Đôi điều về Nguyễn Huy Thiệp

Người Trung Quốc có câu ngạn ngữ rất hay: “Sư tử bắt thỏ cũng phải dùng hết sức”. Thực ra thì bắt thỏ đâu phải cần đến sư tử, cầy cáo bắt cũng được, mà sư tử lại phải dùng hết sức. Ý muốn nói là làm việc gì cũng cần phải hết sức, phải nghiêm túc. Đặc biệt là đối với người cầm bút, không được viết quá “nổ” và quá “ẩu”.
nguyen-huy-thiep-1640359583.jpg
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ảnh internet

 

Văn học Việt Nam sau năm 1975 đã tồn tại và phát triển trong những điều kiện lịch sử và xã hội khác biệt rõ rệt với thời kỳ chiến tranh, trong một môi trường ý thức xã hội có nhiều biến đổi. Những điều đó tác động chi phối mạnh mẽ xu hướng vận động và đặc điểm của sự phát triển văn học Việt Nam suốt mấy chục năm qua. Trong thời kỳ đổi mới, quan niệm về con người chính là cơ sở chi phối những nguyên tắc chiếm lĩnh, cắt nghĩa đời sống của nhà văn, là nơi đánh dấu trình độ tư duy nghệ thuật của một thời đại, một trào lưu tác giả.

Lúc bấy giờ, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện, ngay lập tức đã làm chấn động dư luận khi ông nhìn con người như một bản thể tự nhiên. Từ trước đến nay, văn học thường viết về con người như một ý thức xã hội và sự phiến diện này hạn chế khả năng thuyết phục của văn học. Rõ ràng, ý thức giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống của con người nhưng làm sao có thể phủ nhận sức mạnh của tự nhiên. Nhân cách con người không chỉ là kết quả của lý trí, mà còn là sự tham gia của vô thức, tiềm thức, tâm linh... Nguyễn Huy Thiệp có thể đã cực đoan khi quá nhấn mạnh vào phần bản năng tăm tối của con người nhưng cũng có những phát hiện sắc sảo về con người bản năng, vô thức.

Trên hành trình đổi mới văn học, những tìm tòi thử nghiệm để làm giàu thêm khả năng biểu đạt cho tiếng Việt đã có một số thành tựu khả quan, nhiều rào cản ngôn ngữ được gỡ bỏ. Từ ngữ được giải phóng khỏi sự phân biệt đẳng cấp sang - hèn nhờ tài năng của người sử dụng. Với Nguyễn Huy Thiệp, ngôn từ hiện thực đời thường đậm chất khẩu ngữ được gia tăng tính tốc độ và lượng thông tin đã chuyển tải một cách hiệu quả trạng thái vận động mãnh liệt mà phức tạp xô bồ của đời sống đương đại.

Gắn liền với sự thay đổi cảm hứng, thay đổi mối quan hệ nhà văn - bạn đọc, thay đổi cấu trúc trần thuật, giọng điệu văn xuôi truyện ngắn càng trở nên đa dạng. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp bị nhiều người trách là “tàn nhẫn, lạnh lùng” với con người. Nhưng nhìn chung trong các tác phẩm của nhà văn đâu chỉ có một sắc giọng dửng dưng, vô cảm, ngược lại thường là giọng khinh bạc, gai góc vẫn đan xem với giọng trữ tình lắm khi xót xa thương cảm nhiều khi cũng tê tái buồn.

Trong các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, người kể chuyện của nhà văn là một mẫu rất mới: Anh ta không đứng cao hơn bạn đọc, không chăm chăm giảng giải, cắt nghĩa, anh ta công khai bộc lộ tư cách kém cỏi, không đáng tin cậy, anh ta vừa kể vừa hoang mang về điều đang kể, lúc thì nhầm lẫn lúc thì bối rối phân bua: “Tôi cũng không biết câu chuyện kết thúc ra sao”, “Nghe đồn rằng”, “Lại có người kể rằng” hay đưa ra một số đoạn kết như truyện ngắn “Vàng lửa”... Mỗi nhận xét, đoán định của anh ta như đều đã dự liệu lời phản biện của nhân vật khác. Đa số truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp kết thúc không có hậu, không đưa ra chân lí cuối cùng, nhà văn trao quyền đó cho bạn đọc. Truyện thường kết thúc hoặc bằng những câu hỏi ngỏ, hoặc bằng sự khởi đầu một cuộc tìm kiếm của nhân vật chính. Đấy là cách nhà văn khước từ áp đặt chân lý cho người khác, đồng thời thể hiện một cách nhìn triết học sâu sắc trước dòng chảy phức tạp đầy ngả rẽ bất ngờ của cuộc sống

Nhiều người rất khó chịu với lối hành văn cộc lốc, ngôn từ thô nhám, trần trụi, đôi khi thô tục của Nguyễn Huy Thiệp nhưng cũng có người cho rằng, cách hành văn ấy thích hợp để diễn tả các hỗn tạp, xô bồ tự nhiên của cõi nhân sinh. Nhìn chung Nguyễn Huy Thiệp có bút pháp khá đa dạng, nhiều biến hóa bên cạnh mạch văn gai góc, lạnh lùng như truyện: Không có vua; Huyền thoại phố phường; Tướng về hưu; Giọt máu; Phẩm tiết... cũng có khi đầy chất thơ, có khi hài hước như: Chút thoáng Xuân Hương; Chảy đi sông ơi; Thương nhớ đồng quê; Thương cả cho đời bạc; Những bài học nông thôn...

Năm 2001, cuốn Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp do nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên sưu tầm và biên soạn được ấn hành. Đây là tập sách quý, tập hợp tương đối đầy đủ những ý kiến khác nhau, đối lập nhau chung quanh Nguyễn Huy Thiệp – một hiện tượng văn chương gây nhiều tranh cãi nhất kể từ sau 1975. Đặc biệt, bài viết chừng 30 trang của hai tác giả Nguyễn Hải Hà và Nguyễn Thị Bình ở cuối tập sách mang tính tổng thuật (trong bài viết này tôi tạm gọi là Tổng thuật) rất đáng được lưu tâm. Tôi xin bàn chỉ các ý kiến khen chê về chùm truyện ngắn lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp được hai tác giả nói trên điểm lại, không quên kèm theo đánh giá của mình. Bởi vì giờ đây, sau 15 năm nhìn lại, chúng ta có đủ bình tâm để nhìn nhận một cách khách quan, khoa học hơn đối với hiện tượng văn chương khá phức tạp này.

Trong 3 truyện lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp, các ý kiến tranh luận hầu như không đả động gì tới chuyện đầu tiên: Kiếm sắc. Hai tác giả tập trung vào Vàng lửa và Phẩm tiết, cố nhiên có kèm theo chủ kiến của mình. Dễ thấy có những dẫn giải thiếu cứ liệu xác đáng, như: Cả 3 truyện Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết đều mượn lịch sử ở thời kì Gia Long với các nhân vật lịch sử (Nguyễn Ánh, Nguyễn Huệ, Nguyễn Du, Ngô Thì Nhậm…), cũng như các nhân vật hư cấu được khoác cho cái áo lịch sử (Phăng, cố đạo Tây, Đặng Phú Lân, Vinh Hoa, Ngô Khải…).

Vàng Lửa - Một truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, ngay sau khi được đăng trên báo Văn Nghệ, truyện ngắn này đã gây ra một cuộc tranh luận gay gắt và lúc bấy giờ (năm 1988) có hai phái đó là phái khen và phái chê.

Phái khen thì cho rằng đây là một truyện hay, tác giả của nó xứng với sử gia Tư Mã Thiên, với đại văn hào Lỗ Tấn, là ngôi sao sáng trên bầu trời văn học Việt Nam đương đại... Vì đề cao thiếu cơ sở nên phái này có ý kiến gọi là phái “bốc thơm”. Sau khi Vàng Lửa ra đời, Tiến sỹ sử học Tạ Ngọc Liễn đã có bài phê bình truyện ngắn này.

Bài viết của Tạ Ngọc Liễn còn có nhiều nhận định sáng suốt như: “Cũng như Tướng về hưu, Kiếm sắc, kỹ thuật viết, sức khái quát, tính biểu tượng nhiều mặt của ngòi bút Nguyễn Huy Thiệp trong Vàng lửa khiến tôi có thể khẳng định: đây là một tài năng”. Hay như quan niệm sau: “Người sáng tác văn học, dù viết một đề tài lịch sử nghiêm túc nhất vẫn có quyền hư cấu, nghĩa là thêm thắt những cái được tưởng tượng ra, không có trong thực tế lịch sử. Với độc giả, việc nhà văn hư cấu chuyện này, chuyện nọ không quan trọng. Điều người đọc quan tâm chủ yếu là qua hình tượng, ngôn ngữ nghệ thuật, họ muốn biết nhà văn nói gì, giải quyết vấn đề gì, những cái đó có phản ánh đúng bản chất lịch sử không?…”. Đặc biệt, hai kết luận rút ra ở cuối bài viết ẩn chứa nhiều lý – tình:

“1. Viết lịch sử, không chỉ sử gia mà cả nhà văn cũng phải phục tùng sự thật, đúng bản chất lịch sử, không được làm cho diện mạo lịch sử méo mó đi.

 2. Chúng ta có quyền vạch ra và phê phán những nhược điểm của dân tộc, song không được xúc phạm tới danh dự dân tộc mình…”.

Tạ Ngọc Liễn không tán thành việc thêm thắt, xuyên tạc những “giá trị trường cửu” – điều không được các tác giả bài Tổng thuật tán thành: “Có cảm giác rằng Tạ Ngọc Liễn vẫn chưa thoát khỏi sự lầm lẫn giữa bản chất của môn sử học là một khoa học đòi hỏi sự chính xác với bản chất của môn sáng tác văn học với tư cách là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo, nhằm khơi gợi ở con người sự xúc cảm có tính thẩm mỹ”. Điều này hoàn toàn nhất quán với thái độ tán đồng của hai tác giả khi đưa ra ý kiến của Thủy Minh dẫn theo nhà phê bình sân khấu Hồ Ngọc: “Nhà văn có quyền được thể nghiệm, tìm tòi, khai phá những con đường mới mà xưa nay chưa ai đi, chưa ai làm. Chẳng hạn Nguyễn Huy Thiệp đã làm và đã viết về các danh nhân anh hùng trong lịch sử ở bình diện con người bình thường với mọi khía cạnh đời thường của các vị ấy”.

Theo Tiến sỹ Tạ Ngọc Liễn thì cái truyện ngắn này có cái nhìn méo mó, lệch lạc về lịch sử con người và ngay lập tức Tiến sỹ Tạ Ngọc Liễn bị phái “bốc thơm”  tiến công lại. Phái này cho rằng Vàng Lửa là truyện lịch sử thế sự chứ không phải là truyện lịch sử. Như vậy nhà văn có quyền hư cấu. Phái “bốc thơm” cho rằng: “Từ xưa ta chỉ quen nói cái hay của dân tộc,  nay cần nói cái dở”.

Còn phái chê thì coi truyện ngắn Vàng Lửa là một tác phẩm quá đuối về tầm văn hóa. Họ còn cho rằng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thực chất chỉ là “con đom đóm”. Con đom đóm này khá to đấy và đang lập lòe trong đêm, nhưng đã là đom đóm thì dù có to đến đâu thì cũng chỉ là sản phẩm của ao bèo.

Ngay lập tức lúc đó, Tiến sỹ khoa học Đỗ Văn Khang đã viết bài “Có một cách đọc Vàng lửa” đăng ở báo Văn Nghệ số 36- 37 ra ngày 03- 09- 1988. Trong đó có một đoạn kết có câu: “Có nên dựng một tên cướp nước để cho hắn dạy cho chúng ta về lịch sử Việt Nam không?” thật là “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”.

Theo TSKH Đỗ Văn Khang thì TS sử học Tạ Ngọc Liễn đã dẫn ra nhiều chi tiết thỏa đáng nhưng chính Tạ Ngọc Liễn đã có một sơ hở đó là đã coi “Vàng Lửa” là truyện lịch sử.  Đồng thời TSKH Đỗ Văn Khang cũng chỉ ra phái bốc thơm có hai cái lầm lớn.

Thứ nhất: Dù là viết “lịch sử thế sự”. Dù có đi vào cửa sau để quan sát “công trình phụ” của nhà mà người ta viết, nếu chủ nhà là một anh hùng, không thể biến chủ nhà thành một tiểu nhân. Đấy là nguyên tắc. Nói khác đi là xuyên tạc lịch sử. Chỗ này thì TS Tạ Ngọc Liễn đã đúng.

Thứ hai: Người viết truyện muốn cảnh tỉnh lịch sử thì chí ít nhân vật của anh ta cũng phải đứng cao hơn thời đại, với cái nhìn văn minh hơn văn hóa hơn mới đủ tầm nói chuyện với dân Việt. Hai cái lầm trên của phái “bốc thơm” đã làm chia rẽ những người định mượn Nguyễn Huy Thiệp để phủ định lịch sử.

Thực ra thì đối với người đọc, mỗi người có một cái “gu” thẩm mĩ riêng nên việc khen chê một tác phẩm cũng là chuyện bình thường, nhưng đấy là đối với người đọc còn đối với người nghiên cứu lý luận văn học thì hoàn toàn khác. Phải làm việc thật nghiêm túc, phải giỏi để nhận xét được cái hay cái dở chứ không thể nói như Trần Mạnh Hảo: “Thích thì tôi khen, không thích thì tôi chê”. Như thế là không ổn, phải chăng thích thì khen, không thích thì chê cho nên khi truyện ngắn Vàng lửa ra đời đã có hai phái: Phái khen và phái chê.

Ai đó đã từng nói “Làm nhà phê bình nó cũng giống như chúng ta nuôi chim bồ câu nhà vậy”, ngẫm kĩ cũng rất hay. Người ta thường nói thừa thóc mà nuôi gà rừng “Hay đại loại là chim bồ cu rừng”. Chim cu rừng có nuôi 10 năm thả ra là bay về rừng, còn chim bồ câu nhà thả ra là nó bay đi lại bay về. Người làm phê bình nói không khéo, bút sa là chết, nếu anh phê bình không khéo thì kết cục anh sẽ nhận lại đủ. Vậy một nhà văn viết ra một câu chuyện mà người ta phải quan tâm bàn ra bàn vào chia thành nhiều phái để nói về tác phẩm đó thì truyện ngắn đó cũng đáng để chúng ta bàn.

Lấy nhân vật làm trung tâm của việc tạo dựng kết cấu, trong truyện lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp, nhóm nhân vật hành động (tức là nhân vật tạo dựng cốt truyện) và điều kiện hoàn cảnh của hành động có mối quan hệ tương hỗ, gắn kết và bền chặt, song vai trò và chức năng của mỗi nhóm khá linh hoạt. Từ mỗi góc độ khác nhau, nhân vật hành động trong truyện hay điều kiện của hành động đó (có thể là do con người tác động) có thể tráo đổi, hoặc tạm thời đánh mất chức năng vốn có, hoặc bổ sung thêm chức năng mới.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh từng nói rằng: “Đối với một truyện ngắn hay thì thường phải có một cái kết thúc bất ngờ”. Vậy mà truyện ngắn “ Vàng lửa” nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã cho chúng ta ba đoạn kết.

Đoạn kết 1:

Đoàn tìm vàng còn sót lại ba người. Phăng bảo toàn nguyên vẹn số vàng đào được mang về. Vua Gia Long vui mừng vì đã tìm được mỏ vàng. Nhà vua cho khoanh vùng thung lũng Quạ và cho tiến hành khai thác mỏ. Phăng được cử trông coi việc này. Hai người châu Âu sót lại trong đoàn tìm vàng cũng được mời tham gia nhưng họ từ chối. Phăng trông coi việc khai thác mỏ vàng trong hai năm. Vua Gia Long rất tin cẩn y và thường ban cho y những bổng lộc hậu hĩnh. Một hôm, người ta đưa đến cho y món ăn quý do nhà vua ban: món chim hầm bát bảo nấu rất công phu. Phăng an xong thì thấy bụng đau cồn cào dữ dội, mắt trợn ngược, máu ộc ra đầy mồm miệng. Y chết ngay trên bàn ăn. Trong một quyển sổ ghi chép còn sót lại của y, người ta đọc thấy những dòng chữ sau:
“Tất cả những cố gắng của con người hướng về điều thiện đều là nhũng cô gắng đau đớn, nhọc lòng. Điều thiện hiếm như vàng và sau đó phải được vàng bảo đảm nữa mới có giá trị thực.
Chúng ta sống vô nghĩa, nghèo khó và đau khổ trong những lý thuyết chắp vá đầy ngụy biện; những môí bất hòa kỳ thị dân tộc và đẳng cấp; những kinh nghiệm sống của chúng ta mong manh và vụn vặt xiết bao. Đến bao giờ, hỏi đến bao giờ, trên mặt đất này xuất hiện tiến bộ?”.


Phân tích.

Như chúng ta đã biết, người xưa từng nói “ Làm bạn với vua như chơi với hổ”, xin trích dẫn một vài ví dụ cụ thể sau:

Thời Xuân Thu - Chiến Quốc: Khoảng năm 475 Tr.cn: Văn Chủng vì không nghe lời Phạm Lãi: “Vua Ngô có nói: Giống thỏ đã bị hết thì chó săn tất bị mổ, địch quốc đã diệt thì mưu thần cũng chẳng còn, ngài không nhớ sao? Vua Việt (tức Việt Vương Câu Tiễn) môi dài mỏ quạ là người nhẫn tâm mà ghét kẻ có công, cùng ở lúc hoạn nạn thì được, nếu ngài không đi tất có tai vạ”. Cuối cùng Văn Chủng đã bị chết thê thảm, tự kết thúc cuộc đời lừng lẫy bằng thanh kiếm “Trúc Lâu” oan nghiệt, còn Phạm Lãi thì trở thành một thương gia có tiếng... về sau này các hoàng đế Trung Hoa như Lưu Bang (256Tr.cn- 193Tr.cn), Tống Thái Tổ (927 - 976) cũng đã có chén rượu giải binh quyền nổi tiếng năm 960, hay Chu Nguyên Chương(1328- 1398) cũng đã từng giết hại rất nhiều công thần chỉ vì mục đích: “Thỏ chết thì chó săn cũng bị giết”. Ở Việt Nam, Nguyễn Trãi (1380 -1442) - một công thần nổi tiếng của nhà Hậu Lê nhưng cuối cùng đã phải nhận một kết cục bi thảm.

Đối với một nhà văn, nếu anh đã am hiểu sao lại để cho nhân vật của mình có một cái kết cục như vậy? xem ra đoạn kết này chưa thực sự thuyết phục được người đọc khó tính.

Không những thế, thông qua cuốn sổ ghi chép còn sót lại của Phăng trong đoạn kết này, đúng là Nguyễn Huy Thiệp đã vô tình lột trần bản chất của Phăng. Y đúng là một tên “Tây thực dân vô học, vô văn hóa, viết toàn những điều không có cơ sở” (Có một cách đọc Vàng Lửa- Đỗ Văn Khang). Cái kết là một câu hỏi, đúng ra sau khi Phăng đã chết, không có cuốn sổ ghi chép của y, thì đoạn kết còn đọc được, nhưng thêm vào thành ra thêm dở.

Đoạn kết 2:

Thoát khỏi biển lửa, đoàn tìm vàng sót lại một mình Phăng. Y mang số vàng tìm đến được dinh quan sở tại. Phăng đưa tấm thẻ tín bài có dấu triện của vua Gia Long xin được che chở. Quan huyện là một vị túc nho già, biết nghề thuốc. Phăng đã dưỡng bệnh ngay tại huyện lỵ hẻo lánh này. Con gái quan huyện là Vũ Thị còn trẻ nhưng góa chồng mang lòng yêu mến y. Sau khi Phăng về kinh đô, y được vua Gia Long ban thưởng hậu hĩnh. Nhà vua đã cho tiến hành khai thác mỏ vàng.
Lúc này ở châu Âu , nền Đế chế của Napôlêông Bonapac đã sụp đổ. Châu Âu chín chắn hơn. Họ đã bắt đầu hiểu vẻ đẹp và vinh quang một dân tộc không phải do cách mạng hoặc chiến tranh mang lại, cũng không phải do các nhà tư tưởng hoặc các Hoàng đế mang lại, bởi vậy họ sống đỡ căng thẳng hơn, giản dị hơn, hợp tự nhiên hơn. Phăng xin vua Gia Long mang theo Vũ Thị và một số vàng lớn hồi hương. Về Pháp, ông lập một ngân hàng và sống sung sướng đến già. Ông thường kể lại cho con cháu nghe về những kỷ niệm quá khứ, về những biến cố ở xứ An Nam xa xôi. Theo ông, thời kỳ ông ở An Nam mới là sự bắt đầu lịch sử của quốc gia người Việt, khi này biên giới phân định, chữ viết có gốc từ chữ La tinh phổ biến, người Việt dần thoát ra sự cầm tù đáng sợ của nền văn minh Trung Hoa, có những mối giao lưu chung với cộng đồng nhân loại.

Phân tích:

Phăng thoát khỏi biển lửa đúng là một kì tích, nhưng giữa lúc nguy nan và cấp bách như vậy mà y vẫn còn mang theo được số vàng đào được, vô tình cái bản chất của y đã hiện ra đúng là một tên thực dân tham lam vơ vét và tàn bạo. Y lại còn quyến rũ hơn cả con gái là nhà lành. Việc Phăng về nước, y mang theo một số vàng lớn cũng là chuyện bình thường, nhưng việc Phăng mang theo Vũ Thị, thích thì y cứ dẫn đi việc gì phải xin phép vua Gia Long. Nếu người con gái y dẫn đi mà là công chúa hoặc là người con gái hoàng tộc thì có lẽ theo nghi lễ ngày xưa y mới cần phải xin phép vua Gia Long. Đằng này Vũ Thị chỉ là một người bình thường. Lẽ ra Phăng nên xin phép cha của Vũ Thị thì đúng hơn.

Nếu kết thúc ở đoạn về Pháp, Phăng lập một ngân hàng lớn và sống sung sướng đến già thì đoạn kết này có thể xem đây là mộ kết thúc có hậu. Nhưng có lẽ nhà văn đã quá say sưa nên đã phạm một sai lầm đáng trách: “Theo ông, ông ở An Nam mới là sự bắt đầu thời kì lịch sử quốc gia người Việt...”.

Về điểm này thì đúng là nhiều người mà không học, không chịu khó tìm hiểu thì đúng là không biết lịch sử dân tộc. Đứng ở góc độ một nhà văn, lại mượn lời của một tên thực dân giảng giải về lịch sử dân tộc như vậy, thì đúng là đoạn kết này coi như là đồ bỏ đi. Đoạn kết mà không đạt trong một truyện ngắn thì cả câu chuyện không thể xem là hay được.

Đoạn kết 3:

Tất cả đoàn tìm vàng bị giết chết. Lính triều đình bao vây và tấn công họ chứ chẳng có thổ dân nào cả như trong hồi ký của người Bồ Đào Nha vô danh lầm tưởng. Người ta tìm được vàng giấu trong đồ đạc của những người châu Âu, nó lẫn trong quần áo và ở cả trong những sổ sách ghi chép. Vua Gia Long cho xung công và sau đó cử một người trong hoàng tộc đứng ra lo việc khai thác mỏ vàng. Cuối đời, vua Gia long sống trong cung cấm, tìm cách tránh mọi tiếp xúc với bên ngoài. Nhà vua rất ghét những ai nhắc lại mối quan hệ với người này, người nọ khi nhà vua còn hàn vi, dù đấy là người Việt, người Trung Hoa hay người châu Âu nào khác. Triều Nguyễn của vua Gia Long lập ra là một triều đại tệ hại. Chỉ xin lưu ý bạn đọc đây là triều đại để lại nhiều lăng.

Phân tích:

Cái chết của đoàn người đi tìm vàng nếu có thật thì cũng là chuyện bình thường nhưng nếu nghĩ lại cái kết như vậy không có gì hấp dẫn cuốn hút người đọc, nếu Nguyễn Huy Thiệp cứ để cái kết như vậy đi thì cũng có thể chấp nhận được. Tại sao nhà văn lại dám khẳng định triều Nguyễn của vua Gia Long lập ra lại là một triều đại tệ hại? Chỉ xin lưu ý bạn đọc đây là kì triều đại để lại nhiều lăng. Như chúng ta đã biết, triều Nguyễn (1802 - 1945) là triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam trải qua 143 năm tồn tại, triều Nguyễn với 13 vị vua ngự trị trên ngai vàng. Ở từng thời điểm khác nhau, do những biến cố của lịch sử, nước ta đã rơi vào tay của thực dân Pháp, bị biến thành thuộc địa của Pháp, đất nước đau thương, nhân dân đói khổ, nhưng không thể khẳng định triều Nguyễn do vua Gia Long lập ra là một triều đại tệ hại được.

Trong suốt tiến trình lịch sử dân tộc, để đánh giá về một triều đại hay một nhân vật nào đó thực không dễ dàng chút nào. Nếu cứ nghĩ thế nào thì viết như thế, theo cái cách của Nguyễn Huy Thiệp thì đúng là một điều rất nguy hiểm. Và chính cách viết của người cầm bút như vậy thì văn của anh như thế nhất định “cách đấy nó sẽ chóng tàn”. Đặc biệt là ở cuối đoạn kết nhà văn còn lưu ý với bạn đọc: Đây là triều đại để lại nhiều lăng. Thực ra thì để lại lăng hay cung điện, thành quách thì triều đại nào mà chẳng có. Và các lăng của triều đại nhà Nguyễn để lại đến nay có rất nhiều giá trị đối với lịch sử dân tộc, đấy cũng là một điều đáng ghi nhận.

Thực ra thì: “Điều đã qua đâu dễ nói lại - Cái đã biết đâu dễ trả lời”. Lịch sử là những cái gì đã trải qua, đã diễn ra trong thời gian không kể ngắn dài và nó là một môn khoa học. Triều Nguyễn thực sự đã có công hay có tội, đã đóng góp những gì cho lịch sử dân tộc đến nay cũng đã được ghi nhận.

Người Trung Quốc có câu ngạn ngữ rất hay: “Sư tử bắt thỏ cũng phải dùng hết sức”. Thực ra thì bắt thỏ đâu phải cần đến sư tử, cầy cáo bắt cũng được, mà sư tử lại phải dùng hết sức. Ý muốn nói là làm việc gì cũng cần phải hết sức, phải nghiêm túc. Đặc biệt là đối với người cầm bút, không được viết quá “nổ” và quá “ẩu”.

Nhìn chung, với truyện ngắn Vàng lửa và nhiều truyện ngắn khác mà chỉ trong một thời gian ngắn, nói như Nguyễn Đăng Mạnh: “Nguyễn Huy Thiệp, cái tên này nổi rất nhanh”. Qua các truyện ngắn, ta thấy Nguyễn Huy Thiệp có bút pháp khá đa dạng, nhiều biến hóa. Ông đã có đóng góp nhất định cho nền văn học Việt Nam hiện đại.

 

Tài liệu tham khảo:

1.Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Nxb Văn hóa thông tin, 2001.

2.Bình văn hiện đại- Đỗ Văn Khang, Nxb Lao Động 2010.

3. Giáo trình văn học Việt Nam hiện đại, tập II( từ sau cách mạng tháng 8- 1945), Nguyễn Văn Long chủ biên, Nxb Đại học Sư phạm.

4. Mưu lược giành chiến thắng. Đặng Xuân Xuyến, Nxb Văn hóa Thông tin 1997.

5. Lịch sử Việt Nam nguồn gốc đến năm 1884, GS Nguyễn Phan Quang- TS Võ Xuân Đàn, Nxb tổng hợp Tp HCM 2000.