Độc đáo Lễ cầu mùa của người Cờ Lao

Tháng 7 âm lịch, khi những thửa ruộng bậc thang đã xanh đồng, thời gian bận rộn nhất trong năm đã qua đi. Đó cũng là dịp để người Cờ Lao sinh sống tại xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang tổ chức Lễ hội cầu mùa gửi gắm những ước nguyện tới thiên nhiên. Cầu một năm an lành cho con người, hoa màu phát triển,vật nuôi mau lớn, đời sống ấm no... Như thông lệ lễ hội năm nay được Uỷ ban Nhân dân huyện Hoàng Su Phì tổ chức vào ngày 19/8/2023 tại xã Túng Sán.
picture1-1692487748.jpg
 

Những ngày trước lễ là khoảng thời gian bận rộn nhưng người dân rất phấn khởi. Người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Cờ Lao xã Túng Sán là nghệ nhân Min Phà Kháy đã tổ chức họp bàn để phân công nhiệm vụ cho từng thôn, từng nhóm.

picture2-1692487777.jpg
 

Lễ hội Cầu mùa mang những ý nghĩa to lớn trong việc bảo vệ thiên nhiên, gửi gắm những ước nguyện tốt đẹp của con người nói chung với rừng. Đối với người Cờ Lao rừng còn là nơi trú ngụ của một vị thần luôn che chở cho xóm làng qua bão gió của thời gian. Đó là vị vua Hoàng Vần Thùng.

Theo truyền thuyết của người Cờ Lao, vua Hoàng Vần Thùng là người có công khai thiên, lập đất, giữ làng, dạy bảo bà con nhân dân trong vùng biết cách trồng trọt, chăn nuôi, săn bắt thú dữ và cầu cho mưa thuận, gió hòa, Quốc thái, dân an…

Ngày nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên Lễ cúng Thần Rừng cũng như một số lễ hội khác của dân tộc Cờ Lao đang có nguy cơ mai một dần và mất đi. Để bảo tồn Nghi lễ, Lễ hội tiêu biểu trong những năm qua, chính quyền huyện Hoàng Su Phì và tỉnh Hà Giang đã tổ chức phục dựng “Lễ hội cầu mùa” nhằm lưu giữ trao quyền cho các thế hệ sau. Các hoạt động lễ hội diễn ra hàng năm đều đón nhận sự hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng người người Cờ Lao ở xã Túng Sán và các tỉnh thành có người Cờ Lao sinh sống như Sa Pa. Lào Cai - huyện Đồng Văn, Hà Giang.

picture3-1692487809.jpg
 

9h sáng nghi lễ cúng Thần Rừng của người Cờ Lao chính thức diễn ra theo hai phần: Lễ cầu mùa chung của cả làng tại miếu thờ Hoàng Vần Thùng và Lễ cúng riêng của từng gia đình.

Lễ cúng chung bao gồm: cúng sống và cúng chín. Trong cúng sống, toàn thể dân làng sẽ dâng các lễ vật đã chuẩn bị đến trước các ban thờ cúng trình báo về việc hôm nay tổ chức lễ cúng. Thầy cúng tiến hành các nghi thức cắt tiết lợn và máu của gà quệt vào những tập giấy bản, vừa cúng vừa vẩy lên các ban thờ để trình lễ. Không khí của nghi lễ diễn ra trong sự trang trọng, tôn nghiêm.

picture4-1692487842.jpg
 

Sau lễ cúng sống, các vật sống sẽ được mang đi làm sạch và luộc chín để bày lên các ban thờ dâng lên Tổ tiên, mời các vị thần về hưởng lễ, gọi là cúng chín. Cuối cùng, thầy sẽ hoàn tất lễ cúng bằng thủ tục hóa các loại giấy bản, vàng mã.

picture5-1692487875.jpg
 

Với quan niệm vạn vật hữu linh, nghĩa là mọi vật trong trời đất từ súc vật, cây cối, hoa màu, ngô thóc… đều có linh hồn, chính vì vậy, muốn có một cuộc sống an lành, khỏe mạnh, làm ăn phát đạt, tránh khỏi tai bay vạ gió, loạn lạc lâm nguy, không bệnh tật ốm đau, mùa màng bội thu, gia súc đầy chuồng thì cần phải tiến hành các nghi lễ tri ân công đức tổ tiên và các vị thần linh cai quản đất, rừng để được phù hộ.

