"Điệp viên giữa sa mạc lửa” qua ký ức của người con gái 

Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Hữu Thúy là một trong những nhà tình báo kiệt xuất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Rất tiếc cho đến nay, sách báo viết về Ông chưa nhiều. Bạn đọc chỉ biết một phần về Ông và Lưới tình báo H10-A22 qua tiểu thuyết “Điệp viên giữa sa mạc lửa” mà Nhà xuất bản Công an nhân dân đã ấn hành cách đây gần 30 năm.
can-bo-tinh-bao-1635382565.jpg
Ảnh do tác giả lựa chọn

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng 30/4/1975, tập san “Người yêu sách” xin giới thiệu bài viết của bà Lê Thanh Hương, con gái Nhà tình báo Anh hùng. Ngày nay, bố tôi thường được nhắc đến dưới tên gọi Điệp viên giữa sa mạc lửa. Đó là tên cuốn tiểu thuyết Bố đã viết khoảng năm 1980 dưới bút danh Nhị Hồ, bút danh Bố vẫn dùng thời hoạt động làm ký giả của Sài Gòn. Nhị Hồ nghĩa là thứ hai sau Hoàng Hồ. Thoạt đầu thấy Bố trầm tư bên chiếc máy đánh chữ với điếu thuốc trong tay gần như luôn cháy đỏ và hai chữ “điệp viên” trong tựa đề khiến tôi nghĩ về những câu chuyện thời trước Bố vẫn viết cho tờ Thám tử Kỳ hiệp của bác Hoàng Hồ.

Sách xuất bản tôi cũng chưa đọc chỉ kể với vài bạn thân khi họ thăm hỏi việc gia đình. Đến khi một người bạn ấy xin một cuốn do thân mẫu anh yêu cầu vì tình cờ đọc và thấy câu chuyện thật như đã xảy ra lúc bà còn hoạt động địch vận. Tôi về kể lại, xin Bố ký đề tặng bạn sách và bản thân bắt đầu đọc. Cuốn sách như lắp cho tôi những mảng ký ức còn trống về Bố, ghép vào cuộc đời mà tôi biết giúp tôi hiểu hơn cuộc đời, sự nghiệp của Bố.

Bố sinh ra, lớn lên trên quê hương Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Là người con trai duy nhất nên luôn được bà nội và 5 chị em gái nhường phần cơm ít ỏi của cả nhà vào những năm tháng thiếu đói. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, tham gia hoạt động thanh niên cứu quốc rồi gia nhập lực lượng công an, Bố tôi luôn tự hào được đứng vào hàng ngũ của Đảng thời điểm 1950 và được tổ chức cho ra Hà Nội, lúc ấy đang vùng tạm chiếm, học đại học để phục vụ lâu dài cho cách mạng . Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Bố nhận nhiệm vụ vào Nam trong dòng người di cư. Ba tập của tiểu thuyết “Điệp viên giữa sa mạc lửa” gần như kể lại toàn bộ giai đoạn Bố hoạt động trong chế độ Mỹ - Diệm. Chỉ một sự thật không nói đến là đằng sau Bố có Mẹ tôi âm thầm hổ trợ.

Chuyện Bố rồi đến Mẹ bị bắt giam ở Huế năm 1959, ba chị em tôi, những đứa con đầu mới tập đi tập nói cũng theo Mẹ chia cơm tù thì tôi chỉ còn lại ít hình ảnh lờ mờ trong ký ức như về trận lụt ngập phòng giam, Mẹ và các O đặt chúng tôi lên giường tầng, la rầy khi chúng tôi cứ thò chân xuống khuấy nước… Bố thực sự hiện diện rõ ràng nhất với chị em tôi chỉ khi chúng tôi lên 8, lên 10.

Mỗi dịp tưởng nhớ Bố Mẹ, qua từng mẫu chuyện nhỏ mà ghi sâu nhất trong từng đứa, tôi mới phác họa nên những nét chân dung về Bố. Điểm chung nhất ở chúng tôi là rất thích cách Bố quan tâm việc học tập của chị em tôi qua khả năng tư duy vấn đề chứ không đặt nặng về điểm số hay thứ hạng. Điểm khác biệt là Bố hướng dẫn mỗi đứa phát huy theo khí chất riêng.

Thuở ấy, tôi thường ghen tị vì Bố trao nhiều quyền hạn cho chị Hai: giúp mẹ, dạy bảo các em, không cho phép bất kỳ sự tranh cãi nào của đám em bướng bỉnh… Sau này tôi mới hiểu, đó là gánh trách nhiệm nặng nhất Bố trao cho chị phòng khi Bố vắng nhà. Cho đến giờ, Bố Mẹ đã xa chúng tôi 15 năm rồi, chị vẫn trung thành với trách nhiệm người chị cả.

Kiểm tra bài tập làm văn của tôi, Bố khen tôi viết văn tốt nhưng chữ xấu. Để rèn chữ cho tôi, Bố nằm trên ghế dựa, tiểu thuyết kiếm hiệp bằng chữ Hán trong tay, vừa dịch vừa đọc sang tiếng Việt bắt tôi viết chính tả, tập viết thẳng hàng trên loại giấy không dòng kẻ. Sau khi sửa lỗi bằng bút đỏ như thầy giáo, những trang chữ vụng về đó được Bố giao cho tòa soạn để in báo từng kỳ. Một đôi lần, đến kiểm tra việc ở nhà in Gia Long, Bố cho tôi theo. Tôi được nhìn bác thợ xếp những con chữ chì lên bảng kẽm, thấy Bố tôi gỡ ra thay những hàng chữ khác… Lúc ấy tôi chưa biết làm thư ký tòa soạn, viết tiểu thuyết, phóng tác, dịch kiếm hiệp… là một bình phong công tác của Bố.

Tôi còn được giao một công việc “tin cậy” là mỗi tuần một lần, vào buổi chiều ngồi sau chiếc Vespa 50 của Bố đến một số địa chỉ, tôi ngồi ngoài đường giữ xe hàng giờ đồng hồ để Bố vào gặp một ai đó. Dần dần tôi biết “đối tác” sẽ là bác Hoàng Hồ vì cái cà mèn Mẹ đưa tôi mang theo, lần thì món canh hầm khổ qua nhồi thịt, lần thì món thịt kho tàu, cá kho tộ…. Mẹ bảo bác Hoàng Hồ gái cũng đi làm, hai bác ăn cơm tháng và rất mê món ăn của Mẹ nấu.

Trường hợp “đối tác” là bác Huỳnh Văn Trọng thì không có thức ăn mang theo ngược lại, bác Trọng gái sẽ gởi cho chị em tôi ít kẹo bánh bác trai vừa đi nước ngoài mang về. Thỉnh thoảng, trên đường về, Bố con ghé vào hàng chè ở Lăng ông Bà Chiểu, mua ít bao chè xâm bổ lượng về cả nhà cùng ăn.

Riêng chỉ một người Bố tôi tiếp tại nhà là bác Vũ Ngọc Nhạ, Bố Mẹ bảo chúng tôi gọi bác Hai. Bác Hai đến mỗi tuần, thường ngồi trò chuyện với Bố tôi có khi cả buổi, những lúc ấy chị em tôi được ra chơi với các bạn trong xóm, bác Hai về thì Mẹ sẽ gọi về dọn cơm!

Từ sau sự kiện Mậu Thân 1968, xuất hiện thêm vài người Bố gặp gỡ, có những chuyến đi cùng Bố lạ hơn. Một địa điểm mới là ngôi chùa có khu vườn rộng che khuất ở gần chân cầu Băng Ky (nay thuộc Bình Thạnh). Đến đó, tôi sẽ được thả cho chạy trong vườn, được một bác già râu bạc, gọi là bác Diệp, hái cho ít quả mận, ổi trong khi Bố tôi nói chuyện với Dì Chín. Những chuyến đi này thường cách tháng một lần.

Sang năm 1969, những chuyến đi thưa dần, có lần Bố đưa tôi túi nilon nhỏ đựng mấy viên “thuốc con nhộng” bảo bỏ túi nếu ai hỏi thì nói mua thuốc cho em, đến ngôi chùa Bố chỉ đứng ngoài lộ, bảo tôi vào đưa túi thuốc cho Dì Chín. Một lần khác, xe đi tới khoảng chùa Long Vân Tự (đường Bạch Đằng, Bình Thạnh) thì Bố bảo khẽ “Không được, bị theo dõi rồi con” và quay xe lại hướng Đa kao, vào rạp Văn Hoa cho tôi xem bộ phim kiếm hiệp mới do diễn viên Đài Loan Trịnh Phối Phối đóng rồi về nhà. Lần đầu tiên, tôi thật sự nhận ra Bố tôi đang làm một việc gì khác thường lắm.

Một tuần trước khi bị bắt (tháng 7/1969), Bố lại đưa tôi đến địa điểm này, Người đứng ngoài bảo tôi chạy vào hỏi Dì Chín “Bác Tư đi chưa?”. Dì Chín trả lời “Con nói Bố, Bác Tư đi rồi”. Sau ngày Bố tôi bị địch bắt, trên truyền hình Sài gòn đưa tin hai ngày liền: trọng thưởng 2 triệu đồng cho ai biết hoặc thông tin về tên Việt Cộng nằm vùng Tư Lê tự Tư Rỗ. Nhìn tấm hình, tôi nhận ra người đã từng đến thăm, ở lại trong nhà tôi mấy ngày sau trận Mậu Thân và cũng xác định chính là “Bác Tư” mà Bố và Dì Chín nói đến.

Đêm ấy, khoảng 11g30, cơn mưa vừa tạnh, cảnh sát ập vào nhà tôi lục soát, gần như lật hết cả giường chiếu, ngóc ngách, Mẹ và chị em tôi bị dồn vào một góc rồi chúng “mời” Bố tôi đi. Ba tên cảnh sát ngụy đã ở lại canh giữ trong nhà hơn tháng, tiếp tục bắt tất cả ai ra vào nhà tôi gồm những bà con, chú y tá chích thuốc, bà cụ hàng xóm sang giúp giặt giũ vì Mẹ tôi mới sinh em Kiều được 17 ngày!

