An-tôn Páp-lô-vích Sê-khốp (1860 – 1904) – nhà văn hiện thực kiệt xuất cuối cùng của nước Nga thế kỉ XIX. Truyện ngắn của ông: “thâm trầm kín đáo mà ý tứ sâu sắc... và mang một nỗi buồn sâu thẳm: về cuộc sống xung quanh, về những con người tầm thường, tẻ nhạt hoặc đê tiện khủng khiếp đang sống cùng thời với ông..” (trang 220. Trọng tâm kiến thức Văn 11 – NXBGDVN – H.2009).
“Người trong bao” – truyện ngắn được Sê-khốp viết năm 1898, khi ông đang nghỉ an dưỡng ở I-an-ta nước Nga. Cốt truyện hết sức đơn giản, chỉ xoay quanh cuộc đàm thoại của 2 nhân vật: bác sĩ thú y Ivan I-va-nứt và thầy giáo Bu-rơ-kin trong đêm nghỉ tại một trang trại sau chuyến đi săn. Họ kể, bình luận về một giáo viên có tên là Bêlicốp dạy tiếng Hy lạp cổ trong trường trung học của thành phố - cùng nơi Bu-rơ-kin giảng dạy. Ông giáo Bêlicốp hiện lên qua lời miêu tả của hai người kể chuyện thật đáng thương và đáng giận khi ông ta với trang phục lạ mắt, tất cả đều trong một cái bao, với một màu đen u tối... “Người trong bao” là một câu chuyện cười ra nước mắt về cuộc đời của anh giáo chức tỉnh lẻ Bê-li-cốp – một con người mắc chứng bệnh sợ hãi, sống thu mình trong bao để rồi cuối cùng chết một cách thảm hại. Qua nhân vật Bê-li-cốp, tác giả phê phán và đả kích một kiểu trí thức Nga sống tầm thường, hủ lậu, hèn nhát và giáo điều, đê tiện và dung tục; đồng thời chỉ ra lối sống ấy đã để lại nhiều di hại, đầu độc tâm hồn con người, gây ảnh hưởng và hậu quả nặng nề, dai dẳng trong xã hội Nga. “Cái bao” mang hàm nghĩa về một kiếp người đớn hèn, một lối sống vô nghĩa, một xã hội đen tối, tù túng, nặng nề không sao thoát ra được” (Sđd).
Phải chăng, những điều sách Hướng dẫn giảng dạy của Bộ Giáo dục và đào tạo chỉ ra đã chuẩn? Khi dạy truyện ngắn này, tôi đã hết sức trăn trở, tìm ra nghĩa hàm ẩn trong cách kể chuyện vừa ngắn gọn, lạnh lùng trong một giọng văn không hề trau chuốt...
Tại sao ông giáo Bê-li-cốp có trang phục lạ lùng đến vậy? Trang phục toàn màu đen - thứ màu tăm tối, tang tóc bởi ông thất vọng trước hiện thực khốc liệt của nước Nga thời ấy! Ra đường, ông luôn mặc áo bành tô (pantô - tiếng Nga), mũ kéo sụp xuống, lỗ tai nhét bông - ông không muốn nhìn, không muốn nghe những gì chướng tai, gai mắt. Hành động đó của Bêlicôp là sự phản kháng ngầm trước những bất công và bạo lực của chính quyền Sa hoàng. Ông tránh trao đổi ý kiến với mọi người, kể cả đồng nghiệp, dù biết rằng họ sẽ xa lánh, ghét bỏ mình. Ông chui vào cái bao do chính mình tạo ra. Căn nguyên của thái độ này là gì? Xin thưa – vì ông muốn không ai để ý đến mình, không dám bàn bạc gì với mọi người vì sợ lỡ lời – hại đến bản thân. Có lúc ông đến nhà đồng nghiệp, nhưng việc làm của ông chẳng qua chỉ là để thể hiện quan hệ giao tiếp với mọi người theo yêu cầu: quan hệ với đồng nghiệp; hàng xóm... trong bản tự nhận xét mỗi năm của mình; tránh cho những nhà chức trách nghi ngờ, phàn nàn mà thôi! Và, ông cũng chẳng nói gì, chỉ ngồi rồi ra về cho có lệ; bởi nếu có trao đổi; chắc sẽ không tránh khỏi những sơ xuất vạ miệng! Ông chỉ muốn yên ổn làm nghề dạy học đến lúc nghỉ hưu. Giao tiếp với mọi người – một câu nói hớ, tai vách mạch rừng sẽ khiến ông mất việc.... Và thế là...ông giáo xuất hiện với bộ dạng như thế...
Vào thời kì này, nước Nga dưới chế độ quân chủ chuyên chế của Nga hoàng, cuộc sống người dân vô cùng thê thảm, ngột ngạt. Chính Pu-sơ-kin, một nhà thơ vĩ đại của nước Nga – người mang dòng máu quý tộc vì có tư tưởng cấp tiến cũng bị lưu đày và chết trong một cuộc đấu súng có sự dàn xếp; thì một ông giáo tỉnh lẻ, không tiếng tăm như Bê-li-cốp có nghĩa lý gì???
Ông giáo cũng chỉ dám khen, ca ngợi thứ tiếng Hy-lạp cổ - thứ tiếng mà người ta cho là lỗi thời, nhưng với ông đó là thứ tiếng đáng trân trọng gìn giữ; bởi nó là đại biểu cho nền văn minh châu Âu, như Ăngghen từng ca ngợi: “Không có văn minh Hy-lạp thì không có châu Âu ngày nay”. Có thể ông không biết câu nói này, nhưng đó cũng là cách mà Bêlicôp tìm về quá khứ để trốn tránh hiện thực tàn nhẫn, như Gu-rê-vích từng nói: “Thời đại hoàng kim là thời đại đã qua” và cũng giống như Nguyễn Trãi – Việt nam thế kỉ XV từng ao ước: “Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng/ Dân giàu đủ khắp đòi phương” (Bảo kính cảnh giới 43). Và đó cũng là cách để ông thể hiện sự bất bình với chế độ Nga Sa hoàng thế kỉ XIX.
Nhưng ông giáo Bê-li-cốp còn khổ hơn, khi lối sống của ông bị đồng nghiệp, bị mọi người cười cợt, chế nhạo, xa lánh... Bởi họ đã quen với thân phận nô lệ, bị chà đạp hắt hủi. Họ không có ý thức phản kháng, không dám làm gì hơn thế nữa và chấp nhận bị áp bức, bị nô dịch. Vậy là họ yên ổn để tồn tại như cỏ cây, chỉ hơn loài thực vật ở chỗ, họ còn có tiếng nói, tiếng cười, vẫn tổ chức các cuộc vui trong khuôn khổ... Tất nhiên, điều này vô hại với chế độ và Nga Sa hoàng không cấm đoán!
Chê ông giáo Bê-li-cốp, nhưng 2 trí thức Nga nói chuyện về ông, liệu có ý thức được về xã hội bất công ấy? Có lẽ không! Vì các ông chỉ cười cợt và lên án... Và, đằng sau đó; ta còn có thể nhận ra: Giới trí thức Nga thời đại đó phần đông là hèn nhát, ích kỉ. Các ông không tìm thấy con đường nào khác, nên đành chê cười người đồng nghiệp đáng thương. Các ông cho rằng cách sống của Bê-li-cốp đã để lại hậu quả nặng nề cho thành phố, nhưng sau khi Bê –li-cốp chết; lối sống ấy vẫn tiếp tục tái diễn. Vì sao?
Câu kết của truyện ngắn, chính là lối viết phục bút của nhà văn: “Không thể sống thế này mãi được!”. Tức là cần phải thay đổi tất cả, từ căn nguyên của nó: đó là chế độ Nga hoàng! Vậy, nên chăng; có phải câu chuyện này là “câu chuyện cười ra nước mắt” như cách hiểu đơn thuần của người viết trong sách đã dẫn?
Truyện ngắn “Người trong bao” ra đời hơn một thế kỉ, nhưng dư ba của nó thật lớn. Đọc truyện, giảng truyện; chúng tôi thấy xót xa cho bậc tiền bối đồng nghiệp Nga xấu số này!