Điều trị mẹ chồng

Bị goá từ năm 37 tuổi, bà Thìn đã không tái giá, để một lòng nuôi con, lo phận sự với nhà chồng. Đó là sự hy sinh thật phi thường, khó đo đếm hết được. Tuy nhiên, vì tình thương dồn cả lên đứa con trai, nên ngay từ khi Vân về làm dâu, cô đã phải chịu bao đắng cay.
dieu-tri-me-chong-1636864830.jpg
Mẹ chồng nàng dâu (Ảnh minh hoạ - Nguồn Internet)

Bà Thìn ném toạch cái rổ rau xuống đất rồi ngồi ngay chỗ giọt nước mái tranh để nhặt rau. Đang ngồi tý toáy với cái điện thoại mới, Vân thấy tất cả hành động, thái độ của mẹ chồng, nhưng cô lờ đi. Vân vẫn không rời mắt khỏi điện thoại nhưng đầu nghĩ mông lung về cách “điều trị” sự trái tính trái nết của mẹ chồng. Cô thầm nhủ:

“Cứ để mẹ ướt một chút đã. Bây giờ mà gọi nhắc bà thì thể nào bà cũng xưng xỉa “Kệ tôi, thế cho ốm, cho nhanh chết để các người tự do”.

Vân không thể biết, cũng lúc ấy, trong đầu mẹ chồng là cơn phẫn nộ ngùn ngụt:

“Nó thừa biết mẹ đang ngồi dưới giọt nước mưa, vậy mà nó vẫn không thèm nói một câu can gián”.

Bị goá từ năm 37 tuổi, bà Thìn đã không tái giá, để một lòng nuôi con, lo phận sự với nhà chồng. Đó là sự hy sinh thật phi thường, khó đo đếm hết được. Tuy nhiên, vì tình thương dồn cả lên đứa con trai, nên ngay từ khi Vân về làm dâu, cô đã phải chịu bao đắng cay. Đơn giản là bà Thìn có cảm giác bị mất vị trí trong tình cảm của con trai, khi thấy đôi trẻ cứ ríu rít, quấn lấy nhau.

Nay đã 75 tuổi, cháu nội cả hai đứa đã học xong đi làm hoặc đi học xa, nên bà Thìn càng rảnh rỗi. Xưa đứa cháu gái đầu còn đi học, suốt ngày bà cháu ríu rít nên không thấy trống trải. Từ ngày cháu đi làm rồi lấy chồng, nhất là khi đứa thứ hai cũng đi du học thì bà Thìn thực sự cảm thấy chông chênh. Từ đấy mà những trái tính trái nết nảy sinh ra.

Mãi đến mấy phút, khi liếc thấy nước đã chảy ròng ròng từ đầu xuống mặt, xuống cổ bà Thìn, thì Vân mới làm như vô tình đứng lên, nhìn thấy mẹ chồng bị ướt, la thất thanh:

- Ơ, kìa mẹ! Ướt hết rồi!

- Kệ, thế cho chóng chết!

- Hí hí, nếu mẹ thích chóng chết thì nước chỗ kia chảy mạnh hơn đấy ạ. Hí hí…

Miệng cười đùa, nhưng Vân ra kéo mẹ chồng vào, lấy khăn khô lau tóc, lau mặt cho mẹ chồng, miệng vẫn đùa:

- Ông Thịnh bên kia đường mà nhìn thấy mẹ ướt thế này thì lại xót xa đấy!

- Cha nhà cô! Thấy mẹ ướt cứ tảng lờ, bây giờ còn trêu đùa.

- Hí hí…

Vân cố không để mâu thuẫn mẹ chồng – con dâu bị đẩy lên, nhưng cô cũng không chiều mọi chuyện. Quả thực, ở nhà một mình nhàn rỗi quá, nên bà Thìn lắm trò trái tính trái nết lắm. Nhiều lúc bà nhõng nhẽo y như một bé gái vậy, Vân đã cực kỳ mệt mỏi với sự đổi nết ấy của mẹ chồng. Cũng tại bà ít giao tiếp, chỉ xem phim trên TV suốt ngày nên cứ buồn bực, nghĩ ngợi lung tung.

Sau khi tham khảo rất nhiều ý kiến bạn bè, Vân quyết định chủ động đưa mẹ chồng vào các hoạt động. Đầu tiên là rủ mẹ chồng đi tập yoga, cũng phải mất nhiều ngày vận động, gây áp lực thì bà Thìn mới chịu đi.

Thật may, ở nơi tập, bà Thìn gặp nhiều người cùng lớn tuổi, tha hồ tám chuyện, mặt khác thấy người sảng khoái, khoẻ khoắn, nên bắt đầu ham tập.

Giai đoạn một vậy là ổn, nhân dịp sinh nhật mẹ chồng, Vân bàn với chồng tặng mẹ cái smartphone hiện đại luôn. Bà cứ chối đây đẩy vì quen với điện thoại “cục gạch” rồi, không biết sử dụng điện thoại thông minh. Thế nhưng cả hai vợ chồng, cùng kiên trì hướng dẫn, chỉ một tuần là bà Thìn sử dụng thành thạo smartphone. Hơn thế, do kết bạn với nhiều người trên Zalo, Facebook nên bây giờ bà Thìn bận rộn không kém con dâu. Bà cùng hai đứa cháu gặp điện thoại video thường xuyên, nên tâm trí vui vẻ đã trở lại.

Vân cười khúc khích bảo mẹ:

- Mẹ bây giờ không khác tuổi teen nhé, lúc nào cũng tương tác vui vẻ!

- Cảm ơn con!

Không còn xích mích mẹ chồng – con dâu nữa.

Nếu bạn cũng đang gặp trở ngại tương tự, thì hãy mở rộng lòng mình với người thân, cùng đưa nhau vào những hoạt động sôi nổi, hợp thời, sẽ giải toả được khúc mắc đấy.

Theo Chuyện quê