Về nhà, tôi đọc một mạch, vì tập thơ đã cuốn hút tôi. “Đồng dao trên núi “ đã cho tôi được trở về với thế giới tuổi thơ, trở về với những miền quê nghèo mà đầy ắp tình yêu thương, sự trong trẻo, hồn nhiên tự thuở nào. Bài thơ “Cây thị của bé” là một bài thơ như thế.
Mùi hương thơm nức / Thị trốn ở đâu?
Giấu mình trong lá / Hương thơm trên đầu!
Quả thị căng tròn / Lá xanh, cành thắm / “Mặt trời bé con” Vàng thơm trong nắng Đêm thu trăng sáng / Thơm nức mùi hương / Những “vầng trăng nhỏ” / Lấp lánh, tỏa hương!
Nhà thơ đã thổi hồn, hóa thân vào thế giới tuổi thơ, khi quan sát “Chú mèo mắt xanh “ tinh tế
Mèo ta rất nhanh / Rình chuột, vồ mồi / Chú mèo mắt xanh / Làm việc như chơi!
Cặp mắt sáng ngời / Đôi tai rất thính / Cặp ria vểnh vểnh / Cái miệng xinh xinh…
Đó còn là những vườn trăng, là ngọn gió, là những cơn mưa tinh nghịch.
Nhà thơ đã hóa thân vào trẻ thơ, làm bạn cùng các bé bằng thứ ngôn ngữ đồng dao dễ hiểu, dễ nhớ trong sáng, trong trẻo, ngộ nghĩnh. Nào là ngọn gió:
“Gió làm mây bay / Cho trời xanh mát / Gió chạy suốt ngày / Vừa đi vừa hát!
Gió vui bát ngát / Thổi khắp đồi nương / Đưa hương ngào ngạt / Em vui tới trường”!
(Kể chuyện bạn gió)
Đó còn là vẻ đẹp những ánh nắng, “Nắng trong vườn rất trong / Cùng reo vui, nhảy múa / Chuồn chuồn bay lượn vòng /Nắng đùa trong vòm lá! Nắng hồng lên rất lạ / Đàn ong mải mê bay / Châu chấu trượt trên lá / Kiến càng ngã lăn quay...”
Đó là muôn vàn thứ cỏ cây hoa lá, đặc biệt là thế giới côn trùng sinh động với lũ bọ ngựa, cào cào, châu chấu…
“Cặp mông tròn ưỡn cong / Vòng eo thì nhỏ xíu!
Bọ ngựa vừa múa xong / Điệu Bale “bùm, chíu”...
Bọ ngựa biết mình tài / Hoa khôi nơi đồng cỏ / Khoe cặp chân rõ dài / Múa hay, còn biết võ! Xoè tung đôi cánh gió / Nhón chân, bước lên cao / Gương mặt tuy bé nhỏ Nghiêng Nghiêng cúi đầu chao..”
(Bọ ngựa diễn thời trang)
Đọc “Đồng dao trên núi”, các bé sẽ cảm thấy dễ đọc, dễ hiểu, dễ hình dung ra những cảnh vật, thiên nhiên làng quê và cuộc sống nơi những bản làng. Sáng sớm, bé thức dây, nghe thấy tiếng chú gà trống gáy vang:
Sáng nào cũng vậy / Cất tiếng gáy vang / Ngân nga giọng hát / Đánh thức bản làng!
Nhiệm vụ vinh quang / Gà đã hoàn thành / Nghệ sĩ của bản / không màng lợi danh
Các em nhỏ nơi thành phố đa số chưa bao giờ được biết đến những miền quê nơi heo hút, những bản làng tít tận nơi vùng sâu, vùng xa như thế này:
Bản em trên núi / Chênh vênh nếp nhà Mùa Xuân vừa tới / Mận đào nở hoa!
Bản em đẹp lắm / Rừng thẳm, suối sâu Chúng em tới lớp / Cây che trên đầu!
Bản em rất xa / Cheo leo đỉnh gió / Yêu lắm, bản ta / Ngôi trường em đó! Đó là những khu vườn sum suê đầy cây trái và sắc hồng của hoa đào mùa xuân:
“Cây đào nở hoa / Đỏ hồng trên má! Cây bàng rụng lá /Gọi mùa Xuân sang
Cây quất rực vàng / Tròn xoe mắt quả! Cây bưởi thơm quá / Hương thầm tỏa lan!
Tim tím hoa xoan rụng đầy lối ngõ! Đó là những bài như: Ông trăng tròn, Cây thị của bé, Chú bọ ngực, Kể chuyện lũ nhện, Chú gà trống, Chú mèo mắt xanh, Cốm dẻo quê hương, mùa thu, sân trường…
Đặc biệt, nhà thơ đã viết những câu thơ xúc động dành cho trẻ em miền núi, nơi quê hương Lào Cai, tuổi thơ của chị, như bài Núi Hoa:
“Hoa lê trắng muốt / Quê núi Lào Cai Búp xanh nõn biếc / Trời Simacai! Núi, hoa đan cài / Trên đường tới lớp Dưới nắng ban mai / Em vui chân bước”!
Hay là những bài về lớp học trên núi, chị viết dành tặng cho các cô giáo phải cắm bản ở nơi vùng sâu, vùng xa như Kể chuyện cô giáo bản em:
“Lớp học trên đỉnh núi / Khăn sương vắt ngang trời: Trường nép sau vách núi / Bốn mùa ngắm mây trôi! Cô giáo trẻ xinh tươi / Đang trong giờ dạy múa / Những bông hoa hé cười / Mắt ngây thơ chờ đợi”!
Đa phần “Đồng dao trên núi” là những câu thơ bốn chữ. Trong khúc đồng dao “Dung dăng dung dẻ” ta thấy những câu thơ bốn chữ hiện lên hồn nhiên, nhịp điệu câu nọ cứ đuổi theo câu kia, tựa như hình ảnh lũ trẻ đang năm tay nhau cùng dung dăng dung dẻ: “ Cá cờ tập múa / Váy đỏ lượn bơi / Nụ hoa xinh tươi / Mỉm cười chào bé! Chuồn kim e lệ / Khẽ khẽ vá may/ Chim sẻ tập bay / Đậu trên cành khế / Đàn ong vui thế / Học hát cả ngày
Hương rừng ngất ngây / Ngủ quên trên lá! Thung sương đẹp lạ / Mây trắng giăng giăng
Dung dẻ dung dăng / Nắm tay cho chắc!
Hình ảnh các em nhỏ người Tày tập hát then ở vùng cao hiện lên thật đẹp. Một nét đẹp văn hóa rất cần được lưu giữ và bảo tồn thông qua tiếng hát then của cô giáo dạy các em nhỏ.
Then là tiếng của Trời /Âm vang từ mặt đất / Then là mùa ca vui Tiếng hát Then đẹp nhất! Yêu non xanh, nước biếc / Yêu bản làng quê ta / Giọng hát Then tha thiết / Cây đàn tính nở hoa”!
Với 87 bài thơ thiếu nhi thật đa dạng và phong phú về đề tài. Nhà thơ với trải nghiệm bản thân khi đi nhiều, đọc nhiều, biết nhiều, cùng với sự quan sát tinh tế và nhạy cảm, đã viết nên những bài thơ hấp dẫn.
“Bác xiến tóc dữ dằn / Có cái đầu to tướng!
Lại những sáu cái chân / Tướng mạo nhìn rất bướng
Dáng bác cao lều nghêu / Hai hàm răng sắc nhọn…”
(Chuyện bác xiến tóc)
Bằng tình yêu trẻ thơ, nhà thơ Phương Thảo đã giúp cho trẻ em hình dung ra một thế giới tuổi thơ nơi miền núi cao rất đẹp đẽ, đa dạng sắc màu và khá phong phú.
Giọt sương trong suốt /Ngủ trên lá xanh! Ban mai dịu ngọt / Nắng chiếu trên cành Giọt sương màu nắng / Lóng lánh, mặt trời / Giật mình thức giấc Trượt ngã, sương ơi!
Mặt trời chiếu rọi / Sưởi ấm lá cành /Chiếc lá thương bạn / Vẫy hoài sương ơi!
(Bài Giọt sương tinh khôi)
Từ đó, các bé thơ dễ nhận biết và dễ khám phá ra một thế giới thiên nhiên xung quanh mình. Thế giới ấy thật sinh động và góp phần kích thích trẻ thêm giàu trí tưởng tượng.
“Chị ngan lạch bạch / Đam mê ca hát! Vịt đực khoác lác / Cạc cạc suốt ngày! Gà trống gáy hay / Ò...o mỗi sáng! Chuồn kim duyên dáng / Khâu áo cỏ hoa! Chuồn ngô đầu to / Bay cao bay thấp”
(Kể chuyện các loài vật)
Trong cuộc sống đời thường của mỗi con người, nhất là với phụ nữ, đó là sự tất bật lo toan cơm áo, gạo tiền, vật lộn để mưu sinh… Nhất là với nhưngx phụ nữ luôn mong muốn vẹn toàn viêc chăm lo, gánh vác cho trọn vẹn thiên chức làm con, làm vợ, làm mẹ… Họ lại còn tham gia việc xã hội, việc cơ quan đoàn thể… Riêng điều đó cũng quá đủ thấm mệt theo thời gian. Nó dễ làm cho tâm hồn con người ta già cỗi! Nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo không cũng ngoại lệ những điều đó, nhưng chị biết luôn tự tạo cho mình một cuộc sống lạc quan, vui vẻ! Những câu thơ viết cho thiếu nhi của chị luôn trong trẻo, dễ thương.
“Phất phơ, áo đỏ, áo xanh Cào cào mở hội, vườn thành sân chơi
Mớ ba mớ bảy, rực trời
Cào cào khoe áo, thảnh thơi, vui đùa
Nhà Cào, hôm ấy, được mùa
Áo nào cũng đẹp, cũng vừa như in!
Hội thi “Đồng Cỏ “ ba miền
Nhà Cào giật giải, diễn liền ba tăng”!
Những người phụ nữ, đặc biệt là hình ảnh người mẹ miền núi yêu con hiện lên thật đẹp đẽ:
Đêm đông ấm thế / Củ khoai mẹ vùi / Chín thơm mùi mẹ / Bé cười thật vui! Đọc Đồng dao trên núi, tôi càng cảm phục nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo. Ngoài thơ viết cho thiếu nhi, Phương Thảo còn là tác giả của 12 tập thơ, 2 trường ca và 4 tập ký và tản văn dày dặn. Đó là sức lao động sáng tạo nghệ thuật không biết mệt mỏi và không ngừng nghỉ để cày xới trên cánh đồng văn chương, để có những mùa gặt bội thu. Những đứa con tinh thần của chị đến với bạn đọc thật ấn tượng. Đó cũng là sự nỗ lực đóng góp của nữ nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo cho nền thi ca Việt Nam đương đại.
Hải Phòng ngày 18/5/ 2022 nhà thơ Nguyễn Thuý Ngoan - Hội Nhà văn Việt Nam