Thanh Hóa: Độc đáo tranh thờ của người Dao quần chẹt Cẩm Thủy

Sinh sống lâu đời trên vùng đất Cẩm Thủy (Thanh Hóa), đồng bào dân tộc Dao quần chẹt đã gìn giữ và duy trì một trong những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình đó là tranh thờ.

Đối với người Dao, tranh thờ chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần và tâm linh nhất là thời điểm đầu Xuân năm mới.

Chú thích ảnh  Ông Triệu Hùng Cường đang miệt mài vẽ những bộ tranh thờ với sự cẩn trọng, tỷ mỷ, và sự thấu hiểu về giá trị văn hóa của dân tộc mình qua mỗi bộ tranh.

 

Đồng bào Dao trong cả nước nói chung, đồng bào Dao Thanh Hóa nói riêng quan niệm trong những ngày lễ quan trọng của cuộc đời như lễ Cấp sắc, lễ Hoàn nguyện, Tết nhảy, lễ Tạ mả (lễ tang), Đám ma tươi... đều không thể thiếu được tranh thờ. Người Dao không treo tranh hàng ngày trong nhà, mà chỉ khi tiến hành nghi lễ, họ mới treo tranh thờ lên, thực hiện lễ xong lại cuộn tranh cất đi.

Tranh thờ của người Dao thể hiện quan niệm của con người thuở sơ khai về vũ trụ, lịch sử cội nguồn, cũng như các mối quan hệ giữa con người với vũ trụ, thần linh và những ước vọng trong cuộc sống. Theo quan niệm của người Dao, thần linh có quyền năng vô song và chính là những người bảo trợ cuộc sống cho con người. Người Dao thờ cúng Bàn vương (thủy tổ của người Dao), thờ cúng tổ tiên và thờ các vị thần linh với mong muốn một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.  

Có dịp về huyện miền núi Cẩm Thủy những ngày đầu Xuân, chúng tôi đã tìm đến nhà ông Triệu Hùng Cường (thôn Thạch An, xã Cẩm Liên), một trong số ít người đang theo đuổi nghề vẽ tranh thờ của dân tộc Dao ở Thanh Hóa.

Cùng với niềm đam mê vẽ và lưu giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, ông Cường đã có 12 năm theo thầy học nghề, rồi tự chuyên tâm nghiên cứu để có được những bức vẽ sinh động. Trải qua không ít khó khăn, thất bại, ông Cường vẫn miệt mài vẽ với sự cẩn trọng, tỉ mỉ và sự thấu hiểu về giá trị văn hóa của dân tộc mình qua mỗi bộ tranh.

Theo ông Cường, để vẽ một bức tranh thờ đẹp, có hồn, người vẽ phải lột tả được cái “thần” của nó. Việc vẽ tranh thờ đòi hỏi người vẽ phải rất tỉ mỉ trong từng khâu, như chọn màu, pha màu, phối hợp màu sắc cho cân xứng, hài hòa, đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì nên không phải ai cũng có thể làm được. Khi vẽ, phải tập trung tinh lực, trí lực cao nhất đảm bảo trong từng bức tranh vẽ, các vị thánh thần có thần thái uy nghiêm nhất. Chính vì sự linh thiêng đó nên người vẽ tranh phải tuân theo nhiều điều cấm kỵ nghiêm ngặt khi vẽ.

Nơi vẽ tranh của ông Triệu Hùng Cường là một căn phòng riêng biệt trong nhà, có cửa sổ đón ánh sáng để làm khô giấy, khô tranh, Đặc biệt, phụ nữ trong nhà rất ít khi được vào phòng vẽ tranh, người lạ thì càng không được vào. Tranh thờ của người Dao không phải ai xem vào lúc nào cũng được, mà phải vào đúng ngày hành lễ, người ta làm lễ báo cáo xin phép tổ tiên mới được mở ra.

Theo ông Cường, người Dao thường thờ các bộ tranh như Sò phảng, Hành sư, Tam Thanh đại đường... Mỗi bộ tranh mang những ý nghĩa, sắc thái khác nhau trong đó nổi bật và phổ biến nhất chính là bộ Tam Thanh đại đường gồm 12 bức tranh to vẽ đủ 120 binh lính và 4 bức tranh nhỏ vẽ Tứ phủ công tào.

Chú thích ảnh Đối với người Dao, tranh thờ chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần và tâm linh nhất là thời điểm đầu xuân năm mới. 

 

Trong bộ tranh Tam Thanh đại đường có ba vị thần tiên tối cao của Đạo giáo, cao nhất là Nguyên thủy thiên tôn còn gọi là Ngọc Thanh (thần cai quản trên trời), tiếp đó là Đạo đức thiên tôn còn gọi là Thái Thanh (thần cai quản cõi âm) và Linh bảo thiên tôn còn gọi là Thượng Thanh (cai quản trần gian).

Ba vị thần này có khi được vẽ độc lập ở từng bức tranh, nhưng cũng có khi được vẽ chung hoặc vẽ cùng các vị thần linh khác nhưng luôn ở vị trí trung tâm, là chủ thể trong các bộ tranh của người Dao. Các thần ít quyền năng hơn thì được vẽ đơn giản, kích thước nhỏ.

Màu sắc tranh thờ thường là màu nước, với 8 màu cơ bản và phối thêm từ 4-5 màu khác trong đó màu chủ đạo là vàng, xanh, đỏ, trắng, đen.

Tranh thờ của người Dao thường được lưu giữ qua nhiều đời, nên người Dao thường sử dụng giấy dó để vẽ vì loại giấy này có độ mỏng, dai và hút ẩm tốt, có tuổi đời hàng trăm năm.

Kỹ thuật vẽ tranh thờ của người Dao là nghệ thuật đặc sắc, chính vì vậy nên việc làm tranh thờ không thể làm nhanh và nhiều.

Theo ông Cường, vẽ một bộ tranh thường sẽ mất khoảng 1-2 tháng. Vì thế có rất nhiều gia đình người Dao trên cả nước muốn đặt ông vẽ tranh nhưng ông không dám nhận. Ông chỉ nhận trong khả năng của mình để đảm bảo những bức tranh vẽ ra sẽ thể hiện đúng thần thái của các vị thần và chủ đề của từng bức tranh thờ.

Thầy cúng Bàn Văn Phòng (thôn Thạch An, xã Cẩm Liên, huyện Cẩm Thủy) cho biết, hệ thống tranh thờ của người Dao rất phong phú, hình vẽ trên tranh thể hiện từ thời sơ khai về nguồn gốc hình thành vũ trụ, mối quan hệ giữa vạn vật, trong đó có con người.

Các bộ tranh đều giáo dục con người sống đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau cũng như ý thức vươn lên, khắc phục khó khăn để làm chủ cuộc sống. Từ xa xưa, người Dao đã luôn cầu mong những điều tốt đẹp đến với con người và gửi gắm đến thần linh qua những bức tranh thờ. Bộ tranh thờ gắn liền với cuộc đời mỗi người Dao, từ khi sinh ra đến khi chết đi và truyền từ đời này sang đời khác.

Trưởng phòng Văn hóa và thông tin UBND huyện Cẩm Thủy Vũ Xuân Phúc khẳng định: "Với một dân tộc rất trọng đạo lý như dân tộc Dao thì những bức tranh thờ không chỉ là tín ngưỡng mà còn là đức tin. Tuy nhiên, cùng với thời gian và sự du nhập của nhiều nét văn hóa mới, hiện tục thờ tranh của người Dao ở Thanh Hóa cũng đã mai một đi rất nhiều và người biết vẽ tranh thờ cũng ngày càng hiếm".

Chú thích ảnh Một bộ tranh thờ trong phòng tranh của ông Triệu Hùng Cường. 

 

Thời gian qua, chính quyền địa phương cùng cơ quan chức năng luôn dành sự quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Dao trên địa bàn huyện Cẩm Thủy nói riêng. "Tới đây, chúng tôi sẽ cố gắng động viên các làng, xã bảo tồn chữ viết, tranh thờ của người Dao; đồng thời có những hỗ trợ nghệ nhân mở lớp truyền dạy kỹ năng vẽ tranh thờ nhằm tìm người kế cận, lưu giữ nghề truyền thống của dân tộc mình", ông Phúc chia sẻ.

Tranh thờ của ông Triệu Hùng Cường đã được cộng đồng người Dao ở nhiều địa phương trong cả nước như Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hòa Bình, Phú Thọ... biết đến và tìm mua. Đặc biệt, có 2 bộ tranh thờ vừa được Bảo tàng Hùng Vương (Phú Thọ) đặt mua và trưng bày.

Là người tâm huyết với việc lưu giữ, bảo tồn và duy trì những tư liệu, văn hóa tín ngưỡng của người Dao, ông Cường vẫn luôn mong muốn truyền đạt lại kiến thức, kinh nghiệm của mình cho thế hệ sau. "Tôi sẽ cố gắng hết sức mình để có thể tạo ra những bức tranh nhằm bảo tồn và lưu giữ cho thế hệ sau này. Hiện, con trai của tôi cũng có năng khiếu vẽ, tôi đang truyền dạy lại nghề vẽ tranh thờ cho con. Cháu giờ đã có thể hỗ trợ tôi rất nhiều” - ông Triệu Hùng Cường tâm sự.

Rời bản người Dao thôn Thạch An trong một ngày đầu Xuân mới, sắc Xuân đang ngập tràn khắp các nẻo đường, chúng tôi tin với tình yêu, niềm tin và sự nỗ lực không mệt mỏi của những người như ông Triệu Hùng Cường và sự hỗ trợ của chính quyền huyện Cẩm Thủy, những nét đẹp văn hóa độc đáo của tục vẽ tranh thờ của người Dao xứ Thanh sẽ được gìn giữ và phát triển đến muôn đời sau.