1. Trăng lu, NXB Hội Nhà văn năm 2024 là tập truyện, ký thứ 2 của nhà thơ Đinh Sỹ Minh, gồm 11 truyện, ký, dày gần 230 trang. Trăng lu có 03 truyện ngắn là “Chuyện ông Đắc”, “Trăng lu”, “Ngụ đại” và 8 truyện ký.
Qua “Chuyện ông Đắc”, Đinh Sỹ Minh đã tái hiện lên hoàn cảnh lịch sử của miền Bắc từ những năm cải cách ruộng đất đến những năm đất nước giải phóng. Nguyễn Đắc là nạn nhân của “chủ nghĩa thành phần”, gia đình một thời bị quy sai địa chủ.
“Năm Đắc mười sáu tuổi vì là con trai địa chủ, nên Đắc không đủ tiêu chuẩn để được kết nạp Đoàn”, (Chuyện ông Đắc, trang 8). Học hết cấp 2 thời đó, Nguyễn Đắc vào bộ đội, vào tận chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam bộ, chiến đấu ở đó từ năm 1967 đến 1972. Chiến đấu ngoan cường, một phần xương máu Đắc để lại trên chiến trường, được công nhận là thương binh. “Nhờ thằng Mỹ mà tôi được một thời là Đảng viên, làm Bí thư chi bộ khi mới 22 tuổi”, (Chuyện ông Đắc, trang 11).
Sau Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, năm 1973, Nguyễn Đắc xuất quân, trở về ngôi làng nhỏ thuộc xã Thanh Linh, huyện Đồng Đức, được mời tham gia cấp ủy địa phương và trở thành Bí thư Chi bộ. Nguyễn Đắc vốn sinh ra trong gia đình tần tảo, cần cù, ước mơ của Đắc lúc này chỉ lấy vợ, yên bề gia thất, thánh thiện như mọi người nông dân quê mùa khác. Vượt qua định kiến “con địa chủ” xa xưa, Đắc là Mơ – một Bí thư Đoàn gặp nhau.
Thế nhưng bất hạnh liên tiếp ập lên cuộc đời ông. Nguyễn Đắc bị chính quyền Thanh Linh bắt 2 lần, lần đầu “can tội” nghe đài địch, bị kết tội “Việt gian”. Ông bị “Tạm đình chỉ chức vụ Bí thư Chi bộ...... Chờ xác minh”, (Chuyện ông Đắc, trang 92). Thời đó làm gì có chuyện pháp luật, từ nhận thức đến các thủ tục bắt người, tống giam. Dư luận xã hội cũng là một “pháo đài” giam hãm con người.
Nguyễn Đắc bị nhốt trong kho Hợp tác xã nông nghiệp đến cả tháng. Đến Mơ cũng bị liên lụy, “Đảng ủy xã cho tạm thôi chức Bí thư Chi đoàn, với lý do là người yêu của Việt gian”, (Chuyện ông Đắc, trang 95). Chuyện không hề nhỏ, từ Đảng ủy xã Thanh Linh đến Đảng ủy Đồng Đức họp lên, họp xuống, biết bao văn bản gửi lên, trát xuống.
Trăng lu chứa đựng nhiều thông điệp
Rồi Nguyễn Đắc được tạm tha, “trả về địa phương sau mười một tháng hai mươi ngày tạm giam. Đó là những ngày tháng Chạp năm Giáp Dần 1974”, (Chuyện ông Đắc, trang 98). Vượt lên biết bao khó khăn, cản trở, Đắc và Mơ cưới nhau đúng vào ngày đất nước giải phóng. Nguyễn Đắc tập trung làm ăn giữa thời buổi đất nước quê hương khó khăn, lặn lội vào Nam, ra Bắc.
Lần thứ hai Nguyễn Đắc bị “gô cổ” do nổi nóng, xông vào đánh một Bí thư Chi bộ kiêm Xóm trưởng Phan Lộc đòi “tòm tem”, ngôn ngữ bây giờ gọi là tấn công tình dục với vợ mình, lúc ông đi làm ăn xa nhà. Dù Mơ chưa kể đầu đuôi câu chuyện, nhưng Đắc được nghe mẹ mình kể lại.
Sau đó là những trận “đòn thù”, giăng bẫy làm hại đời Nguyễn Đắc của Bí thư Phan Lộc. Vợ chồng ông vượt qua tất cả, bảo vệ hạnh phúc. Đắc làm kinh tế giỏi, trở thành điển hình nông dân, doanh nhân thành đạt, tham gia nhiều hoạt động từ thiện, nhân đạo. Nguyễn Đắc còn được đơn vị cũ làm hồ sơ và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, nhờ những thành tích trong chiến đấu.
Hai lần Đắc bị bắt chính là hai “nút thắt” được tác giả Đinh Sỹ Minh đẩy lên kịch tính trong “Chuyện ông Đắc”
Với những người “thế hệ 7X”, thậm chí 8X trở về trước đọc “Chuyện ông Đắc” dễ hình dung ra những lát cắt lịch sử từ đời sống, quan niệm từ chính trị đến đạo đức, tâm lý xã hội đang quay trở lại trước mắt. Hay nói cách khác, ngày hôm qua hiện về. Để có sự đổi mới, cuộc sống thay đổi như ngày hôm nay, đất nước, quê hương đã trải bao vật vã, tìm kiếm mô hình, con đường. Đó phải chăng là “thông điệp” từ “Chuyện ông Đắc”?
“Mai sau (một hay nhiều đời), có thể một hậu duệ nào đó tò mò: "Không hiểu hồi xưa các cụ nhà ta đã sống ra sao?". Thì đây: Tập truyện, ký "Trăng Lu" ít nhiều sẽ đáp ứng được một chút điều mong mỏi đó”, chính nhà văn Đinh Sỹ Minh suy nghĩ khi cầm bút, (Đinh Sỹ Minh: Lời đầu sách, trang 2). Về mặt này, Đinh Sỹ Minh đã có những đóng góp.
“Chuyện ông Đắc” còn gửi thông điệp về tình yêu, trách nhiệm con người giữa “nhiễu nhương” cuộc đời. Đó là các nhân vật chú Mại, ông Cát...., đặc biệt là Mơ – nữ Bí thư Chi đoàn, sau này là vợ Đắc. Họ đã dám vượt lên, tin vào lòng tốt để yêu thương, che chở. Suy cho cùng, đó là vẻ đẹp ở cuộc đời và cũng là thiên chức của văn chương.
2. “Trăng lu” là truyện ngắn được coi là “truyện đinh” được nhà thơ Đinh Sỹ Minh dùng đặt tên chung cho cả tập Trăng lu. “Trăng lu” cũng đưa người đọc đến một thời gian khó của đất nước. Đó là thời kỳ “bần cùng sinh đạo tặc”, cướp giật, móc túi diễn ra thường ngày trên các tuyến tàu khách Bắc – Nam và các tuyến vận tải đường sắt, đường bộ khác. Lực lượng cảnh sát hình sự của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) và các tỉnh nơi có đường sắt đi qua phải mật phục, hóa trang, ra tay trấn áp.
Nhân vật “Nam” trong “Trăng lu” chen chúc trên chuyến tàu chợ chật chội, hôi hám, trộm cắp như rươi... từ Bắc vào Nam nhận công tác. Chính “tôi” cũng bị kẻ cắp xoáy mất chiếc ba lô, dẫu chỉ là mấy bộ quần áo. “Tôi” bị choáng ngay khi được mục kích vụ tai nạn chết người. Nạn nhân không phải là người hiền lương mà chính kẻ bọn cướp giật, khi rượt đuổi nhau trên nóc tàu, khi tàu đang chạy.
Nhà văn Đinh Sỹ Minh (phải) và tác giả bài viết
Trước lạ, sau quen, những tình huống xuất hiện trên chuyến tàu chợ như trộm cắp, chụp giật, lậu vé, nhân viên quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa, tư trang hành khách...làm cho Nam, và các nhân vật Dung, Hương – những khách đi tàu hiểu nhau, cảm thông. Đó là thời “ngăn sông cấm chợ” kinh hãi.
Trong tình huống bị kiểm tra, sau khi đã xuống Huế cùng với Hương, Dung, Nam bị “tai bay vạ gió”, trong hàng hóa của Hương có đồ quốc cấm. Tất cả họ bị mời về nhà tam giam, Công an thành phố Huế. Tại đây, Nam có cuộc gặp đầy bất ngờ với Bắc “Đù” – bạn cũ thời cả hai là sinh viên Đại học Xây dựng.
Cứ thế, Đinh Sỹ Minh “thiết kế” cac tình huống, có lớp lang, thắt mở. Đọc “Trăng lu” người đọc nhận ra phương thức tự sự, miêu tả nhân vật, sự kiện, hoàn cảnh...như chính tác là người “trong cuộc” đang kể lại câu chuyện của mình. Nói như nhà PBVH Bùi Việt Thắng khi đọc Trăng vỡ (NXB Hội Nhà văn năm 2021) của Đinh Sỹ Minh, bút pháp Đinh Sỹ Minh là “bút pháp chân thành”. Văn là người, chân thành như tác giả. Tôi kết hợp “2 trong 1” nên gọi là bút pháp “hiện thực chân thành”. Đọc các tác phẩm ký “Ông nội tôi”, “Thầy đồ”, “Nghề tay trái”, “Nhập trường”....trong tập Trăng lu càng nhận ra sự chân thành của tác giả.
3. Từ 2 năm nay, nhà thơ Đinh Sỹ Minh đã chọn con đường “hồi hương”, từ biệt Hà Nội về với cố thổ “Thanh Lạng Quê choa” thuộc Đức Thọ, Hà Tĩnh. Thi thoảng có việc anh mới ra Hà Nội. Gặp bạn bè xong, anh về ngay. Không đâu bằng quê hương, với anh, không có gì đổi được làng.
“Chả nơi mô bằng được đất Thanh Linh mềnh. Sinh ra ở quê thì chết cũng ở quê”, đây là câu nói của nhân vật Đắc trong truyện ngắn “Chuyện ông Đắc”, nhưng đúng với chính bản thân tác giả.
“Ký ức là một vùng hoài niệm thẳm sâu trong tâm khảm của riêng mỗi con người; là một khoảng thời gian in dấu trên đường đời đủ để người ta phải khắc khoải hoài vọng; là một giai đoạn thăng trầm của đời sống xã hội mà ta đã trải qua… Với tôi, ký ức là những mảnh vụn luôn đầy ắp trong tâm trí. Chúng lóng lánh đủ mọi sắc màu, đầy những góc cạnh, và đôi lúc thầm lặng tỏa hương”, Đinh Sỹ Minh chia sẻ ngay những dòng đầu của “Lời đầu sách”.
Và anh khiêm nhường: “Tập sách này có thể chưa hẳn là văn chương, nhưng nó là quá khứ ám ảnh đã buộc tôi phải viết ra”.
Đinh Sỹ Minh trước hết là nhà thơ. Anh là Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội. Sau 3 tập thơ: Thăm thẳm bóng làng, NXB Hội Nhà văn, năm 2015; Nhốt đam mê, NXB Hội Nhà văn, năm 2016; Phồn sinh, NXB Hội Nhà văn, năm 2020; gần đây Đinh Sỹ Minh dấn thân vào văn xuôi.
Dù là thơ hay văn xuôi, tác phẩm của Đinh Sỹ Minh luôn ẩn chứa những suy tư, hoài niệm, thánh thiện, nhân văn. Sau những “giãi bày cá nhân” qua từng nhân vật, anh đã có những đóng góp tích cực./.
Hà Nội ngày 20/3/2024
NĐH