Đôi điều cảm nhận sách Tập 2 "Một thời để nhớ"

Đêm 24 tháng 12, trong khi ngưới dân Thành phố Vũng Tàu nhộn nhịp đi đón lễ Noel ở trung tâm TP, tôi nằm ở nhà và tiếp tục đọc đến trang cuối cùng cuốn sách MỘT THỜI ĐỂ NHỚ tập 2 của lớp Sử khóa 13, (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) của chúng tôi.

Cách đây một tuần, khi nhận được sách, tôi đã đọc ngấu nghiến, ngay trong đêm đầu tiên, tôi đã đọc được 65 trang từ lời nói đầu đến hết bài và ảnh “Gặp mặt truyền thống của bạn Vũ Xuân Bân”. Tuy nhiên, sau đó, vì phải “hạn chế sự sung sướng đó lại”, nên tôi đọc chậm lại, mặc dù, cuốn sách thu hút tôi rất nhiều về ký ức, kỷ niệm của các bạn và của tôi vế lớp Sử chúng mình 50 năm qua!

Tôi biết, để hoàn thành cuốn sách này, Ban Liên lạc Cựu sinh viên của lớp, và nhất là Ban Biên soạn và người Chủ biên, NB Vũ Xuân Bân, đã phải cố gắng rất nhiều, nếu không nói là “mất ăn, mất ngủ” với cuốn sách này, bởi một lẽ, các bạn là những người tâm huyết với lớp, muốn xuất bản cuốn sách vào đúng dịp 50 năm anh em ra trường! đó là chưa kể, do sức khỏe của nhiều người trong lớp ở tuổi xưa nay hiếm, mỗi ngày một giảm, không biết “ra đi gặp tổ tiên” lúc nào, nên muốn được gặp lại bạn bè, ôn lại tuổi trẻ, quá khứ thời sinh viên sôi nổi của mình qua cuốn sách!

vxb9122022-1672204627.jpg
Tập 2 sách "Một thời để nhớ".

 

Cuốn sách tập II này cùng khổ, it hơn gần chục trang so với cuốn tập I, nhưng trình bày đẹp hơn. Trong sách tập II năm nay, sau lời nói đầu, chúng mình được gặp thầy giáo cũ, GS NGND Vũ Dương Ninh qua bài viết của thầy: LỚP TRẠI CHUỐI – SỬ 13. Vốn đã hiểu cuộc sống của chúng mình thời sinh viên ở Trại Chuối (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đã khổ, nay đọc từng dòng thầy viết, mình càng thấm hiểu nỗi gian khổ của các thầy thời đó, cũng: “sáng lót dạ bằng sắn luộc, hai bữa chính ăn canh sắn, tối liên hoan bằng chè sắn”! Sắn “tầu’ vốn đã nóng, ăn nhiều như vậy rất nóng cổ và “ợ” lên mùi khó chịu! Trong chiến tranh phá hoại của Mỹ, các thầy cũng sống những ngày sơ tán ở đây, chỉ được nghỉ 1-2 tháng mỗi kỳ học để về đọc sách ở các Thư viện. Đó là thời kỳ các thầy gắn bó với Thư viện Quốc gia hàng ngày, buổi trưa thường nghỉ tạm dưới gốc cây gặm mẩu bánh mì hoặc củ khoai, củ sắn… Vậy mà các thầy vẫn say sưa ghi chép, biên soạn Giáo trình giảng dạy cho lớp chúng ta, mà thầy Nguyễn Văn Hồng gọi vui là “giáo trình khoai sắn”. Với các giáo trình đó, các thầy đã đào tạo ra những giáo sư, tiến sĩ các thế hệ trước chúng mình, đến lứa chúng mình học ở trong rừng, và những GS-TS, cán bộ cấp cao của các trường Đại học Quốc gia, các Ban, Cục, Vụ, Viện, nhà Nghiên cứu Lịch sử, nhà Văn, nhà Thơ, phóng viên báo chí chiến trường v. v… Trong tập này, sau bài của thầy Vũ Dương Ninh, GS NGND, chúng mình được đọc bài có tính chiến đấu mạnh mẽ, sâu sắc cùa anh Phạm Đức Thành, PGS-TS, về "học sử và sử học nước nhà" mang tính học thuật bảo vệ việc dạy và học sử khi cuộc tranh luận “một mất một còn” giữa cá nhà sử học và một nhà quản lý Giáo dục- Đào tạo. Một bên muốn tích hợp môn Lịch sử vào món Công dân với Tổ quốc ở cấp Tiểu học và cấp phổ thông cơ sở (PTCS), còn một bên lại cho rằng chủ trương tích hợp môn Lịch sử với các môn học khác là không có cơ sơ khoa học và nguy hiểm nhất là hạ thấp vai trò của Lịch sử với tư cách một môn khoa học cơ bản, thậm chí làm “biến mất” môn Lịch sử và việc để môn Lịch sử là tự chọn ở cấp PTTH là cực kỳ nguy hiểm trong “công cuộc trồng người”!...

Theo PGS TS Phạm Đức Thành thì ngày nay, bên cạnh việc đào tạo một lương sinh viên ngành sử vừa đủ nhằm đáp ứng yêu cầu giảng dạy, nghiên cứu lịch sử, viết sử thì nên có chiến lược đào tạo thật bài bản một số em học sinh yêu thích thực sự với môn học Lịch sử như nhiều nước trên thế giới đã làm. Chính những em sinh viên có tấm lòng, yêu mến, say mê Lịch sử thực sự đó sẽ trở thành những nhà Sử học chân chính của nước Việt Nam trong tương lai.

Sau bài của anh Thành là bài về kỷ niệm của bạn Hoàng Thị Minh Lý về những ngày rời quê hương Quảng Bình nơi bom đạn “vãi xuống như trấu”,“rơi trên nóc nhà” ở vùng cửa ngõ chiến trường miền Nam, vượt qua chặng đường đầy gian khổ, cùng Trần Hữu Đính mấy bạn khác đi bộ tổng cộng hơn 500 km, đến trường Đại học ở Hà Nội nơi sơ tán ở Xóm Trại Chuối, xã Vạn Thọ, Đại Từ, Thái Nguyên. Trong lớp mình, rất nhiều người từng vượt qua rừng núi, đói ăn, từ “trong nớ” phải đi bộ ra Hà Nội. Bạn Cao Văn Liên (giờ là PGS-TS), kể: phải đi bộ từ nhà gần chợ Chu, huyện Định Hóa đến Trại Chuối, huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Gian khổ là ở chỗ, khi đến trường, chỉ vì thiếu tem phiếu 30 kg gạo, nên ngay ngày hôm sau, anh phải đi bộ về để lấy tem phiếu nộp cho nhà trường. Giờ đây, sinh viên không phải nộp tem phiếu gạo, nếu phải nộp, thì ra chợ, mua gạo nộp, không vất vả gì. Bài viết giới thiệu về Trần Ngọc Bích… gây xúc động trong chúng ta.

Trong cuốn sách này, qua bài và ảnh của bạn Vũ Xuân Bân - Trưởng Ban biên soạn - chúng mình được ôn lại những lần họp lớp, truyền thống, những chuyến tham quan. Tiếp theo đó, chúng mình còn được đọc những bài về ký ức, một thời để nhớ, kỷ niệm khá dí dỏm về "Nhà đổ", chuyện bây giờ mới kể (Huyền Yến), về “Ngày ấy, lớp chúng mình G1 Trại Chuối” (Trần Thị Tuyết), “50 năm ngày ấy… bây giờ” (Đinh Thị Minh Huệ)… về bạn Trần Viết Thuyên đã hy sinh trên đường hành quân ở Trường Sơn; nhũng người đáng quý trước đây từng đóng góp bài, nay đã không còn nữa, như anh Ngô Quốc Túy, bạn Nguyễn Thị Thu Hương, Nguyễn Thị Huệ... Tuy nhiên, có những người lần trước viết bài hoặc làm thơ, nhưng lần này không thấy viết nữa như anh Lê Tượng, các bạn Phạm Thị Tính, Nguyễn Văn Điền và Lê Quang Tuyến.

Lần này, lớp ta đã có những bạn từ Nhà báo, nhà Sử học nổi lên thành danh đáng tự hào cho lớp như những nhà Văn là Vũ Xuân Bân, với tiểu thuyết đầu tay "Tơ vò”; Nguyễn Sĩ Chân, với “Trận chiến Đại Bàng”, GSTS Trương Quốc Bình với Hồi ức khá sâu sắc: “Huế và tôi – tôi và Huế”, Bùi Thanh Liêm, với “Mây phủ giăng mùng”, các nhà Thơ như Tiến sĩ Nguyễn Thị Quế với “Những kỷ niệm thân thương ngày ấy”, Nguyễn Thị Xuân với bài thơ ngắn nhưng súc tich, tình cảm “Lời Trài tim”, Trử Thị Sửu, với 2 bài thơ “54 năm lớp sử khóa 13 và Oan tình Mỵ Châu; Bùi Quý Đọ, với bài viết “Về Nguồn” và những bài thơ giầu tình cảm: “Một thời”, “Giỗ tổ”, “Về thăm bến cũ”, và “Ký sự K.13”. Các nhà thơ khác như: Nguyễn Thị Châu, Trần văn Oánh cũng “lai láng tâm hồn thi sĩ”. Đặc biệt là PGS-TS Cao Văn Liên - một nhà Thơ - nhà Văn, khá nổi tiếng: anh đã làm thơ từ thời học sinh: với những bài thơ phóng khoáng, giàu tình cảm về quê hương, đất nước. Anh đã từng đi bộ đội Hải quân và vượt qua gian khó, suýt chết trong chuyến tàu biển V655 vào Nam, bị mắc cạn trên sông Cửa Việt (Quảng Trị). Gần đây, khi đã nghỉ hưu, anh giành một số năm trời “lao tâm khổ tứ” (chưa kể quá trình nghiên cứu, tích lũy tư liệu trước đó) để viết, xuất bản một bộ tiểu thuyết đồ sộ “Việt Nam diễn nghĩa” gồm 8 tập, với hơn 3.000 trang, xuyên suốt các thời kỳ lịch sử cổ, trung, cận đại Việt Nam. Có lẽ, đây là bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam duy nhất hiện nay diễn đạt dưới dang văn học hấp dẫn. Sách đã thu hút lượng người đọc rất lớn ở trong và ngoài nước (92 nước trên thế giới). Qua việc chuyển tải lịch sử từ những sự kiện khô khan, ít hấp dẫn được diễn đạt bằng văn học được Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển (vanhoavaphattrien.vn) phát trên mạng Internet đã lan tỏa rộng rãi, giúp cho người dân Việt Nam hứng thú đọc, hiểu lịch sử nước nhà hơn, góp phần thực hiện được lời dạy của Bác là :

Dân ta phải biết sử ta

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.

Chẳng những Văn, thơ, lớp Sử khóa 13 chúng ta còn có bạn say mê và giỏi về nhạc từ thời “tóc còn để chỏm”, đó là bạn Phạm Công Phin. Anh còn tự chế ra đàn bầu cho mình biểu diễn và đã biểu diễn thành công ở nhiều nơi.

Trong tập II này, ngoài những bài viết về ký ức, chúng mình còn được đọc những bài viết về những người thành danh, những bạn đã “đi xa”: từ liệt sĩ đến qua đời vì bệnh tật, tuổi già, đến những bạn đang hiện hữu, say mê với nghiệp vụ của mình (tập trước có viết nhưng ít). Đó điều rất đúng vì sách của chúng mình, viết cho chúng mình, sao lại không thực hiện “Chúng ta nói về chúng ta?”. Đó là các bài viết về các bạn đã "rời cõi tạm" về với tiên tổ như Nhà báo Liệt sĩ Trần Viết Thuyên; các bạn Trần Ngọc Bích, Nguyễn Thị Thu Hương, Phạm Cao Phong... Rồi các bạn đang sống vui, sống khỏe, có ích cho đời như Bùi Thanh Liêm, Vũ Xuân Bân, Phạm Nhật Nam, , Cao Văn Liên, Đoàn Việt …

Qua các bài viết và thông qua ảnh, chúng mình cũng nhớ lại những người anh, chị, như anh Ngô Quốc Túy, các bạn bè với những nụ cười tươi tắn như các bạn Phạm Cao Phong, Nguyễn Thị Thu Hương. Trong đó, Nguyễn Thị Thu Hương là người tích cực viết cho cuốn sách "Một thời để nhớ" tập I của chúng mình, với 3 bài! Tôi thật cảm động khi được nhìn những tấm ảnh về các anh chị từng là gương học tập, lao động đẹp, trẻ trung trước đây giờ đang vật vã vì đau yếu, trong đó có chị Nga người chị đáng quý của lớp mình trước đây.

Đ.V