Đời người như gió thoảng qua

Tg: Đ.H.Đ - Biên tập Kim Oanh Đào

17/04/2022 10:43

Theo dõi trên

Ngân là vợ Toàn là người đa đoan , đã nhiều lần Toàn góp ý nhưng cô ấy hầu như không chừa được. Người ta bảo giang sơn khó đổi bản tính khó rời, thấy thằng hàng xóm nói hỗn với ông nội nó Ngân be lên.

Ấy chết! sao cháu nói hỗn với ông nội cháu thế, thằng ôn tóc vàng sừng sộ - Ông ý là ông cô đấy à? Thối mồm!

Vợ chồng người ta mâu thuẫn, con dâu mẹ chồng người ta hục hặc chẳng ai mượn Ngân lăn vào khuyên giải bên nọ góp ý bên kia, chả được ích gì chỉ tổ người ta ghét. Lại đến chuyện thằng Tuấn chọc cặp với con bé đầu phố, con bé 24 tuổi,chồng bỏ thợ cắt tóc gội đầu dưới cổng chợ huyện, rủ nhau đi ngủ đi nghỉ, vợ ghen hắn chối bai bải, song nghe vợ lè nhè mãi tấn luôn cho một trận. Con vợ bù lu bù loa kể lể với Ngân rồi thậm thà thậm thụt, rủ nhau rình mò bắt quả tang anh ả, cũng sôi máu lên như bắt gặp chồng mình chim chuột. Rồi thì rỉ rả khuyên giải hai bên để vợ chồng nhà ấy làm lành với nhau, xong rồi thì tránh mặt, gặp Ngân cứ như người nào ấy.

Nếu không cái tội mua dây buộc mình, bôi mỡ cho kiến đốt ấy thì Ngân có thể coi là người đàn bà lý tưởng trong một chừng mực nào đó. Ngân đẹp, nhanh nhẹn, đảm đang thạc sĩ ngành luật là công chức, đồng thời là bà chủ một cửa hàng quần áo lớn nhất nhì thị trấn. Ngân kiếm được tiền và Ngân có tiền.

doi-nguoi-1650166882.jpg
Ảnh do tác giả lựa chọn

Nhà Nhẹn Thôi cách nhà Toàn quãng bốn năm trăm mét. Nhẹn bị ngọng bẩm sinh nên có biệt danh là Nhẹn ngọng. Vợ Nhẹn tên là Thôi, họ tên đầy đủ là Vũ Thị Ngọc Thôi.Tên độc, sản phẩm cộng hưởng của nạn mù chữ và thói làm ăn vô trách nhiệm. Nhạc phụ, nhạc mẫu của Nhẹn vốn ba đời mù chữ chính tông, đẻ năm đứa con trai mới được mụn con gái út, sướng đến phát cuồng, vui như mở cờ trong bụng,phải đặt tên cho con gái diệu cái tên thật đẹp, thật nhiều ý nghĩa.Hai ông bà không ai bảo ai thống nhất như thế, bàn đi tính lại nát nước nát cái mới thống nhất ý kiến quyết định đặt tên con là Ngọc. Ngọc là tiên đồng ngọc nữ, là trong ngọc trắng ngà . Hay!hay ông bố lòng vui phơi phới đi làm khai sinh cho con, nhưng có đến cửa quan mới biết, nó oai lâm lẫm liệt thế nào.

Trước sân vàng điện ngọc, mồm gang miệng thép bao nhiêu hào khí của ông lão nông dân lẩn đi đâu hết. Nào đã va chạm với quan xã bao giờ, mấy lần trước ông toàn nhờ thằng cậu làm khai sinh giúp, lần này vì đứa con gái yêu quý ông mới đích thân đi, thành thử lúng túng như gà mắc tóc,ngơ ngác như sẻ lạc rừng xanh, rón ra rón rén hỏi thăm ba bốn người mới tìm được chỗ cán bộ hộ tịch. May quá! Hoá ra cán bộ cũng dễ gần lại cũng vui tính nữa. Cán bộ vừa hỏi vừa viết,chữ xấu như mặt giặc,vừa tán gái như khứu bách thanh  

Hỏi: con thứ mấy đó ông?

Đáp: dạ sáu ạ.

Khiếp! Sáu phát rồi cơ à,nhiều quá đấy bố ạ. Rồi lại hỏi: Tên cháu đặt là gì?

Đáp: Dạ! …..Vũ Thị Ngọc…

Cán bộ viết Vũ Thị Ngọc rồi tán, rồi cười, rồi đứng lên vươn vai, lượn ra góc đằng kia phệt điếu thuốc lào nhả khói miên man mù mịt lim dim tận hưởng khoái cảm. Hết cơn mê mẩn mới quay lại, ngồi xuống ghế, gõ gõ cái bút lại hỏi tiếp Vũ Thị Ngọc, Ngọc gì nhể?

Đáp: Dạ…!Ngọc thôi ạ.

Cán bộ vừa nghe vừa múa bút nét rồng nét phượng thêm ngay chữ Thôi vào sau chữ Ngọc. Rồi gật gù đắc ý mủm mỉm cười phán: À!quyết tâm đấy hả? Được đấy về ăn ít khoai thôi nhé, không tối về lại nóng ruột .

Ông cụ bẽn la bẽn lẽn cười,giấy khai sinh mang về cất kĩ, bọc hai lần áo tơi giấu dưới bồ thóc cứ ung dung thản nhiên nghĩ con mình tên Ngọc. Mãi đến khi con bé đi học mới ngã bổ ngã ngửa con mình tên Thôi. Thế là vợ Nhẹn có hai tên, tên thường gọi là Ngọc, tên trên giấy tờ là Thôi, Ngọc Thôi không đẹp không xấu, ở cái trạng thái thuộc về số đông, phác thảo vài điểm nổi bật thì thấy thế này:mặt ngăm đen, tóc dài, da bóng bẩy, ánh mắt sắc và ướt,đi nhún nhảy như chim sẻ. Nhẹn to bắp khoẻ cơ, đường học chữ ngắn, nghề nghiệp tự do. Làm phu hồ, đi bốc vác, phá dỡ bê tông rồi chuyển sang làm xe ôm. Nhẹn ngọng nhưng thật thà, tốt tính, cái mặt cũng sáng sủa ra phết.

Phải tội có cái nốt ruồi đen sì bằng hạt đỗ tương ngay giữa trán nhìn trướng như con nhặng đậu giữa bát phở tái gầu ý. Nhà hoàn cảnh bố mẹ nghèo mất sớm. Ba mươi tuổi Nhẹn ngọng được làm chú rể. Thôi là tình đầu của anh, một tình đầu nhoáng nhoàng mà nên chuyện. Năm đấy Thôi hai tám tuổi đã bắt đầu nhạt phấn phai hương, hồng nhan bỏ bị. Hai tám ở quê gọi là gái già, hàng tồn kho mất chìa khoá. Hai tám tuổi đời Thôi đã có mười hai năm thâm niên ăn gió nằm sương,lăn lộn tình trường yêu rất tốn giai nhưng không có mối tình nào đi đến cái gọi là đám cưới. Mối tình nào cũng đứt quang gãy gánh giữa đường ngay sau khi đối tác đã no chè chán xôi. Đến nỗi cả làng bảo Thôi ế. Tuổi tác ấy lại đỏ ngực huân huy chương tình ái. Mà đàn ông con trai xứ mình lạ lắm nhá, không biết xứ khác có vậy không chứ xứ này chơi thì thích chơi, cái ngàn vàng của con nhà người ta thì mắt trước mắt sau muốn cướp. Nhưng lấy làm vợ đa phần cứ phải kén đứa ngoan ngoãn, dịu dàng, đoan trang thuỳ mỵ, nào có mấy bố thích lấy vợ dày dạn tình trường.

Ông chú họ dẫn Nhẹn xuống tán Thôi. Tối đầu tiên Thôi đi vắng, chỉ có mỗi ông lão điếc sau này là nhạc phụ đại nhân của Nhạn ở nhà.

 -Tôi dẫn thằng cháu nó xuống tìm hiểu con Thôi, nó đâu rồi?

Ngơ ngác

-Tôi hỏi là Cháu Thôi đâu rồi? Con Thôi đâu?

-Mua trâu há? Nói to lên, tôi điếc, ù ù cạc cạc chả nghe rõ gì sất

 ⁃ Dạ …. Chếu hỏi em Thui … Nhạn nói

 ⁃ À vui, vui lắm, có người đến chơi rất vui.

Cái đoạn đối thoại giữa một thanh niên ngọng với một ông già điếc nó đại loại như thế.

Tối hôm sau Nhẹn đến một mình thì gặp Thôi, vừa nhát vừa tự ti mình ngọng, Nhẹn chả biết nói chuyện gì, hỏi vu vơ vài câu, uống xong sáu chén nước,buồn tiểu tiện quá thì về.Ba bốn hôm nữa vẫn thế, ông chú hỏi tiến độ đến đâu thì Nhẹn gãi đầu gãi tai thật thà kể lại. Mày cứ ôm mẹ nó đi cho tao, ôm được là được, Nhẹn nghe mà đỏ bừng cả tai, nhưng lại thinh thích, nghĩ bụng sẽ làm như vậy. Tối hôm sau Nhẹn lại đến, ngồi đổng đến khuya rắp tâm ôm em mà không nghĩ ra cách gì. Mãi đến lúc về Thôi đưa Nhẹn ra cổng, Thôi đã quyết chọn Nhẹn là bến đỗ cuộc đời. Thôi biết Nhẹn đã say mình như say thuốc, Thôi biết Nhẹn nhát, Thôi biết cứ lần khân cù cưa mãi không khéo lại sôi hỏng bỏng trượt và Thôi biết làm cách nào để vừa lẳng lơ vừa chính chuyên. Thôi thừa kinh nghiệm tạo ra một cái bẫy để cả hai cùng sập, để mình vừa giữ được tiếng mà Nhạn giữ được thể diện đàn ông.Kinh nghiệm tình trường nó là ở chỗ ấy, hơn nhau nó là ở chỗ này.Hôm ấy trăng vừa đủ sáng, Thôi đi trước mở cổng, thế nào mà lại cộc đầu vào cánh cửa.

-Ôi ……Thôi khẽ kêu

-Sao Thêu, hông sao thư, Nhẹn lo lắng thật sự.

-Không sao, em hậu đậu quá, thả nào chẳng ai thèm yêu, Thôi nói tay day day trán, mắt thì long lanh chớp nháy. Nhẹn ngọng nhưng cũng thừa sức nhận ra.

 ⁃ Hông, hông sao à?

 ⁃ Vâng, không sao ạ.

 ⁃ Nần sau phải cẩn thận. Đấy là dịch từ tiếng ngọng líu của Nhạn. Tần ngần một tí, người về không về, người vào không vào. Tần ngần một tí, im lặng một tí rồi Nhẹn ôm bừa, một lúc chẳng thấy Thôi đẩy ra, cũng chẳng thấy Thôi kéo vào, Thôi cứ ngây ra như tượng gỗ. Nhẹn hoảng buông nàng ra lúng túng, Nhẹn lập bập định nói, nhưng Thôi không để cho Nhẹn nói, Thôi vít cổ Nhẹn, dùng đôi tay lão luyện của mình, đôi môi nàng khoá môi Nhẹn khoá lời ngọng nghịu lại. Có thầy hay tất có trò giỏi, Nhẹn ngỡ ngàng một chút rồi nhanh chóng nhập cuộc. Hết hiệp chính lại đến hiệp phụ, hết cơn này lại sang cơn nọ. Hai đôi cứ gọi là nhàu như táo tầu .Nhẹn khoẻ lại thấy cái trò này hay hay, lại lần đầu được yêu, lần đầu được ôm, nên cứ muốn làm nữa. Mãi sau, Thôi giục Nhẹn mới chịu về. Mấy hôm sau nữa lúc Nhẹn lớ xớ thám hiểm đến gò bồng đảo thì hai nhà bàn chuyện cưới.

Hôm Nhẹn và Thôi cưới nhau trời mưa to kỉ lục, mưa thối trời thâm đất suốt hai ngày ròng, nước mênh mang rợp ngợp. Thời gian rước dâu đã chậm gần ba tiếng đồng hồ, đợi đến lúc không thể đợi được nhà trai đành phải cử một đội cảm tử quân áp giải chú rể đi. Sáu cái xe máy chở một tá người, sóng cưỡi gió mà đi. Đi được hai phần ba đường thì 4 cái chết máy do nước vào bô, hai cái kia đi thêm được vài chục mét thì cũng im hơi lặng tiếng.

Hội ý đoàn, thực hiện phương án mới, gửi xe lại cả ba bốn cụ tuổi cao lại, còn lại thì lội bộ. Lính bộ đánh thuỷ của nhà trai áo mưa tùm hum đi đến cái cổng chào bằng tuýp nước, ở trên gắn tấm tôn viết ba chữ Xóm văn hoá. Loại sơn dùng để sơn cửa màu nâu đỏ,nét chữ run run vẹo vẹo. Đoạn đường vào xóm văn hoá nhà Thôi ngập băng chi hà, chỗ nào cũng thấy bèo lênh bênh trên mặt nước ngầu đục. Tụ lại dưới cổng xóm bàn bạc rồi quyết định: RÚT!

Nhẹn thất vọng quá, nhưng cũng không dám tiến, bực bội rủa thầm ông trời. Ôi! Thôi ơi là Thôi! Em có phải Mỵ nương đâu mà Thuỷ tinh phá đám.Nhẹn nghĩ chán rồi rụt dè phát biểu: - Để, để cháu bơi vào

-Không được, mày bơi vào còn vợ mày thì sao? Ông chú chặn ngay lại. Ờ nhỉ? Mặt Nhẹn đuỗn ra.

-Thôi thì coi như cho vợ mày ngủ trọ nhà vợ một đêm, mai ngày kia nước rút đến đón về chứ có mất gì đâu. Nhưng! Nhưng cái quái gì, trời mưa nước ngập thế này. Đúng lúc ấy ông trưởng xóm bơi cái thuyền tôn ra, trong thuyền có năm, sáu chú lợn con ủn à ủn ỉn.

A! Họ nhà giai! Đợi tí đợi tí tôi lùa bọn này đi gửi xong thì cho mượn thuyền. Quan viên họ nhà trai mừng quýnh lẹt đẹt nổ tràng pháo tay. Họ nhà trai đợi, đợi trong hi vọng, đợi trong niềm tin. Họ nhà gái lúc này cũng đợi, nhưng đợi trong sợ hãi. Ông bố vợ lẩm bẩm lầu bầu, bà mẹ vợ thở dài sườn sượt.

Nước ngập mấp mé bậc thềm và đang bì lên loang vào nhà. Loa đài, bàn ghế dồn đống một góc, áo mưa trùm tùm hum.Quan khách về vãn cả, còn lại có mấy người không thể, không nỡ bỏ về ngồi thu lu trên cái sập gụ mở miệng là than: Mưa to khiếp thật! Mưa to hơn cả cái năm nảo năm nào.

Cô dâu im lặng không nói gì nhưng lòng thì như cải héo muối dưa. Giờ đón dâu đã chậm mất bốn tiếng,mưa vẫn ù ù ầm ầm, không khí thật thê lương ảm đạm. Vừa lúc ấy thì tiếng trưởng xóm hô vang: Họ nhà giai đến! Tiếng hô của ông trưởng xóm như chùm pháo hoa sáng bừng chút giao thừa.

-Đến rồi! Đến rồi! À! Đấy tôi đã bảo mà cái món này là nó máu lắm, bão chết cò cũng đến! May quá! Đâu! Đâu rồi!

Mặt mũi các cụ giãn cả ra lao xao phán như thánh sống. Mẹ con cô dâu thở phào như trút được gánh nặng. Chỉ có ông bố vợ điếc chưa nghe thủng chuyện gì nhưng cũng lờ mờ biết được bèn theo mọi người ra cửa ngoái cổ nhìn, thì đúng lúc ông trưởng xóm chở chú rể cũng tới nơi, mũi thuyền đâm uỵch làm nước ùa vào trong nhà. Một cụ râu trắng gọi ông trưởng xóm. Tôi là tôi có ý kiến thế này, thôi không phải vòng ra vòng vào gì cho vất vả: Nhờ bác cho hai cháu nó ra luôn gọi là thuyền hoa vu quy ý mà, rồi nhờ bác nói với họ nhà trai là lễ nghĩa chúng tôi cho miễn. Phải! Phải đấy! Cụ dậy phải đấy! Thôi đâu! Con Thôi đi với chú rể đi. Các cụ gật đầu nhanh như chớp.

Thôi đẻ cho Nhẹn hai đứa con cách đứa con gái đầu lòng hai năm là thằng con trai. Ngày mới cưới nhau Thôi xin đi làm nhà máy gạch cách nhà ba cây số. Sau nhà máy làm ăn thua lỗ, lại bận con mọn, Thôi nghỉ việc, mở một cái quán bán nước chè, trà đá, bánh kẹo vài ba thứ lằng nhằng thu nhập đủ mua rau và mắm muối cho bữa ăn hàng ngày.

Cuộc sống tuy có hạn hẹp nhưng có bình lặng.

Từ ngày Nhẹn chuyển sang làm nghề xe ôm Ngân là khách quên của Nhẹn. Bất kể sáng trưa chiều tối lúc nào có hàng về hoặc cần giao hàng chỗ nọ chỗ kia, chỉ cần Ngân A lô là Nhẹn đi liền. Nhẹn lại khoẻ mạnh thật thà tin cậy được. Mà tính Ngân thì hay thương người nên công xá rất xông xênh. Không những thế Nhẹn khó khăn thiếu thốn gì Ngân cho mượn tiền, cần gạo Ngân cho vay gạo.Đồ da, dụng cụ, quần áo lỗi mốt Ngân gọi Nhẹn đến nếu thích thì mang về dùng. Không thích thì bán đồng nát, tình hàng phố thân thiện Nhẹn nể vợ chồng Ngân lắm, đặc biệt là Ngân chuyện nhỏ chuyện to hễ Ngân nói nhỏ là Nhẹn nghe lời.

Vậy mà hôm nay Ngân gọi sáu bẩy cuộc điện thoại không thấy Nhẹn trả lời. Đang trưa Ngân đành phải nhờ chồng phóng ra bến xe buýt để lấy hàng về. Đúng vào cái lúc Toàn cằn nhằn không được nghỉ trưa mà phải đi chở hàng làm Ngân cũng bực lây thì Nhẹn ngồi rũ như tàu lá héo bên thằng bách khoa bị đuổi.

Bách khoa bị đuổi là biệt hiệu của thằng Tuấn con chị Vững, vì cái khu ấy có ba thằng Tuấn bằng tuổi nhau đều là sinh viên đại học. Để phân biệt, đầu tiên là bọn trẻ gọi tên sau đó gắn thêm tên trường các cậu học vào sau tên Tuấn. Tuấn xây dựng con ông Toàn, Tuấn kinh tế con chú Hà, Tuấn Bách khoa con chị Vững. Hồi nhỏ thằng Tuấn bách khoa nổi tiếng thông minh học giỏi, đỗ đại học điểm cao chót vót. Thế rồi chỉ vì nghiện game mà học bê hành trễ bị đuổi. Bị đuổi thì về! Tuấn về nhà tiếp tục chơi game, mặc kệ sự đời. Giang hồ mới đổi tênTuấn bách khoa thành Tuấn bách khoa bị đuổi 😀.

Bách khoa bị đuổi vừa lập cho Nhẹn ngọng một tài khoản phây búc. Mày bảo chú. Chú búc chết mẹ chúng nó đi,Nhạn bảo. Bách khoa bị đuổi đáp: Chú yên tâm, cháu đảm bảo chúng nó sẽ bị ném đá tơi tả.

Để cháu, cháu quăng cái thư tuyệt tình của nó lên tường của cháu dân phây xờ búc nhổ vào mặt nó.

Thôi bỏ nhà đi với bồ, một thằng thợ xây quê tận đẩu tận đâu ở rể vùng này. Vợ nó đi Đài loan kiếm tiền rồi không về nữa, ở nhà nó đi kiếm tình.Anh chị gặp nhau vài lần ỡm ờ phát,

Xong!

Thế mà wi fi khả dụng là XOẮN LẤY NHAU!

Trời biết, đất biết, thiên hạ nhiều người biết, chỉ có Nhẹn là không biết. Thằng bồ rủ Thôi về quê nó tính chuyện ăn đời ở kiếp với nhau. Thôi cuỗm bốn triệu bẩy trăm sáu mươi tám ngàn tiền dành dụm tiết kiệm của Nhẹn theo giai. Lúc ra đi để lại bức thư tuyệt tình. Ngân được đọc bức thư năm chục chữ vàng ấy cuối buổi chiều,sau khi nghe Nhẹn líu lô vừa kể vừa chửi vừa hoen hoen nước mắt. Nét chữ nguệch ngoạc viết bằng bút bi trên trang giấy vở ô ly giật vội của học sinh tiểu học.

-Tôi không thể sống với anh thêm một ngày lào lữa, anh không cho tôi tới đích, tình yêu tôi dành cho anh đến đây là hết. Anh đã chết trong trái tim tôi, tôi đi anh ở nại nuôi con, lếu gặp ai êu anh cứ nấy. Ôi! Tiên sư con đĩ! Ngân sôi máu văng tục, chồng thì lăn lưng ra làm, vợ thì động cỡn theo giai. Điện toại nó tắt máy không gọi được, nó về anh đập nát xác ra, không còn tình thì còn nghĩa, còn hai đứa con ai nuôi chứ. Nhẹn than thở: Cô cho anh vay một triệu đóng học cho cháu. Nghe Nhẹn kể lại Ngân vừa bực vừa thương, Ngân vứt trả Nhẹn lá thư rồi móc ví đưa cho Nhẹn hai tờ năm trăm nghìn, lại đưa thêm tờ hai trăm nói: coi như hôm nay anh vẫn chở hàng cho em. Anh cầm lấy mua cái gì cho bọn trẻ con. Nhẹn định từ chối xong nghĩ thế nào lại nhét tờ giấy bạc vào túi. Mãi đến tối lúc cơm nước tắm gội xong xuôi vào phây gieo bão gặp gió, Ngân thấy lời mời kết bạn từ hotboy Đức Nhẹn. Phì cười  Ngân bấm nút chấp nhận rồi tò mò chui vào trang của hotboy Đức Nhẹn xem thế nào. Thằng bách khoa bị đuổi quả không hổ danh dân công nghệ thông tin.

Avata ảnh đại diện của Nhẹn làm Ngân suýt chết sặc vì cười. Nó là cái đầu của Nhẹn ngác ngơ với nụ cười của Nhẹn gắn lên thân hình của một anh tây lực lưỡng nào đó lông ngực xoăn tít, khắp mình xăm hoa trổ thú nào đó. Ản bìa trên cùng của Nhẹn bá đạo trên từng hạt gạo. Trong ảnh Nhẹn nằm gối đầu lên đùi một cô em da trắng mắt xanh mũi lõ, mặc bikini chân thì gác lên đùi một cô tây khác cũng chỉ độc hai mảnh trên người. Xa xa là biển xanh cát trắng nắng vàng vương vãi quanh đó là những vỏ chai rượu tây mà có lẽ ngoài đời Đức Nhẹn chưa bao giờ nhìn thấy chứ đừng nói đến ngửi mùi. Trái thái xờ ta tút mới thật sự xốc chềnh ềnh cái bứ thư của Thôi với quả tim máu rỏ tong tỏng.Ảnh đầu Thôi gắn vào mình chó, một lốc một lô ảnh Nhẹn ghép với các cô đủ mọi màu da sắc tộc, lời lẽ thì kinh khủng độc địa.

Bách khoa bị đuổi có quá nhiều bạn bè ăn không ngồi dồi trên fb. Hotboy Đức Nhẹn vừa lập xong đã có hai trăm bạn bè thi nhau chửi bới Ngọc Thôi. Toàn những bình luận tục tĩu cay độc, những nguyền rủa vẫn ngập tràn trên trang Đức Nhẹn những ngày sau đó chỉ khác bây giờ người thật việc thật. Ảnh Nhẹn áo may ô quần đùi ngồi giặt quần áo. Ảnh ba bố con Nhẹn ôm nhau ủ rũ giữa bàn ghế chiếu giường.

Thế rồi Thôi về, sau hai mươi ba ngày bèo mây trôi dạt, thuyền tình lại úp mặt bến sông xưa. Nhẹn chạy sang nhà Ngân báo tin nhân thể mượn tiền mua gà về làm cơm. Lúc ấy chiều ngập nắng vàng, Nhẹn mừng quá: cái Thôi nó về rồi

-Anh cho nó về à? Nó bảo sao?

-Nó xin lỗi, nó bảo, nó sai

-Thế là xong à?

Nhẹn cười gật gật đầu toe toét

-Đơn giản thế thôi à?

-Ừ, đằng nào nó cũng về rồi

Hôm ấy Nhẹn nghỉ một buổi chiều mổ gà làm cơm, gần tối chạy ra đường mua bánh xà phòng thơm tắm gội, tắt đèn đi ngủ sớm.

Cũng tối hôm ấy Ngân và Toàn to tiếng chỉ vì Ngân ấm ức hậm hực hết chửi lão Nhẹn ngu đến chửi Ngân lăng loàn,ăn tàn phá hoại. Hết bực bội cái gia quy của Nhẹn chả ra cái cứt gì, lại bực Thôi có tội lại nhởn nhơ ngoài vòng. Đúng là …….

chết vì cái ấy!

Toàn nghe Ngân nói mãi đâm cáu thành ra cãi nhau, nhưng đến đêm cũng làm lành cũng là nhờ cái ấy. Xong xuôi rồi Ngân vẫn thắc mắc không biết lão Nhẹn ngu hay lão vị tha cao thượng yêu vợ vậy, mà sao có cái loại đàn bà trơ trẽn như Thôi. Nghe vợ nói Toàn chẳng nói gì. Toàn ghì chặt thân thể ấm áp thơm tho của nàng trong vòng tay. Lúc Toàn mơ màng chìm vào giấc ngủ anh loáng thoáng  Ngân thủ thỉ: cứ tưởng lão ấy hận thù con Thôi, hoá ra lão ấy yêu vợ, lão ấy làm đủ trò để mong vợ lão quay về. Thấy Toàn không nói gì Ngân lay lay chồng: Anh!

Anh có yêu vợ bằng lão ấy không?Toàn ừ hữ không nói gì. Mà dại gì mà nói không, dại gì mà nói có.

Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Đời người như gió thoảng qua" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn