Đôi điều cảm thức về bộ Tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa”: Kỳ 1: “Dân ta phải biết sử ta…”

Vũ Xuân Bân

30/08/2022 16:14

Theo dõi trên

Trong các  năm 2019, 2020 và  đầu năm 2022, Nhà xuất  bản  Hồng Đức đã ấn hành 8 tập tiểu thuyết lịch sử  “Việt Nam Diễn nghĩa” (trong đó có Tập IV và IV (A) tổng cộng hơn 3000 trang của PGS TS Cao Văn Liên. Sách khổ 14,5 x 20,5 cm, giấy  trắng, bìa cứng viết về lịch sử  cổ trung, cận  đại Việt Nam.

cvl4-1661850000.jpg
Trọn bộ 8 tập tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” của PGS TS Cao Văn Liên.

 

Cả 8 tập tiểu thuyết lịch sử này đều phát trên Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển (vanhoavaphattrien.vn). Mỗi kỳ có độ dài từ 5 đến 6 trang in, bắt đầu phát trên vanhoa và phattrien.vn  từ giữa tháng 8/2021 đến  tháng 8/2022 thì kết thúc để chuyển tải đến đông đảo bạn đọc và công chúng.

Còn hơn cả dự đoán và mong đợi, lượng bạn đọc của vanhoavaphatrien.vn không chỉ trong nước mà trải rộng ở 92 nước trên thế giới với số lượt bạn đọc truy cập ngày càng tăng. Có những hôm, vì bận công việc đột xuất không thể đăng ngay các kỳ tiếp theo vào đầu giờ buổi sáng, bạn đọc đã gọi ĐT, nhắn tin qua facebook để hỏi, thúc giục phát tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” trên vanhoavaphattrien.vn. Cùng với đó, bạn đọc liên tục hỏi mua bộ tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” ở đâu? Chúng tôi đều giới thiệu liên hệ với tác giả để hỏi xem bán ở đâu mà mua. Vanhoavaphatrien.vn chỉ đăng bộ tiểu thuyết đó phục vụ bạn đọc và công chúng chứ không bán. Nếu các bạn không mua được thì chịu khó mở vanhoavaphattrien.vn trong chuyên mục “Nghiên cứu” để đọc.

Kỳ 1: “Dân ta phải biết sử ta…”

Luôn luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, PGS TS Cao Văn Liên đã thường xuyên tâm niệm: Nhân dân lao động rất yêu thích lịch sử của dân tộc mình nhưng không thể đọc được những công trình nghiên cứu khoa học của giới trí thức và của các nhà sử học khi họ trình bày lịch sử dưới dạng hàn lâm nặng về lý luận. Thứ  nhất là những công trình đó xa lạ đối với họ, thứ hai có đọc họ cũng không thể hiểu được nhiều, không thể nhớ và do đó không còn hứng thú. Cho nên nhân dân lao động nắm bắt lịch sử bằng những truyền thuyết, cổ tích, những giai thoại, qua các loại hình nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương, ca dao, dân ca... Nhưng những hình thức này không giúp họ tiếp thu một cách hệ thống liện tục các sự kiện, nhân vật lịch sử, một thời kỳ lịch sử hoặc toàn bộ lịch sử dân tộc. Cho nên các nhà sử học kiêm nhà văn hay là các nhà văn muốn thông qua các loại hình văn học, nghệ thuật gần gũi để chuyển tải lịch  sử đến cho người đọc và công chúng. Từ đó thể loại tiểu thuyết lịch sử đã ra đời.

img-20220410-162201-1661850620.jpg
PGS TS Cao Văn Liên (bên trái) đàm đạo về kinh nghiệm viết tiểu thuyết lịch sử với đồng môn Nhà báo Vũ Xuân Bân.

 

Cũng lý do đó, tác giả Cao Văn Liên đã viết bộ tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa”, hiểu nôm na tiêu đề sách này là Lịch sử Việt Nam được diễn giải bằng văn học dưới góc độ  phổ thông đại chúng để mọi người dù là trí thức cao cấp đến người bình dân đọc đều hiểu, thưởng thức phù hợp với mọi trình độ. Qua đó, bạn đọc và công chúng nắm bắt được những nét cơ bản nhất về lịch sử cha ông một cách có hệ thống, không chỉ luận bàn chuyện quá khứ của lịch sử mà tác giả muốn dùng lịch sử đã qua như một gương soi những vấn đề hiện tại của đất nước mà một trí thức, một nhà nghiên cứu lịch sử như PGS TS Cao Văn Liên không thể không thao thức, trăn trở. Bằng bút pháp văn học, tác giả đã khéo léo gợi mở những ưu tư của bạn đọc và công chúng trước vận mệnh đất nước trong suốt chiều dài lịch sử  mà tập trung là lịch sử cổ trung, cận đại Việt Nam, trong đó có phong kiến Việt Nam chống Pháp và thoảng qua khởi nghĩa Yên Thế và Yên Bái.

 Những trăn trở của tác giả cũng chính là suy nghĩ của những người con dân nước Việt luôn chất chứa trong tâm mình tình yêu tổ quốc và nỗi ưu lo trước sự tồn vong, thịnh suy của dân tộc trong dựng nước và giữ nước luôn luôn phải chống chọi với thiên tai khắc nghiệt và đấu tranh  chống giặc ngoại xâm bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước. Trên cơ sở đó đi dần đến cái đích mà tác giả mong muốn sâu xa là nâng cao tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng dân tộc và từ đó biến thành sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Bước đầu thể nghiệm có vẻ như tác giả đã đạt được mục tiêu đề ra.

Qua 5 năm lao động miệt mài sau khi về nghỉ hưu, với khối tư liệu phong phú, với kiến thức của nhà nghiên cứu, giảng dạy về lịch sử, yêu thích văn học, tác giả Cao Văn Liên đã cho ra đời 8 tập tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam Diễn nghĩa”, gồm: Tập I: Nghìn năm bất khuất. Tập II: Ba triều dựng nước (Ngô- Đinh- Tiền Lê). Tập III: Những khúc ca khải hoàn. Tập IV: Nội chiến Nam-Bắc Triều. Tập IV (A): Chuyển giao vương triều và Nhà hậu Trần đánh giặc Minh. Tập V: Nội chiến Trịnh- Nguyễn và nhà Tây Sơn. Tập VI: Phong kiến Việt Nam chống Pháp (1858 – 1895). Tập VII: Khởi nghĩa Yên Thế và Yên Bái.

PGS TS Cao Văn Liên bộc bạch: Tôi có nhiều người bạn, mỗi người một nghề nghiệp khác nhau nhưng khi được tặng tiểu thuyết “Việt Nam diễn nghĩa”, họ say sưa đọc và đến cùng tôi đàm đạo. Họ đã nói lịch sử Việt Nam vanh vách quên cả thời gian. Như vậy, loại hình văn học chuyển tải lịch sử, lịch sử thể hiện qua văn học dễ hấp dẫn người đọc, dễ nhớ, dễ hiểu và giúp người đọc nhận thức thời kỳ lịch sử cổ trung, cận đại nước nhà có hệ thống và lôgic.

Có bạn đồng môn sử khoá 13 (1968 – 1972) Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học khoa học Xã hội & Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội) với Cao Văn Liên đã thốt lên: “Xuất bản không chỉ một tập mà liên tiếp 8 tập tiểu thuyết lịch sử ‘Việt Nam diễn nghĩa’, thật là kỳ tài, rất đáng khâm phục, nể trọng PGS TS Cao Văn Liên”.

(Còn nữa)
V.X.B

Đón đọc kỳ 2: "Không được lơ là mất cảnh giác" và “Tình báo viên đầu tiên”?