Đòn bẩy thúc đẩy tự giác tham gia BHXH tự nguyện.

(VH&PT) -Trong vòng gần 2 tháng (từ 5/2022 - 7/2022, ông Diêm Đăng Hợp 3 lần nộp đơn xin giải quyết chế độ BHXH một lần. Nhưng sau khi được người bạn phân tích, ông Hợp đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện để yên tâm khi về già.

Vì lợi ích lâu dài, cần tham gia BHXH

        Ông Diêm Đăng Hợp có hộ khẩu thường trú tại xã Trung Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Cách đây 10 năm trước, ông làm công nhân cho một doanh nghiệp nước ngoài và được đóng BHXH bắt buộc trong thời gian 9 năm 6 tháng. Sau đó, do đại dịch Covid-19, công ty của ông đã giải thể. Vì vậy ông đã mất đi công việc ổn định.

Ở tuổi ngoài 50, việc tìm được công việc mới tại các doanh nghiệp để được đóng tiếp BHXH bắt buộc với ông Hợp gần như là không thể. Vì vậy, sau khi hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, ông Hợp đã phải tính đến phương án rút BHXH một lần để có tiền chi tiêu, lo cho cuộc sống trước mắt.

Ông Hợp chia sẻ, sau khi nghỉ việc, rất nhiều đồng nghiệp cùng công ty, rồi bạn bè xung quanh khuyên rút BHXH một lần vì “chờ đợi thì biết đến bao giờ”. Vì cuộc sống cũng không mấy dư giả nên ông cũng bị lung lay và chỉ trong vòng gần 2 tháng (từ tháng 5/2022 - 7/2022), ông đã 3 lần nộp hồ sơ đề nghị thanh toán tiền BHXH.

cong-nhan-lao-dong-1706627353.jpg

Người lao động cần được tham gia BHXH để bảo đảm quyền lợi khi về già

Tuy nhiên, đặc điểm chung của cả 3 lần trên là ông Hợp đều nhận được cuộc gọi tư vấn, giải thích. Tuy nhiên ông Hợp cảm thấy trước mắt chờ không biết tới khi nào, và hiện cũng đang cần 1 khoản tiền nên vẫn quyết định rút bảo hiểm. Sau 3 lần, tới lần thứ 4, tránh phiền phức ông đã nhờ một người bạn thân làm ở BHXH địa phương giúp đỡ. Qua người bạn này phân tích cặn kẽ về cái lợi, cái hại của việc rút BHXH một lần, ông Hợp sau đó đã hồi tâm chuyển ý.

Sau khi quyết định không nhận BHXH một lần, ông Hợp đã tham gia BHXH tự nguyện cho đến khi đủ 10 năm, sau đó thu xếp tiền để đóng nốt 10 năm còn lại để đủ điều kiện nhận lương hưu. Đến tháng 3/2023, ông Hợp chính thức nhận những tháng lương hưu đầu tiên.

“Đã gần một năm trôi qua rồi, nhưng mỗi lần nhận lương hưu tôi vẫn cảm thấy xúc động. Tôi chưa từng nghĩ một lao động phổ thông như tôi lại có ngày được nhận lương hưu, có BHYT để khám chữa bệnh miễn phí. Nghĩ lại thời gian định rút BHXH một lần, tôi lại thấy may mắn vì sự nhiệt tình của mọi người và bạn thân tôi. Nếu không có sự tận tâm ấy, có lẽ giờ tôi đã tiêu hết tiền, tuổi già lại trở thành gánh nặng”, ông Hợp tâm sự.

 

Tham gia để có “của để dành”

Không có được điểm tựa gần 10 năm tham gia đóng BHXH bắt buộc như ông Hợp, nhưng chị Nguyễn Thị Bình (Đồng Quan, Đông Lỗ, Hiệp Hòa, Bắc Giang) đã chủ động tham gia BHXH tự nguyện với mức thu nhập làm căn cứ đóng 2,5 triệu đồng/tháng.

Chị Bình chia sẻ  trước khi biết đến chính sách BHXH tự nguyện, chị nghĩ việc có lương hưu chỉ dành cho những lao động chính thức của doanh nghiệp lớn, cho cán bộ công nhân viên chức. Sau khi hiểu rõ về lưới an sinh của Nhà nước, chị nhanh chóng đồng ý tham gia.

“Tôi tham gia trước hết vì nhà không có nhiều ruộng đất, chỉ làm nghề tự do, con cái sẽ có cuộc sống riêng, nghĩ đến tuổi già thì tích lũy ngay từ khi còn khỏe để có của để dành là điều cần thiết. Chưa kể là yên tâm về sức khỏe vì có BHYT khám chữa bệnh miễn phí. Rõ ràng là lợi trước mắt, lợi cả lâu dài”, chị Hương nói.

kham-chua-benh-2-1706628026.jpg

Người lao động khi tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng nhiều lợi ích, bao gồm BHYT

Đáng chú ý, không chỉ tự mình tham gia, chị Bình còn tích cực tham gia tuyên truyền, lan tỏa chính sách BHXH tự nguyện đến hàng xóm, người thân, bạn bè. Với tư cách là “người thật, việc thật”, những chia sẻ của chị có tính thuyết phục rất cao đối với người nghe. Đặc biệt, chị cũng rủ chồng cùng tham gia.

 

Có thể thấy, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chính sách BHXH tự nguyện đang ngày càng được lan tỏa, làm thay đổi nhận thức của người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang về chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Những năm gần đây, ngày càng có nhiều người tham gia BHXH tự nguyện ở Bắc Giang được nhận lương hưu, đảm bảo cuộc sống khi về già, giảm gánh nặng cho con cháu.