Xã Đức Nhân hiện nay bao gồm 2 làng Nhân Thọ và Yên Thọ thuộc xã Tam Đồng huyện Đức Thọ (từ năm 1945 đến năm 1952). Trước đó trải dài theo tiến trình lịch sử, Đức Nhân đã có nhiều tên gọi như Kẻ Trổ, Ba Lỗ, Bình Lỗ, Bình Thọ... Nhiều cự tộc như họ Hoàng, họ Phạm và các dòng họ lớn như Nguyễn, Lê, Trần, Bùi... cũng đến làm ăn sinh sống từ rất sớm, dần dần tạo nên một vùng dân cư đông đúc, phát triển kinh tế nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ đồng thời mở mang đạo học. Từ nhiều đời nay, trên giải đất La Sơn - Đức Thọ, cùng với Đông Thái, Trung Lễ, Yên Hồ... Kẻ Trổ-Đức Nhân luôn được coi là địa phương có truyền thống yêu nước, truyền thống hiếu học và nhiều người học giỏi.
Trước năm 1945, trên địa bàn xã Đức Nhân có khá nhiều công trình kiến trúc như đền, đình chùa miếu mạo đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và văn hoá tâm linh. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, nhất là chưa có quan niệm đúng về sinh hoạt văn hoá cộng đồng, không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân, tư tưởng duy lý duy ý chí chống mê tín dị đoan... cộng với sự vô thức của con người, lại bị thời tiết khí hậu và chiến tranh tàn phá nên đến nay hầu hết các công trình di tích lịch sử và văn hoá tâm linh đều không còn nữa. Dấu tích để lại có thể nhận ra là đôi cột cửa nanh và nền móng đình làng Thiên cùng ngôi miếu Văn chỉ La Sơn đã trở thành phế tích, chỉ còn lại tấm bia đá “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Đền Cả một thời nổi tiếng linh thiêng, sau khi “Hợp tự” chỉ còn lại một đống gỗ mục mà không ai dám làm củi. Đến Bản Thổ, một di tích đẹp cũng bị đập phá...
Thời gian không ngừng trôi, những người con Đức Nhân, dù ở đất quê hay đã ly hương lập nghiệp ở miền xa, họ vẫn nhớ và truyền lại nhiều câu chuyện khá lý thú về ngôi đình làng Kẻ Trổ - một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo hiện đang tọa lạc trong khuôn viên Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du ở xã Tiên Điền huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh.
***
Trở lại thời điểm năm 1963, để chuẩn bị kỷ niệm 200 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du (1-1766 - 1-1966), Bộ Văn hoá Thông tin phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh cử đoàn cán bộ đi tìm hiểu nghiên cứu khắp vùng Nghệ Tĩnh để mua một ngôi nhà có yêu cầu khá đặc biệt, đó là nhà phải cùng thời với Nguyễn Du, có kiến trúc đẹp, có diện tích mặt bằng rộng rãi thông thoáng đủ để trưng bày các hiện vật tài liệu giới thiệu thân thế và sự nghiệp của nhà Đại thi hào. Gần hai tháng trời đi tìm kiếm khắp cả hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An nhưng không thành công. Giáo sư Lê Thước (1891-1975), quê ở xã Trung Lễ, công tác tại Vụ Bảo tồn Bảo tàng làm Trưởng đoàn đành viết thư sang Cộng hoà Pháp tham khảo ý kiến của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn (1908-1996)- vốn người Đức Nhân, rất say mê nghiên cứu Lịch sử và Văn hoá dân gian, lại có nhiều công trình nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều. Chỉ sau một thời gian ngắn, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã trao đổi và gợi ý cho đoàn xin nhượng mua lại ngôi đình làng Trổ quê mình.
Khi đoàn đến làm việc với đại diện địa phương về việc mua đình, lúc đầu các vị cao niên không đồng ý, nhưng rồi vì công việc chung của cả tỉnh lại có thư của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn gửi về nên xã mới đồng tình. Từ đó đình làng Kẻ Trổ trở thành Phòng trưng bày các hiện vật tài liệu giới thiệu thân dòng họ Nguyễn Tiên Điền, thân thế và sự nghiệp của nhà Đại thi hào dân tộc. Trong ngôi đình cổ kính này, mỗi năm đã đón tiếp hàng vạn lượt khách, trong đó có các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các chính khách, các nhà khoa học đến tham quan tìm hiểu và nghiên cứu.
Theo một số tư liệu ít ỏi còn truyền lại, đình Kẻ Trổ do người dân Kẻ Trổ góp công sức và tiền của xây dựng để thờ Thành hoàng làng và là một trong những thiết chế cơ sở phục vụ sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Tương truyền trong làng có người Nho sỹ họ Trần (?) học giỏi đỗ đạt cao được bổ làm quan, ông đã đứng ra công đức và khởi xướng việc làm đình. Để có đủ vật liệu xây dựng, làng giao cứ 10 hộ đóng góp một cây gỗ mít ròng để làm cột, xà hạ... 10 gánh rơm để đốt lửa chạm lộng, 10 gánh lá tro (cọ) lợp mái. Thợ mộc được chọn từ các cánh thợ tay nghề cao ở Thái Yên-Đức Thọ, Xa Lang-Hương Sơn cùng một số thợ cả trong làng phối hợp thi công.
Công việc chuẩn bị bắt đầu từ năm Cảnh Hưng thứ 20 đời vua Lê Hiển Tông nhưng mãi đến hai năm sau mới tập kết đủ vật liệu. Dự định sẽ khởi công sau rằm tháng giêng và sẽ hoàn thành vào dịp Tết Đoan Ngọ- ngày mùng năm tháng năm năm sau. Sau gần 16 tháng làm việc chuyên cần, gần sát đến ngày hoàn công, toàn bộ khung nhà đã được dựng lên, riêng hai đầu rồng ở cột trước gian thứ ba vẫn không khớp mộng làm cho mọi người vô cùng lo lắng. Sáng ngày mùng hai, có một cụ già hành khất đi qua ghé vào xem thợ làm rồi tình nguyện chỉnh sửa. Các bậc cao niên lúc đầu còn ái ngại nhưng rồi cũng đành phải chấp thuận. Sau khi cởi bỏ hành trang bị gậy, người ăn xin cùng hai thợ của làng tỷ mỷ cẩn thận làm cả ngày đêm, ghép xong cả hai đầu rồng vào cột theo kiểu ‘lắp hẫng mộng đuôi én’, kịp thời cho sáng ngày mùng năm tháng năm cả làng vui lễ hội. Hội đồng hương lý của làng bàn bạc thống nhất trích 3 quan tiền thưởng cho người hành khất. Cụ già nhận tiền để vào chiếc nón mê, đợi khi các trò chơi mãn cuộc, dân làng tề tựu đông đủ, cụ đứng giữa đình thưa rằng: “... Tôi được làng thưởng cho 3 quan tiền, xin đa tạ tấm thịnh tình của mọi người. Số tiền này tôi xin gửi lại để làng làm tiền thưởng cho con cháu làng ta còn đang đi học...” . Trước nghĩa cử đó, vị Thủ chỉ làng chỉ xin nhận lại một nửa, số còn lại để cụ làm lộ phí nhưng người ăn xin nhất mực từ chối. Nói rồi, cụ bước đến chỗ hương án, đặt chiếc nón mê đựng tiền lên sập thờ, kính cẩn vái ba vái ba vái rồi đi ra cửa, không để lại danh tích gì ?
Từ khi có đình làng, việc học hành của con em Kẻ Trổ ngày càng tấn tới, nhiều người thành đạt “...cao khoa hiển hoạn chốn quan trường...”. Sự tích đó là khởi đầu cho truyền thống hiếu học và nhiều người học giỏi của các thế hệ người dân Kẻ Trổ-Đức Nhân. Cũng chính từ đó trên sập thờ đình làng Kẻ Trổ, bên cạnh đồ tế khí thờ tự Thành hoàng làng và các vị thần bảo hộ còn có thêm chiếc nón mê-di vật kỷ niệm của cụ già hành khất.
Đình làng Kẻ Trổ làm hoàn toàn bằng gỗ mít. Từng mảng điêu khắc trên xà hạ, mỏ kẻ được các nghệ nhân chạm lộng một cách tinh vi và độc đáo. Đề tài các bức chạm trổ theo Tứ linh: Long Ly Quy Phượng hoặc Tứ quý: Tùng Cúc Trúc Mai... Một số bức khắc họa cảnh lễ hội, đặc biệt là cảnh Nho sinh cắp sách đến trường. Theo các bậc cao niên trong làng, trước đây đình để trống bốn mặt, chỉ có phía sau của gian giữa thưng ván, phía trước đặt hương án, sập thờ, đồ tế khí và một cỗ kiệu rước. Đình Kẻ Trổ là nơi tổ chức tế lễ và khai hội làng. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đình được chính quyền xã Tam Đồng sử dụng làm trường học cho con em. Năm 1954, xã xây dựng trường mới, đình làng Kẻ Trổ chuyển sang làm đình chợ, buôn bán vải vóc, quần áo và các mặt hàng tạp hoá... Chính vì lẽ đó nên Đình làng Kẻ Trổ mang tên mới là Đình Chợ Trổ.
Trong tiến trình dựng xây và phát triển, Kẻ Trổ là vùng đất nghèo khó nhưng nhiều gia đình đã tự lực vươn lên, động viên và tạo điều kiện cho con cháu học hành đến nơi đến chốn. Truyền thống hiếu học và nhiều người học giỏi luôn được kế thừa và phát huy qua các thời kỳ. Theo cuốn Bình Lỗ Hoàng tộc phổ (Gia phả họ Hoàng-Bình Lỗ) do Giáo sư Hoàng Xuân Hãn toát yếu: Thủy tổ là Viết Nghiêu từng dự Tú lâm cục, đến đời thứ 4 có Hoàng Kỳ Giang đỗ Tam trường Hội thí, được bổ Tri phủ. Vợ Kỳ Giang là cháu ngoại Điện tiền thị Ngự sử Nguyễn Biểu (? - 1413), bà sinh ra Hoàng Trừng, người đầu tiên ở xứ Kẻ Trổ thi đỗ Đại khoa.
- Hoàng Trừng tự Nhân Xuyên hiệu là Bạch Vân tiên sinh. Thuở còn đi học, ra tập văn ở Thăng Long đã nổi tiếng học giỏi “...bánh dẻo như văn Hoàng Trừng...”. Dự thi Hội khoa Kỷ Mùi niên hiệu Cảnh Thống đời vua Lê Hiến Tông (1499) đỗ Nhị giáp Tiến sỹ (tức Hoàng giáp) được bổ Tả Thị lang Bộ Lễ kiêm Đông các Đại học sỹ, tước Lệ Trạch hầu. Thời kỳ nhà Mạc tiếm quyền việt vỵ, Hoàng Trừng bỏ cả quan tước trở về quê “...lấy cớ chăm sóc mẹ già nhưng thực chất là giữ lòng trung nghĩa với nhà Lê “. Sinh thời, vị Đại học sỹ họ Hoàng có nhiều tác phẩm văn chương nhưng do nhiều nguyên nhân nên hầu hết đã bị thất truyền mất mát, hiện chỉ còn bài ký “Nghĩa sỹ truyện “cùng hai bài thơ “Đề Nghĩa sỹ từ đường “ và “Trí khứ chứa thuật hoài tặng hữu nhân”.
Các đời sau có Hoàng Hậu Đức (?-?), Hoàng Nhân Xuyên (?-?) Hoàng Minh Động (?-?), Hoàng Viết Thụy (?-?), Hoàng Dật... đỗ Hương cống.
- Hoàng Dật (1667-?) tự Dư Dụ, đỗ Hương cống, thi Hội đỗ Tam trường, lại đỗ khoa Hoành từ, bổ Tri huyện Thanh Giang. Sau một thời gian, Hoàng Dật cáo quan về làm nghề thuốc và lập trang trại và dạy học ở Bào Khê-Gia Hanh. Sinh thời, Hoàng Dật được coi là Danh sỹ với nhiều bài phú rất hay như: “Hoa Điểu tranh kỳ,” “Tịnh cư ninh thế”... Rất tiếc là các tác phẩm của ông đã bị thất truyền.
Thời kỳ Vương triều Nguyễn, họ Hoàng-Bình Lỗ có Hoàng Xuân Phong (1823-1890) đỗ Cử nhân khoa Mậu Ngọ, niên hiệu Tự Đức (1858) được bổ Tri phủ Kiến Thụy, Án sát Lạng Sơn, Bố chánh Khánh Hoà, Tuần phủ Hà Tĩnh. Một số tài liệu cho rằng: Hoàng Xuân Phong đã cùng Cử nhân Phan Cát Tiu- người làng Đông Thái lên Sơn phòng bái mệnh vua Hàm Nghi rồi cùng Hiệp thống Quân vụ Phan Đình Phùng bàn định việc mở rộng vùng kháng chiến chống Pháp nhưng vì “lực bất tòng tâm. Trở lại quê nhà, ông chán nản bỏ ăn mấy ngày, không chịu uống thuốc rồi mất. Hoàng Xuân Phong là người viết văn bia “Nghĩa Vương bi ký” khắc gỗ ở đền thờ Nguyễn Biểu, “Án sát Lê hành trạng bi ký” và “Quản đạo Lê hành trạng bi ký”, khắc vào bia đá ở nhà thờ họ Lê-Trung Lễ. Mấy ngày cuối đời, Hoàng Xuân Phong còn làm 2 câu đối giải bày nỗi niềm trước thế sự.
Hơn năm mươi năm sau, có Hoàng Xuân Viên (?-?) đỗ Cử nhân ở trường Bình Định, làm Bát phẩm, sau bổ Bố chánh.
Về võ quan có Hoàng Văn Phái, phò tá Thái sư Hưng Quốc công Nguyễn Kim đi đánh nhà Mạc, được ban tước Khuông Quận công, có con là Hoàng Thiện Phúc được phong Thượng tướng. Về sau cha con được cấp đất ở vùng bãi Kẻ Trổ, gọi là ‘’Lộc điền quan Hầu Quận’’.
Tuần phủ Hoàng Xuân Phong và Bố chánh Hoàng Xuân Viên không ở quê nhà mà định cư ở thôn Yên Phúc, lập ra chi họ Hoàng-Yên Hồ, thường gọi là Chi cụ Tuần.
Chuyển sang thời kỳ Tây học và nền giáo dục Tân học Việt Nam, Họ Hoàng đã sinh thành dưỡng dục nhiều bậc hiền tài phụng sự đất nước và nhân dân. Tiêu biểu như Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, Giáo sư Hoàng Xuân Nhị, Giáo sư Tiến sỹ Y khoa Hoàng Xuân Mãn, Phó Giáo sư Hoàng Xuân Chinh, Tiến sỹ y khoa Hoàng Xuân Hoài, Tiến sỹ hoá học Hoàng Xuân Nguyên...
- Nhà Văn hoá Giáo sư Hoàng Xuân Hãn (1908 - 1996) là con Tú tài Hán học Hoàng Xuân Ức và bà Lê Thị Âu, vốn thông minh học giỏi từ nhỏ. Sau khi đỗ Tú tài Tây, được Toàn quyền Đông Dương cấp học bổng toàn phần tự nghiệp trường Cao đẳng sư phạm và trường Bách khoa Paris, giành hai tấm bằng danh giá là Thạc sỹ toán học, Kỹ sư cầu đường.
Về nước, ông dạy học ở trường Alber Sarraut (Trung học Bảo hộ), Đại học Khoa học Đông Dương tại Hà Nội. Tháng 3 năm 1945) làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Mỹ thuật Chính phủ thân Nhật. Tháng 4 năm 1946 là thành viên Phái đoàn Việt Nam DCCH dự hội nghị Đà Lạt với phái đoàn đại diện Cộng hoà Pháp. Năm 1951, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn sang định cư và làm việc tại Pháp. Ông đã giúp Thư viện quốc gia Pháp, Ý và Toà thánh Vatican xây dựng thư mục sách Hán-Việt, lại vừa học và tốt nghiệp Kỹ sư năng lượng nguyên tử.
Trong suốt cả thời gian học tập và làm việc, Giáo sư Hoàng đã có nhiều chuyến đi điền dã, sưu tầm tư liệu khảo cứu Lịch sử và Văn hoá dân gian Việt Nam để cho ra đời nhiều tác phẩm nổi tiếng, được tập hợp trong bộ sách “La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn” được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá rất cao. Nhà nước ta đã truy tặng Huân chương Độc Lập và Giải thưởng Hồ Chí Minh về sự cống hiến to lớn của Nhà Văn hoá-Giáo sư Hoàng Xuân Hãn. Phần lớn cuộc đời sống và làm việc nước ngoài nhưng trong tâm tưởng ông luôn hướng về nguồn cội:
Sử nhà bạn cũ ôn không thẹn
Vận nước tình sâu mộng vẫn tươi
Văn ngữ thời xưa tìm kiếm gốc
Tinh hoa thuở mới cố đua người...
- Hoàng Xuân Nhị (1914-1990), du học Cộng hoà Pháp, chỉ trong mấy năm tại Đại học Soocbon đã tốt nghiệp Cử nhân Văn chương, Cử nhân Triết, Cử nhân Giáo dục học. Tiếp tục học tốt nghiệp khoa Trung văn-Viện Ngôn ngữ Paris. Về nước tham gia kháng chiến chống Pháp, được giao nhiều trọng trách như Giám đốc Viện Văn hoá kháng chiến Nam Bộ, Giám đốc Sở Giáo dục Nam Bộ. Năm 1954 ra Bắc rồi làm Chủ nhiệm khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội và là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam. Giáo sư Hoàng Xuân Nhị là người có công lớn trong nghiên cứu văn học và phát triển sự nghiệp giáo dục nước nhà.
- Hoàng Xuân Chinh, sinh năm 1934, tốt nghiệp chuyên ngành Khảo cổ học Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc). Về nước làm giảng viên khoa Lịch sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vừa tham gia khai quật, nghiên cứu nhiều di tích lịch sử và văn hoá, được phong Phó Giáo sư và bổ nhiệm Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học.
Nếu như họ Hoàng, đời thứ 5 có Nhị giáp Tiến sỹ, mở đầu khoa bảng trở thành Văn quan thì họ Phạm đến đời thứ 7 lại phát Võ quan, đó là Tướng công Phạm Khánh Thiện (?-?). Vốn có sức khỏe hơn người lại tinh thông võ nghệ, trấn giữ vùng biên ải phía nam nước Đại Việt, đã lập công xuất sắc trong các cuộc chinh phạt Chiêm Thành, Bồn Man lấn chiếm đất đai, tàn sát dân lành, Phạm Khánh Thiện được phong Thượng tướng quân Cẩm y vệ Đô Chỉ huy sứ ty, tước Quế Sơn hầu.
Con trưởng của Phạm Khánh Thiện là Phạm Yên Thân, đỗ Tú tài, làm nghề bốc thuốc chữa bệnh, có con là Phạm Thế Vinh, học giỏi, đỗ Hương cống khi mới 18 tuổi, được tập văn ở Quốc Tử Giám, thi Hội đỗ Tam trường, bổ Thị nội Văn chức đời vua Lê Thần Tông. Phạm Minh Trí (đời 9) đỗ Hương cống bổ Tri phủ Diễn Châu, Phạm Quốc Báu (đời 10) đỗ Hương cống, làm Tri huyện Minh Quảng, Phạm Đình Thiếp (đời 11) đỗ Hương cống lĩnh chức Lại bộ Tả phiên câu kê-Thái bộc Tự thiếu Khanh. Phạm Nguyên Nham (tộc trưởng đời 12) làm Trung thuận huyện thừa, từng đi với Tể tướng Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm nhiều năm đánh dẹp các dư đảng nổi loạn. Thời kỳ vua Lê Hiển Tông trị vì, do lập công lớn trong vụ “Tam phủ (1781-1782), Phó Thiên hộ Phạm Như Tấn (đời 12) được phong Tráng Tiết tướng quân, Bá hộ Phạm Như Trân (đời 12, chi Ất) được phong Phấn Lực tướng quân. Khâm sai cai đội Phạm Như Viện thăng bổ Tri phủ phủ Trà Lân. Khoa thi Đinh Dậu năm Minh Mệnh thứ 18, Phạm Trọng Cát đỗ Cử nhân nhưng chỉ ở quê làm nghề thuốc.
Đầu thế kỷ XX, hậu duệ họ Phạm-Kẻ Trổ luôn noi gương các bậc tiền nhân trong học tập, rèn luyện và cống hiến.
- Luật gia -Nhà văn Phạm Khắc Hoè (1902-1996), con Tú tài Hán học Phạm Khắc Khoan, tốt nghiệp trường Cao đẳng Pháp chính Đông Dương, làm quan triều Nguyễn ngót 20 năm từ Tri huyện, Tri phủ, Quản đạo Đà Lạt đến Đổng lý kiêm Ngự tiền văn phòng. Là người vận động và soạn thảo Chiếu thoái vị cho vua Bảo Đại. Vượt qua sự dụ dỗ mua chuộc của Thực dân Pháp, Phạm Khắc Hoè tình nguyện lên Chiến khu Việt Bắc tham gia chính quyền cách mạng, từng trải qua các chức vụ: Giám đốc Nha Pháp chính, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phủ Thủ tướng. “ ... Hành trình đến với cách mạng của Phạm Khắc Hoè là hành trình của một trí thức yêu nước tìm về dân tộc, hành trình của một niềm tin vào chân lý lịch sử chứ không phải là một thứ sấm truyền nào đó. Trên hành trình đó, ông chấp nhận cả lao tù, khước từ những cám dỗ mua chuộc... để đi theo con đường đã chọn...”
Phạm Khắc Hoè là tác giả tập Hồi ký “Từ triều đình Huế đến Chiến khu Việt Bắc “, “Kể chuyện vua quan nhà Nguyễn “ và một số trường ca, sách pháp luật...
- Giáo sư Phạm Khắc Quảng (?-?) từng là Giảng viên Đại học Y khoa Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Lao TW, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội. Sinh thời, Phạm Khắc Quảng đã cùng Bác sỹ Lê Kinh Thiền biên soạn cuốn “Danh từ Y học”, xuất bản năm 1944. Họ Phạm còn có nhiều người thành đạt như: Đại tá Phạm Thiệu, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quân uỷ TW, Phạm Khắc Lãm, nguyên Tổng Giám đốc Đài THVN, Giáo sư Tiến sỹ Phạm Khắc Chi, nguyên Phó Viện trưởng Viện Hạt nhân Đà Lạt, Tiến sỹ Phạm Khắc Di, NSND Tiến sỹ Mỹ học Phạm Thị Thành, Đại tá Tiến sỹ Phạm Việt Trung, Phó Viện trưởng Viện CNTT Bộ Quốc phòng ...
Trong hai cuộc kháng chiến, con cháu Đức Nhân ở nhiều dòng họ đã thể hiện lòng yêu nước , truyền thống hiếu học và rèn luyện để trưởng thành. Tiêu biểu là:
- Nguyễn Trọng Nhã (1908-1956), con ông Nguyễn Trọng Chí từng làm Chánh tổng Yên Hồ. Nguyễn Trọng Nhã từng học chữ Hán, Quốc ngữ và cả tiếng Pháp. Lớn lên theo học trường Kỷ nghệ thực hành Huế và tham gia cách mạng từ năm 1927.
Ông là thành viên tham gia Hội nghị thành lập Đảng cộng sản Việt Nam năm 1930, được cử vào Ban Chấp hành và là Thưởng vụ Trung ương Đảng, hoạt động Công vận. Bị địch bắt, đày ra Côn Đảo đến năm 1936 mới được tha. Ông bí mật sang Pháp học kỹ nghệ đúc súng rồi trở về nước tiếp tục hoạt động cách mạng, trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở các huyện phía nam Hà Tĩnh, sau đó làm Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến huyện Kỳ Anh. Là Đại biểu Quốc hội khoá I (1-1946) về làm việc tại Khu ủy Liên khu IV rồi điều động ra Hà Nội. Năm 1956, Nguyễn Trọng Nhã lâm bệnh nặng, được đưa sang Liên Xô điều trị nhưng không khỏi, mất trong năm đó tại nước bạn. Đồng chí Nguyễn Trọng Nhã đã được Đảng và Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập và Huân chương Hồ Chí Minh.
- Lê Giang (?-?) bí danh Việt Hưng, gia nhập quân đội thời kỳ chống Pháp, được phong quân hàm Trung tướng, từng là cán bộ chỉ huy Quân tình nguyện Việt Nam tại nước bạn Lào,
- Bùi Đình Kế: hoạt động cách mạng tại quê nhà rồi tình nguyện gia nhập quân đội chống Pháp. Quá trình rèn luyện, chiến đấu và trưởng thành, ông đã được phong quân hàm Đại tá. Trước khi nghỉ hưu, Đại tá Bùi Đình Kế là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mác-Lênin.
- Lê Hồng Mận, người thôn Phúc Lộc, là Tiến sỹ khoa học, từng giữ cương vị Tổng Giám đốc Tổng Công ty gia cầm thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT.
- Phạm Ngọc Cử, người thôn Phúc Lộc, từng giữ chức Hiệu trưởng trường Đại học An ninh khu vực phía Nam. Trước khi nghỉ hưu được phong Thiếu tướng...
Có một thực tế là rất nhiều con em Kẻ Trổ-Đức Nhân sau khi ra trường đều lập thân lập nghiệp ở miền xa, vì vậy nên không thể tổng hợp một cách đầy đủ và chính xác kết quả học tập rèn luyện và trưởng thành. Chỉ biết rằng, từ mảnh đất quê hương thân thuộc này, mỗi năm có khoảng 8 đến 10 em trúng tuyển vào các trưởng Đại học hệ chính quy. Phong trào chăm ngoan học giỏi trong các cấp học, cuộc vận động “Dòng họ khuyến học, gia đình hiếu học” đã và đang đi vào chiều sâu đời sống xã hội Đức Nhân.
Do các cứ liệu lịch sử và văn hoá của đất nước cũng như quê hương không thể bao quát đầy đủ và cụ thể các thế hệ người Kẻ Trổ-Đức Nhân có phần đóng góp. Gia phả các dòng họ, ngọc phả và thần tích các đền miếu đã bị thời gian, thời tiết, chiến tranh và cả con người tàn phá, làm cho các công trình bị hư hại mất mát. Chính vì lẽ đó nên có thể tên tuổi, hành trạng một số nhà khoa bảng, danh nhân lịch sử và văn hoá, các vị phúc thần cũng bị lãng quên, không được lưu giữ cùng truyền thống quê hương...
***
Trở lại ngôi đình làng Kẻ Trổ, từ khi đi chuyển về Khu lưu niệm Đại thi hào Đại thi hào Nguyễn Du đến nay, về cơ bản đình vẫn giữ được nguyên gốc, vẫn mang dáng dấp đường nét cổ kính mà thanh tao. Kiến trúc đình 5 gian gồm 6 hàng cột lớn nhỏ, có tổng chiều dài 13,5m, rộng 5,4m, chiều cao của cột cái là 2,46m. Mái lợp ngói âm dương, tăng độ cách nhiệt, chống ồn, hạn chế bão tố, mưa sa. Các bức cửa kết cấu kiểu thượng song hạ bản”. Nền nhà lát gạch Cẩm Trang.
Mặc dù không gắn liền với thân thế sự nghiệp và những biến cố thăng trầm của các bậc công hầu khanh tướng dòng họ Nguyễn Tiên Điền nhưng trong hơn bốn mươi năm qua, Đình làng Kẻ Trổ là nơi bảo quản, trưng bày giới thiệu những tư liệu, hiện vật về thân thế sự nghiệp Đại thi hào Nguyễn Du-Danh nhân Văn hoá thế giới. Sự hiện diện của Đình Trổ như một di sản thuộc quần thể Di tích Lịch sử Văn hoá họ Nguyễn Tiên Điền. Nhiều cuốn sách, nhiều tài liệu và vật phẩm lưu niệm đã chọn hình ảnh Đình Làng Trổ để giới thiệu và quảng bá di tích này. Thời gian đã rất lâu, thời tiết khí hậu và chiến tranh tàn phá nhưng Đình Làng Trổ luôn được bảo tồn và tôn tạo. Năm 2000, thực hiện dự án của nhà nước, Ban quản lý di tích đã cho thay cầu phong, mèn, đảo lại ngói, làm lại bức thưng và cửa ra vào, đồng thời xử lý chống mối mọt lâu dài. Sau khi đưa toàn bộ hiện vật tài liệu sang trưng bày tại nhà trung tâm, Đình làng Kẻ Trổ thành nơi cho du khách dừng chân sau một chuyến tham quan trải nghiệm. Ở đây, quý khách có thể ghi lưu bút vào sổ vàng, mua ấn phẩm văn hoá và quà lưu niệm từ quê hương Nguyễn Du và chiêm ngưỡng ngôi đình làng cùng thời với danh nhân.
Với nghĩa cử trân trọng di sản quý giá của các bậc tiền nhân để lại, kế thừa và phát huy truyền thống hiếu học và học giỏi để phụng sự đất nước, nhiều người tâm huyết với quê hương có ý định xin nhượng trở lại ngôi đình về chốn cũ. Thế nhưng gần nửa thế kỷ lưu giữ những hiện vật và tài liệu về một danh nhân văn hoá của nhân loại nên Đình đã trở thành tài sản quốc gia nên mong muốn đó khó trở thành hiện thực. Tuy nhiên người Đức Nhân vẫn mang niềm tự hào, đó là một phần công sức, tình cảm và trí tuệ của bao thế hệ người dân Kẻ Trổ-Đức Nhân gửi gắm vào quần thể Di sản Lịch sử-Văn hoá hạng đặc biệt của Quốc gia.
Tháng Tám năm 2013 - Đ.N
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bình Lỗ Hoàng tộc phổ
- Gia phả họ Phạm Kẻ Trổ
- Dư địa chí huyện Đức Thọ
- Các nhà Khoa bảng Hà Tĩnh
- Từ điển Nhân vật lịch sử Việt Nam
- Từ triều đình Huế đến Chiến khu Việt Bắc
+ Bài “Đình làng Kẻ Trổ - hồi ức về đạo học ở một vùng quê” đã sử dụng trong T.c Văn hiến Việt Nam (đt) và T.c Văn hoá Hà Tĩnh (số 189 - tháng 4 năm 2014).