Thật là cảm động vì đầu năm nay, tôi cũng được đồng nghiệp Nghiêm Thanh gửi tặng tập thơ “Ngược dòng thế sự” - Dòng thơ châm biếm, trào lộng độc đáo của ông mà tôi đã có bài giới thiệu tập thơ này đăng tải trên vanhoavaphattrien.vn ngày 20/1/2023.
Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, tôi đọc liền một mạch sách mới “Từ ánh đèn sàn diễn” do NXB Hội Nhà văn ấn hành quý 3/2023 khá dày dặn (380 trang), khổ sách 14,5 x 20,5 Cm, gồm 91 bài Tiểu luận, bình luận, ghi chép và phỏng vấn sân khấu từ năm 1973 đến năm 2005 là thời gian đồng nghiệp Nghiêm Thanh làm phóng viên Ban Văn hóa - Văn nghệ Báo Nhân Dân. Tập sách này của đồng nghiệp Nghiêm Thanh phản ánh một giai đoạn đáng nhớ, giúp chúng ta có thể hình dung cả tổng thể và chi tiết về sân khấu Việt Nam một thời kỳ sôi động, ghi dấu ấn bức tranh chân thực về sân khấu nước nhà vươn tới ngang tầm hiện thực đời sống trong nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Theo Nhà viết kịch, Nhà lý luận- phê bình sân khấu Lê Quý Hiền, sau khi đọc xong “Từ ánh đèn sàn diễn” cho rằng: “ Sân khấu đã có thêm nhà phê bình sân khấu viết báo và báo chí có thêm một nhà báo sân khấu đích thực. Hiện tượng nhà báo - nhà phê bình sân khấu ‘hai trong một’ không nhiều”. Có thể nói “Từ ánh đèn sàn diễn” là kết tinh những am hiểu về sân khấu trên cả phương diện thực tiễn và lý luận, là thành quả của những năm tháng lăn lộn với sân khấu khi tuổi ông vượt con số 80. Nghiêm Thanh đã xuất bản một số sách có giá trị như “Đường đời tối sáng” (Tản văn 2016), “Khúc tự tình” (Thơ và bình thơ 2017), “Sân khau – một góc nhìn” (Phê bình, tiểu luận và phỏng vấn 2018), “Ngược dòng thế sự” (Thơ châm biếm, trào lộng 2020 và Tập 2 năm 2023). Lần này, với “Từ ánh đèn sàn diễn” là tập sách Lý luận, phê bình tâm đắc nhất được vắt ra từ trái tim, khối óc của ông đối với nghệ thuật sân khấu gồm những bài viết tiêu biểu suốt một đời làm báo đồng hành cùng sân khấu.
Vốn là người rất khiêm nhường, am hiểu về sân khấu, đồng nghiệp Nghiêm Thanh từng tốt nghiệp Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội) với tư duy chân thực của một nhà báo đã mạnh dạn, thẳng thắn trong những nhận xét, trao đổi, đánh giá với những kiến giải mang tính lý luận thuyết phục về sân khấu một thời sôi động: “Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1990 dành cho Tuồng và Cải lương miền Bắc cũng lộ rõ những nhược điểm. Hiếm thấy những tác phẩm được dựng từ bản viết chuyên nghiệp, nói cách khác là vẫn phụ thuộc vào chuyển thể từ bản gốc kịch nói, cho nên khó tránh pha tạp. Có những vở chọn làn điệu và đặt lời ca không đúng chỗ. Các bài bản Tuồng và cải lương chưa được tận dụng triệt để. Múa vẫn thiếu về minh họa, không hợp thành chỉnh thể vở diễn… Các đạo diễn am hiểu ca kịch còn ít, hành nghề trái tay, ứng dụng phương pháp dựng kịch ‘pha ca’, không tạo được chuyển biến từ bi sang hài, vì thế khiên cưỡng, chênh vênh. Những miếng trò phục hiện, giả điên, báo ân báo oán, khói hương viếng mộ, hát vọng lặp đi lặp lại…” (Chuyển động từ Tuồng và Cải lương Bắc tr22-23).
Khi bàn về Dân ca - kịch, đồng nghiệp Nghiêm Thanh cho rằng: “Khác với Tuồng, Chèo, Cải lương, các vở Dân ca – kịch có thể mượn tích trò dưới hình thức chuyển thể, tuy nhiên mang tính khu biệt về âm nhạc. Các làn điệu thường gắn với sinh hoạt đời thường tạo nên một ưu thế nổi rõ bẳn sắc, khó bị trộn lẫn” (Nghĩ về thể loại sân khấu Dân ca – kịch tr58).
Trong những bài viết nhận xét từng vở diễn như “Chuyển động của Tuồng và Cải lương Bắc”, “Điểm sáng của Kịch hát mới’, “Tiếng nhạc trong kịch hát truyền thống”, “Hình btượng Bác Hồ trên sân khấu”, “Sân khấu và dòng chảy cuộc sống, “Mấy suy nghĩ về thể loại Dân ca – Kịch”…, đồng nghiệp Nghiêm Thanh đã đề cập đến những điểm chính yếu và khách quan với cách viết dung dị vừa nhạy bén, sắc sảo, cảm xúc của một nhà báo, nhà lý luận - phê bình sân khấu. Đó là bài “Tầm nhìn Thái hậu Dương Vân Nga”, “Hiền sĩ Côn Sơn”, “Ánh sao đầu núi” (Chèo), “Đô đốc Bùi Thị Xuân”, “Sơn hậu” (Tuồng), “Truyền thuyết Tình yêu – Khát vọng cao cả” (Cải lương), “Hồn nước”, Lịch sử và nhân chứng (Kịch nói)…Có thể nói, Nghiêm Thanh đã đắm mình trong thưởng thức, có cách nhìn khách quan, từ lĩnh hội của bản thân mà nghiền ngẫm từng vở diễn để rồi lý giải thấu đáo, gợi mở, hấp dẫn bạn đọc.
Đúng như nguyên Phó viện trưởng Viện Sân khấu - Điện ảnh, Phó trưởng Ban Lý luận, Phê bình Sân khấu Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam Nguyễn Văn Thành nhận xét “Tập sách “Từ ánh đèn sàn diễn” khẳng định đóng góp có hiệu quả của Nghiêm Thanh với đời sống lý luận, phê bình sân khấu Việt Nam hiện đại.
V.X.B