Tính cộng đồng trong Lễ Cầu mùa được thể hiện rất rõ khi cả dân làng cùng tham gia đóng góp, chuẩn bị các lễ vật dâng lên Vua Hoàng Vần Thùng và đồng lòng cầu nguyện. Những giá trị thông qua nghi lễ cũng là cơ hội để thế hệ trẻ học hỏi và kế thừa các giá trị truyền thống, nâng cao nhận thức về giá trị văn hoá của dân tộc mình.

picture6-1692487906.jpg
 

Khi các nghi lễ cúng Thần Rừng đã hoàn tất. Họ cùng nhau quây quần ngay tại miếu thờ dưới tán cây để cùng thụ lộc liên hoan ăn bữa cơm cộng đồng. ông Min Phà Kháy người có uy tín trong cộng đồng người Cờ Lao xã Túng Sán chia sẻ:

“Chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền để khôi phục, bảo tồn và phát huy ý nghĩa quan trọng của lễ hội này đến với toàn cộng đồng người Cờ Lao ở đây nói riêng và toàn xã hội nói chung vì đó là một mong cầu, khát vọng rất tốt đẹp đối với con người và thiên nhiên, đặc biệt là rừng”.

Dịp lễ hội này phòng Văn hóa huyện Hoàng Su Phì cũng tổ chức nhiều các hoạt động văn hoá thể thao dân tộc với sự tham gia biểu diễn của các nghệ nhân, đồng bào người Cờ Lao là nòng cốt đội văn nghệ của các thôn; Thi đấu các môn thể thao truyền thống như đánh nỏ, kéo co, đánh sảng; Thi tay nghề truyền thống đan lát, dệt thổ cẩm; Trình diễn Lễ cầu mùa của dân tộc Cờ Lao tại miếu thờ thôn Tà Chải xã Túng Sán; Tổ chức triển lãm các sản phẩm văn hoá xã hội của dân tộc Cờ Lao… thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương tham gia.

picture7-1692487979.jpg
 

Với những giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa, Lễ Cầu mùa của người Cờ Lao đã được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia. Đây là một điểm sáng giúp Túng Sán xây dựng lợi thế phát triển  du lịch cộng đồng gắn với văn hóa bản địa. Bên cạnh thể mạnh từ thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này như quần thể ruộng bậc thang rộng lớn, rừng thảo quả bạt ngàn hay diện tích rừng trà Shan tuyết hàng trăm tuổi trải dài, bên cạnh một thiên nhiên hoang sơ với hệ sinh thái rừng nguyên sinh phong phú, kẹp giữa 2 dãy núi Tây Côn Lĩnh và Chiêu Lầu Thi, trà Shan tuyết Túng Sán cho ra vị trà thơm quyến rũ khác biệt hẳn các dòng trà Shan cùng loại.

picture8-1692488029.jpg
 

Mặc dù trong những năm gần đây, huyện Hoàng Su Phì rất quan tâm tập trung nhiều nguồn lực để phát triển văn hóa bản địa gắn với du lịch, nhưng Túng Sán hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn do địa hình chia cắt phức tạp, giao thông chưa thông suốt. Đặc biệt vào mùa mưa thường xảy ra sạt lở, đường đi nguy hiểm.

Trao đổi với chúng tôi về công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của người Cờ Lao ở Túng Sán. bà Triệu Thị Tình phó GĐ sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết “ Người Cờ Lao là một trong số những dân tộc rất ít người ở Việt Nam. Lễ hội cầu mùa của người Cờ Lao ở xã Túng Sán có giá trị rất lớn trong đời sống cộng đồng nên cần phải bảo tồn và lan tỏa tới cả cộng đồng. Chúng tôi đã phục dựng và tiến hành đánh giá kết quả, thông qua đó có giải pháp bảo tồn và phát triển làm tăng thêm giá trị của một lễ hội bản địa giàu ý nghĩa này”.