Đọc lại nhật ký chiến tranh

Đặng Sỹ Ngọc

10/11/2021 20:54

Theo dõi trên

Tháng 10 năm 2020, nhà xuất bản Hội Nhà văn chính thức cho ra đời 4 tập nhật ký chiến tranh Việt Nam của 30 tác giả. Do nhà văn, nhà báo, nhà thơ Đặng Vương Hưng chủ biên. Mỗi tập dài 1.200 trang. Đây là bộ sách được dày công sưu tầm của cả nhóm tác giả.

doc-lai-nhat-ky-1636540968.jpg
 

Thời gian hàng chục năm sau kết thúc chiến tranh. Khi tổ chức công bố sự kiện này tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam ở phố Nguyễn Đình Chiểu - Hà Nội, tôi được mời tới tham dự vì có đóng góp vào tác phẩm 300 trang. Hai phần ba số tác giả đã hy sinh tại mặt trận như: Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, liệt sĩ Hoàng Thượng Lân,  anh hùng liệt sĩ bác sĩ Đặng Thùy Trâm… Còn tôi và 9 tác giả hiện còn sống như thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, Phạm Việt Long, Trần Mai Hạnh… Được chứng kiến vinh dự này, tôi rất xúc động cảm ơn Hội Nhà văn Việt Nam, cảm ơn tổ chức nhà nước và những người sưu tầm.

Quê tôi ở vùng rừng núi Vũ Quang - Hà Tĩnh. Bố chết sớm, nhà nghèo, đến 9 tuổi tôi mới được vào học lớp 1. Do tôi học chăm chỉ nên được thầy khen, bạn mến. Tôi thích học nhất là môn Văn. Vì vậy thầy giáo dạy văn đã phụ đạo thêm, cho tôi mượn thêm một số sách đọc và thầy còn hướng dẫn tôi tập viết nhật ký.

Hết nên học 1966, tôi được đặc cách lên thẳng cấp 3. Nhưng cũng đúng lúc này người Mỹ xâm lược đã đổ quân ồ ạt vào miền Nam. Đưa không quân, hải quân đánh phá miền Bắc tàn bạo. Giết hại nhiều người dân vô tội của cả nước. Cùng với trào lưu yêu nước, căm thù giặc của toàn dân. Tôi viết đơn xung phong nhập ngũ để được cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Mới đầu các nhà chức trách chưa đồng ý vì tôi là con trai độc nhất lại chưa đủ tuổi và có tên gọi nhập học cấp 3... Tôi phải viết đơn lần thứ ba rồi ký vào bằng máu của mình, có cả chữ ký của mẹ tôi mới được nhập ngũ. Vào đơn vị huấn luyện dù rất căng thẳng mệt nhọc vì sự thay đổi môi trường sống, nhưng tôi vẫn thích viết nhật ký. Giấy bút không được sẵn có như ngày nay. Tôi phải tận dụng các loại giấy gói thực phẩm của nước ngoài viện trợ giống như giấy gói xi măng bây giờ. Cắt xét đóng thành từng cuốn sổ nhỏ bỏ được vào trong túi áo, trong balô. Mỗi ngày dù thế nào cũng tranh thủ viết vài dòng tâm sự vào nhật ký. Có lúc chỉ vài từ vì mệt mỏi hoặc vội vã ghi tóm tắt những diễn biến, những công việc mình làm. Quý trọng nhật ký như người bạn tri kỷ nhất để tâm sự chia sẻ mọi ngọt bùi, đắng cay. Cũng xem nhật ký như một công cụ để mình đấu tranh tự sửa sai, phát huy những mặt tốt đẹp nhằm tu dưỡng đạo đức, ý chí để không ngừng vươn lên. Bởi vậy tôi ghi rất thật, mọi diễn biến cảm xúc của mình thành thói quen. Trên đường hành quân cùng đồng đội, qua núi, qua sông tiếng chim kêu vườn hót ở Trường Sơn. Qua những cánh đồng làng xã nhân dân chào đón bộ đội như thế nào? Khi phải sang nước bạn chiến đấu, có những cây hoa Chăm Pa nở trắng cành thơm phức hoặc sau những trận đánh tiêu thụ bao nhiêu đạn, giết được bao nhiêu quân thù? Đồng đội ai còn, ai mất? Tôi ghi cả những sinh hoạt riêng tư, tốt, xấu của mình. Vừa là để kỷ niệm nếu mình còn sống sau cuộc chiến.

