Đợi đến bao giờ (Chuyện kể ở Đại đội)

Đám cưới xong, khách khứa cũng đã về hết, ông Thìn rít điếu thuốc lào vừa nhả khói vừa gọi “Bà nó ơi…còn việc gì thì để mai làm, muộn rồi để cho các con nó nghỉ”.
doi-den-bao-h-1638247351.jpg
Ảnh do tác giả sưu tầm. Nguồn: Internet

 

Bà Thìn bảo với chị Xuân (con dâu mới) đang thu dọn bát đũa “thôi nghỉ đi con”.

Trong buồng ngủ trên chiếc giường cưới anh Giao ngồi chờ vợ, rồi chị Xuân cũng vào, chị lên giường nằm sát phía trong, ngoài nhà vợ chồng ông Thìn biết ý cũng tắt đèn đi ngủ.

Anh Giao vừa chạm tay vào người chị Xuân, thì đã bị chị đưa tay gạt ra, vài lần rồi vài lần nữa đều bị cự lại, rồi chị Xuân bảo “anh ơi cứ đợi đã..! em chưa..!” nói xong chị nằm úp thìa vào sát vách ngăn, anh Giao không làm sao được (vì bên kia vách ngăn là giường ngủ của Thầy, U) thế là đành ngủ chay đến sáng.

Đêm sau và nhiều đêm sau nữa…vẫn kịch bản ấy, anh Giao cũng chẳng được sơ múi gì sất.

Anh Giao và chị Xuân cưới nhau là do bố mẹ hai bên sắp đặt, mặc dù cùng thôn nhưng khi anh Giao lên đường nhập ngũ làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh Quốc gia, thì chị Xuân vẫn còn đánh chắt, đánh chuyển với lũ bạn trong xóm. Vừa học xong cấp hai (hệ 7/10) thì bố mẹ anh Giao đã mang lễ đến dạm hỏi, bố mẹ chị Xuân cũng đã nhận lễ, mặc dù chị Xuân không đồng ý nhưng vẫn phải theo ý bố mẹ. Rồi hai nhà thu xếp làm thủ tục pháp lý, chọn ngày lành tháng tốt tổ chức lễ cưới cho anh chị, thế là bao ước mơ hoài bão của tuổi trẻ chị Xuân đành gác lại.

Vì vậy dù đã là vợ chồng, nhưng chị chưa chấp nhận anh cũng là điều dễ hiểu.

Còn 2 hôm nữa thì hết phép, tối hôm đó anh Giao đưa cho chị Xuân xem chiếc vé tàu Thống nhất Thanh Hoá- Sài Gòn:“ngày kia anh đi”, chị Xuân chỉ đáp nhẹ “vâng” rồi mọi việc cũng vẫn thế, anh Giao nghĩ chắc không được rồi.

Vì không muốn cho bố mẹ biết sợ các cụ buồn, nên anh Giao định bụng khi nào trở lại đơn vị sẽ viết thư về cho ông bà Thìn nói rõ mọi việc, gửi kèm cả đơn ly hôn để giải phóng cho chị Xuân.

Sau bữa cơm tối chị Xuân gói ghém quần áo vào ba lô cho anh Giao, để sáng mai còn đi sớm.

Đêm phép cuối cùng, chị Xuân vẫn “anh ơi cứ đợi đã..! em chưa..!”. Anh Giao chẳng còn cách nào đành nói dỗi “mai tôi đi rồi, hôm nay vẫn đợi, vậy cô bảo tôi phải đợi đến bao giờ”.

Nói xong anh nằm nghiêng ra ngoài, chẳng biết câu nói dỗi ấy có tác động tâm lý đến mức nào? nhưng lúc sau thì chị Xuân quay người lại cầm tay anh Giao. Vậy là đêm phép cuối cùng họ mới động phòng chính thức thành vợ, thành chồng.

Trở lại đơn vị công tác bình thường, những lúc vui tôi có hỏi thăm anh Giao về chuyện cưới vợ có phức tạp lắm không (tôi chưa có vợ), mới đầu còn ngại nhưng rồi anh cũng kể sơ sơ chuyện của anh cho tôi nghe.

Rồi công việc cuốn hút, thời gian trôi đi gần 3 năm sau chị Xuân bế con vào thăm chồng, chúng tôi đón khách quý nhìn thằng bé hơn 2 tuổi giống anh Giao như tạc đang chạy nhảy, tôi hỏi anh Giao “có phải thằng đợi đến bao giờ đây không?” anh Giao trả lời “chính hắn đó” chị Xuân xấu hổ đấm thùm thụp vào lưng anh Giao “cái anh này…”.

Những ngày chị Xuân ở chơi, mấy anh em chúng tôi lấy cơm bếp ăn tập thể về ăn cùng vợ chồng anh Giao cho vui.

Bữa cơm chia tay chị Xuân trở về Thanh Hoá, chị kể lấy anh Giao rồi nhưng bố mẹ anh Giao vẫn động viên chị tham gia công tác xã hội, chị làm Bí thư chi đoàn thôn, rồi Phó bí thư đoàn xã. Tôi và mấy anh em chưa vợ nói vui “chị giới thiệu mấy cô cho bọn em nhé!”. Chị Xuân tươi cười bảo “chỉ sợ các chú không dám làm rể quê choa thôi”, chị liệt kê nào là em Đào, em Liễu, em Hương…em nào cũng xinh, đều là cá nhân tiêu biểu của phong trào “thanh niên ba sẵn sàng”, các chú mà ưng tôi giới thiệu cho, rồi viết thư kết bạn, địa chỉ đây…

Anh Giao đang ngồi ôm con thong thả nói “các chú không đợi được đâu”. Chị Xuân nguýt anh Giao “sao mà nhớ giai thế!”. Chúng tôi cùng cười vui vẻ.

Năm sau anh Giao có Quyết định chuyển về quê công tác để hợp lý hoá gia đình. Tôi sau đó cũng lấy vợ và chuyển công tác gần nhà.

Đã mấy chục năm rồi, chúng tôi đều đã nghỉ hưu, năm ngoái tôi mới xin được số điện thoại của anh Giao, điện hỏi thăm anh, anh kể vợ anh chị Xuân sau này làm Chủ tịch hội Phụ nữ xã, giờ cũng đã nghỉ hưu, cháu Tuấn “thằng bé đợi đến bao giờ” nối nghiệp bố đang công tác ở Tây Nguyên.

Tôi hỏi vui “bây giờ còn phải đợi không anh?”, anh cười hề hề “BÂY GIỜ KHÔNG PHẢI ĐỢI!”.

HD 30/11/21

Theo Chuyện quê