Đọc “Tháng mười bẻ nắng sau lưng chiều” - Tập tản văn của Hồ Huy!

Phạm Thị Phương Thảo

08/08/2021 21:36

Theo dõi trên

Tản văn của bạn ấy thật gọn gàng, gợi mở và từng câu văn cũng luôn đẹp! Tản văn hay vốn cần nhiều cảm xúc và nhiều những trải nghiệm sống. Hồ Huy có đủ cả hai thứ ấy, thậm chí cảm xúc của bạn ấy còn hơi bị dồi dào!

tho-thang-10-be-nang-1628442847.jpg
 

Mùa thu đang về trong cái nóng hầm hập khác thường lúc cuối hè. Một mùa hè nóng bỏng cùng Sài Gòn, Hà Nội và các tỉnh thành trong đại dịch Covid 19 thật khó quên. Nghe trong gió, có thứ hương hoa cúc chín vàng gọi thu đang ngấp nghé muốn gõ cửa mỗi ngôi nhà! Trong những ngày giãn cách xã hội, mọi thứ đều đang thay đổi. Mọi thứ đều khác! Hà Nội “lập thu “cũng trở nên khác thường. Nhớ những mùa thu heo may đẹp đẽ của Hà Nội đi qua mà ước gì “ bao giờ cho đến tháng mười “! Thu Hà Nội đẹp nhất khi tháng mười đến! Chợt nhớ đến “Tháng mười bẻ nắng sau lưng chiều “ - Tên một tập tản văn hay của Hồ Huy, tôi bèn mang ra ngồi đọc lại và nhấm nháp mùi tháng mười để cùng được “bẻ nắng “!

Ngay cái tên tựa đề tập sách đã cho thấy một gương mặt văn xuôi Hồ Huy không hề dễ dãi khi chọn tứ cho những bài tản văn của mình. Đây là tên của một bài trong tập tản văn gồm 36 bài tản văn nhỏ đã được bạn ấy lấy làm tên cho tựa đề cuốn sách. Tôi lật giở mục lục, và đọc ngay bài đầu tiên mang tên “ Cái bóng của hoàng hôn”! Chợt nghĩ: Oh, sao anh bạn trẻ tuổi, đẹp giai thế này mà đã sớm “đăm chiêu “về vẻ đẹp của hoàng hôn lúc chiều tà đang tắt bóng đến thế ? Liền ngồi đọc lại một mạch: “Có những buổi hoàng hôn quê vàng rơm rạ. Xứ lúa. Thái bình . Mái tranh rầu rầu. Khói bếp trao nghiêng bóng mẹ. In hằn lên tường những ngọt bùi thổn thức. Đồng xa. Con trâu trễ nải sáo diều “.

Tản văn của bạn ấy thật gọn gàng, gợi mở và từng câu văn cũng luôn đẹp! Tản văn hay vốn cần nhiều cảm xúc và nhiều những trải nghiệm sống. Hồ Huy có đủ cả hai thứ ấy, thậm chí cảm xúc của bạn ấy còn hơi bị dồi dào! Tôi vẫn thích cách viết tản văn của Huy! Thế là tôi lang thang, tôi chìm đắm, tôi miên man và tôi chợt hoang mang trong cảm xúc của mình để đi theo bước chân trên từng vùng đất trong tập tản văn của Hồ Huy. Đang từ “ Chim báo bão “trên đỉnh sóng trùng khơi, vụt phát, Huy đưa người ta bay vút ngay sang Tây Nguyên hùng vĩ để ngắm “ Chim Ktia vẫn bay”, bởi “ Tây Nguyên không dành cho những thứ đơn lẻ, cô độc. Tây Nguyên luôn là sức mạnh, là vẻ đẹp của sự cộng hưởng...Đăk Kroong “. Các loài chim đẹp trong tản văn bạn ấy kể đều rất quyến dụ, mà tôi thì thích...chim, he he! Thích khi vừa được ngắm nghía các loài chim quý, lại vừa thích được nghe tiếng chúng hót! Đàn bà nói chung ấy mà, họ vốn không những là cái giống rất tham lam, mà đàn bà làm văn chương còn tham đọc và luôn giàu trí tưởng tượng nữa, cái sự tham lam đến là kinh người! He he!

Đang định có “ liu ý “ nhỏ khi đọc cái tít của bài “Chim trong phố “ với những miêu tả về loài chim cu gáy, chúng vẫn sống rừng đôi, vẫn một trống một mái theo chế độ đơn thê, vẫn gắn bó chúng thuỷ, vẫn tưởng hạnh phúc là thế...bỗng dưng bạn ấy kết đánh roet một câu:  “ Đừng là chim trong phố “! Hay đấy! Lại bất ngờ đến thế là cùng. Có lẽ là bởi:  “ Tiếng chim đã cũ những ngày đồng quê, tiếng chim đã vắng hạt đậu, bờ đê. Tiếng chim đã héo, bụi mưa đường về...”. Câu “tiếng chim đã héo “ nghe đến là xót thương dẫu biết “ thời gian đang ngưng lại trong tiếng chim tội tình”! Chim héo thì ôi thôi, thương thật đấy! Nói vui vui một chút vậy thôi. Tản văn bạn ấy viết không những quyến rũ  mà người ta còn tìm thấy ở đó cả sự vui vẻ, trẻ trung, nhất là có được niềm vui hiếm hoi trong lúc đại dịch như thế này! Đọc Hồ Huy để thấy cái tưng tửng mà thêm phấn khích khi ta được trở lại một thời tuổi thanh xuân đã qua, như thế chẳng là đáng quý lắm hay sao!

Tôi còn phân vân tự hỏi: Sao bạn ấy lại nói rằng loài chim Ktia nổi tiếng thế  mà không biết hót là thế nào nhỉ ? Thế là, vì tò mò muốn khám phá về loài chim Tây Nguyên này mà tôi phải đoc đi đọc lại thêm mấy đoạn bên dưới. Rồi chợt à lên một tiếng, vì “ Ktia chẳng biết hót, thứ thanh âm của chúng mỗi khi hoan hỉ lại làm người ta mệt mỏi, nghe nhức đầu, chúng về ăn bắp, chúng về phá lúa...”. Thú vị chưa! Hót nhiều đâu phải đã là hay!

Được biết nhà văn Hồ Huy sinh trưởng trong một gia đình có người cha làm nghệ thuật. Ông là một thầy giáo - nhạc sỹ Hồ Thùy. Còn người mẹ của Hồ Huy

là người cũng yêu văn chương. Là người được thừa hưởng những nền tảng và truyền thống yêu văn chương của gia đình nên Hồ Huy đã sớm có những thiên hướng để phát triển về văn học và nghệ thuật. Bạn ấy yêu say cả âm nhạc, thi ca lẫn văn chương.Trong tản văn của Huy, tôi thấy có nhạc đang chảy, có thơ đang ngân lên với những giai điệu lên xuống, cứ bập bùng đâu đây như tiếng ghi ta trong đêm với từng câu chữ. Bởi thế, ta đọc mà thấy vui, đọc mà thấy say, ta đọc mà thấy hay, đọc xong mà đôi khi cũng thấy buồn lắt lay. Đấy là tôi nói vui theo kiểu văn của Huy đó!

Đi qua “ Dòng Đuống “ lại đến “Du hành xứ Huế bằng thơ Khơi nhạc Hồ “! Đó là cuộc du hành đến xứ Huế từ cảm xúc trong những câu thơ của nhà thơ Đỗ Trọng Khơi được hoà quện với âm nhạc của nhạc sĩ Hồ Thuỷ- người cha đẻ của Hồ Huy. Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi - một nhà thơ tài năng ở quê lúa Thái Bình, ông bị tàn tật nên phải ngồi trên xe lăn suốt cả cuộc đời và mọi người vẫn biết đến ông bởi những vần thơ đẹp và ám gợi bởi tính triết lý nhân sinh. Tôi hiểu, đây có lẽ là một bài tản văn xúc động khi thi ca, âm nhạc và cảm xúc trong tản văn được cùng cất cánh. Hồ Huy muốn thể hiện sự trân trọng và biết ơn sâu nặng của mình với quê hương và các bậc cha chú của anh.

“Huế ơi nặng lòng nhớ

Sớm chiều tôi Đông Ba

Ngóng bước người Vĩ Dạ

Tình ai về thiết tha “

( Thơ Đỗ Trọng Khơi)

Hồ Huy còn dành nhiều trang tản văn cảm thông chia sẻ để viết về hình ảnh những người phụ nữ. Từ hình ảnh “Người đàn bà của đất “ suốt đời vất vả với nghề làm gốm xứ ở Ninh Thuận, cho đến “ Người đàn bà cười “ ở tận Pattaya trong đêm của những quán cà phê, với hình ảnh cô Mây ngoan hiền, tiếp cho đến “ Người đàn bà trong vũ trường” trong những quán Bar và bóng tối bụi bậm, nhơ nhớp! Xin hãy đừng quên “Những buổi chiều quên nắng “! Và xin đừng quên ánh nắng vừa được thắp lên của những người đàn bà Tày tận nơi Mẫu Sơn xa xôi, hoang vu tuyết phủ!

Hồ Huy học chuyên văn từ nhỏ nên rất ham đọc sách. Bằng sự nỗ lực không ngừng cùng với nhiều trải nghiệm cá nhân, đi nhiều, đọc nhiều, gặp nhiều, và cảm xúc của anh luôn được thăng hoa. Hồ Huy đã thành công trong việc viết nên những áng văn hay, những bài tản văn thật mượt mà, bay bổng và đặc biệt luôn mới lạ và ngập tràn cảm xúc. Anh đã chọn cho riêng mình con đường viết tản văn và tạo lập, duy trì và phát triển cho trang TẢN VĂN HAY trở nên hấp dẫn hơn mỗi ngày!

Đọc “TỰ TÌNH VỚI ĐIẾM CANH “, ta mới thấy hết được cả một tấm lòng sâu nặng và những ân tình với làng quê của tác giả Hồ Huy.

“Điếm canh làng Việt, một thứ quê hương đã tựa lưng vào những  vui buồn, đã âm ỉ những mùa nắng cạn, đã thơi thới những mùa mưa giông, đã trông chừng những mùa mắt anh mắt em ngập ngừng. Thương nhớ “. Những câu văn đầy thương mến, dưới ngòi bút của tác giả Hồ Huy, điếm canh hiện lên thật đẹp và nên thơ, dẫu chỉ là một cái điếm canh đê - nơi rất dễ bị người đời bỏ quên.

“ Điếm canh chỉ như một dấu chấm xanh nhỏ nhoi vậy đấy, mà điếm canh đã như một nốt nhạc in lên khuông đời em, in lên khuông đời tôi, ngân nga và tha thiết. Điếm canh là một kiến trúc công cộng được xây dựng khá phổ biến ở nông thôn, ra đời trong quá trình hoàn thiện đơn vị cư trú cơ bản ở nông thôn Việt truyền thống: làng, xã. Chỉ một thôi điếm canh mà ngôi làng xanh lên bờ bãi. Chỉ một thôi điếm canh mà triền đê ngọt ngào mãi mãi. Chỉ một em, chỉ một tôi, chỉ một dòng sông lở bồi và ở đâu tự bao giờ bồi hồi điếm canh trong mắt ai xanh?”

Hồ Huy đã mang theo hồn quê điếm canh vào trong những trang viết của mình. “Có gì mà lạ đâu, điếm canh vẫn như những con mắt nhân gian của anh, của em, của muôn vàn nương náu hồn quê, tình quê mà thao thức dòng đời. Điếm canh cũng chính là con mắt của lịch sử, chứng kiến những đổi thay, ghi dấu những tốt xấu, ám ảnh những trái ngang buồn thương còn vương mai sau đời sau ngày sau, ai nắm tay nhau”.

Tôi muốn nhắc lại vài chi tiết này ( bởi đã có lần tôi nhắc đến trong một bài viết khác về Huy) để thấy Hồ Huy luôn nỗ lực không ngừng. Và theo quan sát của tôi, bạn ấy đã có một lối viết tản văn rất riêng, vừa đẹp, vừa quyến dụ, lại bay bổng và không kém phần ảo diệu. Mà cái ảo trong cái thực phải viết sao  cho hay mới là khó!

“Hà Nội tháng sáu của những vạt nắng non, của những cơn mưa đầu mùa chớm hạ. Của Em và Tôi “, hay đoạn tản văn về Tháng Sáu : “Tháng sáu về, có lẽ là khoảng thời gian đẹp nhất của mùa hạ. Tháng sáu với tiếng ve râm ran trên đường sấu cổ thụ Phan Đình Phùng. Tháng sáu của những cơn mưa về ngang phố, của sen đầu mùa, của em ngày tóc chấm ngang vai. Tháng sáu của nắng vàng loang nỗi nhớ, và có những nỗi niềm chỉ mình ta nhớ. Để bất chợt tháng sáu về trong ta lại bật mầm kí ức.”!

Hồ Huy luôn biết cách sử dụng những từ ngữ và nhấn nhá đúng lúc để câu văn ám gợi, người đọc đôi khi cũng như được thả mình đang bay theo anh, lâng lâng theo từng giai điệu chữ:

 "Sấu rơi đường khuya, mưa rơi đường khuya, nhớ rơi đường khuya, buồn rơi đường khuya, tôi rơi đường khuya, em còn đường khuya?".

Tôi vẫn thích nhất tản văn  “ Những con mắt Hà Giang “ với một lối viết thăng hoa và nhiều chất đắm say, có chút gì như hoang dã, chút mê dụ, về một miền núi cao ngất phủ sương trắng mênh mang, ấy là vẻ đẹp hoang sơ nơi Hà Giang, miền cực Bắc xa xôi của Tổ quốc. Có lẽ Huy đã bị “Những con mắt cao nguyên, những con mắt Hà Giang, những con mắt của đất trời rạo rực tam giác mạch, con mắt của em khi nhìn về phía anh khiến cho cao nguyên đá thêm một lần buông xuống chiếc áo trầm tư mà say đắm khiêm nhường”...và những thứ mà mị bỏ bùa chăng ?

Hiện tại Hồ Huy đang phụ trách trang TẢN VĂN HAY và trực tiếp thiết kế, dàn dựng các video clip dành minh họa cho các bài viết của nhiều tác giả trong trang tản văn hay thêm cuốn hút và sinh động. Mỗi video clip là một khúc ca độc đáo, một sự nỗ lực rất đáng ghi nhận của Hồ Huy và nhóm quản trị viên năng động và trẻ trung! Các bạn trẻ trong trang TVH như Diệu Hương, Mình Hoà, Lê Minh...lại được dịp để khoe chất giọng đọc truyền cảm và ấm áp của họ.

Hồ Huy từng là một kẻ lãng tử, đi khỏe, viết khỏe và làm việc cũng khỏe! Bằng đam mê và nhiệt huyết của mình, anh đang từng ngày chăm chút cho trang TẢN VĂN HAY thêm độc đáo và quyến rũ! Nhiều người đã đến đây, ngồi lại thưởng thức và cùng đắm say với những trang tản văn trẻ trung này! Trong số ấy, cũng không ít các nhà văn ở các Hội VHNT các địa phương tham gia, thậm chí có những nhà văn cao tuổi hơn, đã thành danh trong Hội Nhà Văn Việt Nam cũng yêu thích trang TVH!Văn chương đã kết nối tình bạn từ bốn phương và mọi người đều cảm thấy vui, hứng thú, được đồng cảm và chia sẻ nhiều hơn từ trang TVH và cũng học hỏi được từ lối viết đầy dẫn dụ, bay bổng, lôi cuốn của Hồ Huy!

Tập tản văn “Tháng mười bẻ nắng sau lưng chiều “ của Hồ Huy được viết bởi một tâm hồn tha thiết yêu cái đẹp và sự sáng tạo khi anh luôn biết cách tìm tòi và đổi mới. Chính vì vậy tác phẩm trên đã gây được những dấu ấn đẹp và khó quên trong lòng bạn đọc. Ví như khi đọc

“ Cái bóng của hoàng hôn” tôi thích hình ảnh của mùi sấu non : “ Có những buổi hoàng hôn Hà Thành, phố cổ lên hương bằng mùi sấu non". Đúng chất trẻ của người Hà Thành gắn với niềm yêu phố cổ Hà Nội khi nghe “bâng khuâng sấu rụng ngoài ngõ vắng “!

Đọc “Tháng mười bẻ nắng sau lưng chiều” , người ta thấy một trái tim ấm, một tâm hồn với góc nhìn rộng mở và sự thu hút ngay từ cách chọn đề tài và đặt tít!

Trong tản văn Chim Kơ tia vẫn bay:

"Người Tây Nguyên sinh ra để tìm nhau, sông Tây Nguyên uống nước phải lòng nhau, tượng gỗ nhà mồ tạc ra để hôn nhau"...bằng những cảm xúc trải dài bất tận khiến người đọc miên man trôi theo những câu từ đầy dẫn dụ, ma mị "Con đường em nắng, con đường em mưa, con đường em gió, con đường ban trưa. Này con đường vắng. Nào đâu mù tối. Này con mắt lội, đợi lời thiết tha..."

Chắc hẳn đến một ngày nào đó, Hồ Huy sẽ viết sâu hơn, kỹ hơn những câu chuyện của mình và trong những cảm xúc mạnh ấy, có lúc phải dừng lại đôi chút để cho những chiêm nghiệm về triết lý nhân sinh được sâu lắng hơn!Còn nhiều bài hay khác nữa như:  Người đàn bà của đất, Những buổi chiều quên nắng, Thương nhớ thành Vinh, Trăng treo bóng biển, Những con mắt Hà Giang, Tháng mười bẻ nắng sau lưng chiều...mà các bạn có thể đọc và tự chiêm nghiệm.

Được biết Hồ Huy cùng nhóm BTV trong trang TVH đang chuẩn bị in ấn tập tản văn in chung thứ hai mang tên “ Những đôi môi cười “ của nhiều tác giả. Chúng ta hy vọng sẽ sớm được đón nhận những tập sách mới khác nữa của TVH trong thời gian tới. Cái cảm giác khi được cầm trên tay những tập sách mới bao giờ cũng thích hơn đọc mạng nhiều. Người ta sẽ được tận mắt ngắm nhìn vẻ đẹp và cảm nhận mùi mực thơm phức cùng sự ấm áp lan tỏa của những trang giấy trắng đang sột soạt gọi mời độc giả tìm đến. Chúc Hồ Huy và các tác giả của TVH sẽ luôn thăng hoa trên những trang viết của mình!

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Đọc “Tháng mười bẻ nắng sau lưng chiều” - Tập tản văn của Hồ Huy!" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn