Điệp viên H.3 (Kỳ cuối): Điều nuối tiếc của thủ trưởng Hai Kim

Như rất, rất nhiều phụ nữ Việt Nam tham gia cách mạng trong chiến tranh, người vợ, người mẹ trẻ Nguyễn Thị Xuân ’’gói’’ hạnh phúc riêng tư lại. Chiến tranh là chia ly, thậm chí là mất mát, mà cuộc đời đại uý tình báo Hai Kim chỉ là một trong nhiều ví dụ.
tinh-bao-1641618595.jpg

Lưới điệp báo A3 trong một lần gặp mặt. Từ trái sang: Ba Minh (H.3), Nguyễn Văn Chí, Nguyễn Thị Nguyệt (H.4), Hai Kim (T2). Ảnh: Tư liệu gia đình.

 

“Tôi giờ đã quên nhiều rồi, muốn hỏi gì thì phải tìm chị Hai Kim”. Lúc nào ông Ba Minh cũng nói về người đồng đội đặc biệt của mình như vậy. Đến ngay cả bây giờ, ông vẫn luôn một điều “chị”, hai điều “chị” khi nhớ về người phụ nữ thông minh ngay từ lần đầu gặp gỡ. Và niềm kính trọng của ông còn nhân lên gấp bội khi đến mãi sau khi hoà bình, ông mới hay: Chị là thủ trưởng!

Những bước chân trở về

... Năm 1966, Nguyễn Thị Xuân đang là cô sinh viên ĐHSP ngành Hoá lý. Khi đó, các trường ĐH đang tuyển chọn người đi B. Xuân nghĩ, trình độ thì mình đạt được, nhưng sức khoẻ thì kém vì cô chỉ nặng có 38,5kg, 42kg mới đủ tiêu chuẩn. Rất nhiều lần làm đơn xin đi B không được. Trong khi đó, chị lại là người Nam, tập kết ra Bắc. Tháng 8/1966, học xong chị được giữ lại trường. 

Tháng 3/1967, Phòng tình báo Miền có nhu cầu tìm người hoạt động tại chiến trường miền Nam. Một cán bộ của phòng về trường Hai Kim tuyển người. Hôm ấy, trưởng phòng của Hai Kim đi vắng, chị phải tiếp khách thay. Cách nói chuyện, tác phong cùng với thông tin 6 lần chị xin đi B không được đã gây bất ngờ cho cán bộ nọ. Chị ’’thuyết phục’’ người này một cách tự nhiên, không mảy may suy nghĩ mình sẽ được lựa chọn. 

Cuối cùng, Nguyễn Thị Xuân đã được toại nguyện. Sau 1 thời gian đào tạo về nghề nghiệp, ngày 1/4/1967, Nguyễn Thị Xuân lên đường về Nam, với bí danh Hai Kim.

Vượt vỹ tuyến 17 tại Quảng Trị, theo con đường hợp pháp, Hai Kim tới Huế. Trong vai đi tìm người thân đi lính tại Huế nhưng không gặp, Hai Kim ra Phú Bài mua vé máy bay vào Sài Gòn.

Tuy nhiên, khi đặt chân tới mảnh đất này, Hai Kim bị mất liên lạc, dù đã tới địa điểm hẹn chính lẫn địa điểm dự phòng đúng hẹn.

Vậy là suốt thời gian sau đó, chị phải tự mình tìm cách tồn tại giữa Sài Gòn đầy rẫy mật vụ, an ninh giăng lưới nhện dày đặc. Hai Kim phải đi ở đợ cho 1 gia đình người Hoa để lấy tiền trang trải cuộc sống, chờ cơ hội bắt liên lạc với tổ chức. 

Rối cơ hội cũng tới, sau 1 thời gian người có thể liên lạc với căn cứ thử thách, chị được “móc” về R (căn cứ), sau đó nhận nhiệm vụ xuống bổ sung cho Cụm A33 ở miền Tây.

Sau đó, ông Ba Phấn (Nguyễn Văn Phấn, Cụm trưởng Cụm tình báo A33, ở Cần Thơ) yêu cầu bà đi móc nối với anh Nguyễn Văn Minh (Ba Minh), em rể của chị Sáu Chi, là y sĩ của quân khu 9. 

Hai Kim đến với anh em nhà Ba Minh vào năm cuối 1973, xây dựng lên lưới điệp báo A3 đã nói ở trên. Chỉ trong 1 năm hoạt động, với những thành tích xuất sắc, cả H3 và T2 đều được cấp trên xét tặng Huân chương chiến công hạng 3. 

Tháng 4/2007, bà Hai Kim lại có thời gian ngồi kể lại những phút giây hiểm nguy đã qua trong khi quãng đời hoạt động của mình. Những năm , dù được tổ chức cấp tiền nhưng bà vẫn tiết kiệm tiền nhà nước, di chuyển bằng xe buýt cho… rẻ. Suốt thời gian chuyển tài liệu, bà thường xuyên đi xe buýt. 

“Lúc từ cứ đi vào thành thì nó không xét, lúc mang tài liệu từ thành vô cứ thì nó hay xét. Những chỉ thị cấp trên giao cho lưới, chỉ nhớ trong đầu chứ không ghi ra giấy”, bà nhớ lại. 

gia-dinh-1641618666.jpg

Cô sinh viên Nguyễn Thị Xuân những năm tháng còn học ĐH Sư phạm tại miền Bắc. Ảnh: Tư liệu gia đình. Người Chỉ huy trực tiếm H.3

Mỗi lần vận chuyển tài liệu, bà thường mang tới 4-5 tờ giấy pơluya. Mang tài liệu trong người, “nhiều lúc cũng  run”. Trên đường ra khỏi nội thành có nhiều trạm kiểm soát, Hai Kim luôn cố gắng tránh những trạm xét gắt gao và bằng mọi cách vượt qua.

Chỉ có 2 lần, Hai Kim bị giữ với cùng 1 tội. Năm 1968, bà bị bắt ở gần sông Sài Gòn vì cư trú bất hợp pháp. Cảnh sát bắt bà đưa vào khám (trại giam), phạt 200 đồng. “Lần đầu vi phạm, nó trả lại căn cước”, bà cười. 

Lần sau, cũng bởi tội “cư trú bất hợp pháp”, bà bị thu giữ giấy tờ, phải về tận miền Tây xin lại. Đóng 200 đồng tiền phạt, bà khai mù chữ, chỉ biết điểm chỉ vào giấy nhận. 

Khi nghe bà kể lại chuyện này, Cụm trưởng Ba Phấn phải phì cười: “Nhìn cái mặt cô bảo không biết chữ, ai tin cho nổi ”. Vậy là rốt cuộc, trong quãng thời gian hoạt động, mà mất 400 đồng tiền “phí” lót tay.

Những ngày tháng 4 này, bà lại ngồi nhớ về kỷ niệm ngày 30/4/75. Đúng thời khắc lịch sử đó, bà mở cả đài Sài Gòn, đài Hà Nội để nghe thông tin. 

Trên đài Sài Gòn, tướng Ngô Quang Trưởng kêu gọi tử thủ, khẳng định đã có mặt trận tiền phương ở Phan Rang, Phan Thiết, kêu gọi bảo vệ thủ đô Sài Gòn, kêu gọi hoà hợp dân tộc. Cũng trên đài Sài Gòn, sáng 30/4, tướng Nguyễn Hữu Hạnh thay tướng Cao Văn Viên, kêu gọi binh lính “sẵn sàng chờ lệnh Tổng thống”. 

Còn đài Hà Nội đưa tin, quân giải phóng tiến tới đầu Sài Gòn, sắp giải phóng! 

Khi đó, bà ngồi trong nhà cơ sở ngay nội ô, chờ đến chiều 30/4, chạy đi tìm Ba Minh ở khu gia binh. Trước đó, hai người đã căn dặn cách để bảo vệ nhau...

Một mình, ngồi bên nào cũng lệch…

Cả cuộc đời cách mạng, bà chứng kiến nhiều nỗi đau, mất mát. Bà kể lại, ngay cả thời còn hoạt động, vợ chồng cách nhau không xa nhưng sống bên nhau chẳng được bao nhiêu. Vì nhiệm vụ, vì yêu cầu của tổ chức, vì bí mật của nghề tình báo. 

Như rất, rất nhiều phụ nữ Việt Nam tham gia cách mạng trong chiến tranh, người vợ, người mẹ  trẻ Nguyễn Thị Xuân ’’gói’’ hạnh phúc riêng tư lại. Bí số T2 dành tất cả nhiệt huyết cho nhiệm vụ tổ trưởng tình báo trong lưới A3, trực tiếp chỉ huy H3.

Chiến tranh là chia ly, thậm chí là mất mát, mà cuộc đời đại uý tình báo Hai Kim chỉ là một trong nhiều ví dụ.  

Với cuộc đời Hai Kim, hạnh phúc riêng tư như làn gió thoảng, chỉ ghé qua cuộc đời bà một thời gian ngắn rồi vội vã ra đi. Cả cuộc đời hoạt động qua nhiều lĩnh vực khác nhau với nhiều thành công, nhưng số phận riêng đã không mỉm cười với bà. 

Tháng 4/ 2007, trong một ngôi nhà bé tẹo nép mình sâu trong ngõ nhỏ giữa TP.HCM ồn ã, bà Hai Kim đang sống cùng người cháu, nên lúc nào bà cũng thấy căn nhà rộng thênh thang. Trên bàn thờ, ngoài ảnh Bác Hồ, ảnh cha mẹ, còn có một tấm ảnh chồng bà: ông Trang Văn Tỏ. Ông đã bỏ bà đi đã mấy chục năm rồi. 

Thời chiến, số bữa cơm ăn hai vợ chồng ăn với nhau chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thời bình, một mình một mâm cơm, bà ngồi bên nào cũng lệch… 

... Năm 1951, trong một lần đi công tác, hai ông bà gặp nhau rồi quen nhau trong chiến khu. Họ có cảm tình rồi được tổ chức hỏi cưới giữa rừng. Bà nhớ hồi đó, ông thương bà, có viết thư mà không dám gởi. Sau được đơn vị gợi ý, giúp đỡ, đặt vấn đề cho 2 người, thì Tỏ mới dám đưa thư cho Xuân coi. 

Bà cười nhẹ nhàng: ’’Hồi đó hổng dám nói yêu anh, yêu em gì, mà chỉ nói đại khái đi công tác thấy quen, thấy nhớ, viết thơ thăm hỏi. Hẹn nhau khi nào chuyển qua công tác thì đến các xã chơi...’’. 

Đám cưới được tổ chức trên rừng, có cắt giấy làm hoa, uống nước suối, ăn bánh kẹo. Ngày cưới không có áo cô dâu, chỉ có bộ bà ba đen đưa Xuân... ’’về nhà chồng’’. Đó là quãng thời gian hạnh phúc nhất cuộc đời bà.

Đến tháng 7/1952, khi Xuân đang mang thai thì chồng bị bắt tại huyện Cần Giờ. Tháng 10/1952, Xuân sinh con. Đến tháng 7/1954, tất cả quân dân chánh từ cấp huyện trở lên đều phải đi tập kết ra Bắc. Vợ chồng chia ly. 

’’Mấy ai ngoái nhìn đếm bước chân mình đã qua...’’

Mặc dù, một trong những nguyện vọng để trở về Nam của Xuân là có thể được gặp lại gia đình sau 13 năm xa cách, mong được ôm con vào lòng, kể cho chồng nghe những câu chuyện xảy ra trong khoảng thời gian chia xa đằng đẵng, nhưng Xuân vẫn phải nén lòng lại vì yêu cầu nhiệm vụ: Không được bắt liên lạc với gia đình.

Hình ảnh này được ghi lại trong ngày 28/4/2007, khi Đoàn 22 tổ chức buổi gặp mặt truyền thống. Ẩn sau nụ cười này, là quá nhiều mất mát đối với cuộc đời 1 người phụ nữ. Nhưng người chỉ huy lưới điệp báo A.3 luôn nhắc rằng: "Có mấy ai đi suốt một ngày đường, cuối ngày lại ngoảnh nhìn phía sau, đếm coi mình đã đi được mấy bước chân?. Hạnh phúc của mình là nhìn tới tương lai". Nay, bà nói rằng bà luôn sống thanh thản, vì đã hoàn thành nhiệm vụ tổ chức giao, hoàn thành nghĩa vụ đối với Tổ quốc.  Ảnh: Thế Vinh.

 

Về Nam năm 1967, trong khoảng thời gian chờ đợi bắt liên lạc với tổ chức, Hai Kim thuê nhà ở Sài Gòn, chỉ cách nơi ở của gia đình có… 15km, nhưng không thể ghé thăm.

Rồi nhiệm vụ cuốn Hai Kim đi, mải miết. Giải phóng rồi, người phụ nữ này về tìm lại gia đình, mong thấy chồng, gặp con. Tưởng đâu sẽ lại có những tháng ngày hạnh phúc. Nhưng tới lúc đó, bà mới hay, núm ruột của mẹ Xuân đã mất khi vừa được 8 tuổi. Chồng chị cũng đã hy sinh năm 1966. Từ đó đến nay, Hai Kim ở vậy, 1 mình…

“Bây giờ hạnh phúc riêng thì mình không có. Nói về gia đình thì cô thiệt thòi, nhưng cái cao quý nhất là mình được độc lập tự do. Có mấy ai đi suốt 1 ngày đường, cuối ngày lại ngoảnh nhìn phía sau, đếm coi mình đã đi mấy bước chân? Hạnh phúc của mình là nhìn tới tương lai. Giờ cô tuy không có con, nhưng có đứa cháu chăm sóc. Hơn nữa, dòng họ bên chú rất quý cô...’’ - Bà đã tràn nước mắt khi nhắc tới hai từ ’’hạnh phúc’’.

Hai Kim chỉ tiếc rằng, có những điều trước khi vượt vỹ tuyến về Nam muốn nói với chồng nhưng bà đã không có cơ hội nói được... Mẹ Xuân cũng chỉ mong lại được ôm đứa con sinh ra ở chiến khu trong vòng tay mình, ngay Xuân đi chỉ mới gần 2 tuổi, nhưng cũng không kịp nữa. Bà chỉ tiếc vậy thôi. 

Không ngồi lại với nỗi buồn và tiếc nuối, nay bà Hai Kim tìm sống bằng niềm vui của tuổi già: ’’Với trách nhiệm của một công dân, một cán bộ, bây giờ mình đã làm tròn trách nhiệm rồi. Tôi cũng vui vì mình đã đem công sức của mình vào việc làm từ thiện Về quê chồng, thấy quê mình nghèo nên giúp đỡ được cho gia đình, đó là nguồn vui lớn rồi...!’’.

Cuộc sống của bà Hai Kim sau giải phóng cứ lặng lẽ trôi. Hoà bình, bà chuyển qua Ban Tổ chức Thành uỷ TP.HCM làm việc. Về hưu, bà được cấp một ngôi nhà bây giờ đang dùng cho thuê. Bà bộc bạch “lương hưu 2,1 triệu, được trợ cấp đặc biệt cho gia đình liệt sĩ không con 600 ngàn, thành 2,7 triệu, cộng thêm 4 triệu tiền cho thuê nhà nữa, cũng đủ sống”. 

’’Năm nay tôi bằng tuổi bà mẹ đã chết, làm xong mà chết thì không còn điều gì ân hận! Mấy thằng em chồng bảo rằng chị phải sống đến trăm tuổi thì chị mới chết. Nếu chị sống quá trăm tuổi mà không chết thì tụi em lấy cái cây đập cho chị chết...!’’ - Bà Hai Kim cười vang căn phòng nhỏ.

Khi tiễn khách ra đầu ngõ, bà vẫn níu tay: “À, tôi còn một niềm vui nữa chưa kịp nói. Đó là lâu lâu ra đường, có người nói: ’’Bà ơi, cháu thấy bà lên ti vi’’. 

Đó là lần bà được chọn làm một trong những nhân vật cho phim tài liệu, quay ở chợ Bến Thành.

Người mang bí số T.2 cười thanh thản, trở về ngôi nhà lặng lẽ trong con ngõ nhỏ, giữa Sài Gòn ồn ã, khi ngày 30 tháng Tư lần thứ 32 đang tới, rất gần...

Vỹ thanh

Có rất nhiều câu hỏi đặt ra: Tình báo Việt Nam, họ là ai? Bằng cách nào để họ chiến thắng được 1 cỗ máy chiến tranh khổng lồ như Hoa Kỳ, khi đối diện trực tiếp với bộ máy tình báo tinh vi, truyền thống lâu đời như CIA.

Câu trả lời, có lẽ nên bắt đầu từ những người như Hai Kim, Ba Minh và những người trong gia đình H.3 đã tham gia lưới điệp báo A3 vậy.