Một tuần sau, khoảng 9g sáng, chúng đưa Bố tôi về lục soát lần thứ 2. Tôi nghe Bố nói với Mẹ rằng có người bị đòn khai bậy Bố tôi có giấu súng trong nhà. Lần này chúng còn đập cả sàn nước để tìm hầm. Mặc chúng tìm kiếm, Mẹ con tôi lúc ấy chỉ quan tâm nhìn Bố. Mẹ nhanh trí lấy cớ rót nước, giúi em Kiều vào lòng Bố. Em tè ướt, Mẹ đã chuẩn bị sẵn bộ quần áo cho Bố thay mà bọn cảnh sát không kịp cản để Mẹ con tôi nhìn thấy những vết bầm tím, đỏ trên mình, trên cách tay, trên đùi Bố.

Sự vững vàng của Mẹ lúc ấy đã là bệ đỡ cho chị em tôi. Mẹ giải thích cho chúng tôi Bố không muốn nước mình bị lệ thuộc, Bố tham gia cách mạng. Ngày ấy tôi hiểu việc cách mạng thì ít nhưng thù bọn cảnh sát bắt giam, đánh đập Bố vô cùng.

Tôi nhớ lại, cuối năm 1973, thực hiện Hiệp định Paris, địch phải trả Bố về Lộc Ninh. Bố lập tức liên lạc và tổ chức để Mẹ đưa chị em tôi ra vùng giải phóng.

Sau ngày chiến thắng, chị em tôi trở lại thành phố vô tư tiếp tục con đường học vấn. Mãi sau này tôi mới biết giai đoạn này là một cuộc thử thách thứ hai Bố phải trải qua, lần này là kiểm tra lòng trung thành của Bố trong 20 năm hoạt động. Bố đã chờ đợi kết luận bằng sự kiên trì. Cũng chính trong giai đoạn này, được sự động viên của đồng đội và Nhà xuất bản Công an nhân dân, Bố đã viết xong 3 tập tiểu thuyết “Điệp viên giữa sa mạc lửa”, mà tư liệu chính là cuộc chiến đấu của Bố và đồng đội.

Cuối cùng, Tổ chức cũng xác minh xong công và tội, phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT cho Lưới tình báo H10-A22. Bố tôi được phục hồi Đảng tịch, Bộ Quốc phòng báo trả sổ hưu và mời trở lại phục vụ Ngành tình báo quân đội.

Năm 1995, Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Công an tặng Giải nhất cho cuốn tiểu thuyết “Điệp viên giữa sa mạc lửa”. Năm 1996, Đảng – Nhà nước phong tặng Bố tôi Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Bố tôi thỏa lòng lắm.

Đầu năm 1990, tôi trở thành trợ lý cho Bố công tác ở Tổng Cục II Bộ Quốc phòng. Trong suốt 10 năm cho đến ngày Bố tôi mất (tháng 3/2000), tôi được Bố huấn luyện nghiêm túc về “kỹ năng”: giao công việc Bố không cho tôi ghi chép dù là địa chỉ đến làm việc, mà bắt phải tập trung nghe, nhớ; đúng giờ, chính xác từng phút; nghe nhiều, nói ít; phong cách, trang phục phù hợp… Tuy vậy, bài học khó nhất là bài học đạo đức nghề gồm hai điều cơ bản: Một, không giành công cộng tác viên làm của mình; Hai, không nói thật không có nghĩa là nói dối.

Bố tôi giải thích điều thứ nhất: mỗi cơ sở, cộng tác viên chỉ được cấp trên biết qua một bí số, công lao đóng góp của anh em được ghi nhận hay không là ở chỗ cán bộ phụ trách có đưa bí số của họ vào báo cáo.

Điều thứ hai: do nhiệm vụ buộc ta không bộc lộ thân phận, công việc nhưng qua cách gợi mở và thái độ đúng mực khi xử lý quan hệ, cộng tác có thể xây dựng lòng tin, “chia sẻ” với ta “vấn đề” họ quan tâm – cũng chính vấn đề ta quan tâm; giáo dục, giác ngộ cũng ở đó. Dần dần, khi những “chia sẻ” trở nên quan yếu, chúng ta bắt đầu chuyển họ lên mức quan hệ cao hơn.

Nói cách khác, Bố dạy tôi: Cán bộ tình báo Việt Nam không phô trương màu sắc như Điệp viên 007, không ly kỳ như Xê mô nốp trong 17 khoảnh khắc mùa Xuân… mà rất đời thường, lấy lòng đo lòng, bởi cuộc cách mạng của chúng ta đã rất chân thật, rất dễ thuyết phục, người có tâm hướng về quê hương, truyền thống nhất định sẽ nhận ra đường đi lối về.

Theo Chuyện làng quê