Vào những năm đầu thế kỷ XX, dưới ách thống trị của Thực dân Pháp và phong kiến Nam triều, nhân dân ta phải chịu cảnh áp bức bóc lột lầm than. Ở làng Nhân Thọ tổng Yên Hồ, nay thuộc xã Đức Nhân huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh có điền chủ Nguyễn Trọng Chí từng làm Chánh tổng Yên Hồ là người có tiếng là giàu có trong vùng. Người mà ông đặt niềm tin nối nghiệp mình sau này là cậu con trai cả Nguyễn Trọng Nhã.
Nguyễn Trọng Nhã sinh năm 1908, có tư chất thông minh học giỏi, tính tình cương nghị nhưng lại sống hoà đồng với mọi người. Sau khi học xong lớp cuối trường tỉnh, ông Chí gửi Nguyễn Trọng Nhã vào Huế học trường Quốc học rồi lại chuyển sang học tiếp ở trường Kỹ nghệ thực hành. Hàng ngày sống và học tập với bạn với thầy lại được tiếp xúc với công nhân thợ thuyền lao khổ chốn kinh kỳ nên Nguyễn Trọng Nhã sớm giác ngộ lý tưởng rồi bí mật tham gia hoạt động cách mạng. Từ những năm 1927 đến 1929, Nguyễn Trọng Nhã là một trong những thành viên của Tổ chức Đông Dương Cộng sản liên đoàn hoạt động theo địa bàn liên tỉnh Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Nha Trang Khánh Hoà... Đầu năm 1930, Nguyễn Trọng Nhã được Đông Dương Cộng sản liên đoàn cử đi dự Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930) và được giao trọng trách Ủy viên Trung ương Đảng. Sau đó dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Trần Phú, cuộc họp Ban Chấp hành đã bầu Đồng chí Nguyễn Trọng Nhã là Thường vụ Trung ương Đảng phụ trách Ban Công vận Trung ương.
Thời kỳ này, phong trào đấu tranh chống sưu cao thuế nặng, đòi tăng lương giảm giờ làm của công nhân và người lao động ở khắp nơi đều dấy lên mạnh mẽ. Nhiều cuộc đình công, biểu tình liên tục nổ ra, nổi bật là các cuộc đấu tranh của công nhân thợ thuyền Nhà máy xe lửa Dĩ An (Biên Hoà), Nhà máy đèn Sài Gòn-Chợ Lớn, Nhà máy xe lửa Trường Thi, Nhà máy diêm Bến Thủy...
Thông qua phong trào đấu tranh của công nhân, Ban Công vận Trung ương đã xây dựng thêm một số cơ sở cách mạng ở các nhà máy, bến cảng và tàu biển theo tuyến Sài Gòn-Đà Nẵng-Hải Phòng...
Tại hội nghị toàn thể Trung ương Đảng lần thứ hai họp ở căn nhà số 236 đường Ri sô (Richaut) có các đồng chí Trần Phú, Nguyễn Phong Sắc, Lê Mao, Trần Văn Lan... đã thống nhất phân công đồng chí Nguyễn Trọng Nhã phụ trách công tác thông tin liên lạc để trực tiếp chỉ đạo hoạt động mạnh mẽ ở tuyến này. Công việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng bí mật đang có chiều hướng thuận lợi thì một số cán bộ chủ chốt của Đảng như Nguyễn Phong Sắc, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Trọng Nhã... bị địch bắt.
Trong bức điện của Sở Liêm phóng từ Sài Gòn gửi Toàn quyền Đông Dương ghi rõ: “ Hồi 21 giờ ngày 17 tháng 4 năm 1931, Sở Liêm phóng khám xét căn nhà số 66 đường Sam pa nhơ đã bắt được 3 nam giới và một phụ nữ... Lúc này, hồ sơ của đồng chí Nguyễn Trọng Nhã mang tên Nguyễn Trọng Nhật (tên người con trai cả) với giấy tờ tuỳ thân duy nhất là cuốn học bạ số 43 và Bản chứng chỉ hành nghề do trường Kỹ nghệ thực hành Huế cấp.