Mấu chốt đầu tiên của mọi cuộc truy lùng những người trung kiên hoạt động trong lòng đối phương mà tất cả mọi thế lực, đứng trên góc nhìn của hệ tư tưởng lẫn quyền lợi đều đặt ra: Họ có phải là Đảng viên Đảng cộng sản hay không? Câu trả lời chỉ có 1: Họ là Đảng viên, nhưng đứng vào hàng ngũ từ thời gian nào? Sớm hay muộn, đó không phải là thước đo của lòng người cộng sản. Thước đo tấm lòng những người trung kiên, là họ xuất phát từ đâu? Tại sao họ dám chấp nhận hy sinh như vậy?

Câu trả lời duy nhất đúng: Họ trước hết là những người yêu nước, không chấp nhận thân phận nô lệ. Đó là truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt, ăn vào máu, vào tim. Lý tưởng cộng sản là con đường mà họ chọn, để hướng tới mục tiêu giải phóng đất nước, độc lập dân tộc.

Đã từng có những cuộc hội thảo về tình báo của nước ngoài được tổ chức ở những chốn sang trọng, với những micro không dây lọc âm được những diễn giả phân tích tuyệt vời, đầy lôi cuốn. Có những tổ chức tình báo lớn trên thế giới trang bị cho điệp viên của họ thiết bị phục vụ nghề "ăn cắp" thông tin tối mật. Có những cái tên đã được đánh bóng, lăng xê mà mới nghe qua, không ít người đã phải giật mình kinh sợ.

Còn tình báo Việt Nam là gì? Những chiến sĩ tình báo Việt Nam là ai? Họ không phải là những điệp viên được vẽ trên phim với dáng vẻ rất “khinh đời”: Đầu đội mũ kê-pi, người khoác áo choàng đen, chân giày da bóng lộn, mắt ngập nghè kính râm, tay luôn đút túi quần, tiền thì tiêu như nước, thi thoảng lại rút súng ngắn trong thắt lưng ra bắn "đoàng... đoàng...".

Họ là người dân Việt Nam, lớn lên trong dân, sống nhờ vào dân, chiến đấu trong lòng dân, và được biết bao người dân xung quanh bảo bọc, chở che. Họ giản dị như trong chính lời tâm sự của Ba Minh: "Sức khoẻ mình như thế nên khả năng tôi đóng góp được cái gì tôi sẽ làm. Tôi đã nghĩ đến giả thiết khi mình là lính VNCH thế này, nếu có bị bắn lầm thì thôi. Còn đối với cách mạng, tôi chỉ nghĩ tôi góp sức để mà ít có thể đánh được nhiều, yếu có thể đánh được mạnh. Trong thâm tâm tôi nghĩ mình góp được cái gì thì góp, chết thì bỏ. Đơn giản vậy thôi".

Tình báo Việt Nam được hình thành và phát triển từ những con người như vậy. Chỉ có thế, họ mới vượt qua được mọi cám dỗ đời thường, những vinh hoa, phú quý, những nguy hiểm thường nhật để có thể chấp nhận hy sinh cả 1 đại gia đình vì mục tiêu độc lập cho Tổ quốc.

Trong nhà Đại tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nguyễn Văn Minh, ngày còn cha, trên bàn thờ có 4 chữ “Quốc Tổ Hùng Vương”. Đến đời ông, bàn thờ vẫn thiêng liêng như thế, và có 2 chữ: "Tổ Quốc"!

Hơn 20 năm hoạt động bí mật giữa lòng địch, H3 - Nguyễn Văn Minh đã tạo cho mình một vỏ bọc ở vị trí cao sâu. Những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, H3 - Nguyễn Văn Minh là cơ sở chủ yếu cung cấp được khối lượng lớn tin tức, tài liệu về chiến dịch, chiến lược của địch, góp phần tích cực vào đại thắng Mùa xuân 1975, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao.

H3 - Nguyễn Văn Minh trở thành một trong những điệp viên huyền thoại, khiến kẻ thù kinh ngạc về bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần “thép” của ông. Năm 1999, Đại tá Nguyễn Văn Minh vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân…/.

Câu chuyện về người điệp viên bí mật H.3 chỉ mới bắt đầu kể lại những bí ẩn của tình báo Việt Nam. Những bí ẩn mà đến hôm nay, vẫn còn bao nhiêu câu hỏi chưa thể giải đáp.

Theo Trái Tim Người Lính