang học ở OCC và cũng là người Việt Nam đầu tiên ở Quận Cam thời đó. Ông nhanh chóng bị các bạn cùng lớp đặt cho biệt danh "confucius". Phạm Xuân Ẩn nổi bật trong đêm khiêu vũ đó chỉ đơn giản là vì ông là người châu Á, nhưng lại mặc complet cravat đến dự cuộc dancing của phương Tây.

Tối hôm đó, đang hy vọng mình chỉ là người thừa đứng ngoài xem thôi, nào ngờ một bạn nữ sinh viên đến mời Phạm Xuân Ẩn ra nhảy cùng. Phạm Xuân Ẩn hoàn toàn bối rối. Nói đúng theo nghĩa den thì lúc đó, ông như bị đóng băng tại chỗ vì xưa nay ở Việt Nam ông chưa hề khiêu vũ, cũng chưa từng nắm tay một người phụ nữ nào. Cô nữ sinh viên vừa mời vừa ép buộc Phạm Xuân Ẩn ra nhảy, nói rằng cầm tay khi khiêu vũ thì OK. Cuối buổi tối hôm đó, cô nữ sinh gợi ý Phạm Xuân Ẩn nên đăng ký học một lớp khiêu vũ thay cho môn thể dục. Tám tháng sau, Phạm Xuân Ẩn trở thành một tay nhảy cừ. Khi tổng kết năm học đầu tiên ở OCC, trong một bài báo viết để đăng trên tờ báo của nhà trường "the Barnacle", Phạm Xuân Ẩn viết rằng:

"Lớp học khiêu vũ giải trí đã giúp tôi khắc phục được sự ngượng ngùng cao độ của mình chỉ vì sự khác biệt về văn hoá".

Trong cuốn niên giám trường OCC, Roberta Seibel viết:

- Anh là người khiêu vũ giỏi. Hãy sống tốt như chính anh đã từng nhé.

Khi tôi nói chuyện với bà Judy Coleman - một người bạn của Phạm Xuân Ẩn trong cuộc khiêu vũ chia tay trước khi về nước một năm sau đó, bà Judy Coleman cho biết:

- Anh ấy là một người khiêu vũ giỏi không thể tưởng tượng được. Hôm đó, chúng tôi đã nhảy với nhau suốt đêm. Anh ấy thật quyến rũ.

Mỗi khi gặp những người mới quen của mình, Phạm Xuân Ẩn thường nói:

- Tôi đến từ Việt Nam.

Một số sinh viên nhớ lại rằng trước đó vài tháng, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã sang thăm Hoa Kỳ, nhưng rất ít người biết được nước Việt Nam xa xôi ấy nằm ở chỗ nào trên bản đồ thế giới. Trên các bản đồ cũ của Pháp, quê hương của Phạm Xuân Ẩn chỉ là một phần của xứ Đông Dương thuộc Pháp. Câu chuyện này còn trở nên rối rắm hơn tại buổi học đầu tiên về báo chí, khi ông Maurice Gerard, người được phân công giúp đỡ Phạm Xuân Ẩn, đã giới thiệu ông với các bạn nhà báo đầy hoài bão cùng lớp. Pete Conaty, từng công tác tại khu vực phía bắc thành phố Huế của Việt Nam với tư cách một sĩ quan tình báo chiến lược kỹ thuật, liền nói chen vào một cách bổ bã:

- À, vậy là cậu đến từ nơi có trận đánh lớn Điện Biên Phủ chứ gì?.

Phạm Xuân Ẩn liền đáp lại:

- Điện Biên Phủ chỉ là một phần của Việt Nam! Bản đồ Pháp trên tường kia đã quá lạc hậu rồi. Chúng ta cần phải có một tấm bản đồ mới!.

Hơn bốn mươi năm sau, Phạm Xuân Ẩn nhắc lại buổi học đó trong email của ông gửi cho một sinh viên khác, đồng thời là người bạn đặc biệt của ông thời đó, Lee Meyer:

- Tôi đoán rằng đến bây giờ thì chắc bạn đã nhận ra lúc ấy tôi đã cảm thấy thế nào khi tên của đất nước tôi không có trên tấm bản đồ đó. Ngày ấy, đất nước tôi còn là một thuộc địa của Pháp.

Sau này một người bạn của Phạm Xuân Ẩn là Ross Johnson nhớ lại:

- Ông Ẩn luôn tỏ ra là người chống thực dân rất mạnh mẽ.

Vài năm sau, Phạm Xuân Ẩn và Pete Conaty được bố trí làm việc tại hai nơi cùng ở miền Nam Việt Nam, nhưng cách nhau vài trăm kilômét. Cả hai đều hoạt động tình báo, nhưng phục vụ cho hai bên khác nhau. Khi tôi nói điều này với Phạm Xuân Ẩn, ông tỏ ra thất vọng một cách chân thành:

- Tôi không biết Pete Conaty ở đó. Rất tiếc là cậu ấy đã không đến Sài Gòn để gặp tôi. Tôi đã nói với tất cả bạn bè cùng lớp rằng nếu có ai đến Sài Gòn, thì nhớ liên hệ với tôi. Đáng lẽ Pete Conaty phải làm như vậy chứ?.

Tôi hỏi Phạm Xuân Ẩn rằng liệu ông có cảm thấy bối rối khi phải tiếp đón một sĩ quan tình báo Mỹ không? Ông đáp:

- Không hề. Chúng tôi đều là những người bạn tốt của tờ báo nhà trường Barnacle. Nếu Pete Conaty tới, tôi sẽ giới thiệu cậu ấy với những người bạn của tôi như Bob Shaplen và những người làm ở Tạp chí Time. Tất cả chúng tôi đều là nhà báo mà.

Một trong những khía cạnh nổi bật trong thời kỳ Phạm Xuân Ẩn ở California là mức độ ông học được tất cả mọi khía cạnh trong cuộc sống ở trường. Nói một cách nôm na là ông đã thấm vào nền văn hoá Mỹ. Trong khi nhiều điệp viên phải chấp nhận mình luôn ở một vị trí không nổi bật, thì Phạm Xuân Ẩn lại chọn cách thâm nhập vào cuộc sống để tạo thêm vỏ bọc cho mình. Ông thường xuyên tham gia các trận đấu bóng đá và các bữa tiệc trên bãi biển, trở nên nổi tiếng là người thích đùa. Ông cũng thường xuyên phải nằm chờ cho ông bạn cùng ở ký túc xá là Ross Johnson tắm trước. Trong những toà nhà ký túc xá ọp ẹp các mối hàn đã long lở, mỗi lần Phạm Xuân Ẩn xả nước toilet thì lại phá lên cười, vì ông biết khi đó Ross Johnson trong nhà tắm sẽ bị một đợt nước lạnh như băng dội vào. Johnson nhớ lại:

- Cậu ấy hay nghịch ngợm cho rằng thế là vui. Tôi thích Phạm Xuân Ẩn. Không một ai mảy may nghi ngờ cuộc đời bí mật của cậu ấy. Tôi nghĩ, tôi đã rất hiểu Phạm Xuân Ẩn.

Gần đến ngày Lễ Tạ ơn năm 1957, tờ báo nhà trường Barnacle đăng bài đặc tả về việc Phạm Xuân Ẩn đến khu học xá kèm một bức ảnh ông Ẩn với lời chú thích bên dưới: "Trong tiếng Anh, bạn nói điều ấy thế nào?". Bài báo đó - bài báo đã tạo cơ sở cho vỏ bọc của Phạm Xuân Ẩn, viết rằng:

"Một sinh viên ngoại quốc mới đặt chân đến OCC hôm 12/10 và hiện đang sống tại ký túc xá của trường. Tên của sinh viên ấy là Phạm Xuân Ẩn, một người Việt Nam, một người châu Á đến từ Viễn Đông. Anh hy vọng kết thúc khoá học hai năm ở OCC, sau đó trở về Sài Gòn, thành phố quê hương của anh và làm việc cho Tổ quốc anh với tư cách một nhà báo… Phạm Xuân Ẩn hiện giờ đang tiếp tục khám phá những điều mới lạ về cuộc sống của anh ở ký túc xá và ở trên nước Mỹ. Với cách này, anh có thể tìm thấy và làm được những điều mà anh muốn để mang về đất nước quê hương của anh.

Phạm Xuân Ẩn nhanh chóng ổn định học tập và làm quen với cuộc sống sinh viên ở Orange Coast. Trong vở kịch của sinh viên mang tên "Quí bà Ba Tư và Omar Khavam, Phạm Xuân Ẩn đóng vai vũ công Xiêm múa con rồng ở thế phòng vệ. Tờ báo nhà trường Barnacle mô tả đó là "múa võ judo tự phạt".

Phạm Xuân Ẩn đặc biệt thích tham gia các buổi hội truyền thống của sinh viên nhà trường trong đó có món thịt heo quay, tụ tập đám đông, múa kiếm do anh sinh viên Tualua Tofili, một người bạn của ông từ đảo Samoa tới. Trong một cuốn niên giám nhà trường có đoạn lưu bút do nữ sinh viên Paula Jacoby nói về Phạm Xuân Ẩn như là một người quân tử:

- Tôi rất vui khi được biết bạn. Tôi hy vọng năm tới bạn vẫn ở lại đây với chúng tôi. Đừng trở về đất nước quê hương của bạn. Cám ơn bạn vì chiếc áo len mà bạn trao cho tôi tại buổi hội trường Luau. Chiếc áo đã giữ cho tôi khỏi bị lạnh. Hẹn gặp lại bạn vào năm tới. (Giữ gìn nhé).

Thân mến, Paula Jacoby.

Phần lý thú nhất trong thời gian Phạm Xuân Ẩn sống ở đây là những lúc làm việc trong Ban thời sự của tờ báo Barnacle của trường. Ông đã xây dựng tình bạn thân thiết với Rosann Rhodes, Rich Martin, Pete Conary, Ross Johnson, và Lee Meyer. Chính Phạm Xuân Ẩn đã giới thiệu làm mối cho Rosann và Rich. Chẳng bao lâu sau đó, hai người đã đính hôn.

Năm 1961, Rosann Martin viết thư cho Phạm Xuân Ẩn ở Sài Gòn, bày tỏ sự thất vọng rằng ông Ẩn đã không dự được đám cưới của họ. Tuy nhiên, Rosann vẫn muốn Phạm Xuân Ẩn biết một điều:

"Bức ảnh của bạn được dán trong cuốn sách về ngày cưới của chúng tôi với lời chú thích: Làm sao để chúng ta gặp được nhau".

Phạm Xuân Ẩn thích xuống thuyền ra khơi Newport cũng như dự các bữa tiệc và hội lớp trên bãi biển (ảnh trong Bộ sưu tập cá nhân của Phạm Xuân

“Điệp viên hoàn hảo” của Giáo sư Larry Berman/ Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Điệp viên anh hùng Phạm Xuân Ẩn (kỳ 5): California rộng mở" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn