Xuân về, nghĩa vụ của mình là tháp tùng ông Huy “lô” đi chúc Tết các thành viên và các Lão tướng của bóng đá Việt Nam có quan hệ mật thiết với CLB. Những lần như vậy, bao giờ ông Huy “lô” cũng chọn nhà ông Vũ Quang Minh là điểm đến đầu tiên. Đến thăm ông, vừa vui vẻ vừa được ông chiêu đãi rượu quý do ông con Vũ Minh Hiếu mang về.
Hiếu đá tiền vệ của tuyển Việt Nam và đội Công an Hà Nội. Hiếu đá đầu óc và kỹ thuật siêu đẳng, nối được nghiệp cha về bóng đá nhưng tố chất lãnh đạo thua xa “Bố già” Vũ Quang Minh.
Năm 1956, ông Hà Đăng Ấn, Tổng cục trưởng TCĐS và là Chủ tịch đầu tiên của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam sau này, thành lập đội bóng đá Đường sắt. Bản doanh ban đầu của đội đặt tại số nhà 65 Quán Sứ - Nơi bây giờ vẫn đang thuộc quyền quản lý của ngành Đường sắt. Đội tuyển quân từ các đội Hoàng Diệu, Trần Hưng Đạo, Ba Đình và từ các đội bóng trong ngành như Đoạn đầu máy, Đoạn toa xe, Xe lửa Gia Lâm….
Tham gia chỉ đạo đội bóng có huyền thoại Tạ Đình Đề và lãnh đạo trực tiếp của đội là ông Nguyễn Đinh và Nguyễn Thượng Nho. Mọi việc về chuyên môn, về tuyển chọn cầu thủ, lãnh đạo ủy quyền cho ông Vũ Trọng Bích tức Bảy và ông Vũ Quang Minh, hai danh thủ đã thành danh trên đất Bắc Kỳ từ trước ngày tiếp quản Thủ đô.
Ông Vũ Trọng Bích tức Bảy, cầu thủ kiêm HLV đội TCĐS, sở hữu kỹ thuật siêu đẳng và có một nền tảng thể lực vô biên. Mẫu trung phong càn lướt như ông, nay vẫn được lứa hậu sinh như Lê Huỳnh Đức, Anh Đức học hỏi và áp dụng nhuần nhuyễn. Ông là người đã từng thách đấu sức bền trong cự ly dài với ông Bùi Lương, VĐV việt dã số 1 miền Bắc thủa bấy giờ. Năm 1960, lần đầu tiên báo Thời Mới bình chọn đội hình tiêu biểu của bóng đá miền Bắc, ông Bảy Bích đã được bầu chọn.
Ông Vũ Quang Minh, quái kiệt Bắc Kỳ với kỹ thuật vê bóng thuần thục. Nếu không phải đang thi đấu, ông có thể rê dắt bóng từ sân nhà đến tận cầu môn đội bạn. Ông thuần thục cả 2 chân. Lúc nghiêng vai phải lúc vai trái che chắn, khiến đối phương không nhìn thấy bóng trong chân ông, đừng nói là thò được chân vào mà cản bóng.
Đội TCĐS – Đội bóng đầu tiên của giới lao động Thủ đô - ngay lập tức sở hữu một đội hình gồm những cầu thủ giỏi của đất Hà thành như Bích (Bảy), Minh, Quý, Thắng A, Thắng B, Mùi A, Mùi B, Phục, Lợi, Phúc, Thư, Tín, Dũng, Quỳ, Chính, Pẩu, Cung, Hạng, Lợi, Liêm, Đạt, Nguyễn, Đức… Đội hình thi đấu TCĐS còn có 2 ngoại binh vốn là hàng binh thời chống Pháp, là tiền vệ Blayca và tiền đạo Diop. Hai hàng binh này phải về nước năm 1957 nhưng đã kịp giúp đội vô địch hạng B năm 1956, giành quyền chơi ở hạng A từ năm 1957.
Đội TCĐS và Thể công, CAHN đã hình thành thế chân vạc của bóng đá Thủ đô từ những năm xa xưa. Trên sân Hàng Đẫy những trận cầu “kỵ giơ” giữa những đội này luôn cuốn hút khán giả. Những năm 70 và 80, người hâm mộ bóng đá thủ đô nhớ mãi lứa cầu thủ của chỉ đạo viên Vũ Hạng : Duy Long, Minh Điểm, Kỳ Thụy, Đức Trường, Thế Thành, Thụy Hải, Thế Vinh, Văn Sáu, Ngọc, Nam, Phương, Sơn, Quang, Thắng, Lộc, Phụng, An Long, Hoàng Gia, Đức Chung, Khắc Chính, Trường Sinh, Quang Vinh, Xuân Minh, Xuân Mạnh
Trong khu tập thể Đường sắt tại ngõ Nhà dầu Khâm Thiên, Lão tướng Vũ Quang Minh không nói về mình. Ông say sưa kể về thời chống chiến tranh phá hoại bằng không quân hồi chống Mỹ. Cả đội Đường sắt lên sơ tán trên Lạng Sơn. Vừa tập luyện vừa tham gia bốc vác hàng hóa, giải phóng những toa tàu viện trợ của các nước trong khối XHCN qua ngả Đồng Đăng, Lạng Sơn. Mỹ hạn chế ném bom miền Bắc, đội lại về khu tập thể Giảng Võ, buổi tập buổi đi làm ở các đơn vị trong ngành. Cầu thủ Đường sắt thời bấy giờ ai cũng có một nghề “dắt lưng” để khi nghỉ thi đấu, lập tức trở thành người thợ lành nghề ngành Đường sắt. Thời gian khó, đội cử người đi vét than phế thải ở ga Hà Nội, ga Yên Viên, mang về phục vụ nấu ăn ở nhà bếp của đội do chỉ đạo viên Vũ Hạng làm “Bếp trưởng”, Minh Điểm - Kỳ Thụy làm “Bếp phó”.
Càng trong khó khăn, những cầu thủ - công nhân TCĐS càng trưởng thành. Năm 1975, đội được Tổng cục TDTT giao nhiệm vụ đón tuyển Trung Quốc và tuyển Thanh niên CHDC Đức trên sân vận động thành phố Vinh – Nghệ An. Thành phố bấy giờ vẫn hoang tàn sau các trận ném bom hủy diệt của không quân Mỹ. Nhiều người vẫn nghĩ rằng nước CHDC Đức tập trung viện trợ tái thiết thành phố Vinh sau chiến tranh, có một phần công sức của các cầu thủ TCĐS khi giới thiệu với những đại diện đến từ CHDC Đức khát vọng vươn lên của người Việt Nam trong lửa đạn chiến tranh.
Cũng năm đó đội đi du đấu tại 8 tỉnh bên Trung Quốc với kết quả đa phần là thắng các đội tuyển địa phương. Tự hào nhất trong lịch sử đội bóng cũng như lịch sử bóng đá Việt Nam là chuyến du đấu miền Nam năm 1976. Do tính chất nhạy cảm về chính trị, Thể Công và CAHN – hai đội bóng mạnh hồi bấy giờ - không được chọn vì thuộc lực lượng vũ trang. Đội TCĐS đại diện cho giới lao động miền Bắc vào Nam giới thiệu cho đồng bào mình nền thể thao đất Bắc.
HLV nổi tiếng Mai Đức Chung kể lại: “ Bọn mình đang có chuyến tập huấn một tháng ở Trung Quốc, nghe cấp trên giao nhiệm vụ vào Nam thi đấu giao hữu với Cảng Sài Gòn, ai cũng hạnh phúc với sứ mệnh chính trị trong trận đấu đầu tiên giữa bóng đá hai miền trên một đất nước thống nhất. Cả bọn cứ cuống quýt, mong đến ngày về nước để vào Nam”.
Sài Gòn với các cầu thủ miền Bắc nghe gần gũi mà quá xa xôi sau bao năm chiến tranh chia cắt hai miền. Những hiểu biết của họ về Sài Gòn, chỉ qua những lời kể của những cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Đồng bào miền Nam lúc đấy vẫn chưa hiểu hết về miền Bắc. Có người nghe tuyên truyền là “Việt cộng bảy người ôm cọng đu đủ không gãy” nên họ vây chặt các cầu thủ Đường sắt khi vào sân vận động. Họ ngạc nhiên khi thấy các cầu thủ đều béo tốt, to cao và đặc biệt là rất nhiều cầu thủ có nước da trắng hồng, khác hẳn với nước da đen sạm của các cầu thủ con cưng ở đất phương Nam.
Chỉ là trận đấu giao hữu giữa TCĐS và Cảng Sài Gòn, nhưng là lần đầu tiên hai nền bóng đá Nam Bắc đối đầu nhau nên mọi ngành mọi giới đều quan tâm. Trên khán đài và quanh sân, quân cảnh súng đã lên đạn, sẵn sàng giữ gìn an ninh trật tự.
Dưới sân, các cầu thủ hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” mà nước mắt đọng viền mi. Non sông đã liền một giải. Bóng đá hai miền đã về chung một nhà.
Đội hình của những cầu thủ đã làm nên lịch sử của bóng đá Việt Nam năm 1976:
Cảng Sài Gòn do HLV Nguyễn Thành Sự dẫn dắt chơi với đội hình 4-2-4: thủ môn Lưu Kim Hoàng; hậu vệ Tam Lang, Lê Đình Thăng, Vinh Quang, Tấn Trung; tiền vệ Mười “xìu”, Dương Văn Thà; tiền đạo Nguyễn Văn Ngọc, Trần Văn Xinh, Tư Lê, Nguyễn Văn Ngôn.
Đội Tổng cục Đường sắt ra quân bằng đội hình 4-3-3 do ông Trần Duy Long làm Huấn luyện viên trưởng: thủ môn Trường Sinh; hậu vệ Từ Như Quang, Thế Vinh, Phương “tròn”, Lê Khắc Chính; tiền vệ Lê Thụy Hải, Phạm Kỳ Thụy, Ngô Thế Thành; tiền đạo Mai Đức Chung, Minh Điểm, Hoàng Gia.
Đội TCĐS đá nhuần nhuyễn trong lối đá tập thể (dạng như lối đá tổng lực của Hà Lan) nên ép Cảng Sài Gòn về phòng ngự.
Tiền vệ Lê Thụy Hải phất quả dài để Mai Đức Chung lao vào đánh đầu ghi bàn mở tỷ số. Gần cuối trận, nhìn thấy thủ môn Lưu Kim Hoàng nhô cao, ông Lê Thụy Hải lốp bóng từ khoảng cách 40 mét, ghi bàn ấn định tỷ số 2 – 0 cho trận đấu.
Năm 1980, tại Giải bóng đá Vô địch toàn quốc lần thứ nhất, đội TCĐS đã đoạt ngôi vô địch. Sang những năm khó khăn thời bao cấp, hàng loạt đội bóng tên tuổi xin giải thể. Năm 1999 Liên hiệp Đường sắt Việt Nam có công văn số 389.TCCB-LĐ gửi Ủy ban TDTT và Liên đoàn BĐVN thông báo đội TCĐS ngừng hoạt động, để lại bao tiếc nuối cho người hâm mộ bóng đá Việt Nam.
Chuyện Làng quê