Cũng trong thời gian này, đồng chí Trần Phú-Tổng Bí thư bị bắt. Sau nhiều lần tra tấn hỏi cung không có kết quả, chúng đưa Trần Phú về biệt giam ở Khám lớn Sài Gòn chờ ngày xét xử. Tại đây Trần Phú gặp lại những đồng chí trung kiên của Đảng lại là bè bạn đồng hương Xứ Nghệ, trong đó có Nguyễn Trọng Nhã. Tuy bị đánh đập tra tấn dã man làm gãy xương cánh tay nhưng Nguyễn Trọng Nhã vẫn cắn răng chịu đựng, không khai dù một lời có hại cho Cách mạng rồi nhận bản án 5 năm đày ra Côn Đảo. Giữa năm 1937 mãn hạn tù, chúng đưa Nguyễn Trọng Nhã về quản thúc tại quê nhà. Sống ở vùng nông thôn, cách xa huyện lỵ Đức Thọ và Thị xã Vinh từ 10 đến 25 cây số nhưng đồng chí Nguyễn Trọng Nhã vẫn bí mật tìm mọi cách bắt liên lạc với cơ sở cách mạng của Đảng. Ông còn tranh thủ thời gian viết nhiều bài cho các cơ quan báo chí đang hoạt động hợp pháp như báo “Tiếng Dân”-(Huế) do Huỳnh Thúc Kháng làm Chủ bút, báo “Tin tức “ (Hà Nội).
Mãn hạn thời gian quản thúc, năm 1939 theo chỉ thị của cấp trên, Nguyễn Trọng Nhã bí mật rời quê hương sang Cộng hoà Pháp, vào làm thợ trong một nhà máy cơ khí quân dụng. Nơi đất khách quê người, đồng chí Nguyễn Trọng Nhã vẫn tìm cách liên lạc với bà con Việt kiều và tham gia nhiều hoạt động tuyên truyền chống chủ nghĩa thực dân đế quốc, đòi quyền sống, quyền tự do cho các dân tộc bị áp bức. Cuối năm 1941, Nguyễn Trọng Nhã trở về nước làm việc tại Mặt trận Việt Minh vùng Trung bộ. Trong khí thế sôi nổi và khẩn trương của cuộc đấu tranh bước vào giai đoạn quyết định là Cao trào Cách mạng tháng Tám năm 1945 tại Hà Tĩnh, đồng chí Nguyễn Trọng Nhã được giao trọng trách trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại hai huyện phía nam Hà Tĩnh là Kỳ Anh và Cẩm Xuyên, sau đó lại đảm nhận chức vụ Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến lâm thời huyện Kỳ Anh.
Ngày 6 tháng 1 năm 1946, cuộc Tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu diễn ra trong cả nước, đồng chí Nguyễn Trọng Nhã đã trúng cử Đại biểu Quốc hội Khoá I - cơ quan quyền lực cao nhất đầu tiên dưới chính thể Việt Nam dân chủ cộng hoà. Đồng chí đã lần lượt giữ các chức vụ: Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội và Chính phủ tại Trung Bộ, Phụ trách Nha Thanh tra chính trị hành chính. Từ năm 1947 đến 1950 làm Chánh Văn phòng Ủy ban HCKC Liên khu IV, sau đó lại ra Hà Nội phụ trách Cơ quan in ấn và phát hành giấy bạc Quốc gia.
Do tình trạng sức khoẻ giảm sút, năm 1953, đồng chí Nguyễn Trọng Nhã được Đảng và Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi đưa sang Liên Xô chữa bệnh phục hồi sức khỏe nhưng vì căn bệnh hiểm nghèo, ông đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 18 tháng 1 năm 1956 tại một bệnh viện ở Mátcova. Vĩnh biệt trần thế khi mới vào tuổi 49 - cái tuổi của độ chín về tài năng và sự cống hiến, là một tổn thất lớn đối với Đảng, nhà nước và gia đình. Đất nước ta vừa qua cuộc kháng chiến chống Pháp, Liên bang Cộng hoà XHCN Xô Viết cũng đang tập trung khôi phục phát triển kinh tế thời hậu chiến nhưng với tình cảm đồng chí anh em, phù hợp với đạo lý truyền thống “Lá rụng về cội “ của dân tộc Việt Nam, thể theo nguyện vọng của gia đình, hài cốt Đồng chí Nguyễn Trọng Nhã đã được di chuyển về an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch-Hà Nội.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian khổ và mất mát vì lý tưởng cao đẹp, bên cạnh bạn bè đồng chí trung kiên, Nguyễn Trọng Nhã có một chỗ dựa tin cậy, đó là bà Bùi Thị Lương- Người vợ hiền thục, quê ở xã Quỳnh Tiến huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An. Đảng viên Tân Việt cách mạng Đảng, một trong ba tổ chức hợp thành Đảng Cộng sản Việt Nam, hoạt động ở vùng Nghệ Tĩnh, Quy Nhơn, Nha Trang... bị giam cầm gần 3 năm mới được tha.
Sau khi chồng mất, bà nén thương đau tiếp tục làm việc trong cơ quan nhà nước vừa nuôi dạy 6 người con là Hồng Nhật, Hồng Mỹ, Hồng Thu, Hồng Thanh, Hồng Việt, Hồng Thuý khôn lớn trưởng thành. Bà Bùi thị Lương đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng III và truy tặng Huân chương Độc Lập hạng III.
Do đồng chí Nguyễn Trọng Nhã có những công lao đặc biệt đóng góp vào sự nghiệp cách mạng, nhất là trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, ngày 19 tháng 12 năm 2005, Chủ tịch nước Cộng hoà XHCN Việt Nam đã ký Quyết định số 1496/CTN truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Đồng chí. Phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước dành cho người con ưu tú của quê hương Nhân Thọ-Đức Nhân đã được Cấp ủy, Chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương cùng gia đình, bà con họ hàng thân thích đã tổ chức lễ đón nhận một cách trọng thể với niềm thương tiếc và xúc động. Việc làm nghĩa tình đó không chỉ ghi nhận sự cống hiến lớn lao của Đồng chí Nguyễn Trọng Nhã-người chiến sỹ cách mạng kiên trung mà còn là niềm tự hào của mỗi cán bộ Đảng viên và nhân dân xã Đức Nhân.
***
Kể từ ngày Đồng chí Nguyễn Trọng Nhã trút hơi thở cuối cùng trên quê hương Cách mạng tháng 10 Nga đến nay đã qua hơn nửa vòng thế kỷ. Hơn năm mươi năm hoà mình trong trào lưu cách mạng từ cuộc kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, noi gương các bậc tiền bối, các thế hệ người dân Đức Nhân đã không ngừng học tập và rèn luyện, làm việc và cống hiến. Trong tiến trình xây dựng quê hương, nhất là gần ba mươi năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đức Nhân đã giành được nhiều thành tựu đáng phấn khởi. Cả xã không còn hộ đói, hộ nghèo giảm hẳn. Những túp lều tranh xiêu vẹo dột nát thuở nào, bây giờ đã được thay thế bằng những căn nhà xây hồng tươi mái ngói. Hệ thống kênh mương nội đồng cho đến đường làng ngõ xóm đều được bê tông hoá. Các cơ sở phúc lợi công cộng như: trường học, trạm y tế, hội quán xây dựng khang trang. Công trình Đài tưởng niệm ghi danh 121 người con ưu tú đã quên mình vì nước và 2 Bà mẹ VNAH đã được xây dựng từ năm 1997. Mọi mặt trong đời sống kinh tế và xã hội ở Đức Nhân đã và đang tiếp tục đổi thay, làm giàu thêm trang sử truyền thống của quê hương. Và trong sự đổi thay đó, Đảng bộ và nhân dân xã Đức Nhân, bằng tấm lòng và hành động sẽ có những công trình văn hoá mang ý nghĩa như các di tích thể hiện nghĩa cử tri ân mang tên những người con ưu tú của quê hương, lưu giữ giá trị truyền thống cho hôm nay và cả mai sau.