Thời gian vượt sông Bến Hải sang bờ Nam chiến đấu các cấp chỉ huy nghiêm cấm mang giấy tờ, bút mực ghi chép vì sợ lộ bí mật. Dự phòng khi phải hi sinh hoặc bị bắt bớ. Nhưng tôi vẫn lấy được bút giấy của đối phương để ghi chép. Có lúc ghi rồi lại phải hủy bỏ vì quyết liệt, căng thẳng, phức tạp … Chiến đấu một thời gian đơn vị phải ra bờ Bắc sông Bến Hải để củng cố bổ sung. Rồi lại vội vã quay vào chiến đấu. Số nhật ký viết được gửi lại ở hậu phương trên quê hương Vĩnh Linh hoặc Lệ Thủy - Quảng Bình nhưng ở hậu phương cũng bị đánh phá, nhân dân cũng mất mát, chết chóc. Các phương tiện và nhật ký của tôi cũng không còn. Vậy mà tôi vẫn không nản chí với ý thích của mình là viết nhật ký. Bởi vậy mà nhật ký đã đi theo tôi, thân thiết qua những chặng đường mưa nắng, gian nan. Tôi rất vui mỗi khi viết xong một cuốn gửi về được cho mẹ an toàn.

Kết thúc chiến tranh tuy trên người tôi đầy sọ nhưng tôi được trở về quê hương. Những người thân, làng xóm kể cho tôi nghe rằng: “Mẹ cứ mong ngóng đứa con trai duy nhất từng giờ, từng ngày. Mẹ đưa nhật ký đọc theo dõi từng nét chữ, chỗ nào dòng văn suôn sẻ, chữ đẹp mẹ vui mừng khoe với làng xóm rằng thằng con trai tôi đang lớn. Nó đang được đồng đội giúp đỡ. Chỗ nào thấy nét chữ xiêu vẹo, rời rạc, thậm chí có vết máu, mẹ lo lắng thở dài và khóc thầm.” Đọc đi, đọc lại xong mỗi cuốn mẹ để nhật ký của tôi lên bàn thờ chồng như muốn gửi gắm linh hồn. Nói trong khói hương “hãy giữ gìn cho thằng con được bình an.”

Tuy nhiên viết nhật ký tôi không bao giờ nghĩ đến để sau này được đăng lên sách báo. Tôi ghi thật cả những sinh hoạt bình thường của đời sống chiến sĩ là tôi. Nay mình đã có tuổi chẳng còn rầy rà, xấu hổ nữa.

Sau ngày thống nhất đất nước gần 30 năm (1975 – 2004). Các phương tiện truyền thông của nhà nước mới công bố nhật ký của nữ bác sĩ anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và nhật ký “Mãi Mãi Tuổi 20” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Một sự kiện lớn làm xúc động toàn dân trong nước và đã vang dội ra cả thế giới. Trong tiềm thức truyền thống (uống nước nhớ nguồn), tôi cũng theo dõi và vô cùng xúc động. Rồi vội vã đọc lại nhật ký của mình mà mẹ tôi quý trọng cất giữ ở bàn thờ gia tiên. Tuy có bị mờ nhiều, mục nát bởi chất liệu giấy bút và thời gian nhưng vẫn đọc được rất nhiều. Cũng rất đầy đủ tư tưởng, tình cảm, ý chí vì nhân dân chiến đấu, vì độc lập tự do của Tổ quốc sẵn sàng hi sinh. Với khát vọng quét sạch kẻ xâm lược, thực hiện thống nhất Tổ quốc của mình, của đồng đội.

Phải nói trong quá khứ, chiến tranh chống đế quốc nhiều cán bộ, chiến sĩ không có điều kiện viết nhật ký vì nhiều lý do. Vô cùng hiếm có người viết được thì thời gian sau chiến tranh đã khá dài, qua bao tháng năm thấy không có tác dụng gì họ đã tự đốt đi. Còn tôi được Mẹ cất giữ cẩn thận, vẫn còn 19 cuốn. Sau sự kiện, những cuốn nhật ký được công bố, các cơ quan chuyên môn có thông báo: Ai có nhật ký chiến tranh thì tự nguyện nộp cho tổ chức vì đó là tài sản quốc gia. Tôi băn khoăn, suy nghĩ rất nhiều. Cuối cùng tôi cũng viết thư thông báo rằng: Tôi cũng có.

Chẳng bao lâu sau nhà báo Đặng Vương Hưng đến trao đổi, thu hồi rồi cùng Nhà xuất bản Công an nhân dân biên tập tài trợ in ấn, công bố cuốn nhật ký chiến tranh mang tên tôi với đầu đề “Trời xanh không biên giới” ở tủ sách “Mãi mãi tuổi hai mươi” năm 2006. Tôi thực sự vui mừng, phấn khởi. Từ đó tôi được nhiều báo chí, phát thanh truyền hình nêu gương. Năm 2020 vừa qua Hội Nhà văn Việt Nam lại xếp Nhật ký của tôi vào tập 3 từ trang 540 của 4 tập nhật ký để các thế hệ mai sau không quên sự hy sinh to lớn của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc.

Đ.S.N

Bạn đang đọc bài viết "Đọc lại nhật ký chiến tranh" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn