Đọc “Tình Thương”, nhớ một thời K8

Mai Nam Thắng

27/06/2024 12:25

Theo dõi trên

Mới đây, vào trang Facebook của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, tôi bắt gặp bài viết chỉ một câu ngắn gọn: “Thiếu tình thương, chúng ta chỉ là những cây đèn đã cạn dầu”, kèm theo là một dòng chú thích được đặt trong ngoặc đơn: Nhân đọc cuốn Tình Thương của tác giả Hà Huy Thanh. Và ảnh đăng kèm là “Những cây đèn của tôi” trơ đáy, trong suốt, im lìm, bất động...

z5578179999605-6c126b3627fef0f574fedbfe3d59389b-1719461806.jpg
Bìa sách Tình thương do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn tái bản tháng 6/2024

Một cuốn sách mà sau khi đọc xong, ông nhà thơ, nhà văn, họa sĩ “đương kim” Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phải thốt lên như thế, phải lên mạng để tỏ bày như thế... khiến cái đầu tò mò của tôi bị kích hoạt. Tôi tìm đọc, rồi ngồi thừ ra vì những liên tưởng một thời K8 đã xa...

“K8” là mật danh chương trình sơ tán trẻ em vùng “tuyến lửa” Nam Khu Bốn ra Thanh Hóa và các tỉnh Bắc Bộ hồi Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc.

Đối tượng đi K8 là thiếu niên, chủ yếu ở tỉnh Quảng Bình và Đặc khu Vĩnh Linh. Vào giai đoạn địch đánh phá ác liệt, Đảng và Nhà nước còn tổ chức cho phụ nữ và trẻ em tuổi mẫu giáo ở Vĩnh Linh sơ tán ra miền Tây Nghệ An và Thanh Hóa. Dân quê tôi gọi đi K8 là “đi giữ nòi giống” vì nếu ở lại thì sống chết rất mong manh. Sau này, người ta tính bình quân mỗi người dân Quảng Bình quê tôi phải “đội” 8 tấn bom đạn Mỹ từ tàu bay trên trời dội xuống và từ tàu chiến ngoài biển nã vào. Chúng tôi dắt díu nhau đi K8, mới 5-6 tuổi đầu đã phải xa nhà hàng trăm cây số, được bà con vùng châu thổ sông Hồng đón về các gia đình, mỗi nhà vài đứa; cùng ăn ở, vui chơi, học hành như con cháu trong nhà. Ngót nghét 6-7 năm như thế, có đứa lúc đi K8 mới học lớp 1, đến năm 1973 ký kết Hiệp định Paris, được trở về quê thì đã tốt nghiệp cấp hai, tương đương lớp 9 hiện nay.

Được trở về quê cha đất Tổ, lại nhớ quay quắt miền quê K8, nơi mỗi chúng tôi đều coi như quê hương thứ hai của mình, với những người thương yêu như ruột thịt. Tình cảm ấy in khắc trong tâm thức chúng tôi suốt hơn nửa thế kỷ.

Và giờ đây lại thêm một lần trỗi dậy khi tôi đọc cuốn Tình thương của tác giả Hà Huy Thanh, do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành năm 2017 và Nhà xuất bản Hội Nhà văn tái bản tháng 6-2024. Cuốn sách không chỉ khơi gợi trong tôi nỗi nhớ về một thời K8, mà còn giúp tôi minh định rành rẽ hơn về tình thương, một trạng thái tình cảm thiêng liêng mà chúng tôi được hưởng thụ, từ sự đùm bọc chở che của bà con miền Bắc; đến một chủ trương nhân văn thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước ta; sâu xa hơn là cội nguồn văn hóa tình thương của dân tộc Việt Nam...

Vâng, Việt Nam là “quốc gia của tình thương”. Điều này được luận giải khá thuyết phục trong cuốn Tình thương của Hà Huy Thanh. Tình thương là nét văn hóa nổi bật của dân tộc Việt Nam, thấm đẫm từ truyền thuyết đến thực tế hàng ngày, được tác giả khảo sát và đúc kết từ 6 phẩm chất truyền thống là: Khả năng thích ứng; sự tôn trọng quy luật tự nhiên và xã hội; đạo trung dung; chủ nghĩa anh hùng; tinh thần hy sinh; tinh thần đoàn kết.

Theo tác giả, dân tộc nào thì con người cũng có những phẩm chất kể trên, nhưng khi đi sâu tìm hiểu về lịch sử dân tộc Việt Nam và lịch sử các dân tộc khác, ông nhận thấy ở Việt Nam thì 6 phẩm chất ấy là những phẩm chất nổi trội, có tính điển hình và thể hiện một cách sâu sắc. Đó là những phẩm chất giúp cho con người Việt Nam có thể sống dẻo dai và kiên cường trong mọi hoàn cảnh. Đặc biệt chúng giúp cho con người “quản lý” bản thân tốt hơn, nhờ đó mà họ có được sự tự chủ và tự lập cần thiết.

Tác giả viện dẫn truyền thống nhân ái của dân tộc bằng những tục ngữ, ngạn ngữ, ca dao... như: “Thương người như thể thương thân”, “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, “bầu ơi thương lấy bí cùng”... Đặc biệt là quan niệm "một bồ cái lý không bằng một tý cái tình" và cho rằng, đó là cổ nhân đã dạy chúng ta “trong một số trường hợp nhất định thì tình thương vượt lên trên mọi lý lẽ, nguyên tắc. Đó là ngọn hải đăng văn hoá cho con tàu của văn minh, của luật pháp không bị lạc lối trong dòng nước lạnh băng của cả đại dương lý trí (trang 120).

Ấn phẩm Tình thương của tác giả Hà Huy Thanh không phải là tác phẩm văn học, cũng không phải sách giáo khoa về giáo dục công dân hay tập triết luận về đạo đức. Nhưng nó hấp dẫn cuốn hút người đọc bởi những diễn giải logic, mạch lạc, cụ thể và sinh động về nguyên lý tình thương - một khái niệm chỉ trạng thái tình cảm thuộc về vẻ đẹp tâm hồn của con người. Thông qua những diễn giải đó mà khẳng quyết vai trò “chìa khóa” của tình thương trong xây dựng xã hội văn minh cũng như “hóa giải” các mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ.

Tác giả chỉ ra rằng, chúng ta tồn tại được do sự ban tặng. Cha mẹ ban tặng ta một hình hài; vũ trụ ban tặng ta năng lượng sống thông qua nước, ánh sáng mặt trời và không khí; xã hội ban tặng ta tri thức; cuộc sống ban tặng ta kinh nghiệm; con người ban tặng ta tình thương; thiên nhiên ban tặng ta nguồn sống... Sự tồn tại của mỗi chúng ta trong bất cứ xã hội nào, bất cứ đẳng cấp hay giai tầng nào... đều nương nhờ từng giây từng phút vào sự ban tặng.

Được ban tặng thì phải biết ơn. Lòng biết ơn như là một liều thuốc giúp chúng ta làm việc tích cực hơn, tự tin hơn. Càng biết ơn chúng ta lại càng sẵn sàng ban tặng, vì ta biết điều đó cũng có ý nghĩa đối với người khác như thế nào. Biết ơnban tặng là “chỉ dấu” của tình thương. Trong cấu trúc của nguyên lý tình thương thì phẩm chất ban tặng và biết ơn là yếu tố nền tảng của sự thấu hiểuchia sẻ. Sự chia sẻ chỉ có thể thực hiện một cách tự nhiên và mạnh mẽ nếu chúng ta sống với ban tặng và biết ơn một cách tự nhiên như chúng ta hít thở để duy trì sự sống. Chỉ khi ta thấu hiểu người khác bằng năng lượng tình thương, ta mới cảm thông và chia sẻ được. Trong tình thương thì chia sẻ là một cây cầu nối liền thấu hiểu kiến tạo giải pháp. Và kiến tạo giải pháp là phần cuối cùng, là hoa trái của thấu hiểu và chia sẻ. Thấu hiểu càng sâu, chia sẻ càng mạnh thì chúng ta càng có khả năng kiến tạo giải pháp để xử lý mọi vấn đề trong cuộc sống.

Theo tác giả Hà Huy Thanh, “nếu mỗi người trên hành tinh xanh của chúng ta cần trồng một “cây tình thương”, thì có lẽ nơi đầu tiên là chúng ta sẽ trồng trong gia đình mình; vì nơi đó đang rất cần sự thấu hiểu, cần chia sẻ và cũng cần cùng nhau kiến tạo giải pháp xây dựng tổ ấm gia đình (trang 89). Đây chính là cách diễn đạt cụ thể quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về vai trò của gia đình trong xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định: "Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới".

Chỉ thị số 06-CT/TW về "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới" ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng nêu rõ: "Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước".

Trở lại với câu chuyện K8 của thế hệ chúng tôi hơn nửa thế kỷ trước. Nhờ có tình thương yêu chở che, nuôi dưỡng của nhân dân miền Bắc, mà bọn trẻ vùng tuyến lửa chúng tôi còn sống sót được đến hôm nay. Nhìn rộng lớn hơn, nhờ vũ khí tình thương mà dân tộc Việt Nam kiên cường vượt qua mọi thiên tai khắc nghiệt, đánh thắng mọi thế lực ngoại xâm hùng mạnh, để trường tồn và phát triển.

Đạn bom và cực khổ thời K8 đã lùi xa, nhưng cuộc sống hôm nay vẫn đang có quá nhiều bất ổn: Đạo đức xã hội xuống cấp, nhiều giá trị bị đảo lộn, các loại tội phạm gia tăng, tai nạn giao thông rình rập, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, báo động an toàn thực phẩm... Cùng đó là những vấn nạn nguy cấp đang diễn ra trên khắp thế giới, như: Biến đổi khí hậu, chạy đua vũ trang, kinh tế suy thoái, thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh, nghèo đói... Chỉ có tình thương với ý nghĩa đầy đủ của nó, mới là nguồn năng lượng để xử lý được các vấn đề nan giải trên đây.

“Tình thương là chìa khóa cho những vấn đề toàn cầu”! Đó là một thông điệp thời sự từ tác phẩm Tình thương của Hà Huy Thanh. Và những dòng cuối cùng khép lại cuốn sách là tâm nguyện của tác giả: “Tôi có một niềm tin tuyệt đối rằng, mỗi chúng ta đều có thể trở thành một sứ giả của tình thương, cho dù bạn là ai và bạn từ đâu tới!”.

Bạn đang đọc bài viết "Đọc “Tình Thương”, nhớ một thời K8" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. Hotline: 03 6690 8888 | Email: tapchivanhoavaphattrien@gmail.com