Đò ơi

Hằng Trịnh

26/01/2024 06:51

Theo dõi trên

Gà gáy canh tư, trời vẫn còn tối, không khí như đặc quánh vì nóng, lao xao tiếng các chị, các mẹ, các bà gọi nhau đi chợ. Muốn qua chợ Neo phải băng qua sông. Mùa hè nước sông tuy cạn có đoạn nhìn thấy đáy nhưng vì gánh nặng vẫn phải đi đò.

Mỗi chuyến đò ngang dù cố gắng chỉ chở được dăm bảy người cùng quang gánh. Cô lái đò người chắc lẳn, thoăn thoắt đi lại trên thành đò để giữ cân bằng, giúp các mẹ, các chị, các bà quẩy gánh lên đò an toàn. Nhiều lúc đò vừa chèo đi, chợt nghe gấp gáp, đò ơi… đò! Và nhanh đến không ngờ, cô lái đò bẻ quặt mái chèo, con đò quay lại trong tiếng cười mừng rỡ suýt bị lỡ đò. Mồ hôi lấm tấm trên mặt cô lái đò, lại thoăn thoắt chèo thuyền để mau cập bến.

dt01-do-oi-1706194449.jpg

Dòng sông Chu vừa yên bình vừa hung hăng. Ảnh sưu tầm


Các mẹ thảnh thơi ăn trầu, mấy cô thôn nữ lao xao bình phẩm về quần áo, thắc mắc về câu hò của thanh niền làng Căng Cót tối qua mà chưa tìm được lời đáp lại. Rằng: làng anh trên bến dưới thuyền; Cha mẹ anh hiền, anh rất bảnh trai; Em ơi ước hẹn cùng anh; … Vẫn dòng sông Chu, nơi bến đò xưa, giờ cây cối mọc um tùm. Không còn cảnh tấp nập người lên, xuống gọi đò. Con sông Chu mùa này thảnh thơi, yên bình là vậy, đâu ai ngờ được cũng vẫn là nó vào mùa nưỡc lũ hung hăng, gầm gừ, ồn ào, xối xả như muốn bào mòn, nhấn chìm cây cối đôi bờ cuốn đi.
Tquê nghèo, vừa chăn bò vừa nhặt phân hoặc cắt cỏ đem về. Bãi bồi bên sông hủa bé chăn bò, là lũ trẻ con từ năm, sáu tuổi, lớn nhất tầm 10 tuổi. Trẻ con chang chang nắng, cái nắng miền Trung găn gắt, chói chang. Mênh mông là cát. Chỉ duy loài cỏ gấu vẫn xanh um, làm bạn với cát bất kể cái nóng như nung. Trâu, bò dù đói cũng không kiên nhẫn gặm cỏ, đành trốn vào bóng râm của bụi tre, cây vải ven đê. Thoảng hoặc được một cơn gió, thổi nhanh mang theo cái nóng của cát, như sự dỗi hờn của dòng sông, vì sự bỏ bê của gió. Đối phó với cái nóng, lũ trẻ chăn bò nhảy xuống sông hò reo nghịch nước. Tạo hoá diệu kỳ, mặc kệ nắng, nóng. Dòng sông cứ hiền hoà chảy quanh, nước trong tận đáy, thấy rõ từng con tôm, con tép. Thoả thê vẫy vùng, lũ trẻ rủ nhau mò ngao, bắt hến. Vài con đò nằm dọc trên sông, uể oải, nhàn tản không màng nắng gắt. Lâu lâu có tiếng gọi đò đơn độc của các mẹ, các chị vì trễ buổi chợ quê. Xuống đò, vội vàng chạy qua trảng cát, từng hạt cát như được rang nóng, bỏng rát bàn chân. Các bà vội vã chạy nắng, mấy cô thôn nữ vừa chạy vừa chí choé bẹo nhau, giọng cười dòn tan, khoả lấp vào sông, mát lịm trưa hè.
Sau bữa cơm chiều, cái nắng của mặt trời đã hết nhưng cái oi hầm hập của không khí gia tăng. Và như thường lệ bờ sông, bến đò là nơi giải nhiệt. Trẻ con bắt u, đánh trận, các bà các mẹ kể chuyện mùa màng, thanh niên từng tốp hò nhau kết nối, giao duyên với làng bên sông… Giờ bắc qua con sông xưa là cây cầu Hạnh Phúc. Cây cầu vững chãi kết nối đôi bờ trù phú. Sông vẫn khoan thai chảy mà vắng hẳn những con đò, nên nó ủ ê, trầm mặc, lười nhác, im lìm.
Tiếc nuối tiếng đò xưa với các âm thanh sôi động một thời nó cũng muốn gầm lên nhưng đành bất lực. Bù lại sự thiếu vắng âm thanh, hai bên bờ của nó giờ là tre, là mía, là bầu, là bí, ngô khoai... mùa nào thức nấy làm bạn với sông. Là bóng của cây cầu Hạnh Phúc ngày đêm không dời, vững chắc và tin cậy, làm bạn vỗ về, thân thiết những lúc nó quăng mình giận dỗi. Nó không biết rằng cư dân đôi bờ chưa bao giờ giận nó. Họ yêu nó với tình yêu không vụ lợi. Yêu thương nó từ lúc trẻ thơ tắm truồng nghịch ngợm tới khi nhắm mắt dời xa cõi tạm. Sự yêu nồng nàn, tha thiết trở thành sự đau đáu nhớ thương khi phải xa nhau.
Nghe mà lạ nhưng cũng rất là thật. Hỏi những cư dân đôi bờ sông Chu, rằng có yêu nó không, có nhớ nó không? Câu trả lời sẽ là không nhớ. Không phải là không nhớ mà là luôn nhớ, nỗi nhớ này lạ lắm, nó quay quắt, nó trầm tư, nó tích tụ. Nó len lỏi vào trong giấc ngủ, nó giật mình trong những giấc mơ. Nó thức tỉnh trong mỗi cư dân, rằng cố gắng sống tốt, cố gắng vươn lên, giúp ích cho mình, cho mọi người và trở về với nó. Vì nó là tuổi thơ, là ký ức, là vạch xuất phát, là bệ đỡ cho từng cư dân giữ mình giữa ranh giới Thiện, Ác. Mà theo ngôn ngữ của nó là giữa Trong và Đục.
Đò ơi, sông ơi! Người bạn hoa niên, người bạn ân tình, xa mà gần trong tâm thức. Nhịp sống như một vòng xoay. Hối hả, bình lặng. Và nó như trầm tích trong mỗi con người ở vùng quê ấy, để khi lớn lên hoặc đi xa đều thấm đẫm nhớ thương tiếng gọi đò ơi, sông ơi... hối hả chiều quê...

Bạn đang đọc bài viết "Đò ơi" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn