Ngày 15/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 03/2023/QĐ-TTg về việc Ban hành chương trình điều tra thống kê Quốc gia. Theo đó, điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ được tổ chức giữa 2 kỳ Tổng điều tra dân số và nhà ở vào các năm có số tận cùng là 4.
Thực hiện chương trình điều tra thống kê Quốc gia, Ngày 14 tháng 7 năm 2023, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã ký Quyết định số 629/QĐ-TCTK về việc ban hành Phương án Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024.
Mục đích
Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 (viết gọn là Điều tra DSGK 2024) được thực hiện nhằm mục đích chính thu thập thông tin về dân số và nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội thời kỳ 2021 – 2025; xây dựng chính sách, lập kế hoạch dân số và nhà ở phục vụ lập Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội thời kỳ 2026 – 2030; giám sát thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết; và phục vụ cho công tác thống kê về dân số trên phạm vi cả nước và từng địa phương.
Đối tượng điều tra
Đối tượng điều tra của cuộc Điều tra là hộ dân cư, bao gồm cả thông tin về nhà ở của hộ; nhân khẩu thực tế thường trú của hộ dân cư. Do cuộc Điều tra được thực hiện với quy mô lớn, nhiều nội dung nên công tác tuyên truyền Điều tra cần được chú trọng ở tất cả các cấp, địa phương và địa bàn điều tra trên phạm vi cả nước nhằm giúp người dân nhận thức được mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc Điều tra, từ đó khuyến khích các đối tượng điều tra thực hiện tốt nghĩa vụ; cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời cho điều tra viên theo quy định.
Đơn vị điều tra
Đơn vị điều tra của DSGK 2024 là hộ dân cư, (viết gọn là hộ). Hộ bao gồm một người ăn riêng, ở riêng hoặc mọt nhóm người ở chung và ăn chung. Dối với hộ có từ 02 người trở lên, các thành viên trong hộ có thể hoặc không có quan hệ ruột thịt, hôn nhân, nuôi dưỡng, có hoặc không có quỹ thu – chi chung.
Phạm vi điều tra
Đây là cuộc Điều tra được thực hiện trên phạm vi cả nước tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, gồm tất cả các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, ngoại trừ 4 huyện đảo: Bạch Long Vỹ, thành phố Hải Phòng; Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị; Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng; Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.
Thời điểm điều tra và thu thập thông tin
Thời điểm điều tra là từ 0h ngày 01/04/2024. Thời gian thu thập thông tin trong Điều tra DSGK 2024 bắt đầu từ ngày 01/04 đến hết ngày 30/4/2024.
Nội dung điều tra
Điều tra DSGK 2024 thu thập thông tin về các nội dung chính sau: Thông tin về nhân khẩu học của các thành viên hộ; Thông tin về di cư; Thông tin về giáo dục; Thông tin về hôn nhân; Thông tin về lịch sử của nữ từ 10 – 49 tuổi; Thông tin về người chết của hộ; Thông tin về nhà ở và điều kiện sống của hộ.
Phiếu điều tra
Điều tra DSGK 2024 sử dụng 03 loại phiếu để thu thập thông tin phục vụ lập bảng kê hộ dân cư và thu thập thông tin phục vụ tổng hợp các chỉ tiêu, cụ thể như sau: Phiếu 01/DSGK-BK: Thu thập thông tin phục vụ lập bảng kê hộ dân cư; Phiếu 02/DSGK-PN: Thu thập thông tin nhân khẩu học, di cư của người dân, thông tin về người chết và nhà ở của hộ dân; Phiếu 03: DSGK- PD: Ngoài các thông tin như phiếu 02/DSGK-PN, thu thập bổ sung các thông tin về tình trạng hôn nhân, giáo dục của thành viên hộ; Lịch sử sinh của nữ từ 10 đến 49 tuổi, thông tin chi tiết hơn về nhà ở và điều kiện sống của hộ.
Phương pháp điều tra thu thập thông tin
Điều tra DSGK 2024 là cuộc điều tra chọn mẫu, áp dụng phương pháp phỏng vấn trực tiếp. Điều tra viên (ĐTV) đến từng hộ để hỏi người cung cấp thông tin và ghi đầy đủ các câu trả lời vào phiếu điều tra điện tử được thiết kê trên thiết bị di động (CAPI).
Công bó kết quả
Kết quả điều tra toàn bộ sẽ được công bố vào tháng 11-12/2024, các báo cáo phân tích sẽ được công bố vào năm 2025.
Công tác tuyên truyền
Hoạt động tuyên truền cần làm rõ mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung và kế hoạch thực hiện Điều tra DSGK 2024 đến các cấp, các ngành, các hộ và toàn thể nhân dân. Trong đó, cần đặc biệt nhấn mạnh về bảo mật thông tin riêng tư theo quy định của Luật Thống kê và các văn bản pháp quy liên quan khác (số liệu điều tra chỉ phục vụ cho mục đích thống kê, không liên quan đến các vấn đề thường trú, tạm trú, thu thuế và không sử dụng cho bất kỳ mục đích nào khác).
Cơ quan Thống kê phối hợp với các đơn vị địa phương (phát thanh, truyền hình, bưu điện) huy động các hình thức tuyên truyền, đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền điều tra, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng cuộc điều tra; huy động sự tham gia tích cực của toàn bộ hệ thống chính trị và tổ chức, hoạt động tuyên truyền phải phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Các cơ quan thông tin đại chúng phối hpwj chặt chẽ vói Tổ công tác điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ trung ương tuyên truyền để thông tin điều tra đến được với mọi người dân. Bên cạnh việc tuyên truyền bằng các phương tiện thông tin đại chúng, cần chú trọng các hình thức tuyên truyền khá phù hợp điều kiện địa phương như:
Tuyên truyền băng treo/căng băng rôn tại những nơi có nhiều người thường xuyên qua lại hoặc những địa điểm dễ thấy: Chợ phiên, siêu thị, trục đường giao thông của tỉnh, huyện, xã; Tổ chức tuyên truyền Điều tra thông qua mạng xã hội (Facebook, Zalo) các website, trang Fanpage của Tổng cục Thống kê và các buổi tập huấn nghiệp vụ của ngành Thống kê.
Tổng cục Thống kê phối hợp với các Cục Thống kê địa phương gửi Video, file MP3 giới thiệu về Điều tra DSGK năm 2024 tới các đài phát thanh, truyền hình của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhằm tuyên truyền sâu rộng tới toàn thể người dân trong cả nước.